Cách đây 70 năm, ngày 24/1/1946, tức là năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và thi hành án dân sự (THADS), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đến ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây chính là các văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của các cơ quan THADS; quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án, là tổ chức tiền thân của THADS.
Trãi qua các giai đoạn lịch sử của đất nước với biết bao thăng trầm và biến động, THADS Việt Nam đã từng bước vượt qua những khó khăn, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với ngành THADS tỉnh, sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước cùng với sự kiện sáp nhập 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thành tỉnh Minh Hải thì việc xây dựng, phát triển tổ chức và hoạt động của Ngàh Tư pháp nói chung, trong đó có THADS tỉnh cũng được quan tâm hơn.
Trên cơ sở Hiến pháp 1992, ngày 21/4/1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh THADS, đánh dấu bước ngoạt quan trọng trong cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở nước ta. Theo đó, công tác THADS giai đoạn năm 1993 - 2003 đã thu được những kết quả nhất định, song công tác thi hành án đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn và còn nhiều việc phải giải quyết kịp thời. Trước tình hình đó, ngày 14/01/2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh THADS năm 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về trình tự thủ tục, hoạt động THADS, trong đó có cả đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan THADS. Trên cơ sở của Pháp lệnh này, ngày 11/4/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP. Theo đó, hệ thống tổ chức thi hành án có sự thay đổi căn bản về tên gọi và vị thế. Các cơ quan THADS cấp tỉnh, cấp huyện, từ chổ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp trở thành cơ quan tương đối độc lập. THADS cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí, nghiệp vụ và chịu sự quản lý, chỉ đạo của UBND cùng cấp về mặt nhà nước. Đội ngũ cán bộ THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động của các cơ quan thi hành án được tăng cường. Nhờ đó, công tác THADS ngày càng có sự chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước.
Ngày 01/01/1997, THADS tỉnh được thành lập cùng với ngày tỉnh Bạc Liêu được tái lập. Đến nay, sau 19 năm Cục THADS đã từng bước phát triển không ngừng cả về quy mô, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức; những thành tựu nổi bật về kết quả THADS ngày càng tăng, việc THADS chuyển kỳ sau ngày càng giảm; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân.
Cụ thể từ ngày 01/01/1997 đến hết năm 2015 tổng số phải thi hành là 70.211 việc, với số tiền phải thi hành trên 1.321 tỷ đồng, trong đó: số cũ chuyển qua là 1.652 việc, với số tiền là 13.311.596.000 đồng; số thụ lý mới là 68.559 việc, với số tiền trên 1.307 tỷ đồng; đã giải quyết được 66.952 việc, với số tiền thi hành là trên 1.075 tỷ đồng, làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng về việc và tiền. Đặc biệt năm 2013 đã giải quyết 6.946 việc, đạt 90%; với số tiền giải quyết trên 149 tỷ đồng, đạt 79%; đã làm giảm tồn với trên 280 việc. Năm 2014, tổng số việc phải thi hành án là 10.635 việc, với số tiền trên 334 tỷ đồng; đã thi hành xong 7.533 việc, đạt tỷ lệ 90,30%, với số tiền trên 160 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,06%, làm giảm 34 việc. Năm 2015, tổng số việc đã thụ lý là 11.192 việc, với số tiền trên 407 tỷ đồng; đã thi hành xong 7.933 việc, đạt tỷ lệ 89,72%, với số tiền trên 162 tỷ đồng, đạt 78,31%. Đáng chú ý là nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, tạo niềm tin cho nhân dân, khẳng định vị thế của Ngành THADS đối với các ngành khác, tạo đà cho công tác thi hành án những năm tiếp theo.
Có được những thành tích nêu trên là do, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành, các đơn vị hữu quan trong tỉnh. Đặc biệt là sự cống hiến đầy trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy của các thế hệ công chức, người lao động trong các cơ THADS trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của ngành THADS cũng được quan tâm đào tạo, củng cố, kiện toàn. Cụ thể thời điểm chia tách tỉnh (năm 1997), toàn ngành chỉ mới có 9 Chấp hành viên trên tổng số 23 biên chế, trong đó có 1 đồng chí có bằng đại học và một số đồng chí có bằng Trung cấp pháp lý. Đến nay, số lượng công chức toàn ngành là 105 công chức, trong đó có 1 Chấp hành viên cao cấp, 6 Chấp hành viên trung cấp, 34 Chấp hành viên sơ cấp, 7 Thẩm tra viên, 22 Thư ký và các chức danh khác. Về chuyên môn nghiệp vụ 100% công chức có trình độ đại học; về trình độ chính trị có 12 công chức có trình độ cao cấp, 19 công chức có trình độ trung cấp. Cơ sở vật chất các cơ quan Thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện được đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo các điều kiện cho hoạt động.
Có thể khẳng định, qua 19 năm xây dựng và trưởng thành, là thời gian không dài đối với quá trình trưởng thành và phát triển của ngành, nhưng với nhiều cố gắng của tất cả cán bộ, công chức đến nay ngành THADS tỉnh đã cơ bản đảm bảo các công việc do Đảng và Nhà nước giao, năm sau cao hơn năm trước. Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng và các danh hiệu cao quý. Chỉ tính riêng từ năm 2010 trở lại đây, ngành Thi hành án dân sự có 1 tập thể và 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 2 tập thể và 3 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 15 lượt tập thể và 34 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng khác.
Theo Nguyễn Hữu Bằng - Cục phó Cục THADS tỉnh Bạc Liêu