Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Chấp hành viên, đẩy mạnh thực hiện biện pháp, giải pháp THADS

28/10/2024
Trong thời gian qua, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã có nhiều biện pháp, giải pháp để chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm, lãng phí (tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm v.v.) đã đạt được những kết quả quan trọng trong tổ chức, hoạt động THADS. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì tổ chức, hoạt động của cơ quan THADS tại một số địa phương còn hạn chế; tình hình kỷ cương kỷ luật đã được chấn chỉnh tăng cường nhưng vẫn còn một số Chấp hành viên thực hiện chưa đúng, sai quy định của pháp luật. Đáng lo ngại nhất là việc “bỏ qua”, không tuân thủ quy trình, vi phạm pháp luật hoặc tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ, có trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp cố tình vi phạm (nhận tiền hối lộ, sai phạm trong thẩm định giá, bán đấu giá v.v.) bị xem xét trách nhiệm hình sự.


Để tiếp tục chủ động phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động THADS, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS ký Công văn số 4281/TCTHADS-GQKNTC ngày 25/10/2024 yêu cầu:
1. Thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương (Cục trưởng, Chi cục trưởng):
1.1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đây của Tổng cục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sai phạm. Kiểm soát chặt chẽ quy trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, nhất là ở khâu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và thanh toán tiền thi hành án. Tuyệt đối không được lơ là, kiểm soát chặt, kiên quyết không để xảy ra sai phạm trong quá trình thẩm định, bán đấu giá tài sản thi hành án.
Thủ trưởng cơ quan THADS chỉ đạo Chấp hành viên phải giám sát chặt chẽ các vụ việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản do mình phụ trách. Phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá. Theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lợi dụng việc bán đấu giá tài sản thi hành án để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc hành vi khác vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tùy từng mức độ kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì kiên quyết chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định. Lãnh đạo Cục, Chi cục THADS bao che hoặc buông lỏng quản lý thì Tổng cục THADS sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm soát chặt các khoản thu, chi thi hành án, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng lơ là trong kiểm soát, khe hở trong quy định, quản lý để Chấp hành viên thu, nộp không đúng, không đủ vào cơ quan, mà sử dụng vào mục đích riêng, trái quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm công chức, người lao động trong cơ quan THADS môi giới, tác động, cản trở hoặc có các hành vi khác trái pháp luật liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án hoặc gây khó khăn, cản trở việc thi hành án (tuyệt đối không được nhận bất cứ khoản tiền nào không có trong quy định quy trình thẩm định giá, bán đấu giá).
Cục trưởng Cục THADS thành lập các đoàn kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất và tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đúng quy định đối với việc thực hiện việc thi hành án ở các Chi cục, các Phòng chuyên môn thuộc Cục, nhất là ở khâu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và thanh toán tiền thi hành án (kiểm tra tất cả các Chấp hành viên của Cục).
Chi cục trưởng Chi cục THADS tăng cường kiểm tra khâu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản của Chấp hành viên (kiểm tra tất cả các Chấp hành viên của Chi cục).
Nội dung trên cần thực hiện thường xuyên.
1.2. Thủ trưởng cơ quan THADS cần chỉ đạo Chấp hành viên, các bộ phận chức năng dành thời gian hợp lý để từ nay đến hết năm 2024 tổ chức tự kiểm tra toàn bộ các hồ sơ thi hành án đã thi hành xong, bảo đảm các hồ sơ đưa vào lưu trữ phải chặt chẽ, đúng quy định.
1.3. Tiếp tục đẩy mạnh việc tự kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo phù hợp đối với các vụ việc thi hành án có điều kiện thi hành (nhất là các vụ việc có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong). Trường hợp cố tình để vụ việc thi hành án bị chậm chễ, kéo dài thì xử lý nghiêm.
1.4. Thủ trưởng, kế toán cơ quan THADS quản lý chặt chẽ việc sử dụng, quyết toán biên lai giấy (nhất là tờ biên lai Chấp hành viên giao cho người nộp tiền thi hành án). Hạn chế tối đa việc giao cho Chấp hành viên tự thu tiền trực tiếp từ đương sự. Thủ trưởng cơ quan THADS phải quản lý chặt nội dung này.
1.5. Tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp để phòng ngừa hiệu quả các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong THADS theo chỉ đạo của Tổng cục và quy định của pháp luật tại cơ quan THADS.
1.6. Đối với các trường hợp vụ việc thi hành án có khiếu nại, tố cáo (nhất là liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá, thanh toán tiền) thì phải tập chỉ đạo kiểm tra, giải quyết triệt để tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Trường hợp phát hiện tiêu cực, tham nhũng, sai phạm thì phải có biện pháp để xử lý nghiêm.
2. Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục THADS (Vụ Nghiêp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 2, Vụ Nghiệp vụ 3, Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và các đơn vị khác):
2.1. Chủ động nắm bắt địa bàn, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Tổng cục hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế của các cơ quan THADS địa phương. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đối với các địa phương có dấu hiệu bất thường về kết quả công tác, nhất là các chỉ tiêu về việc và tiền để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Tổng cục xử lý nghiêm theo quy định.
2.2. Nắm bắt kịp thời các địa bàn lớn, nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, các vụ việc phải cưỡng chế dễ phát sinh điểm nóng cần tham mưu kịp thời cho đồng chí Lãnh đạo Tổng cục phụ trách địa bàn, lĩnh vực có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hoặc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự để lãnh đạo, chỉ đạo.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng, Chi cục trưởng THADS cần tiếp tục rà soát các vị trí công tác cần chuyển đổi vị trí theo quy định của Đảng,  quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các quy định của Chính phủ, của Bộ Tư pháp để xây dựng, tham mưu xây dựng Kế hoạch chuyển đổi và tổ chức thực hiện chuyển đổi theo đúng quy định.
Nhận được Công văn này, yêu cầu các đồng chí quán triệt triển khai thực hiện nghiêm, bảo đảm hiệu quả trong toàn Hệ thống THADS./.
                                                                                                                        GQKNTC