Ngay từ đầu năm 2019, Cục THADS tỉnh đã xây dựng Kế hoạch công tác năm 2019, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm tập trung tổ chức thi hành các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, bởi lẽ, giá trị thi hành các loại vụ việc này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số giá trị phải thi hành. Do đó, ngay từ đầu năm Lãnh đạo Cục giao cho Phòng chuyên môn thường xuyên nắm bắt, cập nhật kết quả thi hành các vụ việc nói chung, đặc biệt quan tâm, lưu ý đến tình hình kết quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Lãnh đạo Cục nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, từ đó đã chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thành phố chỉ đạo, yêu cầu các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành đối với từng vụ việc, trong đó tập trung các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các Chấp hành viên thực hiện kế hoạch tổ chức thi hành siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong các cơ quan THADS, nhất là trong việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu, báo cáo thống kê thi hành án đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định...
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, cho thấy: một số lãnh đạo đơn vị thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm sát sao, chưa có biện pháp chỉ đạo thực sự quyết liệt, toàn diện đối với công tác xử lý nợ xấu; tinh thần trách nhiệm của một số Chấp hành viên chưa cao trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cần thiết để thi hành dứt điểm những bản án, quyết định có điều kiện giải quyết; có trường hợp năng lực còn hạn chế, tổ chức thi hành án chậm. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng có hiện tượng đề nghị định giá tài sản lại nhiều lần, không tích cực tham gia xử lý dứt điểm tài sản vì không muốn bán tài sản với giá quá thấp sẽ ảnh hưởng đến giá trị khoản tiền bảo đảm của Ngân hang; trong quá trình tiến hành thủ tục thế chấp, cho vay, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng, ngân hàng không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc, giá trị tài sản; nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, nhận thế chấp cả tài sản nằm trong quy hoạch; không làm tốt khâu thẩm định giá để cho vay nên cho vay cao hơn giá trị thực của tài sản... Hơn nữa, trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án, đặc biệt với loại việc công nhận hòa giải thành, tình trạng ranh giới, mốc giới bất động sản không chính xác, các công trình trên đất không phù hợp như lúc ký kết hợp đồng, dẫn đến giai đoạn thi hành án, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác thi hành án dân sự nhưng chưa chú trọng khâu phối hợp tích cực, chủ động với cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị hữu quan để tháo gỡ vướng mắc. Có trường hợp Ngân hàng chỉ nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, có trường hợp nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không hoặc nằm trong quy hoạch, hợp đồng thế chấp tài sản không chặt chẽ; giá trị tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực tế của tài sản; tài sản thế chấp là động sản nhưng khi xác minh thì tài sản không còn hoặc còn nhưng không đúng thực trạng ban đầu theo hồ sơ thế chấp nên rất khó xác định chủ sở hữu; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới nên khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh đo vẽ thì có sự chồng lấn quyền sử dụng đất của người phải thi hành án với người khác. Do đó, đến giai đoạn thi hành án, khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị rơi vào diện tích đất giải toả đền bù; việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn chưa cao; mặc dù việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh), nhưng do đương sự cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, chống đối quyết liệt, nhất là trường hợp xử lý tài sản bảo lãnh phải tổ chức cưỡng chế nên kéo dài thời gian. Tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án khá phổ biến, đòi hỏi cơ quan thi hành án dân sự mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh, giải quyết. Trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường người phải thi hành án đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách (như không nhận quyết định thi hành án, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án...). Tình trạng quá tải công việc của cơ quan thi hành án ngày càng nhiều, quá tải về số lượng vụ việc phải thi hành án nhưng biên chế không tăng mà lại giảm…Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019. Theo báo cáo kết quả công tác THADS 8 tháng đầu năm 2019, các cơ quan THADS tỉnh Hải Dương thi hành về việc đạt 72,12% (đạt 98,79% chỉ tiêu cả năm), về giá trị mới đạt 17,45% (đạt 52,8% chỉ tiêu cả năm). Số việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải giải quyết là 112 việc, tương ứng số tiền là: 532.429.790.000 đồng (chiếm 1,25% về việc và 51,66% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả: đã giải quyết được 9 việc thu được số tiền là 34.520.859.0000 đồng, đạt tỷ lệ 8% về việc và 6,4% về tiền.
Chỉ còn chưa đầy 04 tháng nữa là hết năm báo cáo 2019, thời gian không còn dài, đòi hỏi Thủ trưởng các đơn vị, Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thành phố phải tập trung chỉ đạo các Chấp hành viên quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục tại các Hội nghị giao ban, như việc chỉ đạo các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch, lập phương án giải quyết cho từng vụ việc cụ thể, xác định các bước tiến hành, tiến độ, thời gian hoàn thành các công việc, Thủ trưởng đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng vụ việc cụ thể, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ.
Hy vọng, với sự nỗ lực cố gắng của Lãnh đạo, Chấp hành viên và công chức, người lao động của các cơ quan THADS trong tỉnh, tập trung mọi nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ, công tác thi hành án dân sự của tỉnh Hải Dương sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2019./.
Lan Anh- Văn phòng Cục THADS tỉnh