Sign In

Giải pháp về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành

11/05/2018

Việc xác định người phải THA có điều kiện THA hay chưa có điều kiện THA là một trong những tác nghiệp đặc biệt quan trọng của Chấp hành viên trong hoạt động tổ chức THADS. Trường hợp người phải THA có điều kiện thi hành thì việc tổ chức THA được thực hiện thông qua các hình thức tự nguyện THA, thỏa thuận THA hoặc cưỡng chế thi hành  các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành

26/04/2018
Việc xác định người phải THA có điều kiện THA hay chưa có điều kiện THA là một trong những tác nghiệp đặc biệt quan trọng của Chấp hành viên trong hoạt động tổ chức THADS. Trường hợp người phải THA có điều kiện thi hành thì việc tổ chức THA được thực hiện thông qua các hình thức tự nguyện THA, thỏa thuận THA hoặc cưỡng chế thi hành  các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

 
Trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì cơ quan THA ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện THA và trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật được phân loại, lập danh sách theo dõi riêng. Việc người phải THA chưa có điều kiện THA là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng việc THADS tồn đọng, kéo dài nhiều năm, không thi hành được.   Vì vậy việc nghiên cứu, trao đổi để đưa ra các giải pháp giải quyết đối với các vụ việc chưa có điều kiện THA là cần thiết. Trong giới hạn bài viết, tác giả tập trung phân tích và đưa ra một số giải pháp giải quyết vấn đề theo quan điểm riêng của cá nhân.
1. Xác định người phải THA chưa có điều kiện THA
Luật THADS hiện hành không đưa ra khái niệm thế nào là “chưa có điều kiện THA ”, tuy nhiên đã liệt kê chi tiết, cụ thể từng trường hợp được xác định là chưa có điều kiện THA tại khoản 1 điều 44a.
- Nhóm thứ nhất, được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44a: “Người phải THA không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để THA ”.
- Nhóm thứ hai, được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a: “Người phải THA phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác”.
- Nhóm trường hợp thứ ba, được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a:Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng”.
Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định chi tiết, cụ thể từng trường hợp chưa có điều kiện THA của người phải THA là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phân loại án, xác định việc người phải THA có điều kiện hay chưa có điều kiện, để tiếp tiếp tục giải quyết theo quy định. Căn cứ điều 44a cơ quan THADS ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện THA và sẽ tiếp tục tổ chức THA khi người phải THA có điều kiện THA trở lại.
2. Thực trạng, nguyên nhân về việc người phải THA chưa có điều kiện THA ở huyện Ngọc Lặc
 a. Thực trạng:
Một thực tế là số lượng án chưa có điều kiện THA luôn chiếm một tỷ trọng khá cao trong tổng số lượng án phải thi hành của các cơ quan THADS. Cụ thể tại cơ quan THADS có số lượng án ít như Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa năm 2017 số lượng việc THA chưa có điều kiện THA là: 117 việc/tổng số 540 việc phải thi hành, chiếm hơn 26%; số tiền chưa có điều kiện THA là: 3.454.165.000 đồng/tổng số 7.185.314.000 đồng phải THA, chiếm hơn 48%. Số lượng án chưa có điều kiện THA là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng việc THADS tồn đọng, kéo dài nhiều năm, không thi hành được.
b. Nguyên nhân
* Việc người phải THA chưa có điều kiện để THA xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
- Nguyên nhân khách quan:
+ Trong nền kinh tế thị trường, có nhiều mối quan hệ dân sự, kinh tế, xã hội phức tạp, đan xen dẫn đến nhiều trường hợp người phải THA phải bồi thường, trả nợ những khoản tiền quá lớn, không thể lường trước. Chẳng hạn trong trường hợp bồi thường do tai nạn giao thông, hoặc trả nợ công dân trong trường hợp vay mượn tiền qua tín dụng đen, bằng nhiều hình thức lách luật các đối tượng cho vay nặng lãi hợp thức hóa khoản tiền vay nặng lãi thành vay mượn dân sự bình thường được pháp luật bảo hộ, dẫn đến khi khởi kiện ra tòa người phải THA phải trả số tiền nợ quá lớn, gấp nhiều lần số tiền vay mượn ban đầu.
+ Số tiền thu cho ngân sách nhà nước quá lớn, vượt quá khả năng kinh tế của người phải THA, đặc biệt trong các bản án liên quan đến đương sự bị truy tố, kết án về các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án tử hình, phạt tiền, truy thu tiền thu lời bất chính. Đối với các vụ việc thuộc loại này hầu hết qua xác minh đương sự không có điều kiện về tài sản và thu nhập để thi hành, bản thân lại đang bị giam giữ chờ THA tù có thời hạn hoặc án tử hình. Như vậy, đối với trường hợp này được xác định là chưa có điều kiện THA và trong một số trường hợp cụ thể nếu đương sự bị tuyên án tử hình thì vụ việc này được xếp là án không có điều kiện thi hành cho đến khi đương sự  bị THA tử hình, cơ quan THA mới có căn cứ để đình chỉ THA.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Người phải THA trốn tránh, che giấu, tẩu tán tài sản để không phải THA. Người phải THA đa phần có tâm lý cho rằng mình bị oan sai, thiệt thòi nên luôn tìm khe hở của pháp luật để trốn tránh, che giấu, tẩu tán tài sản để không phải THA, cố tình chứng minh mình chưa có điều kiện THA. Với nhiều thủ đoạn của người phải thi hành đã gây khó khăn cho Chấp hành viên trong việc chứng minh đương sự cố tình che giấu, tẩu tán tài sản để xử lý theo quy định. Trong thực tế nhiều trường hợp người phải THA đã trốn tránh, che giấu tài sản để không phải THA thành công mà các cơ quan pháp luật không có cơ sở nên không thể xử lý được.
3. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về việc người phải THA chưa có điều kiện THA
a. Người phải THA chưa có điều kiện THA được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a:Người phải THA phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác ”.
Loại việc người phải THA phải thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định, giấy tờ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số việc THA, tuy nhiên trên thực tế việc phân loại và giải quyết dứt điểm loại việc này gặp nhiều khó khăn, thậm chí có vụ việc hiện chưa có phương án giải quyết dẫn đến tồn đọng nhiều năm. Luật Thi hành án dân sự xác định việc chưa có điều kiện THA khi vật đặc định không còn, hư hỏng không còn giá trị sử dụng, giấy tờ không thể thu hồi và không thể cấp lại, mà các đương sự không có thỏa thuận nào khác. Vấn đề được đặt ra là trường hợp các đương sự không thỏa thuận, hoặc đã thỏa thuận nhưng không thành, thì vụ việc  được xác định là chưa có điều kiện, lập danh sách theo dõi mà không có một cơ chế giải quyết cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ việc. Tại điểm c, khoản 1, điều 114 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc thủ tục cưỡng chế trả vật đặc định “ Trường hợp vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thỏa thuận khác về việc THA thì Chấp hành viên thi hành theo thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được”. Việc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết được phát sinh trong giai đoạn áp dụng biện pháp cưỡng chế, vụ việc đang có điều kiện THA, thì không thể xác định người phải THA chưa có điều kiện THA. Hơn nữa việc khởi kiện được xác định là quyền của các đương sự, việc có khởi kiện hay không phụ thuộc vào ý chí của các đương sự. Theo điều 588 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là 3 năm kể từ khi phát sinh thiệt hại, hết thời hiệu 3 năm nếu các đương sự không khởi kiện thì vụ việc được giải quyết theo thủ tục nào.
Luật THADS năm 2008 quy định trong trường này cơ quan THA trả lại đơn yêu cầu THA và kết thúc vụ việc. Tuy nhiên, để hạn chế các cơ quan THA lạm dụng việc lại đơn yêu cầu THA và hạn chế việc khiếu khiếu nại của đương sự, luật THA sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã  bỏ quy định về việc trả lại đơn yêu cầu THA, như vậy loại việc này trở thành việc THA chưa có điều kiện và tồn đọng bền vững.
Việc giáo dục, thuyết phục, động viên các đương sự tự nguyện thỏa thuận  khi vật đặc định không còn, hư hỏng không còn giá trị sử dụng, giấy tờ không thể thu hồi và không thể cấp lại là tác nghiệp quan trọng không thể thiếu của Chấp hành viên trong quá trình giải quyết, tuy nhiên không phải trường hợp nào các đương sự cũng có thiện chí thỏa thuận. Ví dụ: Quyết định THA theo đơn yêu cầu số: 61/QĐ-CCTHA ngày 25/02/2016 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện NL buộc ông T phải trả cho ông H 01 ( một ) bình gốm màu xanh nước biển, có hoa văn hình con hạc khắc nổi quanh bình… ( Bình gốm ở đây được hiểu loại vật đặc định chỉ có duy nhất 1 cái ). Chấp hành viên tổ chức THA, thông báo ông T tự nguyện THA, hết thời gian tự nguyện ông T vẫn không thi hành, Chấp hành viên phối hợp cùng chính quyền địa phương, có mời cả người được THA ông H tham gia,  trực tiếp giải quyết tại nhà ông T. Sau khi được giải thích, giáo dục, động viên ông T đồng ý tự nguyện giao chiếc bình cho cơ quan THA, ông T mở cửa tủ gỗ đưa bình gốm ra, trong lúc đưa bình gốm cho ông H và Chấp hành viên kiểm tra, vì sơ suất, lỡ tay ông T đánh rơi bình gốm xuống nền nhà, chiếc bình gốm vỡ thành nhiều mảnh trước sự chứng kiến của đoàn công tác. Chấp hành viên giáo dục, thuyết phục ông H người được THA thỏa thuận với ông T để giải quyết vụ việc theo hướng quy đổi thành tiền hoặc nhận chiếc bình khác gần giống mà ông T đang có. Ông H người được THA cương quyết không đồng ý thỏa thuận, ông cho rằng ông T cố tình “ không ăn được thì đạp đổ ”, cố tình đánh rơi, để làm hư hỏng chiếc bình và liên tục khiếu kiện yêu cầu xử lý hành vi của ông T. Trường hợp này vụ việc không được giải quyết dứt điểm, đủ điều kiện để xác định việc chưa có điều kiện THA, và sẻ trở thành án tồn.
b. Người phải THA chưa có điều kiện THA được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 44a:Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng ”.
- Người phải THA chưa có điều kiện THA khi chưa xác định địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA. Trường hợp này xác định người phải THA chưa có điều kiện THA khi Chấp hành viên căn cứ vào địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA được thể hiện trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để tiến hành tổ chức THA, tuy nhiên tại địa phương nơi cư trú của người phải THA, người phải THA không có mặt, chính quyền địa phương, người thân của người phải THA không biết người phải THA đang ở đâu và tại địa phương người phải THA, không có thu nhập, tài sản để THA.
Quan điểm của cá nhân trong trường hợp này không thể xác định người phải THA chưa có điều kiện thì hành án, bởi lẽ việc xác định địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA là trách nhiệm của Chấp hành viên và các cơ quan nhà nước liên quan. Hơn nữa trong trường hợp chưa xác định được địa chỉ của người phải THA có nghĩa vụ giao người chưa thành niên thì cũng không thể xác định việc THA chưa có điều kiện, khi đối tượng của việc THA là người chưa thành niên. Trong nhiều trường hợp người thân của người phải THA biết rõ địa chỉ, nơi cư trú, làm việc của người phải THA nhưng khai báo gian dối nhằm giúp người phải THA che giấu, trốn tránh nghĩa vụ THA. Trường hợp này có thể căn cứ vào điểm b, khoản 1 điều 48 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 để ra Quyết định hoãn THA. Điểm b, khoản 1 điều 48 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về hoãn THA “ Chưa xác định được địa chỉ của người phải THA hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định ”.
Thực tiễn có nhiều trường hợp khi tiến hành xác minh tại địa phương nơi người phải THA cư trú, thì được biết người phải THA không đăng ký thường trú, tạm trú tại địa phương ( Trong sổ nhân khẩu của xã không có tên người phải THA, thực tế tại địa phương cũng không có mặt ), xuất phát từ nhiều lý do như Tòa án nhầm lẫn địa chỉ, hoặc trong vụ án hình sự người phạm tội khai báo gian dối, mà cơ quan điều tra không làm rõ. Chấp hành viên và các cơ quan liên quan đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để tìm kiếm địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA mà không đạt kết quả thì có thể xác định người phải THA chưa có điều kiện THA theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a.
- Người phải THA chưa có điều kiện THA khi người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng. Trong thực tiễn áp dụng quy định này để xác định việc chưa có điều kiện THA, có các cách hiểu khác nhau.
Thứ nhất: Người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng được hiểu theo cách đơn giản là khi người phải THA đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người chưa thành niên giao lại người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng như giao lại cho ông, bà…của người chưa thành niên nuôi dưỡng. Tại khoản 2 điều 120 Luật Thi hành án dân sự quy định về Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định:  Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng….”. Người nuôi dưỡng ở đây về bản chất  khác so với người trông giữ nên không thể làm căn cứ để xác định việc THA có điều kiện.
Thứ hai: Người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng được hiểu là do Bản án, hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành với nội dung mang tính nghĩa vụ phải giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng. Người khác ở đây có thể là chính bản thân người phải THA hoặc người bất kỳ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên nếu hiểu theo quan điểm này thì việc xác định người phải THA chưa có điều kiện THA là không phản ánh đúng bản chất của vụ việc. Khi người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng bằng một Bản án, hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nội dung của Quyết định THA không còn, người chưa thành niên không còn là đối tượng của quyết định THA. Việc xác định việc THA chưa có điều kiện THA không còn ý nghĩa, bản chất việc THA đã kết thúc, Luật Thi hành án dân sự cũng chưa có cơ chế giải quyết để kết thúc vụ việc. Ví dụ:Trường hợp Bản án số: 09/HNGĐ-ST ngày 12/02/2015 của Tòa án nhân dân huyện NL, quyết định giao cháu L sinh ngày 20/01/2013 cho chị K ( K là mẹ đẻ cháu L ) trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng. Cháu K hiện đang được anh V (V là bố đẻ cháu L) nuôi dưỡng và chăm sóc, Bản án có hiệu lực pháp luật, anh V không giao cháu L cho chị K, chị K có đơn yêu cầu THA, cơ quan THA ban hành quyết định THA theo đơn yêu cầu buộc anh V giao cháu L cho chị K. Trong quá trình giải quyết, anh V có cơ sở chứng minh chị K không có điều kiện để nuôi dưỡng và chăm sóc cháu L, nên khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo điều 84 luật hôn nhân gia đình năm 2014. Tòa án nhân dân huyện NL thụ lý đơn, chấp nhận yêu cầu khởi kiện, ban hành bản án số: 01/HNGĐ-ST ngày 12/08/2017 tuyên giao cháu L cho anh V trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Bản chất vụ việc thay đổi, hiện cơ quan THA lúng túng, chưa có hướng giải quyết.
Quan điểm của cá nhân, thống nhất theo cách hiểu thứ hai, bởi lẽ người chưa thành niên theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 là người chưa đủ 18 tuổi, là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật như Luật dân sự, luật hôn nhân, gia đình, luật trẻ em…Nên việc giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng và chăm sóc không thể áp dụng một cách tùy tiện, mà phải được quyết định bằng văn bản quy phạm pháp luật cá biệt như Bản án, hoặc quyết định, có trình tự, thủ tục nhất định. Vì vậy việc xác định người phải THA chưa có điều kiện thi hành khi người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng là không có cơ sở, trường hợp này cần được xác định là có điều kiện THA và phải có cơ chế giải quyết dứt điểm.
c. Bất cập về việc công khai thông tin của người phải THA chưa có điều kiện THA
Theo quy định tại khoản 2 điều 44a Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung năm 2014, điều 11 Nghị định số 62 năm 2015, chương II, Thông tư số 01 năm 2016 thì: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA, cơ quan THADS đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ THA của người phải THA trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện THA cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện THA là 03 tháng, kể từ ngày niêm yết.
Việc công khai thông tin của người phải THA chưa có điều kiện THA là một thủ tục mới được bổ sung, được áp dụng sau khi Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, nhằm mục đích hạn chế việc khiếu kiện trong THADS; tạo sự minh bạch trong việc tổ chức THA; thông tin đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức biết về đối tượng phải THA chưa có điều kiện để có sự xử sự đúng mực trong các quan hệ, giao dịch, dân sự của người phải THA; đồng thời có trách nhiệm đôn đốc, giáo dục thuyết phục người phải THA tự nguyện THA;  nâng cao ý thức, trách nhiệm, tác động vào lòng tự ái, của người phải thi hành về nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, lợi ích của việc công khai thông tin của người phải THA chưa có điều kiện THA mang lại, thì qua thực tiễn áp dụng đã bộc lộ những tác động tiêu cực đến quá trình tổ chức THA các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Cụ thể.
Thứ nhất: Việc công khai thông tin của người phải THA chưa có điều kiện THA, tác động tiêu cực đến tâm lý của người phải THA, người phải THA  xác định trong nhận thức là bản thân mình chưa có điều kiện thì hành án và việc chưa có điều kiện của bản thân mình được toàn xã hội chấp nhận, dẫn đến việc người phải THA chây ì, trốn tránh, che giấu để không THA. Cố tình tạo vỏ bọc, duy trì điều kiện kinh tế nhất định để được xếp vào loại chưa có điều kiện THA bền vững. Tác động tiêu cực này vô tình trở thành rào cản mà các cơ quan THA tự đặt ra cho mình khi tiến hành giải quyết, giáo dục, thuyết phục, động viên người phải THA tự nguyện THA trong giai đoạn tiếp theo. Thực tế có những trường hợp người phải THA cố tình đung  lý lẽ, thủ đoạn để biện minh cho việc không THA của mình khi cho rằng họ không có điều kiện THA và việc đó đã được cơ quan THA, chính quyền địa phương xác định.
Thứ hai: Bản thân người phải THA cũng là một thực thể trong các mối quan hệ kinh tế, xã hội, khi thông tin về họ chưa có điều kiện THA được công khai đến mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, vô hình dung đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, kinh doanh của họ, làm họ mất đi cơ hội công bằng trong hoạt động kinh tế. Một hệ quả kéo theo là khi người phải THA mất đi cơ hội trong quan hệ kinh tế, tức là việc làm ăn, kinh doanh của họ không hiệu quả, không tạo ra thu nhập, tài sản, dẫn đến việc họ khó có cơ hội để thực hiện nghĩa vụ THA. Một ví dụ minh họa để dẫn chứng, Ông A là người phải THA khoản tiền bồi thường công dân 100.000.000 đồng, ông A là chủ hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và thu mua nông sản. Quá trình giải quyết cơ quan THA xác định ông A chưa có điều kiện THA, thực hiện công khai thông tin, niêm yết tại UBND xã nơi ông A cư trú. Việc ông A chưa có điều kiện được công khai thông tin, bà con nông dân trong xã và các bạn hàng của ông A, biết ông A là người phải THA, đang nợ tiền và bị cơ quan pháp luật liên tục giải quyết, sẻ nảy sinh tâm lý lo sợ, dè chừng, mất niềm tin với ông A và không bán nông sản, cũng như không hợp tác với ông A, dẫn đến cơ sở thua mua nông sản của ông A phải đóng cửa.
Thứ ba: Các cơ quan nhà nước đang trong xu hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, cắt giảm, tiết kiệm kinh phí hoạt động thì Việc công khai thông tin của người phải THA chưa có điều kiện THA tạo ra thêm một thủ tục trong THADS, cơ quan THADS phải tốn thêm thời gian, kinh phí để thực hiện các thủ tục công khai thông tin người phải THA chưa có điều kiện.
d. Việc xác định người phải THA có điều kiện THA trở lại để tiếp tục THA
Theo quy định tại khoản 2 điều 44a luật THA, khoản 4 điều 9 Nghị định 62 thì khi người phải THA có điều kiện THA trở lại thì cơ quan THA phải ban hành quyết định tiếp tục THA và tổ chức THA. Việc người phải THA có điều kiện THA trở lại được hiểu là khi các căn cứ xác định việc THA chưa có điều kiện không còn. Người phải THA có nhu nhập, có tài sản đủ để đảm bảo nghĩa vụ THA; xác định định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA; Vật đặc định, giấy tờ bị mất được tìm thấy hoặc các đương sự thống nhất thỏa thuận…
Thực tiễn việc xác định người phải THA có điều kiện THA trở lại không hề đơn giản, xu hướng của người phải THA là tìm cách che giấu, trốn tránh nghĩa vụ THA nên việc xác định có điều kiện THA trở lại đòi hỏi sự nhạy bén, nắm bắt thông tin kịp thời của Chấp hành viên.
Trong nhiều trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA, tuy nhiên đủ điều kiện về mặt thời gian để xem xét miễn, giảm nghĩa vụ THA với các khoản thu cho ngân sách nhà nước. Chấp hành viên động viên, giáo dục, thuyết phục người phải THA, hoặc người thân của người phải THA tự nguyện nộp một phần tiền đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước để được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ THA theo quy định của pháp luật, có được xem là có điều kiện THA trở lại. Về trình tự, thủ tục thì khi người phải THA, hoặc người thân của người phải THA tự nguyện nộp một phần tiền thì cơ quan THA phải ban hành quyết định tiếp tục THA, tức là việc THA đã có điều kiện trở lại, sau đó tiếp tục xác minh và ban hành lại Quyết định chưa có điều kiện THA và lại tiếp tục xác minh để đáp ứng đúng trình tự, thủ tục của việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA. Quan điểm của cá nhân trong trường hợp này không cần thiết phải ban hành quyết định tiếp tục THA, vì bản chất người phải THA chưa có điều kiện không thay đổi mà chỉ nhằm đáp ứng đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ THA.
4. Giải pháp giải quyết vấn đề người phải THA chưa có điều kiện THA.
Việc nghiên cứu, trao đổi để đưa ra các giải pháp quyết vấn đề người phải THA chưa có điều kiện THA, nâng cao hiệu quả công tác THA, giảm lượng án tồn, kéo dài nhiều năm là nhiệm vụ trọng tâm của nghành THADS. Trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định của pháp Luật Thi hành án dân sự, tác giả  phân tích và đưa ra giải pháp về mặt quy định pháp luật để giải quyết các vướng mắc, bất cập của vấn đề theo quan điểm riêng của cá nhân.
a. Đối với quy định người phải THA chưa có điều kiện THA được quy định tại điểm b, khoản 1, điều 44a, trường hợp các đương sự không thỏa thuận được về cách giải quyết, thì Chấp hành viên hướng dẫn cho các đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại do vật đặc định không còn, hư hỏng, giấy tờ bị mất, không thể thu hồi và không thể cấp lại, hết thời hiệu khởi kiện là 3 năm theo quy định tại điều 588 bộ luật dân sự mà các đương sự không khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết thì cơ quan THA ra quyết định đình chỉ, kết thúc việc THA. Như vậy ở trường hợp này cơ quan THA chỉ được xác định việc THA chưa điều kiện khi các đương sự không thỏa thuận được và cũng không khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Khi các đương sự thỏa thuận thì thi hành theo thỏa thuận của các đương sự, hoặc thi hành theo phán quyết của tòa án khi các đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, hết thời hiệu khởi kiện mà các đương sự không khởi kiện thì đình chỉ việc THA.
Với việc tạo ra cơ chế giải quyết như trên sẻ giải quyết dứt điểm vụ việc chưa có điều kiện THA trong thời hạn tối đa là 3 năm kể từ khi phát sinh sự kiện pháp lý nêu tại điểm b, khoản 1, điều 44a.
Quy định tại điểm b, khoản 1, điều 44a sẻ được sửa đổi, bổ sung như nhau:
Người phải THA phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác, không khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời hạn 3 năm. Hết thời hạn 3 năm đương sự không khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại thì thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định đình chỉ thì hành án ”.
Và đương nhiên cần bổ sung thêm căn cứ đình chỉ THA tại điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
b. Đối với quy định người phải THA chưa có điều kiện THA được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 44a:Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA…”. Xác định địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA là trách nhiệm của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức THA, yêu cầu đặt ra đối với Chấp hành viên là phải tiến hành nhiều biện pháp cụ thể, đấu mối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để truy tìm, xác định địa chỉ, nơi cư trú, nơi làm việc của người phải THA. Trong trường hợp tạm thời vẫn chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA thì căn cứ điểm b khoản 1 điều 48 Luật Thi hành án dân sự để ban hành quyết định hoãn THA. Chỉ có thể xác định người phải THA chưa có điều kiện THA khi đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà vẫn chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA.
Để hạn chế việc người phải THA chấp hành xong hình phạt tù nhưng không trở về địa phương, gây khó khăn cho cơ quan THADS, cần có cơ chế buộc người người phải THA đang chấp hành hình phạt tù, khi mãn hạn hình phạt tù phải về trình diện cơ quan THADS, hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú. (Hiện tại theo quy định của pháp luật thì khi người phải THA mãn hạn tù, trại giam thông báo cho cơ quan THADS và chính quyền địa phương nơi người đó cư trú về việc người phải THA chấp hành xong hình phạt tù ). Đối với người phải THA đang có mặt tại địa phương mà chưa thi hành xong nghĩa vụ THA, thì cơ quan THA lập danh sách gửi UBND xã nơi người phải THA cư trú để theo dõi, quản lý, tránh việc người phải THA đi khỏi địa phương mà chính quyền địa phương, cơ quan THA không nắm được thông tin đi đâu, làm gì.
c. Đối với quy định người phải THA chưa có điều kiện THA được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 44a: “ …người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng ”. Với trường hợp này như đã phân tích ở phần b, mục 3, quan điểm cá nhân thống nhất với cách hiểu người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng bằng bản án, hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng bằng một Bản án, hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nội dung của Quyết định THA không còn, người chưa thành niên không còn là đối tượng của quyết định THA, thì cần phải có một cơ chế để giải quyết, có quan điểm cho rằng vận dụng điểm c khoản 1 điều 37 luật THA để thu hồi quyết định THA, tuy nhiên thu hồi trong trường hợp này là không phản ánh đúng bản chất của vụ việc, hậu quả của việc thu hồi không có cơ sở để giải quyết. Quan điểm của cá nhân trong trường hợp này cơ quan THADS nên ban hành quyết định đình chỉ THA, để kết thúc vụ việc.
Trường hợp hiểu theo quan điểm người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng là khi người phải THA đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người chưa thành niên giao lại người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng như giao lại cho ông, bà…của người chưa thành niên nuôi dưỡng, thì phải xác định việc THA có điều kiện, áp dụng điều 120 Luật THA năm 2014 để cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định.
Với giải pháp được đưa ra ở mục b và mục c phần này thì điểm c, khoản 1 điều 44a cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “ Cơ quan THADS đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA .
Hủy bỏ việc xác định người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng là căn cứ để xác định việc THA chưa có điều kiện. Đồng thời bổ sung vào điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 để làm căn cứ đình chỉ THA, có thể bổ sung như sau:
Điều 50. Đình chỉ THA
1.Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ THA trong trường hợp sau đây:
a…
“ Có bản án, hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng ”
….
d. Đối với việc công khai thông tin người phải THA chưa có điều kiện THA. Quan điểm của cá nhân đồng tình với việc lập danh sách riêng để theo dõi, công khai trênTrang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh, Cổng Thông tin điện tử Tổng cục THADS và gửi Quyết định chưa có điều kiện thi hành về UBND xã nơi người phải THA cư trú để theo dõi. Tuy nhiên nên hủy bỏ, cắt giảm thủ tục niêm yết công khai tại UBND xã.
đ. Cho phép trả lại đơn yêu cầu THA đối với các quyết định THA theo đơn yêu cầu được xác định là chưa có điều kiện thì hành án kéo dài liên tục trong thời gian từ 5 năm trở lên kể từ khi ban hành quyết định chưa có điều kiện THA.
Trong nền kinh tế thị trường, các mối quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự ngày càng phức tạp, đa dạng và phong phú, kéo theo nhiều tranh chấp phát sinh, việc yêu cầu thi hành dân sự ngày càng lớn, đẩy lượng án theo đơn ở các cơ quan THA ngày càng gia tăng cả về việc và tiền. Số lượng án theo đơn chưa có điều kiện tồn đọng nhiều năm lớn kể từ khi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 hủy bỏ thủ tục trả lại đơn yên cầu THA. Nhằm giảm lượng án theo đơn tồn đọng, kéo dài nhiều năm cần phải có cơ chế cho phép các cơ quan THADS trả lại đơn yêu cầu THA có lộ trình, theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt nhất định, hạn chế việc trả đơn bữa bãi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được THA.
Việc trả lại đơn yêu cầu THA nhằm giảm áp lực cho các cơ quan THADS, đồng thời ở một góc độ nào đó truyền tải thông điệp định hướng đến các chủ thể trong xã hội có xử sự đúng mực trong các mối quan hệ, các giao dịch kinh tế, giao dịch dân sự để hạn chế phát sinh các tranh chấp không mong muốn.
e. Thường xuyên, liên tục, định kỳ hàng tháng rà soát, lập hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ THA theo quy định tại điều 61, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Thực tiễn áp dụng việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA phát sinh trường hợp người phải THA đã được xét giảm nghĩa vụ thi hành 1 lần, số tiền còn lại từ trên 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng và thời hạn là trên 5 năm nhưng chưa đủ 10 năm. Việc tiếp tục áp dụng xét giảm nghĩa vụ THA chưa được quy định, mà phải chờ hết thời hạn 10 năm để xét miễn nghĩa vụ THA. Nhiều cơ quan THADS đã áp dụng quy định chung để tiếp tục xét giảm nghĩa vụ THA, tuy nhiên hiện nay Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp ở mỗi nơi vẫn chưa thống nhất  cách áp dụng, có nơi đồng ý tiếp tục xét giảm, có nơi không đồng ý tiếp tục xét giảm vì không có căn cứ pháp luật.
Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA cũng là một trong những thủ tục cần thiết để giảm lượng án chưa có điều kiện, án tồn đọng nhiều năm, vì vậy việc bổ sung thêm trường hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ THA nêu trên là cần thiết, tạo cơ chế cho các cơ quan THA thống nhất áp dụng chung trong cả nước.
f. Tạo cơ chế quy định về việc lao động bắt buộc với người phải THA trong những trường hợp nhất định để tạo ra nguồn thu nhập đảm bảo nghĩa vụ THA về tiền, tài sản của người phải THA.
Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thực thi trên thực tế, đó là nguyên tắc hiến định, được Hiếp pháp và pháp luật quy định.  
Người phải THA bị buộc phải thực hiện một nghĩa vụ nhất định theo nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đó, nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người phải thi hành thi hành nghĩa vụ của mình. Khi người phải THA được xác định chưa có điều kiện THA, trong nhiều trường hợp nhất định nếu để tự người phải THA vận động để tự mình có điều kiện THA trở lại, đảm bảo nghĩa vụ THA là không khả thi mà nhà nước phải có trách nhiệm định hướng, tạo cơ chế quy định về việc lao động bắt buộc với người phải THA trong những trường hợp nhất định để tạo ra nguồn thu nhập đảm bảo nghĩa vụ THA về tiền, tài sản của người phải THA. Việc quy định về việc lao động bắt buộc với người phải THA phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục, điều kiện nhất định, tùy vào từng trường hợp cụ thể để vận dụng, để đảm bảo tính công bằng, khả thi, tính nhân văn của pháp luật.
Việc có nên áp dụng cơ chế này hay không còn cần phải nghiên cứu, trao đổi, thí điểm và rất nhiều việc phải làm trước khi áp dụng. Trong thực tế nhiều trường hợp người phải THA mãn hình phạt tù, trở về địa phương do mặc cảm, lý lịch xấu, việc họ tiếp cận cơ hội việc làm tốt là rất khó, nên việc nhà nước tạo điều kiện việc làm cho họ để họ có thu nhập thực hiện nghĩa vụ THA là việc nên làm. Cũng có nhiều trường hợp cố tình không tạo ra thu nhập, hoặc che giấu, trốn tránh để không phải THA, mặc dù họ có khả năng làm việc đó, thì việc bắt buộc họ phải lao động cũng là việc nên làm. Áp dụng tốt cơ chế này sẻ tạo ra một nhận thức tích cực với nhiều người phải THA, mang tính răn đe, thúc đẩy người phải THA tự nguyện thi hành nghĩa vụ. Việc lựa chọn giữa bắt buộc lao động và tự do lao động, thì chắc chắn người phải THA sẽ lựa chọn được tự do để lao động tạo ra thu nhập đảm bảo việc THA với sự tham gia giúp đỡ từ gia đình, người thân của người phải THA.
g. Các giải pháp khác: Nâng cao vai trò, trách nhiệm, trình độ, năng lực của Chấp hành viên, Thư ký THA trong quá trình xác minh điều kiện THA, giải quyết việc THA. Tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục động viên người phải THA, người thân của người phải THA tự nguyện THA. Tăng cường đấu mối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tổ chức THA.
Lục Đình Nhàn


Theo Tổng Cục THADS

Các tin đã đưa ngày: