Sign In

Chính nghĩa và vị thế quốc gia

06/09/2023

Một trong những thành tựu nổi bật của đất nước trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Với tinh thần “chọn chính nghĩa, không chọn bên”, công tác đối ngoại góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong lúc chúng ta kiên định với chính nghĩa thì các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc, kích động, lèo lái dư luận hiểu sai lệch bản chất quan hệ quốc tế của Việt Nam…

Thấy gì từ những thông tin kích động, xuyên tạc, phá hoại?

Những ngày này, dư luận truyền thông quốc tế và các nền tảng mạng xã hội dành sự quan tâm đặc biệt đối với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 11-9-2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự kiện này sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, vốn đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp từ nhiều năm qua.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta đến các quốc gia và đón tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đến Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hiểu biết, hợp tác đôi bên cùng có lợi, đóng góp vào quá trình thúc đẩy, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Chính nghĩa và vị thế quốc gia
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 4-6 vừa qua. Ảnh: TUẤN HUY 

Những năm qua, đặc biệt là sau Đại hội XIII của Đảng, hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đã có bước phát triển vượt bậc và đạt những thành tựu to lớn. Với tinh thần “chọn chính nghĩa, không chọn bên” mang đặc trưng “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu, giúp chúng ta giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác thương mại, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, củng cố, phát triển.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đột biến khó lường, việc “chọn chính nghĩa, không chọn bên” của chúng ta khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng.

Tuy nhiên, ở diễn biến ngược lại; trước, trong và sau mỗi sự kiện đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, trên không gian mạng lại xuất hiện nhiều thông tin mang tính kích động, xuyên tạc, lộ rõ mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch. Nổi cộm trong thời gian gần đây là sự đơm đặt, xuyên tạc tinh thần chính nghĩa trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Dưới các hình thức gọi là “tọa đàm”, “phân tích”, “bình luận”, “bàn tròn trực tuyến”… nhiều đối tượng phản động người Việt ở hải ngoại (trong đó có những đối tượng đang làm việc trong bộ máy chính quyền cơ sở ở một số quốc gia) cấu kết, liên tục thực hiện các sản phẩm truyền thông có nội dung sai trái, xấu độc, tán phát trên các nền tảng mạng xã hội.

Cùng với đó, một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt có tư tưởng thù địch ở hải ngoại cũng ráo riết thực hiện các chương trình mang tính xuyên tạc, kích động, lèo lái dư luận xã hội hiểu sai lệch bản chất các sự kiện. Với thủ đoạn nội công ngoại kích, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền dồn dập, các đối tượng, lực lượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam rêu rao rằng, Việt Nam đang thực hiện chính sách “đu dây” trong quan hệ với các nước lớn. Họ ngụy biện rằng, cách “chọn chính nghĩa, không chọn bên” là thái độ “ba phải”, “lập lờ”, “không có lập trường”, “đi ngược xu thế của thế giới”…

Từ những luận điệu xuyên tạc, kích động đầy chủ ý đó, họ lèo lái dư luận theo hướng cực đoan rằng: Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, Việt Nam muốn tồn tại và đứng vững cần phải dựa hẳn vào cường quốc phương Tây, tạo điểm tựa, bàn đạp để chống lại sự can thiệp, ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của các luận điệu sai trái này là muốn Việt Nam thay đổi, từ bỏ chủ trương, chiến lược, sách lược đối ngoại hiện hành, từng bước ảnh hưởng, lệ thuộc vào phương Tây về mọi mặt (đặc biệt là về chính trị). Và mục tiêu cuối cùng của họ là thực hiện thành công âm mưu “diễn biến hòa bình”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo con đường của các nước tư bản phương Tây.

Những chiêu bài về “diễn biến hòa bình” này không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, khi nó được tung ra, đẩy mạnh thành chiến lược tuyên truyền trên không gian mạng trong những sự kiện, chương trình đối ngoại quan trọng của đất nước, nó vẫn có sức “mê hoặc” như một thứ “bánh vẽ”, dụ dỗ được không ít người nhẹ dạ cả tin, có tư tưởng cực đoan, dao động, nửa vời. Đáng tiếc và đáng nói là những luận điệu xuyên tạc nêu trên lại được một số nhân vật trí thức, văn nghệ sĩ trong nước hưởng ứng, cổ xúy.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít tài khoản cá nhân của một số người ít nhiều có tiếng tăm trong đời sống xã hội, có lượng người theo dõi, tương tác lên đến con số hàng nghìn, đã xuất hiện nhiều bài viết, dòng trạng thái kiểu ám chỉ, dẫn dụ. Một mặt, họ ca ngợi, tâng bốc, cường điệu hóa những giá trị bề nổi của xã hội phương Tây, mặt khác, khoét sâu vào những hạn chế, bất cập của đời sống xã hội trong nước để mỉa mai, so sánh, gieo rắc tâm lý tự ti dân tộc.

Đây là những biểu hiện rất nguy hiểm, chúng ta cần nhận diện thấu đáo để đấu tranh, phản bác có hiệu quả, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định với chủ trương, đường lối, sách lược trong quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Hiểu đúng về “chọn chính nghĩa, không chọn bên”

Trước hết, cần hiểu rõ, cách nói “chọn chính nghĩa, không chọn bên” mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta sử dụng trong quan hệ đối ngoại thời gian qua là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cách lập ngôn vừa mang tính khái quát, vừa cụ thể ấy có tác dụng trực quan mạnh mẽ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định rõ: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…

Đường lối đối ngoại của Đảng ta là sự đúc kết, kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và những tinh hoa của truyền thống dân tộc từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối đó đã làm phong phú, sâu sắc thêm về mặt lý luận theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Qua từng kỳ đại hội và từng giai đoạn, Đảng ta lại có những đúc kết, điều chỉnh, bổ sung về chiến lược, sách lược, giải pháp… phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và xu thế thời đại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre Việt Nam để khái quát, nhấn mạnh về đặc trưng của ngoại giao Việt Nam. “Ngoại giao cây tre” hay “chọn chính nghĩa, không chọn bên” đều là những cách nói mang tính hình tượng, khái quát, cô đọng, cụ thể hóa. Chính nghĩa mà chúng ta xây dựng, củng cố, vun đắp trong quan hệ với các nước chính là yếu tố lòng tin chiến lược, là cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế.

Nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, chúng ta cũng kiên định chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…

Như vậy, chính nghĩa mà Việt Nam chọn chính là lẽ phải, là xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển của quan hệ quốc tế, là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế… Đó cũng chính là mục tiêu, khát vọng của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Chính điều đó đã giúp Việt Nam tạo dựng lòng tin chiến lược đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao, hợp tác với Việt Nam, đồng thời là điều kiện để Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín đối với thế giới.

Những luận điệu sai trái với ý đồ xuyên tạc, phủ nhận, đi ngược lại chính nghĩa đó đều là cách lập ngôn võ đoán, chụp mũ, cố tình lèo lái dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề nhằm gây nhiễu thông tin, kích động hận thù, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua đó nhằm hạ bệ uy tín, vị thế của đất nước.

Trong thời gian tới, đặc biệt là trong hai năm 2024-2025, đất nước ta có nhiều sự kiện trọng đại, các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng sẽ diễn ra thường xuyên. Theo đó, các đối tượng cực đoan chính trị, thế lực thù địch sẽ tiếp tục nhân cơ hội này đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá.

Với mục tiêu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, mỗi cán bộ, đảng viên và công dân, kiều bào yêu nước cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc mục tiêu, đường lối, chiến lược, sách lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta để góp phần duy trì ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn, cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Vị thế quốc gia có ổn định, bền vững, trường tồn hay không phụ thuộc vào niềm tin, bản lĩnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới.

Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước… (Trích Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

PHAN TÙNG SƠN 


Theo huongsenviet.com

Các tin đã đưa ngày: