Sign In

Trao đổi Việc yêu cầu người phải thi hành án phải kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khi xác minh điều kiện thi hành

17/04/2024

           Xác minh điều kiện thi hành án là hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, kết quả xác minh điều kiện thi hành án là yếu tố quyết định cho việc tổ chức thi hành án, là cơ sở để  xem xét ban hành các quyết định về thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án như: các quyết định áp dụng biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án; hoãn thi hành án; tạm đình chỉ thi hành án; đình chỉ thi hành án; quyết định chưa có điều kiện thi hành án.
            Khi thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, theo quy định pháp luật Chấp hành viên được phân công thụ lý vụ việc thực hiện bằng các phương pháp xác minh như sau:
- Chấp hành viên tự xác minh đối với tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.
          Trong quá trình Chấp hành viên thực hiện xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 và 2022 (Luật THADS), việc thực hiện nội dung “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình” có những quan điểm khác nhau về trách nhiệm của Chấp hành viên và nghĩa vụ của người phải thi hành án trong việc thực hiện yêu cầu và thực hiện kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
           Trên cơ sở quy định pháp luật và thực tiễn, trao đổi một số ý kiến về trách nhiệm của Chấp hành viên và nghĩa vụ của người phải thi hành án trong việc thực hiện yêu cầu kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án như sau:
        Đối với người phải thi hành án
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS thì “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”. Như vậy từ nội dung của điều luật thì người phải thi hành án có trách nhiệm phải kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình, đây là điều kiện bắt buộc, là trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định pháp luật.
- Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 7a, Luật THADS,  quy định về nghĩa vụ của người phải thi hành án là “Kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó”.  Do đó, việc người phải thi hành án kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án cũng là nghĩa vụ của người thi hành án và người phải thi hành án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai của mình.
- Việc kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án là trách nhiệm và nghĩa vụ của người phải thi hành án, như vậy trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện hoặc có thực hiện việc kê khai nhưng không trung thực thì có bị xử lý không? Cơ quan nào xử lý và biện pháp xử lý? Quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7a và khoản 1 Điều 44 Luật THADS đều xác định rõ, người phải thi hành án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai của mình nhưng không nêu rõ hành vi, cơ quan và biện pháp xử lý. Những vấn đề này được quy định rõ tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự”, được sửa đổi bổ sung năm 2016 và năm 2020 (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ).
Tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định:
Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
       Như vậy theo quy định pháp luật, nếu người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trao đổi nghiệp vụ thi hành án giữa Trưởng phòng Kiểm sát THADS, VKSND và Trưởng phòng Nghiệp vụ & Tổ chức THADS, Cục THADS tỉnh Kiên Giang.
          Những hành vi của người phải thi hành án quy định tại khoản 6 Điều 162, Luật THADS; điểm c khoản 2 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
- Không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng. Quy định tại khoản 6 Điều 162, Luật THADS và điểm a khoản 2 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ;
- Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khi người có thẩm quyền thi hành án yêu cầu. Quy định tại điểm c khoản 2 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.
       Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 163, Luật THADS và Điều 85 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ. Cụ thể: Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng; Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền phạt cảnh cáo và  phạt tiền đến 2.500.000 đồng và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
Đối với Chấp hành viên được phân công thụ lý vụ việc:
- Tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định “Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án”. Như vậy việc yêu cầu người phải thi hành án kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án là nhiệm vụ và trách nhiệm của Chấp hành viên, là trình tự, thủ tục bắt buộc phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án. Khi thực hiện thao tác nghiệp vụ này, Chấp hành viên thực hiện Biên bản về việc kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án, theo Mẫu biên bản ký hiệu D 40-THADS, ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP của Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự”.
- Trong trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án, Chấp hành viên căn cứ thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, lập biên bản vi phạm hành chính đối với người vi phạm theo Mẫu số D 63-THADS, phụ lục VI, ban hành Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự”. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định pháp luật.
        Như vậy, căn cứ quy định pháp luật việc yêu cầu người phải thi hành án phải kê khai về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khi xác minh điều kiện thi hành án là nhiệm vụ và trách nhiệm của Chấp hành viên, là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án. Đồng thời nội dung này cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện của người phải thi hành án./.
                                                                                                                                    Nguyễn Văn Hùng
                                                                                                                                VKSND tỉnh Kiên Giang
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: