Sign In

Tình hình, kết quả công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua

18/08/2017

Theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính là nhiệm vụ mới đối với các cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác thi hành án hành chính.
Qua theo dõi cho thấy, kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có hiệu lực thi hành (01/7/2011), số lượng khiếu kiện về hành chính gửi đến Tòa án nhân dân các cấp khá nhiều; tính chất các vụ án hành chính ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, có cả khiếu kiện mang tính tập thể, đông người. Nội dung khiếu kiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai như: yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, về hành vi cưỡng chế thu hồi đất; các khiếu kiện về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế do vi phạm hành chính; việc áp dụng thuế, truy thu thuế; quản lý nhà nước về đầu tư, về công chứng, chứng thực…
Tính từ năm khi Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có hiệu lực (01/7/2011) đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong tỉnh đã tiếp nhận hơn 200 bản án, quyết định về vụ án hành chính do Tòa án chuyển giao; (riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã nhận 42 bản án, quyết định). Trong số đó, chỉ có 05 vụ việc có đơn đề nghị của người được thi hành án yêu cầu bên phải thi hành án (thường là cơ quan hành chính nhà nước) thực hiện nghĩa vụ có liên quan đến các quyết định hành chính của mình. Căn cứ Luật Tố tụng hành chính năm 2010, các cơ quan THADS đã lập hồ sơ, ban hành văn bản đôn đốc người phải thi hành án thi hành xong 05 bản án, quyết định về vụ án hành chính, đạt tỉ lệ 100%.
Theo quy định mới của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, từ ngày 01/7/2016, các cơ quan THADS phải theo dõi thi hành án hành chính đối với 100% bản án, quyết định về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật do Tòa án chuyển giao, trừ những phán quyết không làm phát sinh nghĩa vụ như Tòa tuyên bác yêu cầu khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án hành chính... Qua báo cáo, tính từ ngày 01/7/2016 đến hết tháng 6 năm 2017, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã theo dõi, ra thông báo tự nguyện thi hành án đối với 10 trường hợp thuộc 10 vụ án hành chính, trong đó đã có 08 vụ án đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành xong; chưa có trường hợp nào Tòa án phải ra quyết định buộc thực hiện thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh công tác đôn đốc, theo dõi thi hành án hành chính, các phán quyết của Tòa án về phần tài sản trong các bản án, quyết định về vụ án hành chính đã được các cơ quan THADS thụ lý thi hành đạt hiệu quả cao. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan THADS trong tỉnh đã ban hành 146 quyết định thi hành án để thi hành các khoản án phí, trả tiền, tài sản, bồi thường dân sự...theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, đến nay đã thi hành xong 138 việc, đạt tỉ lệ 94,5%, cao hơn so với các loại án khác.
Như vậy có thể đánh giá công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, việc theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan THADS bước đầu đi vào nề nếp, từng bước góp phần vào việc hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án về vụ án hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án hành chính nói chung, trong đó có công tác theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan THADS cũng còn những khó khăn, vướng mắc: (1) Trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, người phải thi hành án thường là cơ quan nhà nước, việc thi hành án chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác của các cơ quan này, việc áp dụng các chế tài theo quy định của Nghị định 71/2016/NĐ-CP đối với cơ quan, tổ chức chậm thi hành trên thực tế cũng chưa triệt để; (2) Vẫn còn một số bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành kịp thời, nghiêm túc; một vài trường hợp viện lý do chưa đồng tình với phán quyết của Tòa án nên chưa tự nguyện thi hành, dẫn đến kéo dài; (3) Việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án đôi lúc chưa kịp thời, sâu sát; (4) Một số cán bộ, Chấp hành viên cơ quan THADS chưa nắm chắc trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính nhất là về thời điểm phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính; (5) Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan hành chính nhà nước trong công tác thi hành án hành chính còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng và cơ chế thông tin, trao đổi giữa các cơ quan có liên quan chưa đầy đủ; (5) Nhận thức của người dân về quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính chưa đầy đủ nên chưa thực hiện hết quyền của mình...
Để Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai thi hành đạt hiệu quả cao, công tác thi hành án hành chính trên địa bàn trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, Tiếp tục tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của pháp luật thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính dưới những hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác thi hành án hành chính.
Thứ hai, Xây dựng và ban hành các văn bản có liên quan nhằm triển khai thực hiện tốt Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong đó kịp thời ban hành Quy chế đăng tải công khai thông tin của người phải thi hành án; các biểu mẫu thống nhất về theo dõi, thống kê, báo cáo thi hành án hành chính; Quy chế phối hợp liên ngành về công tác thi hành án hành chính giữa cơ quan THADS với Tòa án và Viện kiểm sát.
Thứ ba, Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi hành án hành chính; kịp thời tham mưu cho chính quyền cùng cấp thực hiện tốt các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, đảm bảo theo dõi việc thi hành đối với 100% bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính được thi hành.
Thứ tư, Rà soát, bổ sung biên chế hợp lý, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan THADS, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính.
Thứ năm, Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo dõi thi hành án hành chính, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn về công tác theo dõi thi hành án hành chính cho Lãnh đạo, Chấp hành viên các cơ quan THADS được phân công tham mưu theo dõi thi hành án hành chính.
Thứ sáu, Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong việc theo dõi thi hành án hành chính: Nghiên cứu bổ sung vào Quy chế phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát nội dung theo dõi thi hành án hành chính; phối hợp chuyển giao kịp thời, đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính để theo dõi theo quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác thi hành án hành chính định kỳ, đột xuất theo yêu cầu./.
 
                                                                                          Văn phòng Cục THADS tỉnh Nghệ An

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: