Sign In

Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2019

22/04/2019

Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2019
Sáng ngày 19/4/2019, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 công tác thi hành án dân sự (THADS) bằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại 63 điểm cầu địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Tư pháp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng và đồng chí Mai Lương Khôi - Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự. Tham dự điểm cầu Trung ương còn có các đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Lực và lãnh đạo, Thẩm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp, Thẩm tra viên chính, Chuyên viên chính các đơn vị thuộc Tổng cục. Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy -  Phó Tổng cục trưởng tham dự tại điểm cầu Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang.
 
Về đại biểu khách mời có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Nguyễn Kim Sáu - Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện Cục C10, C11 Bộ Công an, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp.  
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe trình bày tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của Tổng cục THADS. Theo đó, trong 06 tháng đầu năm (từ ngày 01/10/2018 đến ngày 31/3/2019), các mặt công tác của hệ thống THADS đã được triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện và đạt một số kết quả nổi bật. Kết quả thi hành về việc: tổng số thụ lý là 660.281 việc, tăng 25.083 việc (3,94%) so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số phải thi hành là 654.939 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 457.824 việc (69,90%); số chưa có điều kiện thi hành là 197.115 việc (30,1%). Kết quả: Thi hành xong 243.028 việc (tăng 1.258 việc), đạt tỉ lệ 53,08% (tăng 0,47% so với cùng kỳ năm 2018). Kết quả thi hành về tiền: tổng số thụ lý là 197.044 tỷ 172 triệu 170 nghìn đồng, tăng 34.091 tỷ 576 triệu 404 nghìn đồng (20,92%) so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số phải thi hành là 190.529 tỷ 873 triệu 610 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 110.886 tỷ 289 triệu 664 nghìn đồng (58,19%); số chưa có điều kiện thi hành là 79.643 tỷ 583 triệu 946 nghìn đồng (41,81%). Kết quả: Thi hành xong 18.445 tỷ 231 triệu 363 nghìn đồng (tăng 6.372 tỷ 623 triệu 510 nghìn đồng), đạt tỷ lệ 16,63% (tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2018).
Trong phần thảo luận, một số đại biểu thuộc các cơ quan thi hành án dân sự địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, An Giang, Kon Tum, Chi cục THADS huyện Kim Thành, tỉnh hải Dương) đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án dân đối các vụ việc có giá trị phải thi hành án lớn nhưng giá trị tài sản bảo đảm không đủ để thi hành hoặc tài sản bảo đảm có tính đặc thù rất khó để bán đấu giá tài sản; đối với các vụ việc không có điều kiện thi hành, các vụ việc cơ quan thi hành án dân sự đã xử lý xong tài sản nhưng do Luật thi  hành án dân sự do không có quy định về trả đơn nên hiện các vụ việc thuộc loại này vẫn đang được thống kê vào số chưa có điều kiện thi hành do đó đã dẫn đến tình trạng phân loại tiền có điều kiện thấp, số chưa có điều kiện cao.
Chia sẻ với các khó khăn của các cơ quan thi hành án dân sự đại diện Thanh tra và Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp cũng đánh giá cao kết quả của toàn Hệ thống thi hành án dân sự mặc dù đang tiếp tục phải tổ chức thi hành số lượng vụ việc lớn, tính chất ngày càng phức tạp trong khi biên chế vẫn tiếp tục bị cắt giảm theo chủ trương của Đảng nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều nỗ lực để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
 
 
Đánh giá chung công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2019, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhận định mặc dù kết quả công tác thi hành án dân sự vẫn cơ bản giữ vững nhịp độ theo kế hoạch, công tác xây dựng văn bản thể chế đang được khẩn trương triển khai thực hiện (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP), công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được quan tâm. Tuy nhiên, để đảm bảo toàn hệ thống hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 Thứ trưởng cũng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự cần sát sao, nắm bắt đầy đủ từng vụ việc cụ thể, tránh tư tưởng ‘khoán trắng” cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án; trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cần tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, ngăn chặn kịp thời các sai phạm phát sinh; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt các kế hoạch cưỡng chế …
   
Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Nguyễn Kim Sáu - Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các đại biểu thuộc hai đơn vị Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cơ bản đồng tình và đánh giá cao những kết quả toàn Hệ thống thi hành án dân sự đã đạt được cũng như những giải pháp dự kiến sẽ được triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019. Ngoài ra đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng chia sẻ một số thông tin cũng như giải pháp mà Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu triển khai trong thời gian tới có tác động đến công tác thi hành án dân sự để toàn Hệ thống thi hành án dân sự chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong công tác phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ghi nhận những nỗ lực mà toàn Hệ thống thi hành án dân sự đã đạt được thể hiện ở kết quả thi hành xong về việc, tiền tăng hơn cùng kỳ năm 2018. Bộ trưởng khẳng định công tác thi hành án dân sự ngày càng được các cơ quan Đảng ở Trung ương quan tâm; Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn một số hạn chế như kết quả thi hành án vẫn đang ở mức độ vừa phải, chưa có sự đột phá; số lượng đơn thư, khiếu nại tố cáo vẫn đang ở mức cao, một số vụ việc đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến; công chức bị xử lý kỷ luật vẫn còn nhiều. Bộ trưởng yêu cầu toàn Hệ thống đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các vụ việc thi hành liên quan đến án kinh tế, tham nhũng được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo xử lý; tăng cường công tác kiểm tra phân loại án tại các địa phương, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự; trong công tác tổ chức cán bộ cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, năng lực và các điều kiện cần thiết khác để kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy. Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, Hệ thống THADS cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý việc, vụ án tham nhũng; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần chủ động bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự khi tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp.
Bộ trưởng cũng mong muốn Tòa án nhân dân tối cao sớm chỉ đạo đối với các vụ việc án tuyên không rõ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm nếu có trong công tác thi hành án dân sự.
 
 
Thay mặt toàn Hệ thống thi hành án dân sự, đồng chí Mai Lương Khôi – Tổng cục trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, các ý kiến phát biểu, chia sẻ của đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đại biểu dự hội nghị. Đồng chí Tổng cục trưởng hứa sẽ cũng với tập thể Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo toàn Hệ thống thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn".

Các tin đã đưa ngày: