Sign In

Bài học lịch sử cho sự vững bền của chế độ, của quốc gia

26/10/2023

Lịch sử đã để lại cho chúng ta những bài học quý, một trong những bài học đó là không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vì điều đó sẽ dẫn đến mất chế độ, mất nước, mất đi thành quả bao thế hệ người Việt Nam đổ mồ hôi, xương máu mới giành được

Vì sao đa nguyên, đa đảng sẽ dẫn đến mất chế độ, mất nước ?

Bài học vô cùng thấm thía nhãn tiền mà sự sụp đổ của Liên Xô cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 thế kỷ XX đã cho Việt Nam thấy, không bao giờ được lơ là, mất cảnh giác với âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch về một viễn cảnh của chế độ đa nguyên, đa đảng.

Thông qua “diễn biến hòa bình”, với chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “đa nguyên đa đảng”, chúng ta biết các thế lực thù địch, phản động đã từng bước thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhằm trục lợi chính trị mong có cơ hội “đổi vận”. Tháng 3/1990, Đại hội đại biểu Nhân dân Liên Xô bất thường thông qua Nghị quyết sửa đổi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô. Theo đó, địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô bị hủy bỏ và tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước, xã hội. Điều này đã mở đường cho chế độ đa nguyên, đa đảng ở Liên Xô. Chỉ chưa đầy 1 năm sau, có tới 153 đảng phái khác nhau ra đời, cạnh tranh công khai, trực tiếp và hợp pháp với Đảng Cộng sản Liên Xô. Hệ quả là, Đảng Cộng sản Liên Xô bị tước mất quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Dẫn tới kết cục đau xót, trong “nháy mắt” thành trì xã hội chủ nghĩa của thế giới, thành quả hơn 70 năm xây dựng và phát triển đất nước của Liên Xô bỗng chốc sụp đổ.

Đối với Việt Nam, không như các quốc gia dân tộc khác trên thế giới, vừa dựng nước vừa giữ nước là hai mặt không bao giờ được phép tách rời trong đặc điểm địa - chính trị suốt chiều dài lịch sử trường tồn của dân tộc. Để giữ nước chúng ta không có con đường nào khác là phải thống nhất ý chí và đoàn kết trong khối cộng đồng quốc gia dân tộc.

Từ khi xuất hiện nhà nước đầu tiên cách đây mấy nghìn năm, lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào buổi bình minh vừa dựng nước vừa giữ nước. Nhà nước Nước Văn Lang ra đời với một nền kinh tế phong phú, một tổ chức chính trị - xã hội tương đối phát triển và một nền văn hoá cao.

Nhưng vừa dựng nước thì nhân dân ta đã phải liên tiếp đương đầu với nhiều mối đe doạ từ bên ngoài. Truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân, là câu chuyện đánh giặc giữ nước đượm màu thần thoại, nhưng mang cốt lõi lịch sử của nó.

Thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Văn Lang - Âu Lạc đối với quân nhà Tần (thế kỷ thứ III TCN) đã ghi vào lịch sử trang mở đầu về truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới buộc phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh yêu nước và khởi nghĩa chống ngoại xâm như ở Việt Nam. Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần, sự xâm lăng, đe doạ của phong kiến phương Bắc, đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong 22 thế kỷ, với hàng chục cuộc chiến tranh giữ nước cùng hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, tính ra thời gian giữ nước và đấu tranh chống đô hộ ngoại bang đã lên tới 12 thế kỷ.

Hơn nữa, dân tộc Việt Nam luôn phải chống giặc ngoại xâm trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, tương quan so sánh lực lượng quá chênh lệch. Kẻ thù của Việt Nam là đế chế hùng mạnh phong kiến phương Bắc, là Pháp, là Mỹ có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh hơn Việt Nam gấp bội. Trong điều kiện khắc nghiệt của địch họa như vậy, với một đất nước đất không rộng, người không đông, để giữ nước nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thì đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động vì sự sống còn của đất nước, vì độc lập, tự do của Tổ quốc là lẽ sống, là niềm tin, sức mạnh của dân tộc.

Ngoài địch hoạ, chống lại sự khắc nghiệt của thiên tai, yêu cầu trị thuỷ để sinh tồn luôn là nhân tố thường xuyên mang tính quy luật đòi hỏi sự cố kết quốc gia, dân tộc ở Việt Nam.

Lịch sử các dân tộc cộng đồng Việt Nam, miền núi hay miền xuôi, đa số hay thiểu số luôn chung lưng đấu cật, tích cực tham gia vào công cuộc chinh phục thiên tai và chiến đấu vì độc lập tự do vì toàn vẹn lãnh thổ và sự sống còn của dân tộc mình. Người Việt luôn tôn trọng đạo lý, nhân nghĩa, cuộc sống “đồng cam cộng khổ”, “lá lành đùm lá rách”. Tình cảm “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… là nét đẹp của tâm hồn người Việt Nam, của tâm lý cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc trong điều kiện hình thành dựng nước và giữ nước khắc nghiệt như thế.

Thành phố Hồ Chính Minh phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới (Ảnh Internet)

Vì vậy, chúng ta, mỗi người dân yêu nước Việt Nam phải luôn ý thức sâu sắc, tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Độc lập và thống nhất là ý nguyện chung. Khi nào cả dân tộc thống nhất, trên dưới đoàn kết, chung một ý chí quyết thắng thì thế nước vững mạnh và giành được mọi thắng lợi, dù phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn gấp bội, nền hoà bình, độc lập dân tộc khi đó sẽ được giữ vững.

Một đảng lãnh đạo là sự chọn lựa của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam

Lịch sử đã chứng minh đa nguyên, đa đảng không làm cho phong trào cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, ngược lại còn làm suy yếu lực lượng, đe doạ đến lợi ích toàn dân, đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

Lịch sử Cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã chứng kiến nhiều hiện tượng lịch sử xung quanh sự tồn tại của các phái chính trị. Trước hết phải nói đến âm mưu của Pháp và Mỹ. Nhằm phục vụ mục đích xâm lược Việt Nam cả Pháp và Mỹ đều dùng thủ đoạn “chia để trị”. Pháp chia Việt Nam thành ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Mỹ thực hiện âm mưu chia đôi nước Việt Nam bằng việc lập nên Chính phủ bù nhìn Việt Nam Cộng hoà, đi ngược lại với quyền lợi dân tộc, quyền lợi đại đa số người dân lao động. Tất cả hòng gây chia rẽ dân tộc, làm suy yếu cách mạng Việt Mam để dễ bề thực hiện âm mưu xâm lược của mình.

Trong bối cảnh đó, các đảng phái chính trị Việt Nam vì quyền lợi dân tộc hay vì quyền lợi bộ phận giai cấp mình mà đã hình thành. Nhưng sự tồn tại đó đã không chứng minh được sự phát triển mạnh mẽ đưa đến thành công của cách mạng Việt Nam trước hoạ xâm lăng.

Ngược lại, chịu sự chi phối hay được nhượng bộ một số quyền lợi của một số đảng phái chính trị, như Đảng Lập Hiến thành lập năm 1923 của Bùi Quang Chiêu, Đảng Cần Lao Nhân vị của Ngô Đình Diệm đều đi ngược lại với lợi ích dân tộc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trước thế lực ngoại bang. Hay như sự hình thành 3 tổ chức cộng sản cuối năm 1929, hoạt động lôi kéo đảng viên, tranh giành quyền lợi ảnh hưởng phong trào cách mạng của ba tổ chức cho thấy đe doạ đến sự phát triển phong trào cách mạng. Và lịch sử đã lựa chọn hợp nhất 3 tổ chức cộng sản nhằm đạt mục tiêu cao nhất giành độc lập dân tộc, đòi lại quyền tự do, hạnh phúc cho người dân bằng sự kiện thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam thống nhất đầu năm 1930.

Địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là ý chí chủ quan của một cá nhân hay của một lực lượng chính trị nào, mà đó là kết quả quá trình “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử, sự công nhận và lựa chọn như một quy luật tất yếu mà Đảng đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Sự thực, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là lực lượng chính trị có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cách mạng Việt Nam, từ đó dẫn dắt nhân dân giành được độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người. Sự tồn tại của các đảng phái chính trị khác không những nó chứng minh không phải nhiều đảng sẽ đưa cách mạng Việt Nam đi đến đến thành công mà còn cho thấy các đảng phái đó hoạt động không vì mục tiêu chung của dân tộc của toàn thể nhân dân lao động đã bị lịch sử loại bỏ, các đảng phái chính trị đó lưu vong, hoặc tự giải tán do dựa vào thế lực bên ngoài, hay là chỉ dựa vào một giai cấp, tầng lớp số ít trong xã hội, chứ không phải dựa vào đông đảo nhân dân lao động. Trong khi đó, với quá trình hoạt động cách mạng, nhận thức sự cần thiết phải tập hợp đông đảo lực lực quần chúng nhân dân lao động ủng hộ cách mạng, ủng hộ nền hoà bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương vận động thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam (năm 1944) và Đảng Xã hội Việt Nam (năm 1946) để đoàn kết, tập hợp tư sản dân tộc, tiểu tử sản, trí thức cùng góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết lại đất nước sau khi đã giành được độc lập.

Không chỉ thành thị, nông thôn Việt Nam cũng đang đổi mới và phát triển giàu đẹp từng ngày (Ảnh Internet)

Ngay từ khi ra đời cũng như trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội luôn thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên tích cực của Mặt trận dân tộc thống nhất; đồng hành cùng dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1988, hai đảng này tuyên bố tự giải tán sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Có thể khẳng định, đối với Việt Nam, không có lực lượng chính trị nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, uy tín để lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Vai trò lãnh đạo của Đảng được kiểm nghiệm bởi quá trình lịch sử lâu dài, đầy khó khăn, thách thức và sàng lọc nghiệt ngã, mà ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, những người đảng viên cộng sản luôn thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, sẵn sàng gánh vác mọi gian khổ, kể cả chấp nhận hy sinh xương máu để thực hiện thành công sứ mệnh thiêng liêng, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Việt Nam vẫn luôn đối diện với các mối đe dọa đến nền hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước, trong đó có cả những vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh chủ quyền hay an ninh chính trị. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Trong khi đó các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn đã và đang dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, công kích chủ trương đúng đắn của Đảng, cố tình cản trở, hướng lái dư luận, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đứng trước những nguy cơ thách thức hiện hữu đó, chúng ta lại càng phải khẳng định với thế giới rằng muốn giữ vững nền độc lập để dựng xây đất nước thì Việt Nam không thể đa nguyên đa đảng. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là con đường duy nhất đúng cho cách mạng.

Ngọc Diễn


Theo thinhvuongvietnam.com

Các tin đã đưa ngày: