Sign In

Bàn về việc trích nộp tiền thuế

12/05/2017

Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự (THADS) thì trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên hanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bản đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tài sản được xử lý để đảm bảo thi hành án còn đặt ra thứ tự thanh toán khoản nghĩa vụ tài chính người phải thi hành án phải thực hiện đối với Nhà nước thì khi xử lý số tiền thu được từ việc bán tài sản, cầm cố sẽ được cơ quan THADS xử lý như thế nào? Vấn đề này được đặt ra từ một vụ việc cụ thể, tác giả đưa ra để đồng nghiệp cùng nghiên cứu, trao đổi, đưa ra quan điểm giải quyết.
 
1. Nội dung vụ việc
Theo Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 61/2012/QĐST-KDTM ngày 25/7/2012 của TAND tỉnh Đ thì Công ty TNHH đầu tư A phải thi hành cho Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Q số tiền 5.508.125.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án.Trong trường hợp Công ty TNHH đầu tư A không thực hiện việc trả tiền theo đúng thỏa thuận,Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Q có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là thửa đất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH đầu tư A đã được UBND tỉnh Đ cấp Giấy chứng nhận QSĐ đất, có diện tích 36.188 m2.
2. Quá trình tổ chức thi hành án
Căn cứ đơn yêu cầu thi hành án của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Q, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện R ban hành Quyết định thi hành án số 604/QĐ-CCTHA ngày 26/10/2012 và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án .
Do Công ty TNHH đầu tư A không thực hiện việc trả tiền, ngày 8/8/2013, Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của Công ty TNHH đầu tư A là quyền sử dụng đất đã được cấpGiấy chứng nhận. Sau 9lần giảm giá và tổ chức bán đấu giá, ngày 11/7/2016, đơn vị được ủy quyền bán đấu giá đã tổ chức bán đấu giá thành và người mua trúng đấu giá là ông Trần Văn C với giá 1.314.938.000 đồng. Sau khi người mua trúng đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản, ngày 19/7/2016, Chấp hành viên đã tiến hành giao xong tài sản bán đấu giá cho người trúng đấu giá tài sản trên.
Ngày 8/8/2016, Chấp hành viên đã ban hành văn bản số 250/CV-THADS gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện R làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Đoàn Văn C là người mua trúng đấu giá. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất nêu trên của Công ty TNHH đầu tư A thuộc diện Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và trước đó, Công ty TNHH đầu tư A đã được miễn, giảm tiền sử dụng đất do là Dự án đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn; số tiền miễn, giảmtheo Thông báo tiền sử dụng đất ngày 20/8/2013 của Chi cục thuế huyện R là 1.387.670.000 đồng.Chi cục thuế huyện R, Cục thuế tỉnh Đ, Tổng cục thuế, Cục quản lý công sản của Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung này như sau: “Trường hợp Công ty TNHH đầu tư A chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đã được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất đã được miễn, giảm vào Ngân sách”.
Như vậy, số tiền thu được từ tiền bán đấu giá tài sản còn thấp hơn số tiền sử dụng đất Công ty TNHH đầu tư A đã được miễn, giảm và phải nộp lại Ngân sách nhà nước.Hơn thế nữa, để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người mua trúng đấu giá, người phải thi hành án còn phải nộp khoản tiền 173.702.000 đồng thuế thu nhập cá nhân và các khoản chi phí về thi hành án theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây, Chấp hành viên sẽ phải tiến hành xử lý, thanh toán số tiền 1.314.938.000 đồng như thế nào?
3. Quan điểm giải quyết đối với vụ việc
Về thứ tự Chấp hành viên thanh toán các khoản nêu trên từ số tiền bán đấu giá thành, hiện có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể có hai quan điểm cơ bản như sau:
- Quan điểm 1: Theo nguyên tắc, số tiền 1.314.938.000 đồng thu được từ kết quả bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất của Công ty TNHH đầu tư A xử lý thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS, sửa đổi, bổ sung năm 2014.Lý do bởi đây là trường hợp Công ty TNHH đầu tư A bị cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất theo nội dung Quyết định của Tòa án và để thi hành án, không thuộc trường hợp Công ty TNHH đầu tư A tự ý chuyển nhượng tài sản trong trường hợp giao dịch thông thường.Do đó, trong trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS, mà không phải trừ khoản thuế đã được miễn giảm cũng như thuế thu nhập cá nhân.
- Quan điểm 2: Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 76/2014/TT-BTC  ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:“Trường hợp tổ chức kinh tế chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì phải nộp số tiền sử dụng đất đã được miễn, giảm tiền sử dụng đã được miễn, giảm cho Nhà nước; số tiền sử dụng đất ghi tại Quyết định này sẽ được tính lại theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng”. Theo quy định trên, từ số tiền 1.314.938.000 đồng trên sẽ được ưu tiên thanh toán số tiền miễn, giảm tiền sử dụng đất mà Công ty TNHH đầu tư A được miễn, giảmlà 1.387.670.000 đồng.Hơn nữa, trong trường hợp này, nếu không trích nộp số tiền sử dụng đất đã được miễn, giảm để nộp vào NSNN thì cơ quan quản lý đất đai ở địa phương sẽ không cấp Giấy Chứng nhận QSDĐ cho ông Đoàn Văn C là người mua trúng tài sản đấu giá ngay tình trong khi ôngđã thực hiện nghĩa vụ nộp đủ tiền mua tài sản, theo nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi cho người mua trúng đấu giá. Tuy nhiên, theo tình huống này, số tiền thu được từ kết quả bán đấu giá thấp hơn số tiền miễn, giảm tiền sử dụng đất và các khoản chi phí khác phát sinh. Như vậy, số tiền bán đấu giá thu được chưa đủ để thanh toán các khoản nêu trên nên không còn khoản nào để thanh toán cho người được thi hành án thì giải quyết như thế nào?
Tác giả thấy rằng, số tiền 1.314.938.000 đồng thu được từ kết quả bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất của Công ty TNHH đầu tư A xử lý thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS, sửa đổi, bổ sung năm 2014 là phù hợp.Theo đó, khoản 3 Điều 47 Luật THADS đã quy định rõ: trong trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS. Khoản thuế sử dụng đất đã được miễn, giảm cũng như thuế thu nhập cá nhân chỉ nên đặt ratrong trường hợp Công ty TNHH đầu tư A tự ý chuyển nhượng tài sản trong trường hợp giao dịch thông thường, hưởng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng. Trường hợpnày, quyền sử dụng đất trên Công ty TNHH đầu tư A đã đưa vào thế chấp, bị Tòa án tuyên xử lý để thi hành áncho Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Q.Việc Công ty TNHH đầu tư A bị cơ quan Thi hành án dân sự cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất theo nội dung Quyết định của Tòa án và để thi hành án là nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Q - người được thi hành án.
Mặt khác, tác giả cũng thấy rằng, tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất đã có quy định như sau: “5. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.” Trong trường này có thểđề xuất vụ việc thuộc diện được “miễn” khoản tiền sử dụng đất đã được “miễn trước đó” hay không?. Trường hợp này, tác giả cho rằngChủ tịch UBND tỉnh Đ hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn nộp lại số tiền trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ, ngành liên quan như Tổng cục Thuê, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính và Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần họp trao đổi quan điểm để thống nhất quan điểm giải quyết, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thống nhất giải quyết.
Như vậy, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử lý số tiền thu được từ việc xử lý quyền sử dụng đất đã kê biên, bán đấu giá để thi hành án khi người phải thi hành án còn có nghĩa vụ tài chính phải thực hiện đối với Nhà nước, như phải nộp lại khoản tiền sử dụng đất đã được miễn giảm, các khoản thuế khác, nhất là trường hợp số tiền thu được thấp hơn nghĩa vụ tài chính mà người phải thi hành án phải thực hiện đối với Nhà nước.Tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể như trên và quan điểm giải quyết. Rất mong các đồng nghiệp và các luật gia, nhà nghiên cứu trao đổi về cách thức giải quyết đối với vụ việc, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự.


Theo Phạm Thị Hiền, Vụ Nghiệp vụ 1

Các tin đã đưa ngày: