Sign In

Khái niệm, trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự

18/08/2017

 Khái niệm, trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự
1. Tìm hiểu khái niệm thi hành án hành chính
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định: “Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật Tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính”. Theo đó, cũng giống như thi hành án nói chung, thi hành án hành chính (THAHC) là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của Tòa trên thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, không phải mọi phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đều được điều chỉnh bởi pháp Luật Tố tụng hành chính, vì những phán quyết về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thi hành án dân sự và được tổ chức thực hiện theo quy trình THADS. Vì vậy, việc phân định nội dung các phán quyết của Tòa án để lựa chọn pháp luật điều chỉnh là công việc quan trọng đối với các cơ quan THADS.
Về cơ chế thi hành án hành chính, nếu như THADS, thi hành án hình sự, pháp luật quy định cơ chế một chủ thể thứ ba được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án (cơ quan THADS, cơ quan thi hành án hình sự), thì THAHC được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án (thường là các cơ quan nhà nước) có trách nhiệm (tự mình) nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa. Tòa án tham gia quá trình này với vai trò là cơ quan đã ra phán quyết về vụ án hành chính có thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC trong trường hợp người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án. Cơ quan THADS tham gia vào quá trình này với vai trò là cơ quan theo dõi THAHC. Thủ trưởng trực tiếp và Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc người phải thi hành án chấp hành án và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án.
Từ khái niệm thi hành án hành chính nêu trên, chúng ta có thể hiểu theo dõi thi hành án hành chính là việc cơ quan THADS chủ động nắm thông tin và cập nhật về tình hình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, trên cơ sở đó đề nghị người phải thi hành án chấp hành nghiêm bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế.  
2. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính
- Về thẩm quyền theo dõi thi hành án hành chính: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS có thẩm quyền theo dõi THAHC đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm. 
- Về thời điểm phát sinh trách nhiệm theo dõi THAHC: Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định: Khi tiếp nhận bản án, quyết định, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định…phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC”. Theo đó, trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS phát sinh khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Đây là điểm mới khác biệt của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Luật TTHC năm 2010 quy định trách nhiệm đôn đốc THAHC của cơ quan THADS phát sinh khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án). Theo đó, về nguyên tắc, cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi 100% bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm. Vì vậy, để thực hiện tốt chức năng theo dõi THAHC, đòi hỏi các cơ quan THADS cần phối hợp tốt trong việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính để theo dõi theo quy định.
- Các bước thực hiện theo dõi THAHC của cơ quan THADS: Căn cứ Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, việc thực hiện theo dõi THAHC của cơ quan THADS được thực hiện theo các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra, vào sổ bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP); Phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC (Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
Bước 2: Ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án (Khoản 2 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP).
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án (Khoản 5 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP).
Bước 3: Trong trường hợp vụ việc có Quyết định buộc THAHC của Tòa án, cơ quan THADS thực hiện:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
- Có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật TTHC và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP (Khoản 5 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
- Gửi hoặc đăng tải công khai Quyết định buộc THAHC trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong trường hợp người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấm dứt công khai thông tin trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thi hành xong (Điều 30 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
- Ngoài ra, trong từng trường hợp THAHC cụ thể, cơ quan THADS có quyền triệu tập các bên đương sự để lập biên bản về việc không thi hành bản án, quyết định tuyên hủy quyết định buộc thôi việc (khoản 2 Điều 17 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP); lập biên bản về việc không thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án.
Bước 4: Cập nhật thông tin tình hình THAHC vào hồ theo dõi THAHC  và báo cáo đột xuất hoặc định kỳ tình hình theo dõi THAHC theo quy định hoặc theo yêu cầu.
Trong quá trình thực hiện theo dõi THAHC nêu trên, cơ quan THADS có quyền: (1) yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành; (2) kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; (3) yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án, Thủ trường trực tiếp của người phải thi hành án cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án (Khoản 4  Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP)./.
 
                                                                                                                              NĐT
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: