Chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thi hành án dân sự

06/08/2017
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự và tăng cường công tác phối hợp trong thời gian tới giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp với cơ quan thi hành án dân sự, trên cơ sở Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/11/2011 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, chiều ngày 04/8/2017, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức cuộc họp bàn chỉ đạo, giải quyết một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thi hành án dân sự.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền và đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; một số đồng chí Lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Văn phòng Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Giám đốc kiểm tra I, Vụ Giám đốc kiểm tra II, Vụ Giám đốc kiểm tra IIII và một số đơn vị chuyên môn thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp và Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của Tòa án nhân dân các cấp nói chung, Tòa án nhân dân tối cao nói riêng, nhờ đó công tác thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự đã cơ bản được hoàn thiện với việc ban hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014, 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 07 Thông tư liên tịch, 08 Thông tư và đang cùng hoàn thiện Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc phá sản theo Luật Phá sản năm 2015. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân các cấp đã tích cực tham gia các cuộc họp liên ngành cho ý kiến, thống nhất quan điểm, kịp thời giải quyết một số vụ việc khó khăn, phức tạp. Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tư pháp trong chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và giải quyết cơ bản kịp thời khi nhận được đề nghị của các cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác định tài sản của người phải thi hành án thuộc khối tài sản chung của hộ gia đình theo quy định tại Điều 170 Luật Thi hành án dân sự và Quy chế phối hợp liên ngành; kịp thời chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự; giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, cũng như phối hợp trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo lập và khai thác cơ sở dữ liệu điện tử, công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án, qua đó góp phần hạn chế tình trạng án tuyên không rõ, có sai sót, nâng cao tính thuyết phục của bản án, tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân, nhận thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã thẳng thắn phân tích, đánh giá và chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác phối hợp thời gian qua giữa các cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân các cấp, giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, nhất là những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thi hành án dân sự. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, bàn bạc các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và hạn chế trong công tác thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện thể chế; có ý kiến đối với các Tòa án nhân dân địa phương phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân các cấp rà soát lại các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành… Đại diện một số đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao nhất trí quan điểm phối hợp không chỉ với Viện kiểm sát nhân dân mà với cả cơ quan điều tra trong những vụ việc liên quan đến tài sản của bị cáo, trong những vụ việc sẽ kịp thời kháng nghị ngay để tháo gỡ vướng mắc cho công tác thi hành án dân sự.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định sự phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng hiệu quả, nhất là với những bản án tuyên không rõ, khó thi hành, những vụ việc phức tạp và trong công tác hoàn thiện thể chế, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục quan tâm trong quá trình chỉ đạo các vụ việc mà cơ quan thi hành án dân sự đã gửi yêu cầu trả lời cũng như các kiến nghị của Bộ Tư pháp trong việc áp dụng các quy định pháp luật về thi hành án dân sự; khi xét xử Tòa án nhân dân các cấp cần áp dụng các biện pháp bảo đảm để truy tìm tài sản, ngăn chặn trạng đương sự tẩu tán tài sản, trong đó có nhiều tài sản nhà nước, của những vụ án dân sự trong hình sự. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động phối hợp rà soát thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Tòa án nhân dân tối cao trong các vụ việc để tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp có ý kiến đề nghị với Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao ý nghĩa của buổi làm việc và nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án các cấp, góp phần bảo vệ quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tòa án nhân dân tối cao sẽ sớm xác định rõ đơn vị đầu mối phối hợp với Bộ Tư pháp, trước mắt giao nhiệm vụ đầu mối cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; đồng thời giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì, phối hợp với các Vụ chuyên môn tổng hợp các vướng mắc trong pháp luật có liên quan đến thi hành án dân sự sớm giải đáp, hướng dẫn bằng công văn hướng dẫn cố gắng xong trong tháng 8/2017 và nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để áp dụng thống nhất những vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự, như: Cách thức cụ thể giải thích bản án; áp dụng biện pháp bảo đảm để thi hành án dân sự; xử lý hậu quả của việc thi hành án dân sự khi xét xử giảm đốc thẩm, tái thẩm bản án theo khoản 4 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự.v.v. Mặt khác, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết Tòa án nhân dân tối cao sẽ gửi công văn yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp khi giải thích bản án, quyết định phải đảm bảo trong thời hạn pháp luật quy định, đồng thời tăng cường trách nhiệm trong việc sớm đưa các vụ việc ra xét xử, nhất là những việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự; tập huấn cho các Thẩm phán về xét xử liên quan đến thi hành án dân sự và gợi mở Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao xem xét xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp trong công tác thi hành án dân sự để cụ hóa Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/11/2011 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đáp ứng yêu cầu của công tác xét xử, thi hành án dân sự khi nhiều Bộ luật, Luật mới đã được ban hành.
 
Hà Minh Tuấn