Sign In

THADS quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao

18/09/2013

Ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn một ngày để nghe và cho ý kiến vào báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song nhiều hạn chế trong các công tác này cũng đã được nhìn nhận thẳng thắn.
Thi hành về việc, tiền nhiều hơn cùng kỳ 2012

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác Thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: năm 2013, công tác thi hành án dân sự tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó có việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với công tác này. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng cường phát biểu tại Hội nghị
Triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2013

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mặc dù việc đánh giá kết quả thực hiện một số chỉ tiêu mang tính định tính hoặc được tuyệt đối hóa theo Nghị quyết của Quốc hội còn gặp khó khăn, cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng, song qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thanh tra, kiểm tra, bước đầu có thể khẳng định rằng, các bộ, ngành, địa phương và toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự đã chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao: đã thi hành được số việc và tiền nhiều hơn cùng kỳ năm 2012 (tính đến ngày 31/7/2013, toàn ngành đã thi hành xong 356.701 việc, tăng 65.863 việc (22,6%) so với cùng kỳ năm 2012, đã thi hành được trên 18.037 tỷ đồng, tăng 10.682 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012); số có điều kiện thi hành về việc và về tiền chiếm tỷ lệ cao hơn những năm trước (về việc cao hơn cùng kỳ năm 2011 là 11,86% và năm 2012 là 10,86%; về tiền lần lượt cao hơn là 39,02% và 26,43%)...

Một số văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm chỉ đạo, đáng lưu ý là việc biệt phái Chấp hành viên tăng cường cho các địa bàn có số lượng án lớn, còn nhiều yếu kém; xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm trong hệ thống thi hành án dân sự. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành được coi trọng, chất lượng ngày càng được nâng cao; đã giải quyết được 43/54 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Chính phủ cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án hành chính; thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại các địa phương theo Nghị quyết số 36/NQ-QH13 của Quốc hội.

 ”Dự báo đến hết tháng 9/2013 khó có thể hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ được Quốc hội giao của cả năm, nhưng Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo quyết liệt để cố gắng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chính”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Đề nghị tăng cường giám sát thi hành án

Trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Chính phủ đề nghị  Quốc hội cân nhắc khi giao chỉ tiêu hàng năm đối với công tác thi hành án dân sự phù hợp với khả năng hoàn thành và duy trì bền vững kết quả thi hành án về việc và tiền, nhất là trong điều kiện nền kinh tế của đất nước gặp khó khăn; đề nghị Quốc hội sớm cho ý kiến về tổ chức cơ quan thi hành án dân sự khu vực; quan tâm bố trí ngân sách cho việc đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự; chỉ đạo bổ sung biên chế làm công tác thi hành án dân sự trong bối cảnh số lượng việc thi hành án ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, trong đó có việc chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (sau khi Quy chế được ban hành); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát trực tiếp đối với hoạt động thi hành án dân sự, trong đó có việc kiểm sát đối với việc chấp hành án của các đương sự.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, nhất là những địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm cũng là một đề nghị được đưa ra trong báo cáo cuả Chính phủ.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tiếp tục tăng cường giám sát việc thi hành Luật thi hành án dân sự; Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tại địa phương mình, trong đó có việc chấp hành các kiến nghị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về một số vụ việc thi hành án cụ thể

Phát biểu tại phiên họp, nhiều Uỷ viên TVQH đã đánh giá cao những chuyển biến tích cực, quan trọng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp sau thời gian thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội nhưng cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Ví dụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu “bảo kê” tội phạm của 1 số cán bộ có chức quyền ở cơ sở, kết quả xử lý vi phạm pháp luật chưa tương xứng với tình hình thực tế, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao...Về báo cáo của VKS là một số vụ đình chỉ tham nhũng chưa đúng, chất lượng kiểm sát viên tại tòa chậm chuyển biến, còn “lười” kháng nghị vì ngại va chạm... Của ngành Tòa án là xử án treo trong một số vụ án kinh tế chưa đúng, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng còn lớn...
Riêng công tác Thi hành án dân sự, Đại biểu đánh giá trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, mặc dù việc đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết 37 là rất khó,  nhưng giá trị tuyệt đối thi hành được nhiều hơn so với năm trước, đó là kết quả rất thực chất. Chia sẻ khó khăn với cơ quan THA nhưng Đại biểu cũng đề nghị VKS phải sát sao về công tác phân loại án, giữa có và không có điều kiện thi hành, tránh tình trạng ”đánh bùn sang ao”.
 

Tác giả bài viết: Bình An

Nguồn tin: www.phapluatvn.vn

Các tin đã đưa ngày: