Sign In

Thực trạng và giải pháp giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

01/07/2015

       Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới phía bắc của Tổ quốc, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía tây giáp tỉnh Lai Châu, phía nam giáp Yên Bái và Sơn La, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có 203 km đường biên giới với Trung Quốc, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - chính trị - an ninh - quốc phòng, với 27 dân tộc anh em sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều... Sau khi tái lập tỉnh (01/10/1991), được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, Lào Cai có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh tế, dân sự diễn ra sôi động đi kèm với đó là sự gia tăng của tình hình tội phạm và tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khiến lượng việc và tiền phải thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tăng lên.
       Trong những năm vừa qua với sự nỗ lực của cán bộ, công chức làm công tác thi hành án, sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, công tác thi hành án dân sự của tỉnh Lào Cai ngày càng ổn định và đạt được những thành tựu nhất định. Năm 2012 toàn ngành đạt tỷ lệ giải quyết 92% về việc và 91,6% về giá trị trên số có điều kiện thi hành; Năm 2013 đạt tỷ lệ giải quyết 93,4% về việc và 89,8% về giá trị trên số có điều kiện thi hành; Năm 2014 đạt tỷ lệ giải quyết 95% về việc và 93% về giá trị trên số có điều kiện thi hành, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
       Tuy nhiên, bên cạnh đó lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng còn cao, nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực chưa được thi hành, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Theo thống kê của Cục Thi hành án tỉnh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số việc cơ quan thi hành án toàn tỉnh phải giải quyết là 2.995 việc với số tiền phải thu hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, số việc có điều kiện giải quyết là 1.917 việc, chiếm tỷ lệ 64 %; số việc chưa có điều kiện giải quyết là 1.078 việc chiếm tỷ lệ 36 %. Đặc biệt, lượng án tồn từ những năm trước chuyển sang là 1.291 việc chiếm 43% tổng số việc phải thi hành(nhiều vụ việc tồn hơn 15 năm chưa giải quyết được), đáng chú ý trong số 1.291 việc tồn đọng còn có 158 việc có điều kiện giải quyết nhưng chưa giải quyết được. Đây chính là những trở ngại lớn nhất cho công tác thi hành án dân sự, làm giảm hiệu quả các phán quyết của Tòa án, đồng thời khiến cho việc thực thi pháp luật không được nghiêm minh, gây ra những bất ổn chính trị, xã hội.
       Một trong những nguyên nhân khiến lượng việc thi hành án tồn đọng còn nhiều là do người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, không có tài sản, thu nhập để thi hành án, đương sự là người nước ngoài, dẫn đến nhiều vụ việc không thể thi hành được và tồn đọng kéo dài nhiều năm. Trong số những việc chưa có điều kiện thi hành thì loại việc về ma tuý chiếm tỉ lệ cao nhất, đối tượng trong các vụ án ma tuý thường bị tuyên phạt 20 triệu đồng, phần lớn người phải thi hành án trong các vụ án ma tuý là đối tượng nghiện ma tuý sau khi chấp hành xong hình phạt tù lại tiếp tục phạm tội.
       Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến lượng án phải thi hành còn tồn đọng cao là do tính chất loại án này phức tạp, thời gian giải quyết các loại tranh chấp dân sự kéo dài, có nhiều người tham gia tố tụng, đương sự thiếu hợp tác với cơ quan Thi hành án… Trong số việc tồn đọng, loại việc thi hành án cấp dưỡng mặc dù có điều kiện nhưng lại kéo dài nhiều năm, nhiều vụ khi cha mẹ ly hôn người con mới 01 tuổi như vậy đồng nghĩa với việc Chấp hành viên phải theo việc này tới khi người con đủ 18 tuổi.
       Một nguyên nhân nữa phải kể đến là việc chỉ đạo giải quyết đối với một số vụ việc phức tạp của Ban Chỉ đạo thi hành án có lúc có nơi chưa quyết liệt; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án chưa hiệu quả, như công tác xét miễn giảm, ở một số xã, phường còn ngại việc, ngại va chạm chưa tích cực phối hợp xác minh thông tin, và triển khai các giải pháp để phục vụ việc thi hành án. Đó cũng là một trong những khó khăn, dẫn đến thời gian thi hành án kéo dài.
       Mặt khác số lượng việc thụ lý mới ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước từ 8 - 12%, trong khi Chấp hành viên tại các cơ quan Thi hành án dân sự toàn tỉnh còn thiếu (năm 2014 bình quân mỗi chấp hành viên thụ lý giải quyết 107 việc/năm). Trong khi đó việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thi hành án ở một số đơn vị đối với nhiều vụ việc còn chưa tốt, dẫn tới để tồn đọng việc thi hành án, chủ yếu là những vụ việc có điều kiện nhưng chưa được tổ chức thi hành hoặc tổ chức thi hành nhưng chưa có kết quả; một bộ phận không nhỏ Chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực được phân công thi hành.
       Từ những thực trạng nêu trên, để giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng, bảo đảm kết quả công tác thi hành án dân sự thực chất và bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau đây:
       Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, của ngành dọc cấp trên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, tập trung rà soát, phân loại án trên cơ sở đó chỉ đạo sát sao tổ chức thi hành án, giảm mạnh số án tồn đọng, bảo đảm thi hành đúng nội dung Bản án, Quyết định đã tuyên và đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành của các đơn vi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Bám sát vào chỉ tiêu được giao, có kế hoạch tổ chức cụ thể, chỉ đạo quyết liệt tổ chức thi hành, mở các đợt cao điểm,  phối hợp với với các cơ quan  liên quan tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ việc tín dụng, những vụ việc cần phải cưỡng chế huy đông lực lượng. Kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận cho các cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án.
       Thứ hai, tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền sâu rộng pháp luật về Thi hành án dân sự tới đông đảo người dân để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành án; vận động, giáo dục đương sự và nhân thân của họ hiểu và tự nguyện thi hành án; Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với Chấp hành viên và các đơn vị để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như uốn nắn các sai phạm.
       Thứ ba, phối kết hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành nhất là các cơ quan như: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương trên địa bàn. Kiên quyết cưỡng chế đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành cố tình chống đối, trốn tránh trách nhiệm. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết, báo cáo cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp để có hướng giải quyết dứt điểm. Đẩy mạnh công tác miễn giảm thi hành án đối với những vụ việc đủ điều kiện. Tiếp tục đề xuất với cấp có thẩm quyền có cơ chế xử lý về thi hành án dân sự đối với những vụ việc tồn đọng lâu mà chưa có biện pháp giải quyết tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án dân sự.
       Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho chấp hành viên và cán bộ của ngành; kịp thời bổ sung cán bộ, chấp hành viên, thẩm tra viên cho các đơn vị còn thiếu, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ thi hành án có đầy đủ bản lĩnh vững vàng, giỏi về nghiệp vụ đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thi hành án.
       Thứ năm, đề xuất với Bộ Tư pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai, nhất là việc xây dựng mới mở rộng trụ sở làm việc và kho vật chứng; đề xuất với UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho hoạt động của cơ quan thi hành án như: thiết lập cổng thông tin điện tử thành viên cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh, kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc, hỗ trợ hoạt động cưỡng chế thi hành án, các vụ án tồn đọng, án lớn, án điểm phức tạp kéo dài, kinh phí bồi dưỡng cán bộ công chức.
        Với sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức ngành thi hành án dân sự, lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng sẽ giảm mạnh, chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự của tỉnh sẽ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chu Thị Thúy Hằng - Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: