Giảm mạnh án tồn đọng
- 67 năm với nhiều mốc dấu quan trọng, đặc biệt năm 2013 cũng là 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh ngành Thi hành án dân sự hôm nay?
Cách đây 20 năm, tại thời điểm tháng 7/1993, Tòa án nhân dân các cấp đã bàn giao sang các cơ quan thuộc Chính phủ 1.126 biên chế, trong đó có 700 Chấp hành viên. Phần lớn số cán bộ ở thời điểm bàn giao chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, đặc biệt có nơi không có cán bộ thi hành án để bàn giao, nhất là các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Số lượng án được bàn giao sang các cơ quan Thi hành án dân sự để tiếp tục tổ chức thi hành là 121.325 vụ, với tổng số tiền phải thi hành gần 120 tỷ đồng; 851.300 USD; hàng trăm lượng vàng; hàng nghìn tấn thóc và nhiều tài sản khác.
Về cơ sở vật chất, tại thời điểm bàn giao, trụ sở, phương tiện làm việc hầu như không có gì. Với trăm ngàn bộn bề, khó khăn, song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và trên hết là sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức trong toàn Ngành, ngay sau khi nhận bàn giao, các cơ quan Thi hành án dân sự đã ổn định tổ chức, khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công tác thi hành án dân sự được liên tục, không bị gián đoạn.
Ngay trong năm 1993, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong 54.358 việc, thu được trên 103 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 45% về việc; 43% về tiền trên số có điều kiện thi hành.
Các năm tiếp theo, công tác thi hành án dân sự ngày càng ổn định và đạt kết quả cao. Đặc biệt, từ năm 1993 đến hết năm 2012, toàn Ngành đã đưa ra thi hành 9.100.128 việc với tổng số tiền phải thu lên tới trên 288.664 tỷ đồng, trong số đó, đã thi hành xong 4.055.717 việc, thu được trên 62.957 tỷ đồng.
Do số việc thi hành xong trong những năm gần đây tăng cao, nên số việc chuyển kỳ sau ngày càng giảm, nhất là sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành: Năm 2008 số việc chuyển kỳ sau là 296.719 việc (giảm 24.301 việc so với năm 2007); năm 2009 là 285.489 việc (giảm 11.230 việc so với năm 2008); năm 2010 là 247.103 việc (giảm 38.386 việc so với năm 2009); năm 2011 là 234.600 việc (giảm 12.503 việc so với năm 2010) và năm 2012 là 229.714 việc (giảm 4.886 việc so với năm 2012).
Thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2010, hệ thống Thi hành án dân sự được giao thêm nhiệm vụ mới là theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc thi hành án hành chính. Kết quả thi hành án hành chính cũng đạt những kết quả khả quan. Riêng việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh bước đầu được người dân và xã hội đón nhận. Trên cơ sở kết quả thí điểm, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/NQ-QH13 về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Hiện nay, Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự kiến lựa chọn thêm 12 địa phương để mở rộng thực hiện thí điểm.
- Nói đến sự lớn mạnh của ngành Thi hành án dân sự, hẳn không thể không nhắc tới đội ngũ những người làm công tác thi hành án dân sự, như người ta nói “có bột mới gột nên hồ” thưa ông?
Đúng vậy. Công tác cán bộ là nền tảng đặc biệt quan trọng quyết định mọi thắng lợi của ngành. Nếu như năm 1993, khi nhận bàn giao từ Tòa án sang, toàn Ngành chỉ có 1.126 biên chế, trong đó có 700 Chấp hành viên thì đến nay, ngành Thi hành án dân sự đã có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 6/2013, ngoài Tổng cục, có 63 Cục Thi hành án dân sự, 697 Chi cục Thi hành án dân sự đã được thành lập với tổng biên chế là 9.891 người. Cả nước có 3.699 Chấp hành viên; 531 Thẩm tra viên; 1.602 Thư ký thi hành án; 100% Chấp hành viên đã có bằng Cử nhân Luật. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý tiếp tục được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở.
Có thể nói, với hệ thống tổ chức, bộ máy được kiện toàn như hiện nay, ngành Thi hành án dân sự đã thực sự mạnh về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác thi hành án dân sự trong thời kỳ mới.
Ngoài công tác cán bộ thì sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về Thi hành án dân sự, xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động... cũng là những điều kiện quan trọng bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
- Thưa ông, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là tình trạng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ chấp hành viên ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước?
Với quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống tiêu cực trong Ngành như phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường công tác kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thực hiện chế độ thông tin về Thông báo kết luận, kháng nghị, kiến nghị giữa Viện Kiểm sát nhân dân với cơ quan quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng về phòng, chống tiêu cực trong Thi hành án dân sự... Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với những sai phạm của cán bộ công chức trong Ngành. Việc số lượng cán bộ công chức trong Ngành bị xử lý kỷ luật trong những năm gần đây tăng cao chính là kết quả bước đầu của những giải pháp về phòng, chống tiêu cực mà Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đã áp dụng trong thời gian qua.
Quan tâm giải quyết những vụ án lớn
- Có lẽ, chưa bao giờ, ngành Thi hành án dân sự được quan tâm, khẳng định vị thế như giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, trước tác động bởi sự khó khăn của nền kinh tế, hẳn Thi hành án dân sự cũng phải chịu những “sức ép”?
Khó khăn lớn nhất của ngành Thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay là số việc thụ lý mới có xu hướng ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là về giá trị. Năm 2011 tăng 2,78% về việc, 16,14% về giá trị; năm 2012 tăng 2,1% về việc, 21,3% về giá trị; 06 tháng đầu năm 2013 tăng 22% về việc, 67,21% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nhiều vụ án liên quan đến kinh doanh, thương mại, tín dụng ngân hàng, hụi họ, tranh chấp dân sự… với giá trị phải thi hành án lớn nhưng rất khó thi hành; một số đối tượng cố tình lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc thi hành án. Trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp và người dân, trong đó có người phải thi hành án bị giảm sút dẫn đến việc xử lý tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án rất khó khăn, đặc biệt là tài sản về nhà, đất; nhiều tài sản đã kê biên nhưng không bán được, dù đã giảm giá nhiều lần dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc có điều kiện thi hành nhưng vẫn tồn đọng do không thi hành được.
Một số khó khăn nữa chính là việc phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự ở một số địa phương còn chưa tốt, hệ thống pháp luật về Thi hành án dân sự tuy đã được quan tâm hoàn thiện nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập.
- Năm 2013 là năm đầu tiên ngành Thi hành án dân sự thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội với những chỉ tiêu hết sức nặng nề, ngành Thi hành án dân sự phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó?
Như đã nói ở trên, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 là một nguồn động viên lớn đối với các cơ quan Thi hành án dân sự, song cũng là một thách thức rất lớn.
Với tinh thần nghiêm túc, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/NQ-QH, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3955/QĐ-BTP giao chỉ tiêu cho Tổng cục Thi hành án dân sự, ngay sau đó, Tổng cục đã ký Quyết định giao chỉ tiêu cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các Chấp hành viên trong toàn quốc, đồng thời xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội với những giải pháp chủ yếu như tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan hoàn thành việc xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục đối với các Cục và của Cục đối với các Chi cục theo hướng sâu sát hơn, cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, đưa công tác này trở thành khâu mũi nhọn, đột phá về chuyên môn, nghiệp vụ Thi hành án dân sự.
Ngành cũng thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, tập trung vào việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh tư pháp. Siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong toàn Ngành; Tăng cường công tác kiểm tra, tập trung kiểm tra những địa bàn có lượng án lớn, còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ trong kiểm tra về công tác thi hành án dân sự để kịp thời phát hiện những vi phạm của ván bộ công chức. Có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã đề ra các giải pháp linh hoạt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương có số việc phải thi hành lớn như ưu tiên biên chế, thực hiện chế độ biệt phái Chấp hành viên từ các địa phương có số việc phải thi hành ít tăng cường cho các địa phương có số việc phải thi hành án lớn và một số đơn vị thuộc Tổng cục.
-Trân trọng cám ơn ông và xin gửi lời chúc mừng đến ông và toàn ngành nhân dịp ngày truyền thống!
Thu Hằng (thực hiện)
Nhân Ngày truyền thống Thi hành án dân sự 19-7, tôi thay mặt cho gần 10.000 cán bộ công chức Thi hành án dân sự, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát của Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, của các Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị trong và ngoài Bộ đối với công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua, đồng thời, mong muốn, trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường cơ sở vật chất, biên chế và chế độ chính sách đối với cán bộ công chức Thi hành án dân sự....
(Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành) |