Hôm nay, kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành Thi hành án dân sự (19/7/1946 -19/7/2019), tự hào về chặng đường đã qua, nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Toàn hệ thống sẽ làm gì để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao? Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi.
-Có thể nói chưa bao giờ hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự lớn mạnh trên mọi phương diện như hiện nay. Ông nghĩ sao về điều này?
Thời gian qua, Hệ thống THADS đã cho thấy sự lớn mạnh cả về chất và về lượng, từng bước thể hiện một mô hình tổ chức phù hợp, phản ánh được vị trí, vai trò và phát huy hiệu quả hoạt động THADS góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Từ những thiết chế ban đầu là Ban Tư pháp xã và Thừa phát lại được quy định tại Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sắc lệnh số 130/SL ngày 19/7/1946 của Quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng để thi hành mệnh lệnh, quyết định của Thẩm phán, cho đến nay, Hệ thống THADS đã được thiết lập, kiện toàn một cách tập trung, thống nhất từ trung ương tới địa phương theo hệ thống dọc. Theo đó, Hệ thống THADS có 01 cơ quan quản lý THADS ở trung ương là Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương tại cấp tỉnh và cấp huyện; toàn Hệ thống có các biên chế được cơ cấu vào các chức danh và ngạch công chức, đảm bảo phân định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh, ngạch công chức. Bên cạnh đó, các cơ quan THADS cũng đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, công cụ hỗ trợ và công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành. Đến nay, toàn Hệ thống THADS đã cơ bản được đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác THADS, nên mặc dù trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số lượng án phải tổ chức thi hành về việc và về tiền liên tục tăng cao qua các năm, song Hệ thống THADS đã không ngừng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.Đặc biệt, kết quả thi hành xong về việc và về tiền của các cơ quan THADS những năm qua cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao, có xu hướng bền vững qua các năm (điển hình như, năm 2016, thi hành xong trên 530 nghìn việc và trên 29 nghìn tỷ đồng; năm 2017 thi hành xong trên 549 nghìn việc và trên 35 nghìn tỷ đồng; năm 2018, thi hành xong trên 570 nghìn việc và trên 34 nghìn tỷ đồng). Những kết quả THADS nêu trên không những góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ những quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực, giải phóng các nguồn lực “đóng băng” trong tranh chấp cho nền kinh tế, thu hồi tài sản của nhà nước, nhân dân bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
-Trưởng thành vượt bậc tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, lượng án phải thi hành ngày càng tăng, nhiều vụ án lớn, khó khăn, phức tạp trong khi biên chế vẫn liên tục bị cắt giảm. Toàn hệ thống sẽ phải giải quyết vấn đề này ra sao thưa ông?
Những năm gần đây, số lượng về việc và giá trị về tiền mà các cơ quan THADS phải thụ lý, tổ chức thi hành có xu hướng tăng cao, đặc biệt, tính chất của các vụ việc cũng ngày càng phức tạp, nhất là việc thi hành đối với các khoản thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc thi hành để thu hồi các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Trong khi đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, số lượng công chức trong Hệ thống THADS liên tục cắt giảm (trung bình giảm 200 biên chế/năm). Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với Hệ thống THADS.
Để giải quyết vấn đề này, Hệ thống THADS xác định tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế; phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi; đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên, góp phần duy trì, củng cố tính nghiêm minh của pháp luật với mục tiêu cuối cùng là “công lý phải được thực thi”. Để làm được điều này, Hệ thống THADS đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó:
Một là, tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động THADS, thi hành án hành chính (THAHC); tiếp tục bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp nhằm chỉ đạo kịp thời, thống nhất việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, từng bước đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay, trong đó tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc trọng điểm, phức tạp, những vụ án liên quan đến tham nhũng, tín dụng, ngân hàng, những địa bàn có lượng án lớn. Có giải pháp cụ thể, hữu hiệu thu hẹp dần lượng án tồn đọng hằng năm, chú trọng nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, hành chính được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 111/2015/QH13.
Ba là, tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, người lao động THADS trong sạch, vững mạnh, toàn diện về mọi mặt. Thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp, phân công rõ ràng đối với đội ngũ công chức, người lao động theo hướng chuyên môn hóa, bảo đảm gắn chặt trách nhiệm đối với mỗi vị trí việc làm. Thực hiện tốt 05 chuẩn mực đạo đức người cán bộ Tư pháp và các chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên trong đội ngũ công chức, người lao động hệ thống THADS.Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ vi phạm, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ công chức, người lao động THADS.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS, THAHC, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện các hệ thống phần mềm quản lý phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Hệ thống; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, bảo đảm minh bạch hóa công tác THADS, THAHC, đồng thời nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường công tác tiếp công dân, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm công tác THADS được triển khai thực hiện kịp thời, thông suốt, hiệu quả; trong đó, chú trọng tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở, hạn chế phát sinh các khiếu nại, tố cáo vượt cấp làm phức tạp tình hình, kéo dài thời gian thi hành án.
Sáu là, tăng cường phối hợp với các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương,đồng thời huy động tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác THADS, THAHC.
Bên cạnh đó, Hệ thống THADS tiếp tục tập trung tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan để công tác THADS, THAHC ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện làm việc, nhất là việc xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan THADS tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho công chức, người lao động, cũng như đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.
-Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống, ông có điều gì nhắn gửi đến các Chấp hành viên, công chức và người lao động đang công tác trong toàn hệ thống?
Trong niềm tự hào về Ngày truyền thống 73 năm xây dựng và trưởng thành THADS, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục, tôi chân thành biết ơn về những cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ Chấp hành viên, công chức và người lao động trong Hệ thống.
Với những khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới, để tiếp tục đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, mỗi Chấp hành viên, công chức và người lao động trong Hệ thống THADS cần nhận thức được yêu cầu, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung, tiếp tục không ngừng tu dưỡng, thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, cũng như chuẩn mực đạo đức chấp hành viên; phấn đấu nâng cao trình độ hướng tới xây dựng đội ngũ công chức, người lao động của Hệ thống THADS trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp Kỷ niệm này, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục, tôi cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí và toàn thể các đồng chí thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên, công chức, người lao động trong toàn Hệ thống; chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
-Trân trọng cám ơn ông!
Nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”