Kế hoạch nêu trên của Bộ Tư pháp xác định mục đích, yêu cầu quán triệt triển khai toàn diện, thống nhất và hiệu quả các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại Văn bản số 1521/UBTP14 ngày 28/9/2018 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 10119/VPCP-V.I ngày 17/10/2018; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; các nhiệm vụ đề ra bảo đảm tính khả thi và bám sát kiến nghị của Ủy ban Tư pháp cũng như nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, tiếp tục giúp Chính phủ triển khai có hiệu quả Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP trong hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm việc chấp hành nghiêm nghĩa vụ tham gia tố tụng và chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành của các cơ quan hành chính nhà nước và người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước.
Các nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch triển khai thực hiện bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
+ Ban hành văn bản của Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật tố tụng hành chính nhằm nâng cao nhận thực chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, cũng như có biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành;
+ Tiếp tục chủ động tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc quán triệt thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
- Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự
+ Triển khai Quy trình theo dõi thi hành án hành chính áp dụng trong hệ thống thi hành án dân sự đến đội ngũ Chấp hành viên và cơ quan THADS trực thuộc;
+ Theo dõi thi hành 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi được Tòa án chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự theo Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tham mưu xử lý trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
+ Tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đôn đốc, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính;
+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính tại một số địa phương còn tồn đọng án hành chính, trong đó tập trung kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức chậm hoặc không chấp hành án hành chính;
+ Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính.
Ngoài ra, nội dung của Kế hoạch cũng còn bao gồm các nhiệm vụ khác như nội dung nghiên cứu, đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính và nội dung tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Tư pháp kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Tổng cục Thi hành án dân sự được giao làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể được giao tại Kế hoạch này, bảo đảm về tiến độ, chất lượng và hiệu quả triển khai thực hiện Kế hoạch. Tổng cục Thi hành án dân sự kịp thời tổng hợp tình hình thực hiện và đề xuất phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Nguyễn Thanh Nam – Vụ Nghiệp vụ 3