Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tập huấn, triển khai phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong Hệ thống thi hành án dân sự

10/11/2017
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngày 08/11/2017 Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã ký thay Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quyết định số 2249/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tập huấn, triển khai phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong Hệ thống thi hành án dân sự. Mục đích của Kế hoạch xác định thực hiện hiệu quả Quyết định số 791/QĐ-BTP ngày 02/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong Hệ thống thi hành án dân sự; tập huấn, triển khai phần mềm giúp cán bộ lãnh đạo, Chấp hành viên và các cán bộ tác nghiệp thuộc các cơ quan thi hành án dân sự có thể sử dụng, khai thác dữ liệu trên phần mềm.


Yêu cầu việc tập huấn, triển khai phần mềm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, khả thi; học viên tham dự lớp tập huấn sử dụng phần mềm nắm vững các nội dung được tập huấn phục vụ tốt trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chỉ đạo, điều hành; chấp hành đúng các nội quy, yêu cầu của lớp học.
1. Thành phần, số lượng tham gia lớp tập huấn
- Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục; Lãnh đạo và công chức làm công tác thống kê, công tác tin học thuộc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thi hành án dân sự (40 người);
- Thành phần tham gia lớp tập huấn tại các Cục Thi hành án dân sự bao gồm: 01 Lãnh đạo Cục, 01 cán bộ làm công tác thống kê; 01 cán bộ làm công tác tiếp nhận, thụ lý; 01 cán bộ làm công tác công nghệ thông tin; tất cả các Chấp hành viên thuộc Cục, Chi cục Thi hành án dân sự trong toàn quốc.
- Số lượng: Dự kiến 4.530 người.
2. Nội dung tập huấn
Sử dụng và khai thác phần mềm (đăng nhập, cập nhật hồ sơ; chỉnh sửa dữ liệu hồ sơ, phê duyệt hồ sơ, báo cáo thống kê…), tập huấn vai trò quản trị hệ thống, vai trò lãnh đạo đơn vị, vai trò Chấp hành viên, vai trò cán bộ thụ lý, vai trò cán bộ tiếp nhận, trong đó: Đào tạo và thực hành các module: Vào sổ tiếp nhận thông tin; lập quyết định thi hành án; phê duyệt quyết định thi hành án; theo dõi tổng hợp kết quả thi hành án; Tìm kiếm hồ sơ thi hành án; In hồ sơ, quyết định thi hành án và các biểu mẫu có liên quan; Xem hồ sơ; bàn giao, ủy thác hồ sơ thi hành án; Báo cáo thống kê thi hành án dân sự; Trao đổi và giải đáp thắc mắc...
- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Thi hành án dân sự.
- Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin, Đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo.
3. Hình thức, địa điểm, thời gian tập huấn
a) Hình thức: Tập trung theo khu vực (05 khu vực); tập huấn trên phòng máy: 01 học viên/01 máy tính. Mỗi lớp từ 40-60 học viên (tùy điều kiện phòng máy), thời lượng đào tạo 01 lớp tối đa không quá 02 ngày.
b) Địa điểm:
- Miền Bắc: Học viện Tư pháp, trường Trung cấp luật Tây Bắc.
- Miền Trung, Tây Nguyên: Trường Trung cấp luật Đồng Hới, Trường Trung cấp luật Buôn Mê Thuột.
- Miền Nam: Trường Trung cấp luật Vị Thanh.
c) Thời gian: Tháng 11,12/2017.
Toàn bộ kinh phí thực hiện được chi từ ngân sách Nhà nước và một phần từ nguồn phí điều hòa thi hành án dân sự được để lại theo quy định của pháp luật, trong đó: Kinh phí thuê Hội trường, phòng máy, tài liệu, giảng viên, hỗ trợ kỹ thuật...: Được chi từ ngân sách Nhà nước và một phần từ nguồn phí điều hòa thi hành án dân sự được để lại theo quy định của pháp luật. Kinh phí cho cán bộ tham gia lớp tập huấn do đơn vị cử cán bộ tham gia lớp tập huấn chi trả theo quy định hiện hành.
Các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan thi hành án dân sự địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Kế hoạch. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm: Tập huấn, hướng dẫn cập nhật, sử dụng, khai thác phần mềm cho đội ngũ giảng viên; hỗ trợ, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để vận hành hệ thống phần mềm phục vụ tập huấn và triển khai. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm: Tổ chức tập huấn, triển khai đưa Phần mềm vào sử dụng; theo dõi, đôn đốc hỗ trợ người dùng tại địa phương trong quá trình cập nhật, sử dụng, khai thác phần mềm; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của người dùng; đề xuất nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm để đáp ứng các yêu cầu của người dùng và nhu cầu quản lý. Giám đốc Học viện Tư pháp, Hiệu trưởng các Trường Trung cấp Luật (Tây Bắc, Đồng Hới, Buôn Mê Thuột, Vị Thanh) hỗ trợ, tạo điều kiện về phòng máy và các điều kiện cần thiết phục vụ các lớp tập huấn. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.
                                                                                   Anh Tuấn