Những năm gần đây, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với chủ trương chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế ngày càng được nhận thức rõ ràng hơn và được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan thi hành án dân sự triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Năm 2022, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh phải thi hành vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 05 việc, với số tiền 12.672.030.000 đồng. Số có điều kiện là 04 việc, với số tiền 1.579.000.000 đồng; số chưa có điều kiện thi hành 01 việc, với số tiền 11.093.000.000 đồng (đã chuyển sổ theo dõi riêng theo quy định của pháp luật). Đã thi hành xong 03 việc, với số tiền là 1.363.392.000 đồng, đạt tỷ lệ thi hành xong 75% về việc, đạt tỷ lệ thu hồi tiền là 86,2% trên số có điều kiện thi hành. Kết quả trên đã góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác THADS nói chung trên địa bàn tỉnh và hiệu quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế trên địa bàn tỉnh gặp phải một số khó khăn như sau:
- Việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế thực sự chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Không tính số thụ lý của năm 2022, tại Cục THADS tỉnh còn đang thụ lý giải quyết một số vụ việc lớn từ năm 2017, 2018 chuyển sang nhưng chưa có điều kiện thi hành phải chuyển sổ theo dõi riêng (vụ Phạm Duy Khương Công ty cổ phần cao su Lai Châu phạm tội tham ô tài sản với số tiền phải thi hành 28 tỷ 660 triệu đồng, mới thu được 180 triệu đồng, còn 28 tỷ 480 triệu đồng chưa có điều kiện thi hành; vụ Nguyễn Đức Nhượng Phòng Lao động TB và XH huyện Phong Thổ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền 823.850.000 đồng chưa có điều kiện thi hành; vụ Phạm Thị Minh Liễu Phòng giáo dục và đào tạo huyện Sìn Hồ phạm tội tham ô tài sản phải thi hành với số tiền 11.0930 triệu đồng chưa có điều kiện thi hành). Ngay đầu năm 2023, Cục THADS tỉnh Lai Châu đã thụ lý giải quyết vụ Trần Văn Sơn và đồng bọn (phạm tội tnam ô tài sản) phải bồi thường cho ngân hàng Agribank huyện Sìn Hồ số tiền 72.310.660.944 đồng. Đã thi hành được số tiền 2.205.500.680 đồng; ủy thác thi hành án số tiền là 29.297.728.680 đồng; đang tiếp tục xác minh tài sản theo lệnh kê biên của Công an để xử lý tài sản thi hành án số tiền 26.677.149.801 đồng.
- Tài sản xử lý để thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế là những tài sản phức tạp như tài sản đã bị tẩu tán, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu... gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động thu hồi tài sản.
- Công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án dân sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp truy tìm, chứng minh nguồn gốc tài sản; áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
- Do nền kinh tế và thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến việc khó kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như các giao dịch tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng che giấu nguồn gốc bất minh của tài sản và gây khó khăn cho cơ quan THADS xác minh tài sản.
- Địa bàn được giao tổ chức thi hành án tương đối rộng, chính quyền địa phương, cơ quan bàn ngành ở một số nơi đôi khi chưa coi trọng về công tác thi hành án dẫn tới sự phối hợp, giải quyết việc thi hành án hiệu quả chưa cao.
- Mặt khác các vụ việc đang tổ chức thực hiện việc xác minh về tiền, tài sản của người phải thi hành án để thu hồi cho thấy, một số người phải thi hành án đang phải chấp hành hình phạt tù có trường hợp trung thân, tử hình mà nghĩa vụ hoàn trả tiền rất lớn, mà tài sản là động sản như ô tô và bất động sản là đất đai có thể thu hồi xử lý giá trị không cao ước tính khoảng 2 đến 3 tỷ mà số tài sản này nằm rải rác ở các huyện thuộc tỉnh hoặc các tài khoản của đương sự được các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cung cấp thì số dư chỉ có từ khoảng 1 triệu đến 10 triệu đồng là không đáng kể so với số tiền đương sự còn phải thi hành.
Để khắc phục khó khăn, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan.
Thứ ba, Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan chức năng có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ thi hành án dân sự; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ tư, Cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án. Tham mưu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp trong chỉ đạo thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thứ năm, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với việc tổ chức thi hành các vụ việc về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản./.
Theo Chánh văn phòng Cục THADS