Sign In

Án tòa thua lệnh ngân hàng

03/08/2012

Tòa xác định em gái là người đại diện theo pháp luật của người chị bị mất trí. Song ngân hàng không cho em nhận lại số tiền, vàng mà chị đã gửi trước đó, viện lẽ tòa quyết định sai.

Bà Liêu Tuyết Anh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) phản ánh: Bà có người chị ruột bị hôn mê sau tai nạn giao thông vào cuối năm 2000. Sau đó TAND TP.HCM đã ra quyết định tuyên bố người chị bị mất năng lực hành vi dân sự và cho phép bà xác lập, thực hiện mọi giao dịch của chị. Thế nhưng một ngân hàng đã không thi hành quyết định này mà cụ thể là không cho bà nhận lại tiền, vàng mà người chị đã gửi tại đây.

Bà Anh kể: Người chị của bà sống ở TP.HCM. Khi chị nằm viện điều trị thì gia đình phát hiện chị có nhiều sổ gửi tiền, vàng ở ba ngân hàng. Do người chị độc thân không có chồng, con nên bà đã liên hệ với ba ngân hàng xin rút số tiền, vàng đó nhưng đều bị từ chối viện lẽ không có lệnh của tòa án.

Cuối năm 2011, bà gửi đơn yêu cầu TAND TP tuyên bố người chị mất năng lực hành vi dân sự (vì bà có anh chị em đang cư trú ở nước ngoài). Lúc đó, mẹ của bà (cha bà đã mất) và 11 anh chị em trong gia đình đều đồng ý cử bà làm đại diện cho người chị.

1

Đầu năm 2012, dựa theo kết luận của Tổ chức Giám định pháp y tâm thần TP nêu người chị bị mất trí mức độ nghiêm trọng, TAND TP đã ra quyết định tuyên bố nêu trên. Với quyết định này của tòa, bà lần lượt được hai ngân hàng chi trả tiền, vàng. Riêng hai chi nhánh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam tại TP không đồng ý chi trả cho bà hơn 400 triệu đồng. Đơn vị này buộc bà phải có quyết định của UBND phường đồng ý cho bà làm người giám hộ.

Theo thông tin từ phía Ngân hàng Phương Nam đòi hỏi trên xuất phát từ hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quyết định của tòa được ban hành không đúng quy định của Bộ luật Dân sự. Tòa án chỉ được chỉ định người đại diện theo pháp luật đối với trường hợp bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (như người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác). Trong khi đó người chị của bà Anh bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự (do bị bệnh mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình). Theo luật định, người chị phải có người giám hộ (người mẹ là người giám hộ đương nhiên). Từ chỗ không phải là người giám hộ nên bà Anh không đủ điều kiện nhận lại tiền gửi của người chị.

Ông Hoàng Tư Lượng (đại diện bộ phận pháp chế của Ngân hàng Phương Nam) nói thêm: Tại thời điểm này, do người mẹ đã mất nên UBND phường nơi người chị cư trú có trách nhiệm cử người giám hộ cho người chị. Căn cứ vào đề cử đó, ngân hàng sẽ chi trả tiền.

Được biết bà Anh đã gửi đơn khởi kiện đòi Ngân hàng Phương Nam chi trả tiền. TAND quận 1 đã ra thông báo yêu cầu bà đóng tạm ứng án phí nhưng bà chưa thể đóng.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Ngân hàng phải chi trả tiền

Theo Luật Thi hành án dân sự, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các bên liên quan nghiêm chỉnh thi hành. Trong vụ việc này, theo quyết định của TAND TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật thì Ngân hàng Phương Nam phải chi trả tiền, vàng cho người em. Nếu tòa án ra quyết định không đúng thì tòa án chịu trách nhiệm. Ngân hàng không thể viện nhiều lẽ để từ chối giải quyết yêu cầu của người em, nhất là khi tòa án đã có văn bản giải thích rõ là ngân hàng phải chi trả.

Đáng lưu ý là khi người em yêu cầu tòa án tuyên bố chị mình bị mất năng lực hành vi dân sự thì tất cả người thân thích trong gia đình (mẹ và các anh chị em khác) đều đồng ý cử người em làm người đại diện thực hiện mọi giao dịch. Điều đó cho thấy họ đã chấp thuận mọi việc làm của người em, nếu sau này họ có tranh chấp thì họ có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết. Còn bây giờ thì về cả lý lẫn tình, ngân hàng phải chi trả tiền, vàng để người em có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho chị mình.

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: