Sign In

Thi hành án dân sự đối với người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, đánh giá thực trạng và một số giải pháp.

03/08/2015

     Án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo là những hình phạt nhẹ nhất trong các các hình phạt  đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn…) không nhất thiết phải cách ly đời sống xã hội một thời gian nhất định được hưởng chính sách khoan dung của pháp luật nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho người đã phạm tội sữa chữa sai lầm, tiếp tục hòa nhập với đời sống cộng đồng.
     Tuy nhiên, trên thực tế công tác thi hành án dân sự vẫn gặp nhiều khó khăn đối với việc phải tổ chức thi hành loại án này. Những hình phạt: phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo thường được Tòa án xử đối với những tội danh như: đánh bạc, vi phạm điều khiển giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích... Phần dân sự trong các Bản án này thường là các bị cáo phải nộp 200.000đ án phí và phạt từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đây là loại án không chiếm số lượng nhiều trong tổng số án hình sự của thành phố, nhưng ở cấp huyện số bị cáo được hưởng các mức hình phạt trên chiếm  tỷ lệ không nhỏ. Trung bình cứ 20 án hình sự có 3-5 án có các bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ..., tính từ năm 2011 đến tháng 7/2015, trung bình một huyện có số lượng lên đến hàng trăm án loại này. Nhiều án với tội danh đánh bạc đương sự rất đông, ngoài việc thu được 200.000đ án phí tại phiên tòa, số tiền phạt còn lại cộng phần lãi xuất tiền phạt…các cơ quan Thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành án, nhất là đối với các địa bàn thuần nông. Đương sự sinh sống chủ yếu dựa vào đồng lúa và hoa mầu, thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu, quá trình tổ chức thi hành án đương sự vẫn chây ỳ, cố tình không thi hành nghĩa vụ dân sự làm cho chấp hành viên rất vất vả khi tổ chức thi hành vụ việc.
     Mặc dù được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước, tuy nhiên rõ ràng các đối tượng trên vẫn không nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành Bản án của Tòa án. Trên thực tế, một số bất cập xảy ra khi người phải thi hành án không thi hành phần dân sự nhưng vẫn được Cơ quan Thi hành án hình sự - Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận hết thời gian cải tạo không giam giữ, nhưng nếu xóa án tích thì có quy định bắt buộc đương sự phải thi hành xong các nghĩa vụ về thi hành án dân sự. Việc quy định như trên cho thấy chưa có sự ràng buộc giữa việc chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo và việc thi hành nghĩa vụ dân sự trong các bản án này trong khi các cơ quan Thi hành án dân sự vẫn phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc tổ chức thi hành bản án của tòa án. Để thực hiện tốt việc giải quyết dứt điểm đối với loại án như trên rất cần một cơ chế phối hợp và sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan; sự tuân thủ pháp luật của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Thực tế cho thấy, số lượng việc liên quan đến những đối tượng được hưởng các hình phạt như trên vẫn còn tồn đọng khá nhiều tại các chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện do một số nguyên nhân sau đây:
- Hiện nay pháp luật thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác chưa quy định về quản lý nơi cư trú của người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo. Tại Điều  7, 7a, 7b Luật Thi hành án dân sự (Được sửa đổi, bổ sung năm 2014) mới đưa ra nghĩa vụ của các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự biết khi thay đổi địa chỉ, nơi cư trú. Thực tế  trong tổ chức thi hành án dân sự, người phải thi hành án không tuân thủ quy định trên của Luật, một số chính quyền cấp xã  được giao quản lý những đối tượng này đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc quản lý mang tính hình thức, chủ yếu công an cấp xã ghi sổ theo dõi song đối tượng làm gì, đi đâu Ủy ban nhân dân cấp xã không nắm được. Do đó, khi cơ quan Thi hành án dân sự nhận được bản án để tổ chức thi hành thì các đối tượng không có mặt tại địa phương và cơ quan Thi hành án lập biên bản xác minh, ban hành quyết định hoãn thi hành án và hồ sơ được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành do không rõ địa chỉ hiện nay của đương sự ở đâu. 
- Trong quá trình quản lý, cải tại, giáo dục tại địa phương, các cơ quan Thi hành án hình sự - Công an huyện có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc chấp hành án của các đối tượng. Các cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành phần dân sự trong bản án hình sư, tuy nhiên việc phối hợp giữa hai cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ chưa hiệu quả, nhất là vận động đương sự và người nhà đương sự tự nguyện thi hành các khoản tiền như án phí, tiền phạt. Nhiều trường hợp, đương sự có điều kiện thi hành song Chi cục Thi hành án rất khó tổ chức cưỡng chế vì số tiền phải thi hành không lớn, việc kê biên cưỡng chế rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức...
- Mặc dù Quy chế phối hợp liên ngành đã được các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án các cấp ký kết và thực hiện song trên thực tế sự phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan nêu trên chưa được chặt chẽ  và thực sự có hiệu quả. Nội dung phối hợp chủ yếu trong cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị lớn, ít quan tâm đến những vụ việc trên dẫn đến người phải thi hành án chấp hành các hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, cảnh cáo không thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình mặc dù có điều kiện thi hành án, nhiều đối tượng tỏ thái độ coi thường pháp luật, thách thức, chống đối lực lượng tham gia tổ chức thi  hành án.
+ Các chấp hành viên đã có nhiều cố gắng trong công tác thi hành án nhưng do địa bàn huyện rộng, giao thông khó khăn, có lúc có nơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đôn đốc thi hành án. Nhiều hồ sơ thi hành án chậm xác minh, xác minh không đầy đủ, xác minh không chính xác dẫn đến phân loại án cũng không chính xác, kết quả thi hành án về loại việc trên không cao.
Để khắc phục tình trạng trên, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong khối nội chính trong công tác thi hành án dân sự, đặc biệt cần chú trọng thêm vấn đề phối hợp giữa cơ quan Thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã với cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình quản lý, cải tạo, giáo dục đối tượng tại địa phương. Cần có chính sách quản lý chặt chẽ hơn, có chế độ thông tin hai chiều, tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng thực hiện nghiêm túc cả về thi hành án hình sự và thi hành án dân sự nhất là việc trình báo khi di chuyển khỏi nơi cư trú...
Hai là: Cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng Tòa án nhân dân các cấp cần làm rõ điều kiện thi hành án của các bị cáo, xem xét hình phạt bổ sung cho phù hợp khi xét xử. Trong khi chưa có quy định này đề nghị tòa án cần quan tâm khi ra quyết định hình phạt bổ sung đối với các bị cáo khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng hưởng án treo.
Ba là:  Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thi hành án dân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Thực hiện việc thông báo danh sách các đối tượng phải thi hành án trên hệ thống loa đài truyền thanh cấp xã.
Bốn là: Cơ quan Thi hành án dân sự cần tích cực vận động, thuyết phục và tổ chức thi hành các vụ việc nêu trên, chủ động trong công tác phối hợp, gắn quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự để tổ chức thi hành đạt kết quả tốt hơn./.
                                                                                       Trần Đại Sỹ - P.Chi cục trưởng,Chi cục THADS Kiến Thụy

Các tin đã đưa ngày: