Sign In

Có thu phí thi hành án dân sự hay không?

25/03/2015

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật để thi hành án sao cho đúng, có những vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng có ý kiến khác nhau. Tôi xin nêu ví dụ mong các bạn đồng nghiệp cùng trao đổi.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 25/2014/DS ngày 14/7/2014 của Tòa án nhân dân quận Đ có nội dung: Bà Nguyễn Thị Hà L và ông Nguyễn Đức T thanh toán một lần cho Ngân hàng N số tiền 5.192.234.913đ bao gồm nợ gốc 4.489.000.000đ, nợ lãi 703.234.913đ vào ngày 27/10/2014
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật để thi hành án sao cho đúng, có những vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng có ý kiến khác nhau. Tôi xin nêu ví dụ mong các bạn đồng nghiệp cùng trao đổi.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 25/2014/DS ngày 14/7/2014 của Tòa án nhân dân quận Đ có nội dung: Bà Nguyễn Thị Hà L và ông Nguyễn Đức T thanh toán một lần cho Ngân hàng N số tiền 5.192.234.913đ bao gồm nợ gốc 4.489.000.000đ, nợ lãi 703.234.913đ vào ngày 27/10/2014
Trường hợp bà L và ông T vi phạm nghĩa vụ thanh toán như đã thỏa thuận Ngân hàng N có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất của ông T và bà L tại phường V, quận Đ.
Đến hết ngày 27/10/2014 bà L và ông T không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như đã thỏa thuận, Ngân hàng N có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ đã ra quyết định thi hành án, giao cho Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Chấp hành viên đã thông báo quyết định cho các đương sự; thuyết phục vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành
Chấp hành viên đã tổ chức hòa giải giữa các đương sự; người được thi hành án trình bày sẽ tự nguyện nộp tiền thi hành một lần 4,5 tỷ đồng, số tiền còn lại xin được miễn; đại diện ủy quyền của người được thi hành án ghi nhận ý kiến để báo cáo với người có thẩm quyền sem xét quyết định; Chấp hành viên cũng đã có công văn gửi lãnh đạo Ngân hàng N xem xét giảm một phần tiền lãi cho người phải thi hành án.
Sau đó gần một tháng Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ nhận được Công văn của Ngân hàng N thông báo bà L, ông T đã hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết, thỏa thuận đối với Ngân hàng N; đề nghị đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật.
Với nội dung vụ việc như trên thể hiện người phải thi hành án đã trả tiền trực tiếp cho Ngân hàng N; Ngân hàng đề nghị đình chỉ thi hành án để không phải nộp tiền phí thi hành án dân sự. Chấp hành viên đã tham khảo ý kiến của các Chấp hành viên và đồng nghiệp khác về vụ việc có căn cứ để ra quyết định thu phí thi hành án dân sự hay không? Có hai ý kiến trái chiều nhau:
Ý kiến thứ nhất:
Khoản 3, điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Vì vậy Chấp hành viên phải làm việc với người được thi hành án và người phải thi hành án xác định rõ số tiền người được thi hành án đã nhận, số tiền người được thi hành án miễn cho người phải thi hành án để Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ ra quyết định thu phí thi hành án tương ứng với số tiền đã nhận, ra quyết định đình chỉ thi hành án số tiền người được thi hành án miễn cho người phải thi hành án, Chấp hành viên tổ chức thu phí thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ý kiến thứ hai:
Điểm a khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự quy định: “Đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các đương  sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau:
Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án chưa có quyết định cưỡng chế thi hành án và cũng chưa thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự thì không thu phí thi hành án”
Trường hợp ví dụ nêu Chi cục Thi hành án dân sự quận D chưa có quyết định cưỡng chế thi hành án và cũng chưa thu được tiền để chi trả đương sự; Ngân hàng không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án mà chỉ thông báo các đương sự đã thỏa thuận, tự nguyện thi hành xong nghĩa vụ và đề nghị đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật
Vì vậy Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ không được ra quyết định thu phí thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự làm thủ tục xác nhận kết quả thi hành án theo mẫu C06-THA tại thông tư số 91/2010/TT-BTP ngày 17/6/2010 của Bộ Tư pháp để kết thúc việc thi hành án.
          Rất mong các bạn đồng nghiệp cùng trao đổi làm sáng tỏ vấn đề, góp phần vào việc góp ý xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014. 

Các tin đã đưa ngày: