Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành Tư pháp nước ta. Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 đã thành lập các Tòa án quân sự, bước đầu thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của chế độ mới. Và vào ngày này của 70 năm về trước, ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL - Một văn bản riêng quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Chính phủ ban hành một văn bản pháp lý độc lập quy định về thể thức bản toàn sao, bản trích sao án được đưa ra thi hành, trách nhiệm thi hành những mệnh lệnh, lệnh, án của Tòa án, đồng thời, để đánh dấu sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với sự trưởng thành cũng như những đóng góp quan trọng, tích cực của hệ thống THADS đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, ngày 05/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 397/QÐ-TTg, chính thức lấy ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống THADS”.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển là chặng đường đầy gian khó để THADS xác định cho mình một chỗ đứng, một vị thế, một mô hình tổ chức phù hợp, phản ánh đúng vị trí, vai trò, đồng thời phát huy hiệu quả của THADS trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. 70 năm THADS luôn gắn liền với các nhiệm vụ cách mạng và quá trình xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước qua các thời kỳ, giai đoạn và không tách rời lịch sử xây dựng và phát triển của của ngành Tư pháp, ngành Tòa án với những điểm mốc quan trọng sau:
- Giai đoạn từ tháng 8/1945 đến năm 1950: Cùng với sự ra đời của Bộ Tư pháp và tổ chức Tòa án, ngày 24/01/1946 - 05 tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó quy định Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của chính quyền cách mạng nhân dân đặt nền móng cho sự ra đời về tổ chức và hoạt động của THADS, khẳng định hoạt động THADS đã sớm trở thành công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám. Như vậy, THADS trong giai đoạn này do Thừa phát lại - thiết chế đã tồn tại trước cách mạng Tháng 8 được tạm giữ lại theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945 và Ban tư pháp xã -thực hiện. Giai đoạn này, mặc dù cơ cấu tổ chức của thiết chế THADS còn rất đơn giản, số lượng cán bộ ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song Ban Tư pháp xã và Thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của Thẩm phán, giúp “các giá trị của sự xét xử của thẩm phán Việt Nam được công nhận”, xây dựng nền tư pháp hiệu lực, tin cậy, góp phần “bảo toàn được chủ quyền quốc gia về phương diện tư pháp, giữ được uy tín của tư pháp một nước Độc lập”, đồng thời, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển của nền tư pháp mới thể hiện bản chất dân chủ của chế độ dân chủ nhân dân.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tư pháp nói chung, THADS nói riêng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc kháng chiến gian khổ của cả dân tộc. Ngay trong năm 1948, ngành Tư pháp đã khẩn trương xây dựng một nền “tư pháp kháng chiến”, “mở mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp”. Cán bộ tư pháp trở thành “người chiến sỹ trên mặt trận tư pháp”, xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, nhiều cán bộ bị thương, hy sinh như tại Bắc Ninh, Quảng Bình… để “tranh giành với giặc công việc xử án cho dân” bởi đó là tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ nét nhất, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng non trẻ.
Năm 1950, trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, đất nước ta thực hiện cải cách tư pháp lần thứ nhất để xây dựng nền “tư pháp nhân dân”, nền tư pháp phản ánh đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những giá trị dân chủ, tiến bộ của chế độ mới. Để “công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng được hợp lý hơn và giản dị hơn” và “để giải quyết mau chóng những việc cấp bách về mặt Hộ, tránh sự thiệt hại cho đương sự và khỏi tổn phí cho đương sự phải lên Tòa án tỉnh”, Sắc lệnh số 85-SL ngày 22-5-1950 đã khẳng định việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua hoạt động THADS là trách nhiệm của Nhà nước, của chế độ và giao “Thẩm phán huyện có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hoặc tòa án trên đã tuyên”. Như vậy, công tác THADS có sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động, việc THADS được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án thay vì Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây, từ đó, cho thấy vai trò và vị trí của THADS ngày càng được nâng cao.
- Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1980: Thi hành Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Theo quy định này, tại các Tòa án nhân dân đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự thay vì chế độ Thẩm phán kiêm nhiệm trước đó. Ngày 14 tháng 11 năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án. Giai đoạn này, công tác tòa án nói chung và hoạt động THADS nói riêng đã tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm “đúng hướng, vững chắc, có nội dung chính trị rõ rệt, nắm vững vấn đề tăng cường chuyên chính và bảo đảm dân chủ, gắn chặt với các nhiệm vụ chính trị của thời chiến, có tác dụng lớn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm: chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
- Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2008: Hiến pháp năm 1980, bản Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước, lần đầu tiên đã hiến định nguyên tắc “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật” (Điều 12) và “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 137), qua đó tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án. Cụ thể hóa quy định nêu trên, Điều 16 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp “quản lý các Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức”, trong đó có công tác thi hành án dân sự, đồng thời, bảo đảm “phối hợp chặt chẽ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao trong việc thực hiện nhiệm vụ này”.
Từ năm 1986, đất nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), bản Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đã khẩn trương thể chế hoá đường lối của Đảng thông qua việc khẳng định yêu cầu xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992 lần đầu tiên đã xác định “quản lý công tác thi hành án” là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp. Trong tinh thần đó, hoạt động THADS đã được nâng lên tầm pháp lệnh vào các năm 1989, 1993 và năm 2004 tạo bước ngoặt quan trọng về tổ chức và hoạt động THADS với những quy định chặt chẽ, hợp lý, đúng đắn, phù hợp hơn với tinh thần dân chủ, góp phần bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi của đương sự và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đất nước thời kỳ đổi mới. Và điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn này đó là cơ chế THADS đã kết hợp giữa quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của Nhà nước (từ Pháp lệnh THADS năm 1989); THADS đã chuyển từ một bộ phận cấu thành của Tòa án sang một bộ phận cấu thành của cơ quan hành chính (từ Pháp lệnh THADS năm 1993) và từng bước được tổ chức tập trung, thống nhất, theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương (từ Pháp lệnh THADS năm 2004). Việc chuyển giao công tác THADS từ TAND sang cơ quan thuộc Chính phủ và được giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ thực hiện phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta, nhằm thống nhất công tác hành chính - tư pháp của Chính phủ, tạo điều kiện để Toà án tập trung thực hiện nhiệm vụ xét xử theo quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
- Giai đoạn từ năm 2008 đến nay: Năm 2008, lần đầu tiên một đạo luật về THADS được Quốc hội thông qua, theo đó, hệ thống THADS đã được nâng lên một vị thế mới, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cụ thể: Cục THADS thuộc Bộ Tư pháp được nâng cấp lên Tổng cục THADS; THDS cấp tỉnh được nâng cấp lên Cục THADS trực thuộc Tổng cục THADS và THADS cấp huyện được nâng cấp lên Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS cấp tỉnh. Cơ chế quản lý từ chỗ song trùng trực thuộc trước đó chuyển sang cơ chế quản lý tập trung, thống nhất, theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương… Năm 2014, Luật Thi hành án dân sự tiếp tục được sửa đổi, bổ sung với những quy định mới nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Ghi nhận và tin tưởng về những kết quả đạt được trong công tác THADS với tư cách là một cơ chế bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, tư pháp, vừa qua ngành Tư pháp mà trực tiếp là hệ thống THADS đã được Quốc hội, Chính phủ giao thêm chức năng quản lý nhà nước và chức năng đôn đốc (theo dõi) về thi hành án hành chính theo Luật tố tụng hành chính năm 2010, 2015. Đây tiếp tục là một lĩnh vực đặt ra những thách thức mới cho hệ thống THADS trong việc khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Cùng với đó, từ năm 2009, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc thi hành án theo tinh thần của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chế định thừa phát lại đã được Quốc hội cho phép thí điểm triển khai tại TP.Hồ Chí Minh và tiếp theo là 13 tỉnh, thành. Ngày 26/11/2015 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 cho phép thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016. Đến nay, toàn quốc đã có 53 Văn phòng thừa phát lại với 643 người, trong đó có 134 Thừa phát lại; 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các thế hệ cán bộ THADS đã nối tiếp nhau nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, cống hiến công sức và trí tuệ với nhiều thành tựu, đóng góp nổi bật, quan trọng trong suốt những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Và ngày hôm nay, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được trên các mặt công tác, cụ thể:
(1) Về thể chế: Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, năm 2008 Luật THADS đã được Quốc hội thông qua, điều chỉnh toàn diện các vấn đề thuộc công tác THADS thay cho Pháp lệnh THADS năm 2004. Như vậy, trải qua 03 Pháp lệnh THADS của các năm 1989, 1993 và năm 2004, công tác THADS đã chính thức được điều chỉnh bằng một đạo luật của Quốc hội - Khẳng định tầm quan trọng và sự chín muồi của vị trí, vai trò công tác THADS trong đời sống xã hội và trong tổ chức bộ máy của nhà nước. Trên cơ sở Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), hệ thống các Nghị định, thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành khá toàn diện, đầy đủ, thông qua đó tiếp tục cụ thể hóa Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bảo đảm tốt hơn nguyên tắc hiến định về hiệu lực thi hành của bản án, quyết định của Tòa án. Đây cũng là những cơ sở quan trọng, tạo hành lang pháp lý cơ bản, toàn diện trên các mặt công tác THADS, đưa tổ chức và hoạt động THADS ngày càng đi vào nề nếp với một vị thế mới trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
(2) Về tổ chức bộ máy, cán bộ: Trải nghiệm qua nhiều mô hình tổ chức khác nhau, thực hiện Luật THADS năm 2008, Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, đến nay, hệ thống THADS đã được xây dựng, kiện toàn thành một hệ thống tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương với 08 Vụ và tương đương thuộc Tổng cục, 63 Cục THADS ở cấp tỉnh và 710 Chi cục THADS ở cấp huyện và gần một vạn công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống. Cùng với đó, Hệ thống THADS trong Quân đội cũng đã được kiện toàn với Cục Thi hành án, Phòng Thi hành án quân khu và tương đương, góp phần quan trọng trong việc xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh THADS đã được ngành Tư pháp hết sức chú trọng nhất là đào tạo nghề chấp hành viên… Đến nay đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án trong các cơ quan quản lý và cơ quan THADS đã không ngừng được chuẩn hóa về chất lượng và nâng cao về số lượng với 4.128 Chấp hành viên (chiếm tỷ lệ 43%), 607 Thẩm tra viên (chiếm 6,27%), 1.731 Thư ký thi hành án (chiếm 18%), qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn và ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.
(3) Về kết quả THADS: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, số lượng án phải tổ chức thi hành về việc và về tiền không ngừng tăng cao qua các năm, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thể chế pháp luật về THADS và tổ chức, bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện và đặc biệt tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, song các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án về việc, về tiền được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 37/2012/QH13, nay là Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội đã được tập trung thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, ngày càng bền vững, thực chất. Kết quả THADS về việc và về tiền cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao và có xu hướng bền vững qua các năm, trong đó kết quả THADS về việc đều đạt trên 80%; kết quả thi hành án về tiền đều đạt trên 70%. Những kết quả THADS nêu trên đã và đang góp phần tích cực, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt như góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng hay nâng cao an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
(4) Về cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các cơ quan THADS từ Trung ương đến địa phương không ngừng được quan tâm, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, với 722 cơ quan THADS được đầu tư xây dựng trụ sở riêng (60 trụ sở cấp tỉnh và 662 trụ sở cấp huyện); 239 đơn vị được đầu tư xây dựng kho vật chứng (55 kho vật chứng cấp tỉnh và 184 kho vật chứng cấp huyện)… thể hiện vị thế độc lập cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác THADS.
(5) Về cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành: Phù hợp tổ chức bộ máy của hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống không ngừng được hoàn thiện, trong đó, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS đối với hoạt động của toàn hệ thống; kỷ luật, kỷ cương hành chính không ngừng được tăng cường và siết chặt; mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng Hệ thống ngày càng đi vào thực chất; các cơ quan THADS đã từng bước tranh thủ tốt hơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ngành đối với công tác THADS.
Chúng ta tự hào về thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực hết mình của các thế hệ CBCCVC THADS qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước. Những thành tựu đó đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác THADS. Và những thành tựu đạt được là một bộ phận cấu thành quan trọng, tạo nên sự vững mạnh của ngành Tư pháp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác THADS, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho ngành Tư pháp và các cơ quan thuộc hệ thống THADS, trong đó năm 2013, THADS đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2013 và Cờ Thi đua Chính phủ năm 2014… và tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống, hệ thống THADS vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Đây là những phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước với những thành tích xuất sắc mà hệ thống THADS đã đạt được. Và chúng ta đều ý thức được rằng, những thành tựu mà hệ thống THADS đạt được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành tư pháp nói chung, trong đó có hệ thống THADS nói riêng; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể từ trung ương tới cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Và một phần không thể thiếu đó là sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ, tinh thần trách nhiệm cao của các thế hệ CBCCVC THADS các cấp.
Tự hào về những thành quả đã đạt được của chặng đường 70 năm, song trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà trực tiếp nhất là yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy THADS còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, điển hình như: (1) Tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn cao; có một số lượng án có điều kiện nhưng chưa tổ chức thi hành xong; số không có điều kiện thi hành án, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số tiền phải thi hành; (2) lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo về THADS vẫn còn nhiều; một số vụ việc phức tạp kéo dài, được dư luận quan tâm chưa được giải quyết dứt điểm; (3) vẫn còn một bộ phận công chức vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật.
Từ quá trình xây dựng và phát triển của Hệ thống trong 70 năm qua, nhất là những năm gần đây, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học quý báu để vững bước đi lên, đó là:
Thứ nhất, sự nhận thức đúng đắn và lãnh đạo sát sao của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, các tổ chức Đảng, cấp uỷ Đảng các cấp (nhất là Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện) và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho việc triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác THADS.
Thứ hai, việc tổ chức hệ thống THADS theo ngành dọc nhưng không tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, nhất là VKSND, TAND, cơ quan Công an và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Cùng với đó, là việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng tham gia vào công tác THADS.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết KNTC trong hoạt động thi hành án, kịp thời phát hiện các vi phạm, tiêu cực, có biện pháp uốn nắn, xử lý nghiêm minh, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ CBCCVC THADS. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời, thoả đáng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác THADS.
Để thực hiện thành công mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; để thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân và để bảo đảm tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật, tư pháp, nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống THADS trong thời gian tới rất nặng nề, trong đó những nhiệm vụ cần tập trung đó là:
1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về THADS trên cơ sở những điểm mới sửa đổi, bổ sung của Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014), bảo đảm thuận lợi cho người dân và tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện cho công tác THADS; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thừa phát lại và THAHC, tiến tới xây dựng Luật về thừa phát lại, Luật THAHC để công tác THADS, THAHC ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
2. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ THADS trong sạch, vững mạnh và toàn diện về mọi mặt. Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động THADS, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ CBCCVC; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống THADS thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững đối với nhiệm vụ THADS, hành chính; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích của Nhà nước trong THADS, hành chính.
4. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác THADS, THAHC, nhất là phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS với Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp tỉnh; giữa Cục THADS với cấp ủy đảng và Chủ tịch UBND cấp huyện.
5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện làm việc, nhất là việc xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan THADS, phấn đấu đến hết năm 2021, cơ bản xây dựng xong kho vật chứng của các cơ quan THADS địa phương; tiếp tục nghiên cứu, có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với CBCCVC làm công tác THADS; có cơ chế bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của Chấp hành viên và gia đình trong thi hành nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ THADS.
6. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn Hệ thống, đồng tâm, hiệp lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ THADS hằng năm. Đồng thời khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác THADS.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, CBCCVC THADS với quyết tâm cao, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Tư pháp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, thực hành phê và tự phê bình sâu sắc, thực chất, thực lòng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của Nhân dân./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục
Ths. Nguyễn Thị Hoàng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ