Sign In

Nhận diện và cảnh giác về sự xuất hiện trở lại của Hội thánh Đức Chúa trời mẹ (20/07/2023)

Thời gian gần đây, Hội thánh Đức Chúa trời mẹ (HTĐCTM) tiếp tục hoạt động trở lại tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Thanh Hóa và một số tỉnh Tây Bắc…

Về bản chất hoạt động của HTĐCTM vừa mang tính chất mê tín dị đoan, vừa tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc và cũng là điều kiện để các cá nhân, tổ chức thù địch lợi dụng xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Nguồn gốc và quá trình du nhập của HTĐCTM vào Việt Nam

HTĐCTM là một “phong trào tôn giáo” mới bắt nguồn tại Hàn Quốc do Ahn Sahng-hong, sinh năm 1918 sáng lập. Năm 1947, Ahn Sahng-hong theo Cơ Đốc Phục Lâm nhưng sau đó bị giáo hội này khai trừ vì đưa ra quan điểm “lấy thập tự giá làm biểu tượng trong Hội thánh là phạm tội thờ thần tượng”. Đến năm 1964, ông lập ra nhóm “Hội thánh của Đức Chúa Trời Nhân chứng Jesus” tại TP Busan, Hàn Quốc và trở thành Giáo chủ.
 

Ông tự cho rằng mình là “Chúa tái lâm”, “Thánh Linh đấng yên ủi”, “Đức Chúa Trời đến thế gian qua việc mặc lấy xác thịt”, nhấn mạnh rằng phải gia nhập vào nhóm của mình thì mới được “ghi tên vào sổ của sự sống”. Năm 1985, sau khi Ahn Sahng-hong qua đời, bà Janggil – Ja (Zahng Gil Jah hoặc Chang Gil Jah) tách ra thành lập “Hội thánh của Đức Chúa Trời Nhân chứng Ahn Sahng-hong”.

Năm 1997, Hội thánh của Đức Chúa Trời Nhân chứng Ahn Sahng-Hong đổi tên gọi chính thức là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới” (World mission society Church of God – WMSCOG) hay còn gọi là “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ” (bởi vì tổ chức này tin có Đức Chúa trời mẹ).

Tổ chức này coi ông Ahn Sahng-hong là “Đức Chúa trời cha” và bà Janggil-Ja là “Đức Chúa trời mẹ”, không tổ chức lễ Giáng sinh, không thờ cây thánh giá, trong sinh hoạt nữ trùm khăn ren trắng… Vì vậy, các tổ chức chính thống ở Hàn Quốc tẩy chay và coi là tà giáo, gọi là HTĐCTM để phân biệt với các tổ chức Hội thánh Đức Chúa Trời khác thuộc đạo Tin Lành. Trụ sở chính của HTĐCTM đặt tại quận Bundang, TP Seongnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc.

HTĐCTM du nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động nhập cảnh của người Hàn Quốc; tiếp đến là hoạt động hiến máu nhân đạo của “Quỹ chúng tôi yêu bạn”. HTĐCTM xuất hiện ở phía Nam vào năm 2001, hình thành điểm nhóm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào khoảng năm 2005-2006 do Nguyễn Văn Hòa (truyền đạo sư) phụ trách từ Đà Nẵng trở vào. Năm 2013 xuất hiện ở phía Bắc và rộ lên năm 2016 do ông Nguyễn Đình Tám (chấp sự) phụ trách từ Thừa Thiên-Huế trở ra.

Theo quy định của tổ chức này, mỗi tín đồ được tổng hội ở Hàn Quốc trực tiếp cấp “mã số sự sống” và quản lý chặt chẽ về nhân thân, lai lịch, quan hệ xã hội… thông qua “Thẻ Thánh đồ” (tín đồ) và “Thẻ Thánh đồ điện tử” (đối với người có chức vụ cao hơn tín đồ), được lưu trữ trên website của giáo hội. Hiện nay, HTĐCTM có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố với hàng nghìn người tin theo.

Bản chất của Hội thánh Đức Chúa trời mẹ

HTĐCTM là một hiện tượng tôn giáo gắn với vấn đề tín ngưỡng, giáo lý trong đạo Tin Lành nhưng có nhiều điểm khác so với các hệ phái Tin Lành được Nhà nước công nhận, mang tính tà giáo. Cụ thể là:

– Về giáo lý, giáo luật

Tổ chức không có hệ thống giáo lý, giáo luật riêng mà đa phần cắt xén, pha tạp giữa giáo lý, giáo luật, lễ nghi của đạo Công giáo và hệ phái Tin Lành Cơ đốc Phục lâm. Cụ thể là giáo lý được xây dựng trên cơ sở trích dẫn các câu Kinh thánh riêng lẻ để phục vụ cho quan điểm cá nhân người sáng lập (đây là phương pháp mà hầu hết các tà giáo mang danh Cơ đốc khác đều dùng, vi phạm nguyên tắc giải nghĩa Kinh thánh Cơ đốc là phải theo văn mạch và có đối chiếu với những sách khác trong Kinh thánh). Đồng thời có một số điểm khác biệt, thậm chí sai trái, không đúng với Kinh thánh Tin Lành. Cho rằng con người được sinh ra, được nuôi dưỡng trưởng thành không phải do bố, mẹ mà do Đức Chúa Trời ủy thác.

Phải thờ phượng “Đức Chúa Trời Cha”; không lập bàn thờ, cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ; coi linh hồn người thân là ma quỷ; không thắp hương đền, chùa, di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ; không ăn đồ cúng, đó là đồ thừa của ma quỷ. Việc tổ chức này tin rằng “tất cả mọi người là những thiên thần đã đến trái đất sau khi phạm tội ở trên trời” và xem cơ thể là nhà tù thời gian của linh hồn là một quan điểm hoàn toàn sai trật với Thánh kinh.

Về ngày tận thế, trong Kinh thánh chính thống không định trước ngày giờ tận thế nhưng Ahn Sahng-hong đã định vào năm 1988. Cho rằng mình đã giáng lâm xuất trần cứu vớt nhân loại, phê phán về lễ Giáng sinh khi cho rằng ngày 25/12 lễ Giáng sinh là ngày sinh thần mặt trời của người nông dân La Mã xưa, vì vậy các hội thánh khác giữ lễ Giáng sinh ngày nay là hành động thờ lạy hình tượng.

Ngoài ra, quan điểm của hội thánh này còn nhiều điểm trái ngược với các tổ chức Tin Lành như: không có thập tự giá; nghi lễ sinh hoạt phải bịt khăn (các tín đồ nữ khi sinh hoạt phải trùm khăn kín đầu); khi cầu nguyện thì nhân danh Đấng Christ Ahn Sahng-hong. HTĐCTM cho rằng các hội thánh không giữ ngày Sabat, không giữ Lễ Vượt qua là tà giáo; hội thánh giữ lễ Giáng sinh vào ngày 25/12 không dựa trên Kinh thánh; hội thánh thờ lạy thập tự đều là tà giáo; họ cho rằng phải giữ luật pháp của Cựu ước thì sẽ là chính thống thì hội thánh mới có sự cứu rỗi… Đây là những quan điểm hoàn toàn sai lệch.

– Về cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức HTĐCTM tại Việt Nam gồm hai cấp, cấp hội thánh và cấp điểm nhóm. Nhìn chung, tại Việt Nam, tổ chức HTĐCTM không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; không phân cấp quản lý, không có lãnh đạo chung mà tổ chức theo từng nhóm Sion (địa điểm sinh hoạt của tín đồ); hiện có trên 200 điểm nhóm, trong đó hầu hết các điểm nhóm đều không được cấp phép hoạt động.

– Về hình thức sinh hoạt của tổ chức HTĐCTM

Những ai tin theo tổ chức HTĐCTM phải làm rất nhiều lễ. Để trở thành “con cái” của Đức Chúa Trời cần phải làm lễ vượt qua với luận điệu: “Nếu trở thành con của Đức Chúa Trời sẽ được thiên sứ bảo vệ; mọi biến cố trên trái đất như động đất, sập nhà, hỏa hoạn, tai nạn giao thông… sẽ không bị xâm hại dù chỉ một sợi tóc”.

Số người tin theo sẽ phải làm đủ các loại lễ: Lễ chuộc tội (ba lần trong một ngày để Đức Chúa Trời tha tội và ban phước lành; ai dâng càng nhiều tiền thì sẽ được ban càng nhiều phước); lễ cảm tạ (ngày ba lần gồm tiền lễ cảm tạ cha mẹ trời, Sion và cảm tạ mẹ trời, Tổng hội ở Hàn Quốc); lễ phụng sự (ba lần trong ngày với phong bì trắng đựng tiền nhằm phụng sự Đức chúa Jesu đã hy sinh bản thân mình, đóng đinh trên cây thập tự giá).

Ngoài ra, thứ ba và thứ bảy hằng tuần phải đến Sion làm lễ Sabat “gác hết mọi việc xã hội (họp hành), gác hết mọi việc nhà, kể cả bố mẹ chết đang nằm đó”; Đức Chúa Trời đã ban luật tuần làm việc 6 ngày, ngày thứ 7 phải nghỉ ngơi đến Sion nhận phước của Đức Chúa Trời, ai không đến Sion là phạm luật, mất phước, ngày tận thế không được về nước thiên đàng. Tất cả mọi người tin theo phải thật vui vẻ dâng nhiều lễ để Đức Chúa Trời tha nhiều tội, ban nhiều phước và ngược lại. Cách thức hành lễ thường vay mượn các tôn giáo chính thống, tín ngưỡng dân gian như: vái lạy, cầu xin, sám hối, ban ơn, bố thí.

– Về hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức

Cách thức truyền giáo của HTĐCTM gần giống với mô hình bán hàng đa cấp, do Tổng hội ở Hàn Quốc điều hành. Từ năm 2016 đến nay, số đối tượng cầm đầu của HTĐCTM đã đẩy mạnh việc phát triển tổ chức, phân công người đi các địa phương tuyên truyền, lôi kéo người tham gia dưới nhiều hình thức, vỏ bọc khác nhau như dưới danh nghĩa công ty tư vấn, giới thiệu việc làm, trung tâm bảo tồn cây thuốc Việt Nam, văn phòng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm; mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán; thông qua hoạt động từ thiện xã hội.

Đáng chú ý, tổ chức này đã lôi kéo chủ yếu thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Các đối tượng cầm đầu tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của các tín đồ, dùng các luận điệu như ngày tận thế, chia sẻ tình yêu thương, làm giàu, tác động số tín đồ này đi theo tổ chức. Các tín đồ theo tổ chức phải nộp tiền dâng hiến, được cho uống nước thánh, bánh thánh (không rõ nguồn gốc), được chỉ bảo không nghe theo lời khuyên của gia đình, xã hội, không thờ, ăn các đồ cúng tổ tiên, sẵn sàng từ bỏ gia đình, bỏ học để tham dự các buổi nhóm họp truyền đạo trái phép vào các ngày thứ ba và thứ bảy hằng tuần. Nhiều đối tượng trong tổ chức đã lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm trá hình với mục đích tuyên truyền đạo trái phép và phát triển tổ chức, gây nhiều phức tạp về trật tự, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tôn giáo. Sau khi lôi kéo được hội viên tham gia, các đối tượng sẽ tổ chức cho hội viên sinh hoạt trực tiếp tại các điểm nhóm (Sion) hoặc qua hệ thống Zoom.

– Về phương thức hoạt động của HTĐCTM: Tổ chức này hoạt động tương tự như mô hình đa cấp, được chia thành nhiều nhóm nhỏ, các điểm nhóm sinh hoạt riêng rẽ. Các đối tượng ban đầu chỉ là lân la làm quen, khéo léo tiếp cận tìm hiểu gia cảnh của từng người rồi động viên chia sẻ, hướng dẫn những điều cần thiết trong cuộc sống, sau đó sẽ tìm cách thao túng tâm lý, ép người tham gia bằng sự sợ hãi bởi những lời rao giảng lệch chuẩn, gieo vào tín đồ niềm tin ngày tận thế, về sự phán xét của Đức Chúa Trời nếu không nghe, tin theo; về những rủi ro, những điều siêu nhiên, sứ mệnh cao cả của hội viên để cứu rỗi linh hồn, về cuộc sống an nhàn, hạnh phúc khi theo HTĐCTM…

Cảnh giác với hoạt động Hội thánh Đức Chúa trời mẹ

Đối chiếu quy định hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cho thấy, tổ chức HTĐCTM không có giáo lý, giáo luật, cơ cấu tổ chức riêng, có mục đích hoạt động chính là vụ lợi, trái pháp luật nên không đủ điều kiện để được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.

Hoạt động của HTĐCTM tại một số địa phương thời gian vừa qua như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và một số tỉnh miền núi phía Bắc trước đây cho thấy tổ chức này đã vi phạm nghiêm trọng các điều cấm quy định tại Ðiều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 với các nội dung như: ép buộc, mua chuộc người khác; xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi…

Những gì HTĐCTM tuyên truyền là hoàn toàn trái ngược với thuần phong mỹ tục cũng như những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa của người Việt; không được pháp luật Việt Nam cho phép; hoạt động với các biến thể dị thường núp dưới nhiều danh nghĩa (nhất là danh nghĩa từ thiện, mở các lớp hướng thiện); những kẻ cầm đầu hầu hết là những người không bình thường, có quá khứ bất hảo (cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút…); mục đích chính là vụ lợi.

Hoạt động của HTĐCTM hiện có nhiều vi phạm như: sinh hoạt tôn giáo tập trung khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và cho phép; truyền đạo không đúng đối tượng (tập trung vào học sinh, sinh viên); tài liệu tuyên truyền là những văn hóa phẩm không rõ nguồn gốc; ảnh hưởng đến truyền thống, phong tục tập quán, đạo đức gia đình, xã hội (như xúi giục, kích động nguời theo ứng xử không hiếu thảo với cha mẹ, đập phá bàn thờ tổ tiên, tuyên truyền người thân trong gia đình là ma quỷ)…

Thậm chí, hoạt động của HTĐCTM trong thời gian vừa qua tại một số địa phương đã gây chia rẽ, kích động gây mâu thuẫn giữa những người theo và không theo tín ngưỡng, tôn giáo và có dấu hiệu trục lợi cá nhân, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân ở một số địa bàn, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Vậy nên, việc nhận thức rõ bản chất để kịp thời cảnh giác, ngăn chặn, xử lý hoạt động phi pháp, nguy hiểm của những đối tượng tự xưng là người của HTĐCTM là điều cần thiết, đem lại sự bình yên cho xã hội.

Phan Dương – Lê Quang

Công tác dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của Đảng (06/07/2023)

Công tác dân tộc được Đảng và Nhà nước xác định là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cấp bách.

Thời gian qua có nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành đã hỗ trợ nâng cao đời sống, cải thiện rõ rệt sinh kế của người dân và đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông thế mạnh, tiềm năng kinh tế – xã hội của vùng.

Đã nhiều năm nay, không ít bản làng, nương rẫy ở các vùng đồng bào dân tộc trở thành điểm du lịch thu hút khách trong nước và quốc tế. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, truyền thống văn hóa, những tập tục đặc sắc của 53 dân tộc thiểu số anh em, đã thực sự trở thành nét độc đáo riêng có, thành vốn quý của du lịch Việt Nam.

Sau tăng lương cơ sở, bao giờ sẽ cải cách tiền lương? (06/07/2023)

Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công.

Quyết định này nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của nhân dân song nhiều ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết số 27) để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương
 

Tháng 10 sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tiền lương?

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển trong kinh tế-xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội mới đây, câu chuyện tăng lương, cải cách tiền lương là một trong những trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội. 

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu thời điểm tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023 thì tính từ tháng 7-2019 đến nay đã là 4 năm mới được tăng lương. Như vậy, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức, kể cả cấp xã.

Tuy nhiên, đánh giá cao việc Chính phủ thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, song các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.
 

Phát biểu tại phiên thảo luận, đề cập đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) cho biết, tháng 10 tới đây, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị.

“Chúng ta đều biết chính sách tiền lương là vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội”, đại biểu nhấn mạnh. 

Đặc biệt, theo đại biểu, cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai và chỉ khi chúng ta có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.

“Đất nước chúng ta không thiếu người tài, những người tâm huyết, muốn cống hiến ngay trên đất nước mình nhưng thực sự cần một chính sách tiền lương đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động”, đại biểu bày tỏ. 

Nguồn nào để tăng lương?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, xét về căn cứ chính trị thì Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã 3 năm liên tiếp lỡ hẹn; Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế.

“Đó là chủ trương đúng đắn, nhưng sau gần 2 năm thực hiện, hơn 14.000 tỷ đồng vốn Chương trình phục hồi kinh tế chưa thể phân bổ, hơn 429.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn chưa được giao. Tức là khi “thắt lưng buộc bụng” cho đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực chưa phát huy hiệu quả – đây là điều đáng tiếc”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích.

Tới đây, nếu cải cách tiền lương, mức tăng là bao nhiêu, theo đại biểu, còn chờ Quốc hội quyết định, nhưng rất cần thay đổi căn bản thực chất, chứ không chỉ về hình thức.

“Nhiều diễn đàn đề xuất tăng 21%, tức người đang có lương 10 triệu đồng thì tăng thêm 2,1 triệu đồng. Trong khi đó Nghị quyết 27 nêu, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế”, đại biểu nói.

Đại biểu lưu ý, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt, đặc biệt, các quốc gia đang đối mặt già hóa dân số, thu hút nhập cư là chìa khóa tăng trưởng kinh tế, nếu không có chính sách hợp lý thì nước ta hoàn toàn thua ngay trên sân nhà trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ những quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị, cần thực hiện nghiêm quy định của Nghị quyết 27, theo đó, hằng năm dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách Trung ương để dành cho tăng lương.

“Cần phân bổ đúng trật tự ưu tiên khi dùng nguồn tăng thu. Tức là, ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư. Năm 2022 tăng thu lớn, ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương 269.000 tỷ đồng, trong số này cần dành nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương”, đại biểu đề nghị.

TS Phạm Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cũng nhấn mạnh quan điểm, kinh tế – xã hội chúng ta có phát triển đến đâu thì cuối cùng cũng là nhằm phục vụ con người, do đó, chúng ta phải xác định được nguồn lực để tăng lương cho cán bộ, công chức chính là nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Gợi mở một số cách tạo nguồn lực, TS Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta đã sử dụng nhiều vốn ODA để đầu tư, phát triển hạ tầng và bây giờ cần tính đến phương án dùng nguồn vốn này để đầu tư cho nguồn nhân lực bằng việc tăng lương cho công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đang xây dựng bảng lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương

Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm về vấn đề tiền lương tại phiên thảo luận ngày 1-6-2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ.
 

Thông tin thêm về việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ giải pháp về “xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm”, “tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước”. 

Đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và giải pháp gắn với “thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII” là rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương đồng bộ.  Đồng thời, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, kinh phí tiết kiệm do tinh giản biên chế nêu trên là nguồn ngân sách Nhà nước quan trọng để thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là vấn đề rất được quan tâm bởi liên quan mật thiết đến đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian qua, trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng thì nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và hoàn thiện thể chế chính sách được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, chủ yếu (cùng với giải pháp về đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức) nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới để thay thế chế độ tiền lương hiện hành. Bộ Nội vụ đang xây dựng 1 dự thảo nghị định và 11 dự thảo thông tư.

Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 vào thời điểm phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách chính sách tiền lương. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ hy vọng trong năm tới tình hình kinh tế trong nước khởi sắc, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách tiền lương với mục tiêu “bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.
 

Phó thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ sẽ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương Khi thông tin kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thông tin: Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Theo đó, sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.
Chế độ tiền lương mới sau cải cách sẽ thay đổi như thế nào? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện báo cáo “kết quả thực hiện và lộ trình triển khai cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” để trình cấp có thẩm quyền. Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27. Đó là: – Tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; – Mở rộng quan hệ tiền lương; – Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; – Bổ sung quỹ tiền thưởng; đồng thời, đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo (tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mức lương thấp nhất cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27); dự toán nguồn kinh phí, kế hoạch nhiệm vụ đối với các Bộ, cơ quan liên quan.
Các tin đã đưa ngày: