Thi hành án dân sự Điện Biên, hai mươi năm chặng đường phát triển

05/08/2013
Ngày 05/3/2013 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 397/QĐ-TTg Quyết định lấy ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Những ngày này các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên, cùng với cơ quan Thi hành án dân sự cả nước có rất nhiều hoạt động hướng tới “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” và kỷ niệm 20 năm ngày chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân sang ngành Tư pháp, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Quốc hội về công tác tư pháp.


Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển cơ quan Thi hành án dân sự cả nước nói chung và Thi hành án dân sự Điện Biên nói riêng, ngay sau khi cách mạng tháng tám thành công Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác tư pháp trong đó có hoạt động thi hành án dân sự. Ngày 24/1/1946, năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán, trong đó có quy định Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành Thi hành án dân sự trong chế độ mới; ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là văn bản đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án, mặc dù cơ cấu tổ chức còn rất đơn giản, số lượng cán bộ còn ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song Ban Tư pháp xã và Thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của Thẩm phán, góp phần bảo đảm pháp chế của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho công tác thi hành án dân sự sau này.

Năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự văn bản có hiệu lực cao nhất tại thời điểm đó, lần đầu tiên được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, đến năm 1993 hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được chuyển giao từ Tòa án nhân dân sang các cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự, đây là bước đổi mới quan trọng trong cải cách hoạt động thi hành án dân sự, sự cần thiết phải tách công tác thi hành án dân sự ra khỏi hoạt động của Tòa án để nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, đảm bảo tính độc lập khách quan trong hoạt động thi hành án. Năm 2004 Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự, nội dung Pháp lệnh cũng có nhiều đổi mới hơn so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 để nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của đất nước.

Bốn năm sau, năm 2008 Quốc hội đã thông qua Luật thi hành án dân sự, trên cơ sở của Luật thi hành án dân sự, ngày 09/9/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự được quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; Thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, thực hiện chức năng thi hành án dân sự, có nhiệm vụ giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh chung của cả nước, Thi hành án dân sự Điện Biên cũng từng bước phát triển, trưởng thành khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống xã hội và là nhân tố không thể thiếu trong hệ thống chính trị, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, ổn định an ninh - chính trị tại địa phương.

Giai đoạn năm 1993 Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) tiến hành bàn giao công tác thi hành án dân sự sang Sở Tư pháp tỉnh. Thời điểm đó toàn tỉnh có 10 đơn vị thi hành án dân sự với số lượng biên chế là 17 người, trong đó có 13 chấp hành viên, số lượng công chức, chấp hành viên vừa thiếu vừa yếu, phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ chấp hành viên, kỹ năng thi hành án. Từ năm 1993 đến 2003 cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh tăng từ 10 lên 13 cơ quan Thi hành án gồm: Phòng thi hành án và 12 Đội thi hành án, toàn tỉnh có 62 biên chế, trong đó có 22 chấp hành viên, còn lại là công chức khác; Trình độ đại học chiếm khoảng 60%, trung cấp là 30% còn lại chưa qua đào tạo; Mỗi đơn vị chỉ có từ 3-5 biên chế, phổ biến tình trạng cơ quan Thi hành án dân sự chỉ có một chấp hành viên.

Cơ sở vật chất: Toàn tỉnh có ba Đội thi hành án được xây dựng trụ sở, Phòng thi hành án vẫn làm việc chung với Sở Tư pháp, các Đội thi hành án còn lại hoặc làm việc chung với Phòng Tư pháp hoặc các phòng, ban chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân, trang thiết bị cho công tác thi hành án còn rất thiếu thốn, toàn tỉnh được trang bị 01 ô tô, các đơn vị cấp huyện mỗi đơn vị được trang bị 01 xe mô tô Minkhơ.

Năm 1997 theo Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Điện Biên Đông được thành lập mới trên cơ sở tách ra từ huyện Điện Biên, theo đó Đội thi hành án dân sự huyện Điện Biên Đông được thành lập, những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất càng tăng do vậy chất lượng công tác thi hành án dân sự còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội.

Giai đoạn 1993-2004: Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, Pháp lệnh này đã bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế, đó là các quy định về thủ tục thi hành án và mô hình tổ chức các cơ quan Thi hành án. Để khắc phục một số hạn chế của Pháp lệnh 1993 ngày 14/11/2004 Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, thay thế Pháp lệnh 1993. Ngày 11/4/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, đã khắc phục một số tồn tại bất cập của Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ; Tên gọi các cơ quan Thi hành án dân sự đã thay đổi, ở cấp tỉnh được gọi là Thi hành án dân sự tỉnh, ở cấp huyện là Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố. Thi hành án dân sự ở địa phương hai cấp đều có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng, kinh phí, biên chế, chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, một số nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2005, sự thay đổi và cơ chế quản lý linh hoạt đã tạo điều kiện thuận lợi đối với sự phát triển, trưởng thành của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Điện Biên và Lai Châu, Thi hành án dân sự Điện Biên được kế thừa cơ sở vật chất của tỉnh cũ, tỉnh Lai Châu được thành lập mới, biên chế, phương tiện phải chia cho 2 tỉnh, sự khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị càng tăng. Những biến động về địa giới hành chính do chia tách, thành lập mới một số huyện làm gia tăng những khó khăn đối với công tác thi hành án dân sự tại địa phương: Năm 2002 thành lập mới Thi hành án dân sự huyện Mường Nhé, năm 2007 thành lập mới Thi hành án dân sự huyện Mường Ảng. Giai đoạn này trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa được đầu tư xây dựng do vậy đã củng cố được nơi làm việc đối với các đơn vị này, tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ quan Thi hành án dân sự chưa có trụ sở làm việc phải làm việc trong các căn nhà tạm, vì thế hiệu quả công tác thi hành án dân sự giai đoạn này còn hạn chế chưa đáp ứng được các yêu cầu của xã hội.

Tháng 7/2008 Luật Thi hành án dân sự chính thức có hiệu lực, Nghị định 74 ra đời đánh dấu sự thay đổi lớn đối với các cơ quan Thi hành án dân sự toàn quốc, trong đó có Thi hành án dân sự Điện Biên, lần đầu tiên hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự trong cả nước được tổ chức theo ngành dọc, thống nhất từ trung ương đến địa phương, các cơ quan Thi hành án dân sự từ tỉnh đến cấp huyện của tỉnh Điện Biên đã từng bước được kiện toàn, năng lực đội ngũ chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự đã được nâng lên, đủ khả năng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện toàn tỉnh có 11 cơ quan Thi hành án dân sự (01 Chi cục mới được thành lập chưa ra mắt) với 111 biên chế, trong đó Cục thi hành án dân sự tỉnh có 4 Phòng chuyên môn gồm 25 biên chế; Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện có 86 biên chế, đơn vị cấp huyện có nhiều nhất là 15 biên chế, huyện ít nhất là 7 biên chế, tổng số chấp hành viên toàn tỉnh 29 người, 7 thẩm tra viên; Trình độ đại học 65 người, cao đẳng 7 người, trung cấp 32 người. Mặc dù là một tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn hoạt động rộng tỉ lệ việc thi hành án liên quan đến tội danh ma túy chiếm đến 80% tổng số việc thụ lý giải quyết, phần lớn là số người nghiện hút, không có tài sản, thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thi hành án, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức Thi hành án dân sự toàn tỉnh, Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên những năm gần đây liên tục hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp giao, đã được Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tặng thưởng nhiều Bằng khen, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh khẳng định được vai trò, vị thế của công tác thi hành án dân sự đối với đời sống xã hội, tạo được niềm tin đối với quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương, góp phần cùng cả nước đã và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Trần Ngọc Bản

Cục THADS tỉnh Điện Biên