Sign In

MỘT SỐ LƯU Ý KHI ÁP DỤNG ĐIỀU 74 LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VỀ XÁC ĐỊNH, PHÂN CHIA, XỬ LÝ TÀI SẢN CHUNG ĐỂ THI HÀNH ÁN

07/01/2016

Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 và Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực ngày 01/9/2015, một số Chấp hành viên còn lúng túng trong áp dụng trong thực tiễn như về thông báo cho chủ hữu chung, về thỏa thuận phân chia và về việc phân chia của Chấp hành viên...

Do đó, hôm nay chúng tôi xin trao đổi, lưu ý một số vấn đề về áp dụng quy định đối với việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và về kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác theo Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định chung của pháp luật thi hành án dân sự, trong trường hợp phải áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp kê biên và phát mại tài sản để lấy tiền thi hành án thì công việc xác định phần quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án là hết sức quan trọng. Do đó, tại khoản 1 Điều 74 quy định trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Với quy định như trên cho thấy trong trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên không thể kê biên và phát mại tài sản để lấy tiền thi hành án được. Trong trường hợp này Chấp hành viên phải làm các công việc sau:
Bước một:
Trước hết, Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ lựa chọn một trong hai phương án:
- Tự thỏa thuận phân chia tài sản chung
- Hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi tài sản thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung thì Chấp hành viên xử lý như sau:
+  Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.
+ Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Sau khi thực hiện việc kê biên, trong quá trình bán đấu giá tài sản, Chấp hành viên cần chú ý đến việc ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung của chủ sở hữu chung. Tức là trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 Luật THADS.
Bước hai:
Nếu hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật THADS hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án.
(Xin lưu ý là khi xử lý tài sản, Chấp hành viên vẫn phải thực hiện theo thủ tục nêu trên).
Với trường hợp này, pháp luật không cho phép Chấp hành viên tự phân chia và tự xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, mà Chấp hành viên phải yêu cầu Tòa án xác định.
Ngoài quy định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo Điều 74 Luật Thi hành án dân sự. Tại điểm c khoản 2 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định chi tiết về xác định, phân chia, xử lý tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Nghị định 62/2015/NĐ-CP có quy định cụ thể cho hai dạng sở hữu, sử dụng như sau:
- Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Để thực hiện tốt điều này đòi hỏi Chấp hành viên phải am hiểu thêm về nguyên tắc phân chia tài sản của vợ, chồng trong trường hợp chia tài sản chung theo Luật Hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại Điều 38 và Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì về nguyên tắt tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: về hoàn cảnh của gia đình của vợ, chồng; về công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung... Về cách phân chia, tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
- Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Để thực hiện tốt điều này đòi hỏi Chấp hành viên phải xác định được số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án để xử lý theo quy định chung.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Với quy định này, nếu trong trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên và cũng không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung thì pháp luật không cho phép người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự như trong trường hợp xác định, phân chia, xử lý tài sản chung theo Điều 74 Luật THADS (tài sản không phải sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và cũng không phải quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình). Mà khi đó, Chấp hành viên được tiến hành kê biên, xử lý tài sản ngay. Tất nhiên việc kê biên, xử lý tài sản vẫn phải theo quy định chung của Điều 74 Luật THADS.
Qua nội dung trình bày trên cho thấy pháp luật quy định về trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung rất chặt chẽ. Trong đó có quy định về trình tự, thủ tục cụ thể cho ba trường hợp:
1. Trường hợp tài sản thuộc khối tài sản chung
2. Trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng
3. Trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình
Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, khi gặp trường hợp nào thì Chấp hành viên vận dụng, áp dụng các quy định cho trường hợp đó.
Thí dụ như: Khi gặp trường hợp (có căn cứ) tài sản là thuộc quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên phải xác định đối tượng phải thi hành án và phải xác định cho được số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sử dụng (tức là tại thời điểm quyền sử dụng đất do Nhà nước công nhận hay do nhận chuyển quyền sử dụng đất). Trên cơ sở đó Chấp hành viên xác định phần sử dụng đất của người phải thi hành án.
Được biết hiện nay chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về cách tính cụ thể để xác định phần sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc quyền quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật  hiện hành có ghi: “…Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình…”. Do đó, theo chúng tôi trong trường hợp này, Chấp hành viên xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trên cơ sở số lượng thành viên của hộ gia đình và không phân biệt độ tuổi, giới tính, vị trí của họ trong gia đình là phù hợp.
Sau khi xác định xong, nếu qua 30 ngày mà thành viên hộ gia đình không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án mà không phải thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu hoặc Chấp hành viên không phải yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình theo thủ tục tố tụng dân sự như ở trường hợp (1) nêu trên.
Điều cần quan tâm khi áp dụng quy định trong trường hợp này đó là pháp luật không cho phép người được thi hành án được thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án.
Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu Chấp hành viên có khách quan khi xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án hay không; trong trường hợp nếu có cơ sở cho rằng Chấp hành viên không khách quan trong việc xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì người được thi hành án sẽ được làm gì, họ được quyền khiếu nại đối với hành vi Chấp hành viên hay không? Theo chúng tôi, trong trường hợp này người được thi hành án vẫn có quyền khiếu nại đối với hành vi Chấp hành viên theo quy định tại Điều 160 Luật THADS về quyền khiếu nại về thi hành án, khi đó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Như vậy, việc xem xét, đánh giá Chấp hành viên có khách quan khi xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án hay không thuộc về Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Mặc khác, cơ quan Viện kiểm sát nhân dân cũng có thẩm quyền kháng nghị đối với hành vi của Chấp hành viên khi phát hiện có tiêu cực trong xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án.
Qua phân tích trên, chúng ta thấy rằng, tuy pháp luật có quy định rõ ràng hơn trước đây về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án. Tuy nhiên đây là vấn đề mới và có nhiều thay đổi so với trước nên đòi hỏi Chấp hành viên cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi áp dụng.
Mặc khác, để tạo thuận lợi cho Chấp hành viên tổ chức thi hành án khi gặp phải những trường hợp trên, chúng tôi đề nghị Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan quản lý đất đai và chính quyền địa phương để giúp Chấp hành viên áp dụng đúng quy định của pháp luật, nhất là trong việc xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng hay tài sản nào thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi xung quanh vấn đề áp dụng Điều 74 Luật THADS trong thực tế, rất mong các đồng nghiệp trao đổi, góp ý./.

Tác giả ảnh: Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự - Cục THADS Đồng Tháp

Các tin đã đưa ngày: