Để tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
– Quán triệt và nâng cao nhận thức cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần thực hiện tốt chức năng của Ngành; bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh; hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tuân thủ đúng pháp luật; quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tôn trọng và bảo vệ. Thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chế, quy định của Ngành về kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính để Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức nắm vững và áp dụng, thực hiện đúng.
Tăng cường giáo dục về chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh người cán bộ Kiểm sát kiên quyết đấu tranh với các vi phạm pháp luật; chú trọng công tác tự đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
– Trên cơ sở biên chế được giao và yêu cầu của nhiệm vụ, Viện trưởng VKSND các cấp bố trí đủ số lượng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ở VKSND mỗi cấp bảo đảm tính ổn định.
– Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (được ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSNDTC). Tăng cường kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án và phân loại việc thi hành án; việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhất là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, các tài sản có giá trị lớn; tài sản thi hành án có yếu tố nước ngoài; việc thi hành án để thu hồi tài sản do tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, việc thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân. Chú trọng kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thi hành án dân sự như: thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và trong kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Tăng cường trực tiếp kiểm sát đối với các Chi cục Thi hành án dân sự. Xác định rõ nội dung trọng tâm của cuộc trực tiếp kiểm sát trên cơ sở kế hoạch công tác kiểm sát của Ngành và từ yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và cấp huyện làm Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Thông qua kết quả trực tiếp kiểm sát, VKSND các cấp tập hợp đầy đủ vi phạm, làm rõ nguyên nhân, ban hành kết luận yêu cầu khắc phục.
Quan tâm phát hiện vi phạm của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm để ban hành kháng nghị, kiến nghị hoặc yêu cầu khắc phục; chú trọng ban hành các kiến nghị tổng hợp vi phạm, phòng ngừa chung; nâng cao hơn nữa chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu. Chú trọng phúc tra việc thực hiện kết luận trực tiếp kiểm sát, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu.
– Tăng cường phối hợp công tác với Bộ Tư pháp, TANDTC và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trong việc hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính và kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính.
Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, Tòa án và Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân cùng cấp để giải quyết các việc thi hành án phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các ngành, có khiếu nại, tố cáo kéo dài; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong Ngành giải quyết các việc, các vấn đề có khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật có liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; trong việc trao đổi thông tin về các việc thi hành án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu tội phạm và các việc cần thiết khác.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê theo quy định của Ngành và chế độ thống kê liên ngành; đảm bảo thống nhất về số liệu và đánh giá về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong Ngành KSND với báo cáo của các ngành trước Quốc hội.
Theo kiemsat.vn