Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các Cục Thi hành án dân sự địa phương tập trung triển khai công tác năm 2020

07/10/2019
Để tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và những năm tiếp theo, trong khi chưa ban hành Chương trình trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), hành chính năm 2020 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, của Tổng cục THADS giao; Tổng cục THADS yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:


1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS, Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm THADS, thi hành án hành chính giai đoạn 2018-2021 và Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tham nhũng trong THADS.
2. Quán triệt việc tạm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các Chi cục và Chấp hành viên bảo đảm không thấp hơn chỉ tiêu được giao năm 2019; tập trung tổ chức triển khai các giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế của năm công tác 2019 và những năm trước đây, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2020. Chuẩn bị tổ chức tổng kết công tác năm 2019, triển khai công tác năm 2020 và xây dựng Kế hoạch công tác năm 2020.
3. Tập trung, quyết liệt thi hành các vụ việc tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là những vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc loại này. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi án hành chính, bảo đảm theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án có nội dung theo dõi do Tòa án nhân dân chuyển giao; kịp thời có văn bản báo cáo/kiến nghị người có thẩm quyền có giải pháp để thi hành dứt điểm vụ việc hoặc xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. 
5. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về THADS, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về THADS nói chung và tự nguyện chấp hành nghĩa vụ thi hành án nói riêng. Tăng cường đối thoại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; hạn chế tối đa việc phát sinh các vụ việc phức tạp mới trên địa bàn.
6. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ việc có liên quan; kịp thời có văn bản báo cáo/kiến nghị cấp có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết, tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
7. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm “hướng về cơ sở”. Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục THADS phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm những công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hay suy thoái về đạo đức, lối sống.
Yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai, chỉ đạo thực hiện.
File đính kèm