Sign In

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An

21/06/2023

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần được quan tâm, ưu tiên thực hiện. Thời gian qua, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong toàn hệ thống các cơ quan THADS của tỉnh: Cấp ủy Đảng và Lãnh đạo Cục thường xuyên quan tâm đến việc PCTN trong toàn cơ quan, luôn xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Cục THADS tỉnh Nghệ An trong sạch, vững mạnh, tạo mối đoàn kết và phát huy tinh thần phê và tự phê trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác PCTN, phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của các tổ chức đảng và từng đảng viên.
 
Đồng chí Phạm Quốc NamCục trưởng quá triệt các văn bản về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Kịp thời quán triệt, triển khai một cách sâu rộng, nghiêm túc, thường xuyên liên tục các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, cấp có thẩm quyền đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm trong các cơ quan THADS tỉnh. Bên cạnh đó, Cục Ban hành Kế hoạch[1] Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 (Ban hành kèm theo Quyết định số 61/QĐ-CTHADS ngày 10/3/2023); tiếp tục theo dõi việc thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An. Ban hành 04[2] văn bản chỉ đạo các cơ quan THADS Nghệ An thực hiện nghiêm túc các giải pháp chủ động phòng ngừa sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Không những vậy, Cục THADS tỉnh trực tiếp làm việc với 10 đơn vị[3] Chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố Vinh để quán triệt, chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực sai phạm; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; nhất là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện tiêu cực, sai phạm của công chức trong cơ quan, đơn vị mình quản lý; thực hiện trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cơ quan THADS tỉnh Nghệ An. Tổ chức toàn thể công chức, người lao động trong các đơn vị ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 930/KH-CTHADS ngày 28/7/2021 của Cục THADS tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí Thư, trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 23 của Ban chỉ đạo TW về Phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Kết quả trong những năm gần đây các cơ quan THADS tỉnh Nghệ An chưa phát hiện cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng.   
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng có những khó khăn phức tạp nhất định, như hiện nay với số lượng việc và tiền phải thi hành án trên toàn tỉnh ngày càng tăng, cụ thể: Tổng số việc phải thi hành 17.172  việc, với số tiền phải thi hành là hơn 2.245.037.843.000 đồng. Công tác Thi hành án dân sự (THADS) là lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Cơ quan Thi hành án dân sự còn được giao quản lý và sử dụng ngân sách, các tài sản công để phục vụ công vụ. Do đó, trong hoạt động Thi hành án dân sự nói chung nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ; phẩm chất, ý thức, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, công chức không cao sẽ dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Để có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, vừa thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, vừa đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng theo đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An có hiệu quả, Đảng ủy, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã thống nhất áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan THADS tỉnh Nghệ An đó là:
          Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 779/QĐ-TCTHADS ngày 30/9/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS về Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng năm và các chỉ đạo của cấp trên về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động.
            Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong từng đơn vị về phòng, chống tham nhũng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Chú trọng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong cơ quan THADS.
          Ba là, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan THADS. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và người lao động trong việc tham gia tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bởi yếu tố con người và sức mạnh từ nội lực là quan trọng và có tính quyết định.
Bốn là, đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng và quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý.Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đối với từng Chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, không “khoán trắng” cho Chấp hành viên dẫn đến việc lạm quyền. Thủ trưởng cơ quan THADS chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát Chấp hành viên thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, đặc biệt là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước; yêu cầu chỉ đạo Chấp hành viên phải lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín tham gia thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THADS; kiên quyết không ký hợp đồng đối với các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá có vi phạm hoặc có biểu hiện thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; rà soát, lập danh sách các tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản đủ điều kiện theo quy định.
Năm là, thực hiện nghiêm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; thực hiện các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong thực thi công việc; đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản... Chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống quy chế, quy định cho phù hợp, đảm bảo cho công tác lãnh đạo, quản lý hiệu quả.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tiếp công dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tại các Chi cục THADS; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài; chủ động xử lý kịp thời, đúng luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân; Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp trên địa bàn (nếu có). Thủ trưởng các đơn vị phải đổi mới lề lối làm việc, cách thức tổ chức công việc, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cơ quan, đơn vị và các khâu trong quá trình tổ chức thi hành án, đặc biệt là những vị trí và các khâu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; có biện pháp, giải pháp để giám sát chặt chẽ 100% các vụ việc cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên để thi hành án.
Bảy là, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất, thực hiện tốt cơ chế hậu kiểm tra đảm bảo thi hành nghiêm kết luận kiểm tra; gắn công tác kiểm tra nội bộ với hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm sát nhằm hạn chế tối đa các sai sót vi phạm trong THADS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn áp dụng pháp luật THADS cho các đơn vị; chú trọng tổng hợp thực tiễn, lựa chọn những vụ việc khó khăn, vướng mắc, bất cập điển hình để hướng dẫn thống nhất chung trong toàn tỉnh.
Tám là, tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan giám sát, kiểm sát, mặt trận đoàn thể để giám sát hoạt động tổ chức THA của Chấp hành viên, các cơ quan THA nhằm phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các vi phạm về đạo đức công vụ, quy trình thủ tục THA…
                                                            
 

[1] Ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-CTHADS ngày 23/02/2022
[2] Công văn số 1757/CVTHADS-VP ngày 30/12/2022 công văn tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng tại các cơ quan THADS trên địa bàn; Thông báo số 149/TB-CTHADS ngày 13/02/2023 thông báo Kết luận của Cục trưởng Phạm Quốc Nam về nội dung thực hiện Thông báo số 23/TB-TCTHADS ngày 19/01/2023 của Tổng cục THADS về tiếp tục chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống THADS; Công văn số 161/CTHADS-GQKNTC ngày 15/02/2023 về việc chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống các cơ quan THADS; Công văn số 328/CTHADS-GQKNTC ngày 16/3/2023 về thực hiện kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Chấp hành viên, công chức trong việc thực hiện thực hiện nhiệm vụ, công vụ; làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm.
[3] Chi cục THADS các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương; Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thị xã Của Lò, Thái Hòa; thành phố Vinh.
  Nguyễn Thị Tuyết
                                                             Phòng kiểm tra, GQKNTC

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: