Sign In

Những quy định mới của pháp luật và những vấn đề cần lưu ý trong việc xác minh điều kiện thi hành án

17/06/2016

Hiện nay, vấn đề xác minh điều kiện thi hành án đã được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định 62/NĐ-CP).
Về cơ sở pháp lý, trước đây, xác minh điều kiện thi hành án dân sự được quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, được sửa đổi tại Khoản 3 Điều 1, Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP; Điều 4 Thông tư liên tịch số 14/2010/BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự. Qua đó cho thấy những quy định về xác minh điều kiện thi hành án tuy đã khá chi tiết và tạo cơ sở pháp lý cần thiết để Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, qua thời gian 05 năm thực hiện, tổng kết quá trình tổ chức thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy những quy định về xác minh điều kiện thi hành án đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc không chỉ từ phía cơ quan thi hành án mà cả phía đương sự tham gia trong quá trình thi hành án. Chính vì vậy, quy định tại Điều 44 về xác minh điều kiện thi hành án đã được sửa đổi, bổ sung và là một trong những điều luật được thay đổi khá toàn diện so với quy định trước đó, đồng thời vấn đề này được hướng dẫn và quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
1. Trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án
Với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung thì trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan thi hành án, mà cụ thể là Chấp hành viên hoặc thư ký thi hành án khi được Chấp hành viên giao nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Và trong trường hợp này, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh như quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Tuy nhiên, người được thi hành án hoàn toàn có quyền tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án, theo đó, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
Như vậy, việc quy định về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án là một điểm mới căn bản của Luật sửa đổi, bổ sung, có thể khẳng định trách nhiệm thực hiện việc xác minh thuộc về cơ quan thi hành án và chủ thể thực hiện nhiệm vụ này không ai khác chính là Chấp hành viên.
Trong quá trình tiến hành xác minh, Chấp hành viên cần lưu ý vấn đề sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chỉ quy định Chấp hành viên “phải tiến hành việc xác minh” nhưng không quy định rõ Chấp hành viên khi đi xác minh phải làm gì, có trách nhiệm như thế nào, trong các trường hợp lựa chọn hình thức xác minh trực tiếp hay bằng văn bản thì cần phải làm gì...Chính vì những vướng mắc khó khăn như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung đã “bóc tách” quy định về trách nhiệm của Chấp hành viên khi tiến hành xác minh tại Khoản 4 Điều 44 như sau:
“4. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:
a) Xuất trình thẻ Chấp hành viên;
b) Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;
c) Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;
d) Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án;
đ) Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết”.
Như vậy, Chấp hành viên lưu ý khi thực hiện nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án cần phải mang theo thẻ Chấp hành viên và trước khi tiến hành xác minh phải xuất trình thẻ Chấp hành viên. Đây là quy định cần thiết để Chấp hành viên thực hiện quyền của mình, tạo nên một phong cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng cho người cung cấp thông tin.
Trong đa số trường hợp thì Chấp hành viên đều phải xác minh trực tiếp. Việc xác minh trực tiếp đòi hỏi Chấp hành viên phải xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế, thu nhập của người phải thi hành án, không chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Xác minh trực tiếp, cụ thể là vô cùng quan trọng bởi lẽ Chấp hành viên sẽ khó mà quyết định được việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào hoặc sẽ kê biên tài sản nào nếu tài sản được xác minh thuộc sở hữu riêng hay sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, tài sản là động sản hay tài sản là bất động sản của người phải thi hành án hoặc khi đã kê biên tài sản chung của người phải thi hành án Chấp hành viên sẽ kê biên toàn bộ hay chỉ kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án.
Ví dụ: Bản án tuyên A phải trả nợ cho B số tiền 500 triệu đồng. B yêu cầu thi hành án. Chi cục THADS huyện C đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của B. Qua xác minh tại UBND xã, Chấp hành viên được biết A không có tài sản nào khác ngoài nhà và đất thuộc sở hữu chung của A và D (D là vợ của A). Trong trường hợp này, để tiến hành kê biên tài sản là nhà và đất thuộc sở hữu chung của vợ chồng A, D thì Chấp hành viên không thể chỉ căn cứ vào xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã là ngôi nhà đó có diện tích bao nhiêu, thuộc số ô, số thửa thế nào, người đứng tên sở hữu, sử dụng là ai mà Chấp hành viên còn phải nắm rõ ngôi nhà trên thửa đất đó có phân chia được không, mặt tiền là bao nhiêu mét, nếu phân chia thì có làm ảnh hưởng đến giá trị sử dụng của nó hay không để Chấp hành viên quyết định sẽ kê biên toàn bộ hay chỉ kê biên phần tài sản đủ để đảm bảo thi hành án của A. Như vậy, muốn có quyết định chính xác, đòi hỏi Chấp hành viên phải xác minh trực tiếp, cụ thể hiện trạng tài sản đó.
Trong trường hợp yêu cầu xác minh bằng văn bản thì Chấp hành viên lưu ý văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác, hướng tới mục đích cần xác minh, tránh trường hợp văn bản yêu cầu xác minh không rõ ràng, dẫn đến kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền trả lời không đạt được mục đích như Chấp hành viên mong muốn. Ví dụ như muốn xác minh tài sản là quyền sử dụng đất là tài sản có đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dùng đất thì Chấp hành viên có thể làm văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của địa phương nơi có tài sản cung cấp thông tin, nhưng nếu văn bản yêu cầu chỉ nêu đề nghị cung cấp thông tin chung chung hoặc đề nghị cung cấp thông tin tài sản đó có phải do đương sự Nguyễn Văn A đứng tên chủ sử dụng không mà không đề nghị cung cấp thông tin cụ thể khác thì chắc chắn văn bản trả lời sẽ không đáp ứng được yêu cầu, mà Chấp hành viên cần lưu ý yêu cầu xác minh tài sản có nguồn gốc như thế nào, có cầm cố, thế chấp gì tại thời điểm xác minh không và nêu rõ các thông tin khác phục vụ cho việc tổ chức thi hành án tiếp theo của Chấp hành viên.
Thông thường, Chấp hành viên xác minh tài sản của người phải thi hành án là cá nhân thì việc xác minh tài sản tại gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã, thông qua người thân, thông qua các cơ quan có thẩm quyền đăng ký khi người phải thi hành án có tài sản thuộc diện phải đăng ký... Tuy nhiên, trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên xác minh như thế nào cũng là một trong những vấn đề mà nhiều Chấp hành viên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định trong trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên cần trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Để đảm bảo có thông tin hữu ích, trong những trường hợp này, Chấp hành viên cần yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Chấp hành viên cũng cần lưu ý là trong nhóm chủ thể người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phổ biến nhất là doanh nghiệp. Đối với loại chủ thể là doanh nghiệp này thì cần xác minh về vốn và tài sản của doanh nghiệp, bao gồm: cấu trúc vốn, thủ tục và điều kiện góp vốn, chuyển nhượng vốn, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp, điều kiện và thủ tục huy động vốn, chế độ trách nhiệm, tài sản của doanh nghiệp...Từ việc xác minh được tài sản của doanh nghiệp đang hiện hữu có thể sử dụng, định đoạt như thế nào, trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp đến đâu để Chấp hành viên có định hướng xử lý tài sản của doanh nghiệp đảm bảo thi hành án.
Ngoài ra, chính việc quy định trách nhiệm xác minh thuộc về Chấp hành viên nên Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi Điều 73 Luật Thi hành án dân sự về quy định Ngân sách nhà nước chi trả chi phí xác minh điều kiện thi hành án nói chung, không phân biệt chi phí xác minh trong trường hợp chủ động thi hành án hay theo yêu cầu thi hành án. Theo đó, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh khi yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh như quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
2. Về thời điểm, thời hạn tiến hành xác minh
- Về thời điểm xác minh thi hành án:
Trước đây, theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì thời điểm tiến hành xác minh theo quy định trên là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Quy định mới về thời điểm tiến hành xác minh như trên đã khắc phục được bất cập trong quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Khoản 1 Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung đã có sự thay đổi về thời điểm xác minh, đó là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh. Như vậy, thời điểm tiến hành xác minh ít nhất cũng vào thời điểm hết 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án, phù hợp với Điều 45 Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án có 05 ngày làm việc để ra quyết định thi hành án, sau khi ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án có 02 ngày làm việc để phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành, mà thường khi nhận đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án cũng nhận được đơn yêu cầu xác minh của người được thi hành án vào cùng thời điểm. Vậy là nếu theo quy định phải xác minh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xác minh thì Chấp hành viên chỉ còn 01 ngày để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, điều này dẫn đến một thực tế là Chấp hành viên vi phạm thời hạn xác minh theo quy định của pháp luật hoặc phải tìm cách “hợp thức hóa” về mặt thời gian tiến hành xác minh cho phù hợp với quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc tính thời hạn xác minh kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xác minh của người được thi hành án cũng bất cập với quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008 là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Do đó, nếu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án trước khi người phải thi hành án tự nguyện thi hành mà người phải thi hành án đã thi hành án trong thời gian tự nguyện thi hành thì việc xác minh của Chấp hành viên là thừa, không có ý nghĩa gì. Do đó, việc sửa đổi về thời điểm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án tại Luật sửa đổi, bổ sung kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án đã khắc phục được những bất cập như trên, đồng thời tôn trọng quyền tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án, tạo điều kiện cho Chấp hành viên có thời gian nghiên cứu hồ sơ và tiến hành việc xác minh hiệu quả hơn.
- Về thời hạn tiến hành xác minh:
Sau thời điểm xác minh lần đầu, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì Chấp hành viên sẽ sử dụng kết quả xác minh để thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án theo quy định tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự; hoặc lựa chọn một trong 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự. Ví dụ, trường hợp để thi hành nghĩa vụ trả nợ của người phải thi hành án, Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tài khoản nếu kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án có tài khoản và trong tài khoản có tiền để thi hành án, hoặc áp dụng biện pháp trừ vào thu nhập nếu xác minh có thu nhập và đảm bảo các điều kiện khác, hoặc kê biên, xử lý tài sản trong trường hợp xác minh có quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác đảm bảo thi hành khoản nghĩa vụ thi hành án, tuy việc lựa chọn biện pháp cưỡng chế nào còn phụ thuộc vào khoản nợ thực tế và điều kiện cụ thể của từng đương sự...
Nếu kết quả xác minh sau thời điểm xác minh lần đầu cho thấy người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì vẫn cần phải tiếp tục xác minh, cụ thể như sau:
Một là, thời hạn xác minh đối với người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án, không phân biệt trường hợp thi hành án chủ động hay theo yêu cầu.
Hai là, đối với trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành là người đang chấp hành hình phạt tù mà qua xác minh tại thời điểm lần đầu cho thấy thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Quy định mới này đã khắc phục được hạn chế so với quy định trước đây tại Điều 6 Nghị định 58/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 125/2013/NĐ-CP) đã không phân biệt người đang chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên thì mới tiến hành xác minh ít nhất 01 năm một lần, tránh trường hợp người phải thi hành án qua xác minh lần đầu còn 6 tháng tù giam, đến 01 năm sau Chấp hành viên mới tiến hành xác minh thì người phải thi hành án đã ra tù trước khi xác minh rất lâu mà cơ quan thi hành án vẫn không thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án một cách kịp thời.
Đối với trường hợp thi hành án theo yêu cầu thì sau 02 lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh và chỉ khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên mới phải tiến hành xác minh lại. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì đối với những việc thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu xác minh người phải thi hành án không có điều kiện thi hành thì cũng đồng nghĩa với việc thi hành án được xử lý theo biện pháp trả đơn yêu cầu thi hành án. Theo Luật sửa đổi, bổ sung, không còn chế định trả đơn yêu cầu thi hành án thì quy định này là hết sức quan trọng, nhằm giảm bớt chi phí về nhân lực, vật lực, thời gian để xác minh điều kiện thi hành án khi người phải thi hành án không có điều kiện thi hành sau 02 lần xác minh.
3. Quy định đối với biên bản xác minh
- Về nội dung mới trong biên bản xác minh:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung thì “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”. Đây là một trong những nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung chỉ mới quy định vấn đề này về mặt nguyên tắc, chưa quy định rõ việc kê khai lúc nào, kê khai như thế nào, do đó, vấn đề này đã được làm rõ tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Theo đó, việc kê khai được thực hiện khi Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án sẽ yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
Như vậy, việc yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản được thực hiện khi Chấp hành viên tiến hành xác minh vào thời điểm xác minh lần đầu, Chấp hành viên lập biên bản xác minh và nêu rõ trong biên bản xác minh một nội dung mới mà trước khi có Luật sửa đổi, bổ sung chưa có, đó là nội dung về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự. Việc yêu cầu Chấp hành viên lập biên bản xác minh và nêu rõ trong biên bản xác minh việc đương sự kê khai hoặc không kê khai còn được nhấn mạnh tại mục 2.2.II của Công văn số 3823/BTP - TCTHADS ngày 19/10/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Trong quá trình thực hiện, Chấp hành viên cần lưu ý về việc lập và ký biên bản xác minh như sau:
Ngoài các nội dung theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành yêu cầu Chấp hành viên có thể tự lập biên bản xác minh hoặc giao cho thư ký ghi lại các nội dung làm việc, đảm bảo các nội dung cần thiết và đúng mẫu thì Chấp hành viên cần lưu ý bổ sung nội dung theo quy định mới tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP như sau:
 “1. Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án”
Như vậy, trong biên bản xác minh lần đầu, Chấp hành viên cần phải có nội dung về việc kê khai tài sản của người phải thi hành án và trong các biên bản tiếp theo, nếu có nội dung kê khai mới thì tiếp tục nêu rõ trong biên bản xác minh, làm cơ sở để xử lý theo quy định.
- Về trách nhiệm xác nhận biên bản xác minh:
Kết quả xác minh của Chấp hành viên có đầy đủ, chặt chẽ hay không được thể hiện trên biên bản xác minh. Tuy nhiên, về trách nhiệm xác nhận biên bản xác minh theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung đã có sự thống nhất, rõ ràng, hợp lý hơn quy định trước đây.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì biên bản xác minh có xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Quy định này dẫn đến việc nhiều cơ quan thi hành án hiểu rằng biên bản xác minh như trên phải bao gồm xác nhận của tất cả các cá nhân, cơ quan kể trên. Vậy là 01 biên bản xác minh có thể phải đóng đến 03 loại dấu (dấu của cơ quan thi hành án, Ủy ban nhân dân và Công an xã), chưa kể chữ ký của Tổ trưởng Tổ dân phố, Cán bộ Tư pháp xã... cùng trong 01 biên bản xác minh. Chính vì quy định này mà nhiều khi Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát hồ sơ thi hành án thường có ý kiến nếu biên bản xác minh thiếu một trong những chữ ký được yêu cầu, nhất là đối với những biên bản xác minh để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước khi đủ điều kiện theo quy định. Hơn nữa, chức danh “tổ trưởng tổ dân phố” chỉ tồn tại ở thành phố, các vùng đô thị, còn ở nông thôn có thể được gọi là trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản...nên quy định cụ thể như vậy dẫn đến nơi ở đô thị thì chức danh trên phải ký vào biên bản xác minh, còn những chức danh tương tự ở nơi khác không phải ký do không có quy định.
Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ biên bản xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh” là một quy định hợp lý, thống nhất trong cách hiểu và áp dụng trên thực tế.
4. Quy định về việc xác minh lại
- Về điều kiện xác minh lại:
 Chấp hành viên tiến hành xác minh lại trong các trường hợp được quy định tại Khoản 5 Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung, bao gồm:
 - Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết;
 - Kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau;
 - Có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Khi có một trong các trường hợp trên thì Chấp hành viên tiến hành xác minh lại. Trường hợp thứ nhất là khi Chấp hành viên chưa chắc chắn với kết quả xác minh mà thấy cần thiết thì xác minh lại - đây hoàn toàn là quyền của Chấp hành viên đảm bảo cho việc xác minh được chặt chẽ. Bên cạnh đó, do Luật sửa đổi, bổ sung đã ghi nhận quyền của người được thi hành án trong xác minh điều kiện thi hành án nên có thể xảy ra việc tồn tại song song hai kết quả xác minh. Vì thế, khi kết quả xác minh của hai chủ thể khác nhau thì Chấp hành viên cần thiết phải xác minh lại. Ngoài ra, Chấp hành viên xác minh lại khi Viện Kiểm sát nhân dân có kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 160 Luật Thi hành án dân sự nhằm làm rõ và chính xác hơn kết quả xác minh đã được làm cơ sở cho việc ra quyết định hoặc thực hiện hành vi trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Về thời hạn xác minh lại:
Quy định về thời hạn xác minh lại trong Luật sửa đổi, bổ sung được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Như vậy, việc giới hạn thời gian theo quy định mới ngắn hơn so với quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 125/2013/NĐ-CP sửa đổi Điều 6 Nghị định 58/2009/NĐ-CP quy định thời hạn xác minh lại là 10 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp. Tuy nhiên, cũng phải xét về bản chất cho thấy việc xác minh lại trong trường hợp trước đây là xác minh lại kết quả xác minh của người được thi hành án chứ không phải xác minh lại chính kết quả xác minh của Chấp hành viên như quy định mới hiện nay.
5. Về ủy quyền xác minh
Khoản 3 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung quy định việc cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Đây là một điểm mới hoàn toàn so với quy định về xác minh trước đây, góp phần giúp cho chế định ủy thác thi hành án được thuận lợi hơn. Theo quy định tại Điều 55 Luật Thi hành án dân sự về ủy thác, căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trong nhiều trường hợp, cơ quan thi hành án không chỉ căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án mà còn căn cứ vào biên bản xác minh của Chấp hành viên. Do đó, để xác minh được người phải thi hành án có đúng là chuyển về sinh sống tại địa phương đó hoặc tại địa phương đó có tài sản, hoặc là nơi làm việc của người phải thi hành án thì Chấp hành viên cũng cần phải xác minh tại địa phương khác, tránh trường hợp chỉ xác minh tại Ủy ban nhân dân thuộc địa phương mình cho biết đương sự đã chuyển hộ khẩu về địa phương khác mà đã ủy thác ngay dẫn đến khi cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác sau khi thụ lý xong, tiến hành xác minh thì được biết đương sự hoàn toàn không chuyển về sinh sống tại địa phương, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, hồ sơ ủy thác đi và trả lại nhiều lần dẫn đến việc thi hành án tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, nếu Chấp hành viên phải đi đến địa phương khác xác minh thì chi phí xác minh chưa được quy định rõ, hoặc nếu không nhận được sự phối hợp, ủng hộ của cơ quan thi hành án hoặc cơ quan liên quan tại địa phương khác thì việc xác minh của Chấp hành viên  rất khó khăn. Chính vì vậy, quy định ủy quyền xác minh sẽ phần nào tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho Chấp hành viên trước khi tiến hành ủy thác thi hành án.
Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định rõ ràng về cách thức thực hiện việc ủy quyền xác minh, thời hạn thực hiện xác minh theo ủy quyền đối với tùy từng loại tài sản. Theo đó, bên tiến hành việc ủy quyền xác minh phải có văn bản ủy quyền, trong đó nêu rõ bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền, nội dung ủy quyền và nội dung cần thiết khác; bên nhận ủy quyền tiến hành xác minh và phải trả lời bằng văn bản kết quả xác minh và những nội dung cần thiết khác cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền xác minh.
Về thời hạn tiến hành xác minh theo ủy quyền thì đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.
Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền, tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án nơi ủy quyền tiến hành các thủ tục tiếp theo để tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.
6. Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án
Để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, tạo điều kiện cho Chấp hành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đó là trách nhiệm cung cấp thông tin cho Chấp hành viên trong thời hạn nhất định và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin đó.
Điểm a Khoản 6 Điều 44 Luật sửa đổi bổ sung quy định: “Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp”.
Như vậy, có thể thấy quy định này đã bổ sung trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng- đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung đã cung cấp. Trước đây, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định chung chung về trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án... Điều 11 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên theo quy định của Luật này”.
Chính những quy định chung chung như vậy dẫn đến khó khăn trong những trường hợp cần xác minh cụ thể và cần có chữ ký của người có trách nhiệm chính trong việc xác minh, ví dụ như việc xác minh về chủ sử dụng đất, ranh giới, kích thước thửa đất... thì phải có chữ ký của cán bộ địa chính; xác minh việc xây dựng trái phép trên đất phải giao cho người được thi hành án thì phải có chữ ký của cán bộ xây dựng - đô thị của xã đó... Do vậy, việc quy định trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân tại Ủy ban nhân dân cấp xã là cần thiết để đảm bảo sự phối hợp của họ với Chấp hành viên trong công tác xác minh điều kiện thi hành án.
Tiếp đó, Điểm b Khoản 6 Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của “Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay”
Quy định này đã tiếp thu những điểm hợp lý và có sự sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bổ sung những điểm mới của Nghị định số 125/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự.
Điểm mới được bổ sung chính là trách nhiệm ký vào biên bản của các cơ quan, tổ chức trong trường hợp chấp hành viên xác minh trực tiếp. Việc bổ sung này sẽ tạo điều kiện để Chấp hành viên dễ dàng lựa chọn hình thức xác minh trực tiếp hay bằng văn bản. Trong nhiều trường hợp, việc Chấp hành viên đến xác minh trực tiếp và lập biên bản xác minh hiệu quả hơn nhiều so với việc gửi văn bản đề nghị và chờ đợi phản hồi. Trong thực tế, trước đây theo quy định của Nghị định 125/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN thì chỉ quy định duy nhất một hình thức trả lời của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong thời hạn 03 ngày làm việc dẫn đến nhiều Ngân hàng, tổ chức tín dụng từ chối ký vào biên bản xác minh trực tiếp của Chấp hành viên với lý do pháp luật không quy định. Như vậy, với quy định mới này, Chấp hành viên có thể sử dụng hình thức xác minh trực tiếp và yêu cầu các tổ chức Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và ký vào biên bản xác minh của Chấp hành viên.
Ngoài ra, đã bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin về tài khoản của người phải thi hành án phải cung cấp ngay thông tin. Trước đây, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định Chấp hành viên phải tuân thủ trình tự yêu cầu cung cấp thông tin như đối với các tài sản thông thường khác và kết quả là sau 03 ngày làm việc, tài khoản cần xác minh chỉ còn số dư ít ỏi đủ để duy trì tài khoản, bởi vì tài khoản của người phải thi hành án có một cơ chế hết sức linh hoạt, đôi khi chỉ cần “một cái nhấp chuột” thì số tiền từ tài khoản này đã chuyển sang tài khoản khác. Do đó, quy định mới về việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin về tài khoản của người phải thi hành án phải cung cấp ngay thông tin. Cung cấp ngay được hiểu là ngay tại thời điểm Chấp hành viên xác minh thì phải cung cấp thông tin về tài khoản, trong đó có thông tin về số tiền trong tài khoản hiện tại của người thuộc đối tượng mà Chấp hành viên tiến hành xác minh. Điều này được thực hiện trong giai đoạn hiện nay phần nào đã có sự thuận lợi vì sau khi Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự được ký kết thì hiện nay đã có 44/63 tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp. Chính vì vậy, công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người phải thi hành án đã thuận lợi, dễ dàng hơn.
Tiếp tục quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, Điểm c Khoản 6 Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”.
Mặc dù theo quy định mới như đã phân tích ở trên, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án không phải là trách nhiệm mà là quyền của người được thi hành án, nhưng để cho người được thi hành án thực hiện “quyền” của họ thì phải có một hành lang pháp lý tạo điều kiện cho họ thực hiện, góp phần cung cấp thêm thông tin để giúp các Chấp hành viên xác minh nhanh, hiệu quả hơn, đây chính là lý do để Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định này trong chế định xác minh điều kiện thi hành án.
Ngoài ra, tại Khoản 7 Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định trách nhiệm và hệ quả pháp lý của việc người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chấp hành viên, cơ quan thi hành án cũng như người được thi hành án người nhận ủy quyền xác minh của người được thi hành án thực hiện quyền của mình, đồng thời những người có trách nhiệm cung cấp thông tin có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án chính xác, hiệu quả.
Nguyễn Thị Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: