Thành tựu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự

30/10/2015
Dưới chế độ phong kiến, pháp luật về thi hành án dân sự ở nước ta điều chỉnh hoạt động thi hành án dân sự cùng với hoạt động xét xử của Toà án, các luật lệ lúc bấy giờ được ban hành như: Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long chưa phân định rõ ràng giữa thủ tục thi hành án và thủ tục xét xử. Đến giai đoạn đất nước ta dưới thời nửa phong kiến nửa thuộc địa, pháp luật về thi hành án dân sự quy định thủ tục thi hành án dân sự chủ yếu do tổ chức Thừa phát lại thực hiện; theo quy định tại Luật Tố tụng dân sự ban hành kèm theo Nghị định ngày 16/3/1910 của Toàn quyền Đông Dương thì Thừa phát lại được giao làm nhiều công việc có tính chất hành chính tại Toà án và thi hành các bản án.


Từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, công tác hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự đã đạt được những thành tựu quan trọng qua các giai đoạn cơ bản sau đây:

1. Giai đoạn từ 1945 đến 1950 

- Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 47, với 6 chương, gồm 12 điều. Điều 1 của Sắc lệnh này quy định nguyên tắc: “Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này. Từ nay đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất nói trên, những điều sửa đổi cần kíp sẽ do sắc lệnh ban bố sau”. Tại chương thứ 16, Khoản chung, Điều 12 quy định: “Những điều khoản trong các luật lệ cũ được tạm giữ lại do sắc lệnh này, chỉ thi hành khi nào không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà”.

- Ngày 30/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh ký ban hành Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về “Tổ chức Bộ Tư pháp”. Nghị định có 4 điều, quy định Bộ Tư pháp gồm có một văn phòng và các phòng sự vụ. Văn phòng đặt dưới quyền điều khiển của Đổng lý Văn phòng và Chánh Văn phòng, có các tham chính văn phòng giúp việc. Nếu cần sẽ đặt những đặc vụ uỷ viên. Văn phòng có nhiệm vụ là giúp ông Bộ trưởng trong các công việc tổ chức tư pháp, để thực hiện những phương châm của Chính phủ và trông nom tất cả việc trong nội bộ thuộc về sự giao thiệp với các cơ quan quốc gia và với người nước ngoài. Các phòng sự vụ đặt dưới quyền điều khiển của ông Đổng lý văn phòng, tạm thời kiêm chức Đổng lý sự vụ. Các phòng ấy gồm có: Phòng Nhất, phòng Nhì, phòng Ba, phòng Tư, phòng Năm. Trong số 05 phòng này, thì Phòng ba (Phòng giám đốc hộ vụ), có: Ban pháp chế và cai trị; Ban công lại quản lý văn khế, các đại tụng viện, hộ giá viên, Thừa phát lại.

- Ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 13 về “Tổ chức các Toà án và các ngạch thẩm phán”. Sắc lệnh này có 02 chương, với 114 điều. Tại chương thứ Nhất (Tổ chức các Tòa án), Tiết thứ Nhất (Ban Tư pháp xã) quy định ở mỗi xã, ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký (theo Điều số 75 sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 tổ chức chính quyền nhân dân) sẽ kiêm cả việc tư pháp. Cả ba uỷ viên trong ban tư pháp ấy đều có quyền quyết nghị. Thư ký giữ công việc lục sự: lưu giữ công văn, làm các giấy tờ, biên bản. Khi một trong ba uỷ viên vắng mặt, Chủ tịch sẽ lấy một nhân viên khác ở Uỷ ban hành chính vào thay. Mỗi tuần lễ, ban tư pháp phải họp ít nhất là một lần, họp công khai ở trụ sở của Uỷ ban. 

Ban tư pháp xã có quyền: (1) Hoà giải tất cả các việc dân sự và thương sự; nếu hoà giải được, Ban tư pháp có thể lập biên bản hoà giải có các uỷ viên và những người đương sự ký, (2) Phạt các việc vi cảnh, những chỉ có quyền phạt tiền từ năm hào đến sáu đồng bạc. Các tiền phạt sẽ do thủ quỹ nhận và phát biên lai. Tiền phạt sẽ bỏ vào quỹ làng tiêu dùng. Nếu người phạm tội không chịu nộp phạt, thì ban tư pháp lập biên bản đệ lên toà án sơ cấp xét xử, (3) Thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên.

- Ngày 19/7/1946, ông Huỳnh Thúc Kháng ký ban hành Sắc lệnh số 130 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà “về việc ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bảng toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh do Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành”. Sắc lệnh này có 05 điều, theo đó quy định các bản toàn sao hoặc trích sao án hoặc mệnh lệnh do các Phòng lục sự phát cho người đương sự để thi hành các án hoặc các mệnh lệnh của các Tòa án Hộ đều có phải thể thức thi hành ấn định như sau: “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo lời yêu cầu của người đương sự thi hành bản án này, các ông Chưởng lý và Biện lý kiểm soát việc thi hành, các vị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiểu luật yêu cầu”. Các bản toàn sao hoặc trích sao án có thể thức thi hành chỉ có thể phát cho người đương sự một lần thôi, trừ những trường hợp do ông Chánh án cho phép. Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án. Ban ấy sẽ tùy từng việc, chỉ định một nhân viên để giao cho việc thi hành lệnh, mệnh lệnh hoặc án. Ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì người đương sự có thể nhờ Thừa phát lại riêng thi hành án hoặc mệnh lệnh.

- Thông tư số 24-BK ngày 26/4/1949 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp "Về việc thi hành án Hình và án Hộ" quy định cụ thể những nguyên tắc chấp hành, thể thức chấp hành, cách thức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Thông tư xác định trách nhiệm thi hành án của Thừa phát lại, Ban tư pháp xã và nhấn mạnh vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ thi hành án.

Với các văn bản pháp luật nêu trên, công tác thi hành án dân sự ở nước ta giai đoạn này tồn tại dưới hai hình thức là: Thừa phát lại và Ban tư pháp xã. Mặt khác, pháp luật cũng quy định những nguyên tắc, thể thức chấp hành các bản án, quyết định của Toà án và xác định trách nhiệm của Thừa phát lại, nhấn mạnh vai trò của Ban Tư pháp xã, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thi hành án dân sự đã được xác định khá cụ thể. Nhà nước không chỉ tôn trọng quyền định đoạt của đương sự trong giao lưu dân sự, thương sự và tố tụng, mà thông qua thi hành án dân sự còn thể hiện việc bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong thi hành án dân sự.

2. Giai đoạn từ năm 1950 đến 1980

- Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về "Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng" tạo nên sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong tổ chức và hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng. Sắc lệnh có 4 chương với 20 điều. Tại Điều 7 quy định Ban tư pháp xã có quyền chung thẩm những vụ vi cảnh phạt bạc từ 5 đồng đến 30 đồng, những việc đòi bồi thường hoặc bồi hoàn từ 300 đồng từ xuống do người bị thiệt hại thỉnh cầu trong đơn kiện hay chậm nhất lúc việc vi phạm đem ra xử; sơ thẩm những việc đòi bồi thường hoặc bồi hoàn quá 300 đồng do người bị thiệt hại thỉnh cầu trong đơn kiện hay lúc xử. Tại Điều 19 Sắc lệnh quy định: "Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án Hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án Hộ mà chính Tòa án huyện và Tòa án trên đã tuyên. Việc phát mãi bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do Tòa án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một thẩm phán huyện để việc phát mãi đó vừa có lợi cho chủ nợ lẫn người mắc nợ". Theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban tư pháp xã thực hiện trước đây được thay thế bằng thẩm phán huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Điều này đã làm thay đổi căn bản cơ chế tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự. Thi hành án dân sự từ chỗ căn cứ vào yêu cầu của đương sự đã trở thành trách nhiệm của Nhà nước. Tòa án chủ động thi hành án dân sự mà không chờ yêu cầu của người được thi hành án.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 quy định tại Điều 24: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự” thì việc thi hành án dân sự do nhân viên chấp hành án thực hiện theo thủ tục do pháp luật quy định. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên chấp hành án được xác định rõ trong luật tổ chức Tòa án nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.

Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 442-TC ngày 04/7/1968 "Về việc đẩy mạnh công tác thi hành án". Ngày 13/10/1972, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra Quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên; cùng ngày này, Toà án nhân dân tối cao cũng ban hành Thông tư số 187-TC hướng dẫn thi hành Quyết định số 186-TC nêu trên, tên gọi “Chấp hành viên” được ra đời thay cho “nhân viên chấp hành án” để làm nhiệm vụ thi hành án dân sự. Chấp hành viên được đặt tại Toà án, dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Chánh án Toà án. Nhà nước không tổ chức cơ quan thi hành án dân sự riêng mà chỉ đặt Chấp hành viên tại các Tòa án nhân dân địa phương để thực hiện chuyên trách việc thi hành án dân sự. Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định về dân sự, những khoản xử phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường, hoàn trả lại tài sản trong các bản án, quyết định hình sự; giúp Chánh án Tòa án nhân dân đôn đốc, kiểm tra công tác thi hành án tại các Tòa án nhân dân cấp dưới. Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân nơi mình công tác. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Chấp hành viên có quyền định cho đương sự một thời hạn để thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế mà pháp luật cho phép sau khi có sự thỏa thuận của Chánh án nơi Chấp hành viên công tác, yêu cầu lực lượng bảo vệ trật tự trị an giúp sức khi cần thiết, đề nghị Tòa án cấp có thẩm quyền hoãn, tạm đình chỉ thi hành án. Đồng thời, Chấp hành viên có trách nhiệm thi hành đầy đủ và nhanh chóng bản án, quyết định của Tòa án (Điều 4, Điều 5 Quyết định số 186/TC ngày 13/10/1972). Chấp hành viên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành những bản án, quyết định có hiệu lực có nhiều khó khăn như: vụ án có liên quan đến bí mật quốc gia, đến công tác ngoại giao; vụ án có nhiều người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau; vụ án có nhiều tài sản gửi ở Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định trách nhiệm của Ủy ban hành chính xã, phường cùng các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức hỗ trợ thi hành án. Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân (Điều 7 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân). Ngày 23/10/1979, Tòa án nhân dân tối cao ra Công văn số 827/CV ban hành "Điều lệ tạm thời về công tác thi hành án" có quy định về thủ tục thi hành án dân sự tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thi hành án dân sự của Nhân viên chấp hành án.

Với quy định nêu trên, đến thời điểm đó, Chấp hành viên đã trở thành chức danh tư pháp độc lập với chức danh Thẩm phán, được biên chế trong các Toà án nhân dân địa phương, có nhiệm vụ chuyên trách thi hành các bản án, quyết định của Toà án dưới sự chỉ đạo của Chánh án. Trong giai đoạn này, nhìn chung pháp luật thi hành án dân sự quy định trách nhiệm chủ động của Nhà nước đối với việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án.

3. Giai đoạn từ 1980 đến 1993

Hiến pháp năm 1980 là cơ sở cho nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự được ban hành. Điều 16 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 và Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp” đã giao cho Bộ Tư pháp đảm nhiệm công tác quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó có công tác thi hành án dân sự.

Ngày 28/8/1989, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên ở nước ta, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1990, đánh dấu bước lập pháp cao chuyên ngành về thi hành án dân sự. Pháp lệnh này có 7 chương với 42 điều.

Để hướng dẫn và cụ thể hóa Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như: Nghị định số 68/HĐBT ngày 06/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế Chấp hành viên, với 4 điều. Quy chế Chấp hành viên có 4 chương, với 17 điều, quy định về Chấp hành viên; phù hiệu, chế độ, trang phục, thẻ Chấp hành viên; chế độ cấp phát; khen thưởng và kỷ luật, Thông tư liên ngành số 05-89/TTLN ngày 06/12/1989 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Ủy ban vật giá Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về Hội đồng định giá, Thông tư liên ngành số 06-89/TTLN ngày 07/12/1989 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp "Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự", Thông tư liên ngành số 07-89/TTLN ngày 10/12/1989 của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ “Hướng dẫn việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án”, Thông tư liên ngành số 09 TT/LN ngày 10/12/1989 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp "Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án đối với các khoản tiền bồi thường, bồi hoàn, thanh toán tài sản, cấp dưỡng trong các bản án hình sự và dân sự trong tình hình hiện nay", Thông tư số 394/QLTA ngày 22/5/1990 của Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Chấp hành viên và bổ nhiệm Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng”. Ngày 18/7/1992, Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên ngành số 472 về “Quản lý công tác thi hành án trong thời kỳ trước mắt”, trong đó quy định tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh có Phòng Thi hành án nằm trong cơ cấu, bộ máy của Toà án để giúp Chánh án cấp tỉnh chỉ đạo công tác thi hành án và tại Toà án nhân dân cấp huyện có Chấp hành viên hoặc cán bộ thi hành án dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án cấp huyện. Việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực thi nhiệm vụ của Chấp hành viên vẫn do Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp đảm nhiệm. Cơ chế thi hành án này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp và Tòa án từ Trung ương đến địa phương.

Theo quy định của các văn bản nêu trên thì chỉ có Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án (trước đây việc thi hành án, ngoài Chấp hành viên còn có thể do cán bộ thi hành án thực hiện). Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân địa phương. Theo Pháp lệnh này, cơ chế kết hợp quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của cơ quan thi hành án và Chấp hành viên đã tạo ra sự phát triển mới trong công tác thi hành án dân sự. Điều đó được thể hiện bằng việc quy định người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án thì Tòa án có thẩm quyền mới tiến hành việc thi hành án (Điều 14 Pháp lệnh); cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án trong những trường hợp nhất định nhằm bảo vệ kịp thời lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi hợp pháp của tập thể và công dân như đối với những bản án, quyết định phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí, bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa và một số trường hợp khác. Từ giai đoạn này, cơ chế chủ động thi hành án dân sự và cơ chế thi hành án dân sự theo đơn yêu cầu song song tồn tại ở nước ta, với những thủ tục thi hành án dân sự khá cụ thể. Việc ra quyết định thi hành án dân sự do Chánh án Toà án nhân dân thực hiện. Chấp hành viên là người tổ chức việc thi hành án dân sự. Công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn này do Tòa án quản lý, chỉ đạo và thi hành. Công tác hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự đã được tăng cường một bước với hình thức văn bản pháp luật chuyên ngành cao nhất là Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

4. Giai đoạn từ 1993 đến 2003

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX ngày 06/10/1992 đã thông qua nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan của Chính phủ. Ngày 17/4/1993 Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993, ngày 21/4/1993 Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh này, có hiệu lực kể từ ngày 01/6/1993.

Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 thay thế Pháp lệnh dân sự năm 1989 đã tạo bước ngoặt lớn về tổ chức và hoạt động thi hành án, đưa công tác này sang một giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thì kỳ đổi mới. Theo đó, công tác thi hành án dân sự được chuyển từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan của Chính phủ. Mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự được thiết lập với hai loại cơ quan: Cơ quan quản lý thi hành án dân sự và Cơ quan thi hành án dân sự. Địa vị pháp lý của Chấp hành viên, quyền tự định đoạt của đương sự tiếp tục được khẳng định. Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 có những quy định nhằm xác lập cơ chế phối hợp của các ngành, cấp trong công tác thi hành án dân sự.

Sau khi Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 ra đòi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn, như: Chỉ thị số 266/TTg ngày 02/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự, Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên, Nghị định số 69/CP ngày 18/10/1993 của Chính phủ quy định về thủ tục thi hành án dân sự, Thông tư số 555/TT-THA ngày 10/6/1993 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về công tác thi hành án dân sự, Quyết định số 473/QĐ-TC ngày 20/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục quản lý thi hành án dân sự, Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương, Thông tư liên bộ số 1108-TBLB ngày 16/8/1993 của Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định số 30 - CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ, Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 17/9/1993 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn về việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, Quyết định số 141/QĐ-QLTA ngày 21/3/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định về việc phân cấp về mặt tổ chức các Toà án nhân dân quân, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Phòng thi hành án, Đội thi hành án, Thông tư số 66/TT-THA ngày 4/7/1996 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ công tác thi hành án dân sự, Thông tư số 67/TT-THA ngày 5/7/1996 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức hoạt động thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 433/TTLT ngày 25/9/1997 của Ban Tổ chức Can bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng dối với cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án, Thông tư liên tịch số 1385/TTLT ngày 11/10/1997 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn cấp phát, quản lý trang phục cho cán bộ, nhân viên thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 119/TTLT ngày 04/6/1997 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn kê biên tài sản của doanh nghiệp để đảm bảo thi hành án, Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC ngày 26/02/2001 của  Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự,Thông tư liên tịch số 15/2002/TTLT - BTC-BTP ngày 08/02/2002 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, kinh phí để lại cho Uỷ ban nhân dân xã, phường tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu nộp vào ngân sách nhà nước, Thông tư số 05/2002/TT-BTP ngày 27/02/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chuyển giao một số vụ việc trong thi hành án cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành, Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP ngày 27/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chuẩn mực đạo đức chấp hành viên, Quyết định số 96/2002/QĐ-BTP ngày 22/03/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện.

Theo quy định tại các văn bản trên, việc bàn giao công tác thi hành án từ Tòa án sang cơ quan thi hành án phải hoàn tất trong tháng 6/1993, các cơ quan thi hành án dân sự được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 01/7/1993. Theo đó, các cơ quan quản lý thi hành án dân sự được tổ chức gồm có: Chính phủ quản lý và chỉ đạo thống nhất công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý và chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ngoài quân đội. Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý và chỉ đoạ công tác thi hành án dân sự trong Quân đội. Cục Quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các cơ quan thi hành án dân sự gồm có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp và các Phòng Thi hành án cấp quân khu. Tuy nhiên, do được ban hành trong điều kiện khẩn trương nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan của Chính phủ, nên những sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 là rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào sự chuyển đổi cơ chế thi hành án, mà không có sự sửa đổi, bổ sung về mặt trình tự, thủ tục thi hành án. Do đó việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 là nhu cầu cấp bách nhằm đáp ứng thực tiễn đòi hỏi.

5. Giai đoạn từ 2004 đến 2008

Ngày 14/01/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, với 8 chương, 70 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004, so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, đã tăng thêm 1 chương, 20 điều. Về mặt nội dung, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, có nhiều nội dung đã được phát triển thêm, có nhiều nội dung hoàn toàn mới được bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiến trình cải cách tư pháp và cải cách hành chính của đất nước.

Trên cơ sở của Pháp lệnh này, hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành với các lĩnh vực điều chỉnh về tổ chức cán bộ, nghiệp vụ chuyên môn, tài chính kế toán, như: Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án, Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự và một số văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BTP-BTC ngày 16/9/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính “hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý, cấp phát Thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu của công chức làm công tác thi hành án dân sự”, Thông tư liên tịch số 14/2006/TTLT-BQP-BTP ngày 16/01/2006 của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp “hướng dẫn thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong quân đội”, Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BTP-BNV-BTC ngày 23/5/2006 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính "hướng dẫn về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Chấp hành viên và công chứng viên", Thông tư liên tịch số 05/2006/TTLT-BTP-BCA ngày 29/8/2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an "hướng dẫn về việc trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ của cơ quan thi hành án dân sự”, Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTP-BNV ngày 29/3/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí, Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp “hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án", Thông tư liên tịch số 68/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 26/7/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp "hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự”, Thông tư số 06/2005/TT-BTP ngày 24/6/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tuyển chọn, bổ nhiệm, cách chức chức danh Chấp hành viên.Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự, Quyết định số 02/2006/QĐ - BTP ngày 14/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chế độ thống kê thi hành án dân sự, Quyết định số 86/2006/QĐ - BQP ngày 18/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định Chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự trong quân đội.

Với các quy định nêu trên, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý đối với cơ quan thi hành án ở địa phương theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, trở thành Hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động của các cơ quan thi hành án được tăng cường. Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở và kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trình Chính phủ phê duyệt. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự ngày càng có sự chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước.

Mặc dù công tác thi hành án dân sự giai đoạn 2004 đến 2008 đã thu được những kết quả quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì công tác thi hành án dân sự ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Do đó, cần có một văn bản pháp luật với hình thức cao hơn để điều chỉnh lĩnh vực thi hành án dân sự, đó là Luật thi hành án dân sự.

6. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay       

Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam.

Trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành soạn thảo, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự, gồm:  03 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 18 Thông tư, 17 Thông tư liên tịch, 01 Quy chế phối hợp liên ngành, 03 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 01 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 04 Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành quy phạm nội bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, như: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển, Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg ngày 11/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Chấp hành viên, Công chứng viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án, Quyết định số 397/2012/QĐ-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”, Thông tư số 08/2010/TT-BQP ngày 28/01/2010 của Bộ Quốc phòng quy định mẫu sổ, biểu mẫu, giấy tờ về thi hành án dân sự trong Quân đội, Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dân kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự, Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/05/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự, Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân s, Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án, Thông tư liên tịch số 07/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/03/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối caohướng dẫn thủ tục miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng, Thông tư liên tịch số 10/2010/TLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, Thông tư số liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/09/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự, Thông tư số liên tịch số 141/2010/TTLT-BQP-BTP ngày 19/10/2010 của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội, Thông tư liên tịch số 02/2011/TTLT-BNV-BTP ngày 15/04/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc chuyển xếp lương đối với công chức ngạch chấp hành viên thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự”.

Mặt khác, thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định Thừa phát lại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009, phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009, về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thực hiện, như: Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC ngày 24/6/2010 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP liên quan đến chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng Thừa phát lại. Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/7/2010 về hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại đã tạo nên hệ thống các quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, đáp ứng cơ bản việc thực hiện thí điểm chế định này tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/11/2013 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật khác để ban hành được: Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014 của Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng, Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC- BTC ngày 28/2/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội. Thông tư số 12/2014/TT-BTP ngày 26/4/2014 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu; nguyên tắc sử dụng trang phục; nguyên tắc cấp phát, sử dụng thẻ Thừa phát lại.

Với hình thức văn bản pháp luật chuyên ngành là Luật Thi hành án dân sự, cùng hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này đã được ban hành tương đối đầy đủ, từ Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch và văn bản pháp quy trong nội bộ Ngành, cơ quan thi hành án dân sự đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả hơn. Các quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về thi hành án dân sự nêu trên điều chỉnh cơ bản đầy đủ các lĩnh vực của công tác thi hành án dân sự, từ tổ chức bộ máy, trình tự, thủ tục thi hành án, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác thi hành án dân sự, kiểm sát, giám sát hoạt động thi hành án dân sự v.v. và hầu hết phù hợp, thống nhất với văn bản pháp luật chung, chuyên ngành khác, như: Hiến pháp; các luật về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng trọng tài; pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, thi hành án hình sự, hành chính.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự bộc lộ nhiều bất cập, như: Chưa xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tố tụng, là khâu cuối cùng của việc thực hiện quyền tư pháp, do đó, có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án; một số quy định về quyền, trách nhiệm của các bên trong thi hành án còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về trình tự, thủ tục thi hành án thiếu thống nhất, chưa đồng bộ với pháp luật có liên quan; một số quy định của Luật THADS nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp chưa cụ thể, rõ ràng.

Để khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế của Luật Thi hành án dân sự, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp năm 2013, ngày 25/11/2014, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung 55/183 điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong đó bổ sung 03 điều; sửa đổi, bổ sung 44 điều và bãi bỏ 06 điều và bãi bỏ một phần của 02 điều (Điều 32, 33, 34, 51, 138 và 139, điểm b khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179 của Luật THADS hiện hành); một số từ ngữ được sửa đổi chung (cụm từ “Tòa án cấp tỉnh” được thay bằng cụm từ “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; cụm từ “Tòa án cấp huyện” được thay bằng cụm từ “Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương”).

Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 ban hành “Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày 14/02/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, xác định xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật này, gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước; mặt khác tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Thi hành án dân sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Ngày 18/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (bao gồm Luật THADS năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, đồng thời thay thế Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 và Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 14/10/2013), có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015. Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT - BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, Thông số 09/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát ban hành Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.

Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đạt mục đích nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Với quan điểm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý công tác thi hành án dân sự theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án dân sự; bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, thi hành án dân sự là cơ quan thuộc hệ thống hành pháp tham gia thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp; có tính đến những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn trong các luật, bộ luật khác được sửa đổi, bổ sung như Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã được Bộ Chính trị kết luận, những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, đã được nghiên cứu rõ về lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp góp phần giải quyết những vướng mắc, khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Lê Anh Tuấn

Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp