Sign In

Văn Lâm: Nhiều khó khăn trong thi hành án dân sự

02/11/2016

Những năm gần đây, do tác động của khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện Văn Lâm kinh doanh thua lỗ, thậm chí bị phá sản và không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở những địa phương có kinh tế phát triển, có ngành nghề, kinh doanh, buôn bán như: 
Thị trấn Như Quỳnh, xã Lạc Đạo… Các việc thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại chiếm tỷ lệ về việc ít nhưng chiếm phần lớn tổng số tiền phải thi hành của mỗi đơn vị THADS. Từ đầu năm công tác đến nay, Chi cục THADS huyện Văn Lâm tổ chức THA 12 việc án kinh doanh, thương mại với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng, chiếm 2,1% về việc nhưng chiếm hơn 74% về tiền. Trong thực tế giải quyết THA đối với những loại việc có số tiền phải thi hành lớn, loại án kinh doanh, thương mại liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải xử lý các tài sản thế chấp đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các tài sản kê biên bán đấu giá người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến THA. Mặt khác, khó khăn của cơ quan thi hành án hiện nay là số tài sản mà ngân hàng nhận thế chấp, tại thời điểm THA xử lý tài sản thì giá trị tài sản còn thấp hơn rất nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành án theo bản án. Trước đây, những việc người phải THA không có điều kiện thi hành thì cơ quan THA ra quyết định trả đơn. Thế nhưng theo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014, những trường hợp này cơ quan THADS không xử lý được mà chỉ tiếp tục theo dõi treo trên sổ. Chính vì vậy, 11 tháng công tác của năm 2016, án không có điều kiện giải quyết của Chi cục THADS huyện Văn Lâm là 218 việc, chiếm 40% tổng số lượng án, dẫn đến lượng án tồn, chuyển kỳ sau lớn.
 

 
Theo báo cáo của Chi cục THADS Văn Lâm mỗi năm đơn vị thụ lý khoảng 600 - 800 việc (chiếm khoảng 1/5 số lượng án của toàn tỉnh). Chỉ tính từ ngày 1.10.2015 đến nay, đơn vị thụ lý 608 việc với hơn 123 tỷ đồng, phải giải quyết trung bình khoảng 150 - 200 việc/người/năm. Trong khi đó, quá trình làm nhiệm vụ, chấp hành viên và cán bộ THA thường xuyên phải đối mặt với sự chống đối, sự thiếu hợp tác của người phải THA.
Trong các khó khăn của Chi cục THADS huyện thì khó khăn liên quan đến tín dụng, ngân hàng là khó khăn nhất. Nguyên nhân một phần do ngân hàng nhận thế chấp là tài sản gắn với đất thuê trả tiền hàng năm, hợp đồng thế chấp tài sản không chặt chẽ, giá trị thế chấp cao hơn giá trị thực tế; tài sản thế chấp là động sản nhưng khi xác minh thì tài sản không còn hoặc còn hoặc không đúng thực trạng ban đầu… Do đó, đến giai đoạn THA thì nhiều tài sản bị tẩu tán hoặc bán đấu giá tài sản với số tiền ít hơn rất nhiều so với số tiền phải THA…dẫn đến án tồn, đọng. Để khắc phục những khó khăn trên, Chi cục đã bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tăng cường cán bộ về cơ sở, đồng thời tiến hành kiểm tra, thẩm tra hồ sơ THA chặt chẽ theo kế hoạch, vận dụng thực tế của từng vụ việc cụ thể. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại của công dân, không để đơn thư tồn đọng. Bên cạnh đó, tăng cường xác minh, phân loại án, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng tháng, từng quý; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền, vận động các bên đương sự thỏa thuận, tự nguyện THA, kiên quyết xử lý những đối tượng có điều kiện THA nhưng cố tình chây ỳ, trốn tránh, chống đối việc THA, bảo đảm tính nghiêm minh của Pháp luật.
Hồng Ngọc


Theo Báo Hưng Yên

Các tin đã đưa ngày: