Sign In

Những quy định liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

27/05/2020

Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có hiệu lực kể từ ngày 24/02/2020 (gọi tắt là Nghị định 08). Sau đây là một số quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động thi hành án dân sự:
1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án dân sự (khoản 2 Điều 19)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 08 thì Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Đề nghị Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự;
b) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án;
c) Thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
d) Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Việc bảo quản lưu trữ hồ sơ thi hành án dân sự khi Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động (khoản 4 Điều 30).
Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 08 thì khi Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động trong trường hợp tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập theo quy định tại Điều 31 thì hồ sơ về thi hành án dân sự được chuyển cho Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để bảo quản theo chế độ lưu trữ hồ sơ thi hành án dân sự. Đối với các vụ việc thi hành án chưa kết thúc thì Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn người có yêu cầu về thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện việc thi hành án.
3. Quy định về tống đạt giấy tờ, hồ sơ tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự (Điều 33, Điều 35)
- Về hợp đồng dịch vụ tống đạt:
+ Về phạm vi tống đạt (khoản 1 Điều 33): Theo quy định tại Nghị định 08 thì Văn phòng Thừa phát lại được ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và cả với cơ quan thi hành án dân sự ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Theo đó, đối với giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở được thực hiện theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.
+ Các loại giấy tờ, hồ sơ tài liệu thỏa thuận tống đạt gồm: quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, thông báo của cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có thể tống đạt các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu khác theo đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự. Số lượng và từng loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cụ thể giao Thừa phát lại tống đạt được thực hiện thông qua biên bản có xác nhận của 02 bên theo ngày (khoản 3 Điều 33)
+ Nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ tống đạt bao gồm: Loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần tống đạt; thời gian thực hiện hợp đồng; thủ tục tống đạt; quyền, nghĩa vụ của các bên; chi phí tống đạt (khoản 4 Điều 33)
Sau khi ký kết, hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan thi hành án dân sự mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại.
+ Mỗi cơ quan thi hành án dân sự có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với một hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại (khoản 5 Điều 33)
- Về thủ tục tống đạt (khoản 2 Điều 33): Thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
- Về thông báo kết quả tống đạt (Điều 35):
+ Việc tống đạt được coi là hoàn thành khi Thừa phát lại đã thực hiện xong các thủ tục theo quy định của pháp luật.
+ Thừa phát lại phải thông báo kết quả tống đạt hoặc các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho cơ quan thi hành án dân sự đã yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Chi phí tống đạt (Điều 62):
1). Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trong hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều 33 của Nghị định này trên cơ sở khung mức chi phí quy định tại khoản 2 Điều này.
2). Khung mức chi phí tống đạt được quy định như sau:
a) Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt, bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Chi phí tống đạt quy định tại khoản này bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật thi hành án dân sự phải niêm yết công khai.
3). Thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện hàng tháng. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm lập và giao hóa đơn dịch vụ cho cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hóa đơn, chứng từ hợp lệ, cơ quan THADS có trách nhiệm hoàn tất thủ tục, hồ sơ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại;
b) Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho Văn phòng Thừa phát lại. Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển cho Văn phòng Thừa phát lại;
c) Trong trường hợp chưa thu được tiền của đương sự tại thời điểm thanh toán theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan thi hành án dân sự tạm ứng trước kinh phí để thanh toán cho Văn phòng Thừa phát lại từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc thu hồi khoản tiền tống đạt mà đương sự phải nộp để hoàn trả cho ngân sách nhà nước;
d) Trong trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự, nếu vụ việc được ủy thác thì cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho Thừa phát lại tống đạt phải thanh toán chi phí tống đạt đã thực hiện. Trường hợp đương sự phải chịu chi phí tống đạt nhưng chưa thu được thì cơ quan thi hành án dân sự ủy thác phải có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác thu hồi chi phí tống đạt của đương sự;
đ) Kho bạc Nhà nước kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt theo quy định của pháp luật.
4). Hàng năm, căn cứ vào khối lượng công việc của năm trước, mức chi phí quy định tại Điều này và công việc dự kiến thực hiện cho năm kế hoạch, cơ quan thi hành án dân sự lập dự toán kinh phí tống đạt để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan cấp trên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó tách riêng làm 02 phần:
a) Kinh phí tống đạt trong trường hợp ngân sách nhà nước chi trả;
b) Kinh phí tạm ứng trong trường hợp đương sự phải chi trả.
4. Quy định về xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại (Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 48)
- Về thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án (khoản 1 Điều 43): Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
- Về phạm vi xác minh (khoản 2 Điều 43):  Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
- Về thỏa thuận xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44):
+ Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án kể cả trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành.
+ Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án giữa người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại được ký kết dưới hình thức hợp đồng dịch vụ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh thông tin về tài sản, thu nhập hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
b) Thời gian thực hiện xác minh;
c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
d) Chi phí xác minh;
đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).
+  Khi thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về xác minh điều kiện thi hành án, đương sự phải cung cấp bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan (nếu có); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án phải cung cấp tài liệu chứng minh có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
- Về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án (Điều 45)
1) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải ra quyết định xác minh điều kiện thi hành án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quyết định xác minh phải ghi rõ căn cứ, nội dung xác minh và được ghi vào sổ xác minh điều kiện thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Quyết định xác minh phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
2) Việc xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện trực tiếp hoặc bằng văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin.
3) Khi trực tiếp xác minh, Thừa phát lại xuất trình giấy giới thiệu của Văn phòng Thừa phát lại, Thẻ Thừa phát lại kèm theo các tài liệu có liên quan quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và phải công bố quyết định xác minh hoặc quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án; lập biên bản về việc xác minh. Biên bản phải có chữ ký của Thừa phát lại, người cung cấp thông tin, xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin. Nếu chưa thực hiện được ngay việc cung cấp thông tin thì phải ghi rõ lý do trong biên bản. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.
4) Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải có các nội dung sau đây:
a) Căn cứ đề nghị cung cấp thông tin bao gồm: Tên bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; Quyết định xác minh, bản sao văn bản thỏa thuận xác minh về điều kiện thi hành án; Quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án;
b) Thông tin về người phải thi hành án bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính của người phải thi hành án là tổ chức; họ, tên, địa chỉ nơi cư trú của người phải thi hành án là cá nhân và các thông tin cần thiết khác;
c) Các thông tin đề nghị cung cấp trong phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại quy định tại Nghị định này;
d) Thời điểm, thời hạn cung cấp thông tin;
đ) Các thông tin khác có liên quan.
Văn bản đề nghị cung cấp thông tin kèm theo các tài liệu liên quan được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, đồng thời gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Trường hợp thực hiện xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Thừa phát lại phải đồng thời gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi thực hiện xác minh.
5). Các quy định khác của pháp luật thi hành án dân sự được áp dụng trong việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại.
- Về sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án (Điều 48)
1). Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.
2). Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
5. Quy định về tổ chức thi hành án của Thừa phát lại
5.1. Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại (Điều 51)
1). Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
2). Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự.
5.2. Nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại (Điều 52)
1). Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện kịp thời, đúng nội dung quyết định thi hành án được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
b) Mời đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;
c) Kiến nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại;
d) Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án.
2). Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự;
b) Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
c) Xử phạt vi phạm hành chính;
d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự;
đ) Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự;
e) Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.
5.3. Quyền yêu cầu thi hành án (điều 53)
1). Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc một cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
2). Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.
Trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.
3). Thời hiệu, thủ tục yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
5.4. Quyết định thi hành án (Điều 55)
1). Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại căn cứ vào nội dung hợp đồng dịch vụ và thẩm quyền thi hành án quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo thẩm quyền. Văn bản đề nghị phải kèm theo đơn yêu cầu thi hành án theo ủy quyền, bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các tài liệu có liên quan.
2). Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải xem xét, ra quyết định thi hành án; trường hợp không ra quyết định thi hành án thì phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
3). Quyết định thi hành án có các nội dung sau đây:
a) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
b) Số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành quyết định;
c) Tên, địa chỉ người được thi hành án;
d) Tên, địa chỉ người phải thi hành án;
đ) Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án;
e) Nội dung công việc Thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án;
g) Thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành.
Quyết định thi hành án phải được vào sổ thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
4). Nội dung công việc Thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 55 bao gồm:
a) Xác minh điều kiện thi hành án;
b) Tổ chức thi hành án;
c) Thỏa thuận về việc thi hành án;
d) Thanh toán tiền thi hành án.
5). Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại đã đề nghị phải gửi quyết định thi hành án đó cho người được thi hành án, người phải thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp huyện) hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp tỉnh) nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
6). Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước pháp luật, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc ra hoặc không ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại.
Thừa phát lại chịu trách nhiệm trước pháp luật, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc đề nghị ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
7). Quyết định thi hành án được ban hành theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại không thuộc các vụ việc thụ lý, tổ chức thi hành của cơ quan thi hành án dân sự.
5.5. Thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại (Điều 56)
1). Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự.
2). Xử lý trường hợp chuyển vụ việc từ cơ quan thi hành án dân sự sang Văn phòng Thừa phát lại và ngược lại:
a) Đối với các vụ việc đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu không tiếp tục và đình chỉ thi hành án để Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì đương sự không có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành đối với các khoản đã được cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án;
b) Đối với các vụ việc đang do Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu không tiếp tục thi hành án và chấm dứt hợp đồng với Văn phòng Thừa phát lại thì người được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại khác có thẩm quyền tiếp tục tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Yêu cầu thi hành án mới của đương sự phải nêu rõ kết quả thi hành án trước đó; những nội dung yêu cầu tổ chức thi hành án tiếp và thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu. Trình tự, thủ tục, kết quả quá trình thi hành án trước đó nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị pháp lý, được công nhận và được sử dụng làm căn cứ để tiếp tục tổ chức thi hành án.
5.6. Chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại (Điều 57)
Thừa phát lại chấm dứt thi hành án và phải thông báo cho Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án về việc chấm dứt thi hành án trong các trường hợp sau đây:
1). Việc thi hành án đương nhiên kết thúc theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
2). Theo thỏa thuận giữa Thừa phát lại và đương sự, trừ trường hợp việc chấm dứt làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba;
3). Trường hợp phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;
4). Thừa phát lại tổ chức thi hành án mà phát sinh điều kiện thi hành án nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
5). Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác;
6). Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản là vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác;
7). Các trường hợp phải yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69, khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác.
5.7. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án(Điều 58)
1). Khi chấm dứt việc thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án phải thanh lý hợp đồng dịch vụ về thi hành án. Trong quá trình thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh, nếu có tranh chấp thì các bên yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với số tiền, tài sản còn tồn đọng không có người nhận thì Văn phòng Thừa phát lại xử lý theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và pháp luật dân sự về tài sản vắng chủ.
Đối với các vụ việc chưa thi hành xong, đương sự có quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 53 của Nghị định này.
2). Trường hợp chấm dứt việc thi hành án theo khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 57 của Nghị định này, trước khi thanh lý hợp đồng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện các nội dung sau đây:
a) Ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi các quyết định, thông báo, văn bản về thi hành án chưa thực hiện xong;
b) Chuyển toàn bộ hồ sơ thi hành án sang cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;
c) Thông báo bằng văn bản cho đương sự về việc đã chuyển hồ sơ và người yêu cầu thi hành án có quyền tiếp tục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
3). Trường hợp chấm dứt việc thi hành án theo quy định tại Điều 57 của Nghị định này, trước khi thanh lý hợp đồng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp huyện) hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp tỉnh) nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở về việc chấm dứt việc thi hành án và việc đã chuyển hồ sơ sang cơ quan thi hành án dân sự.
4). Trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự như sau:
a) Tiếp nhận hồ sơ thi hành án do Văn phòng Thừa phát lại chuyển;
b) Tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 của Nghị định này;
c) Công nhận và sử dụng kết quả thi hành án trước đó do Thừa phát lại thực hiện khi vụ việc được tiếp tục thi hành nếu kết quả đó có được không do vi phạm pháp luật.
5.8. Thanh toán tiền thi hành án (Điều 59)
1). Việc thanh toán tiền thi hành án của Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
2). Cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều nghĩa vụ đang do cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại cùng tổ chức thi hành.
5.9. Trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc thi hành án (Điều 60)
a) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại; chuyển giao quyết định thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại đã đề nghị trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ việc thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại, hướng dẫn việc phối hợp trong thi hành án giữa các Chi cục Thi hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại và giữa các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn;
b) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thanh toán tiền thi hành án theo quy định.
5.10). Chi phí thi hành án dân sự (Điều 65)
Đối với việc tổ chức thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự do pháp luật về phí, lệ phí quy định. Những vụ việc phức tạp, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.
6. Quy định về giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự (khoản 3 Điều 70)
3). Việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự được thực hiện như sau:
a) Khiếu nại về việc ra hoặc không ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại:
Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành;
Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thì Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;
b) Khiếu nại hành vi của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại:
Đối với các vụ việc do Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này thì Chi cục trưởng giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành;
Đối với các vụ việc do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này thì Cục trưởng giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành;
Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại;
c) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành.
 
                                                          Nguyễn Trung
                                                          Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: