Sáng ngày 29/7/2019, tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí: Đặng Văn Huy - Bí Thư Chi Bộ, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cao Bằng, các đồng chí Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng chuyên môn cùng toàn thể công chức, người lao động thuộc Cục.
Đồng chí Nông Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục THADS đã triển khai toàn văn Luật PCTN năm 2018 đến toàn thể công chức, người lao động thuộc Cục:
Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019 gồm 10 chương 96 điều, thay thế Luật PCTN số 55/2005/QH11; Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13.
Sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xử lý tham nhũng còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. Việc sửa đổi Luật PCTN năm 2018 đã khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012). So với quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 có nhiều nội dung mới, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 4 của Luật PCTN năm 2018 quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Ngoài ra, Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, so với Luật PCTN năm 2005 thì Luật PCTN năm 2018 đã có điều chỉnh thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Kết luận Hội nghị đồng chí Đặng Văn Huy, Cục trưởng Cục THADS tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018 đến toàn thể công chức, người lao động, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, người lao động, qua đó, góp phần đấu tranh ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Để việc tổ chức triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả trong các cơ quan THADS trên địa bàn toàn tỉnh. Giao cho Phòng Tổ chức cán bộ Cục THADS tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đến toàn thể công chức, người lao động Chi cục THADS các huyện, thành phố theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thi hành tại Cục và các Chi cục THADS.
Như Trang - Phòng Tổ chức cán bộ.