Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại với dân tộc Việt Nam, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định là một trong ba thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, một số thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, nhằm phủ nhận thành quả đấu tranh của dân dân ta, phủ nhận hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng
Những luận điệu xuyên tạc
Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi là một sự kiện lịch sử không chỉ có ý nghĩa trọng đại với dân tộc Việt Nam, mà còn có tác động to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, nô dịch khắp Châu Á, Phi, Mỹ latinh.
Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945 là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về chủ trương, đường lối, xây dựng thực lực cách mạng và tinh thần đấu tranh anh dũng, khát vọng độc lập dân tự do của hơn 20 triệu đồng bào dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng với tinh thần “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”1.
Tuy nhiên, một số các đài VOA, RFA, BBC, RFI… cũng như một số trang mạng xã hội Youtube, Twitter, Facebok của các tổ chức “Việt Tân”, “Nhân dân hành động”, “Triều đại Việt”, “Tiếng dân”, “KTV, “Tivi tuần san”, TV24, “Góc nhìn W.C”, N10TV, “No U”, “dân chủ” trong và ngoài nước… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, luận đàm lịch sử, đã xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả đấu tranh của toàn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; bôi nhọ lãnh tụ dân tộc; phủ nhận, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Cách mạng Tháng Tám nói riêng và trong tổng quan nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung.
Mục đích của những tổ chức, cá nhân này là hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo ra những góc nhìn phiến diện, sai lệch, mơ hồ, nghi hoặc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và thế giới; làm phai nhạt niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; kích động, làm sâu sắc hơn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xa hơn là lái con thuyền cách mạng nước ta đi “chệch” định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với những thủ đoạn như cắt, ghép thông tin (theo kiểu “nhét chữ vào miệng”), hình ảnh, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đánh tráo khái niệm - lập lờ “đánh lận con đen”… Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện khá tinh vi, bài bản, có quy trình, được đầu tư về thời gian, kỹ thuật và tài chính. Dẫn đến hậu quả, khi tiếp cận thông tin, không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có trình độ, nhận thức sâu rộng cũng có thể hiểu sai bản chất vấn đề hoặc hoài nghi tính đúng đắn của vấn đề.
Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)
- Luận điểm cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sự ăn may” vì Nhật Bản thua cuộc trong chiến tranh thế giới thứ II, việc giành chính quyền chẳng qua là sự chớp thời cơ từ “khoảng trống quyền lực” sau khi Nhật đầu hàng đến khi quân Đồng Minh vào làm nhiệm vụ giải giáp quân dội Nhật.
- Họ vu cáo Cách mạng tháng Tám và sau đó là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nguyên nhân chính dẫn đến hai cuộc chiến tranh tàn khốc: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (có rất nhiều cá nhân, tổ chức gọi đây là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thịt”) khiến cho đất nước bị chia cắt, tàn phá, người dân phải ly tán và ngày nay tiếp tục tình trạng nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển. Theo họ, nếu không đi theo con đường của cách mạng vô sản, không có Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam vẫn có độc lập dân tộc mà tránh được chiến tranh đỗ máu, hi sinh như nhiều quốc gia khác trong khu vực, sau đó phát triển theo con đường của nước tư bản.
- Một số thế lực, cá nhân còn trắng trợn vu cáo: Việt Minh (Mặt trận Việt Minh), Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã cướp công của “dân tộc” (quần chúng nhân dân) trong Cách mạng Tháng Tám; Các thế lực này vào hùa, cổ xúy và tìm đủ mọi cách để chứng minh luận điệu: Cách mạng Tháng Tám là do “tinh thần dân tộc” lãnh đạo, dù không có Mặt trận Việt Minh, Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhiều nước thuộc địa đã giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Từ đó, họ đổ lỗi cho sự hi sinh của nhân dân ta để có được độc lập, tự do là do Đảng Cộng sản gây ra.
- Nghiêm trọng hơn, những người này cho rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng Cộng sản nắm độc quyền thống trị đất nước; thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, Cách mạng Tháng Tám không thay đổi về mặt bản chất chế độ nhà nước, chỉ thay đổi hình thức từ chế độ “vua trị” sang chế độ “Đảng trị”, chế độ hiên nay chính là chế độ phong kiến kéo dài mà thôi.
Quân khởi nghĩa chiếm Phủ Khâm sai (Ảnh tư liệu)
Và sự thật lịch sử
Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của dân tộc. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhờ tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng, Bác Hồ trong xác định, lựa chọn thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa. Điều này được thể hiện trên các luận điểm sau:
Về chủ trương, đường lối
Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân Việt Nam đã thể hiện tính nhất quán mục tiêu chiến lược được Đảng Cộng Sản Việt Nam vạch ra từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng tháng 2/1930: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”2.
Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10/1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) lãnh đạo, đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước tiến hành đấu tranh trực diện với kẻ thù qua 3 phong trào cách mạng: Phong trào Cách mạng 1930-1931; Phong trào Cách mạng 1936-1939; Phong trào Cách mạng 1939-1945.
Đặc biệt, trong giai đoạn 1939-1945, khi tình hình quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến (Tháng 9/1939: Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ; Tháng 6/1940, chính phủ Pháp đầu hàng quân Đức; Tháng 9/1940, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn và sau đó thỏa hiệp với Pháp cùng nhau cai trị nhân dân ba nước Đông Dương), Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức ba hội nghị Trung ương: Hội nghị Trung ương tháng 11/1939; Hội nghị Trung ương tháng 11/1940; Hội nghị Trung ương 5/1941, nhằm thay đổi chiến lược cách mạng, với mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”3.
Có thể khẳng định trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, Đảng đã khéo léo, linh hoạt trong việc xử lý mối quan hệ giữa mục tiêu “chiến lược” và “sách lược”. Điều đó thể hiện rõ bản lĩnh, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng trong thực tiễn phong phú của tình hình cách mạng trong nước và bối cảnh quốc tế, luôn bảo đảm cách mạng luôn đi đúng định hướng và quan trọng hơn hết là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu.
Văn Minh
Theo thinhvuongvietnam.com