Sign In

Xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên theo gương Bác

19/03/2018

Xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên theo gương Bác
Phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng, đạo đức, mục đích sống của Người, vừa cao cả vừa thiết thực, thể hiện trên mọi lĩnh vực sống và làm việc của Người, là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Phong cách làm việc của Người với những đặc điểm quan trọng như: Phong cách dân chủ, quyết đoán, sâu sát, khéo dùng người, trọng dụng người tài, cách mạng, khoa học, năng động và sáng tạo. Đó là những bài học quý báu đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là khi Đảng, Nhà nước đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, vì thế Người rất quan tâm đến việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có xây dựng phong cách làm việc. Để xây dựng phong cách làm việc theo gương Bác, người cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
            Thứ nhất là, Phong cách dân chủ, quần chúng. Phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta” và “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần làm việc, cống hiến, mà còn làm cho tổ chức, cơ quan thêm gắn bó. Phong cách dân chủ theo Người là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, vô tổ chức; yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.
Gắn bó mật thiết với phong cách dân chủ là phong cách quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc quần chúng, gần gũi, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”, thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó làm việc gì cũng thành công.
            Thứ hai là, Phong cách khoa học. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng; làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực, phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất, cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc, không ôm đồm, làm quá nhiều việc. Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”.
            Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn - đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.
            Thứ ba là, Phong cách nêu gương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn tất cả các cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Người cũng cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm, địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ.
            Trong các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nêu gương về tinh thần phục vụ Nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm phục vụ Nhân dân từ một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ra mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân.
            Phong cách, tác phong công tác trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân của Người. Học tập và làm theo phong cách của Người là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy dân chủ, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, gần gũi, thân thiết với Nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; gắn bó với cơ sở, với thực tiễn; nói phải đi đôi với làm; phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, của Nhân dân; có phong cách làm việc khoa học, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng Đảng, đoàn thể, chính quyền thật sự trong sạch vững mạnh, góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
 
                                                                                                                                 Minh Tấn
                                                                                                                     Văn phòng Cục THADS
 

Các tin đã đưa ngày: