Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính năm 2025.

08/04/2025
Ngày 04/4/2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã ký Quyết định số 1153/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính năm 2025.


Kế hoạch nêu trên của Bộ Tư pháp xác định mục đích ban hành là để tiếp tục giúp Chính phủ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2109/VPCP-V.I ngày 14/3/2025 của Văn phòng Chính phủ về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính năm 2024.
Để đạt được các mục đích nêu trên, Kế hoạch của Bộ Tư pháp cũng đã xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; các nhiệm vụ đề ra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và bám sát nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thống nhất với Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025.
Kế hoạch bao gồm các nội dung nhiệm vụ chủ yếu như sau:
(i) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong việc chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính
+ Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính.
+ Chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
+ Ban hành văn bản của Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
+ Rà soát, phối hợp, đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
+ Rà soát, nghiên cứu, hướng dẫn trách nhiệm thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính đối với các vụ việc người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
(ii) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính
+ Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các bộ, ngành và địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2109/VPCP-V.I ngày 14/3/2025 của Văn phòng Chính phủ.
+ Kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính tại địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính.
+ Báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
(iii) Tổng kết, hoàn thiện pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính
+ Tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổng kết Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
+ Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
(iv) Chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối người phải thi hành án theo quy định
(v) Xử lý các kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, người có thẩm quyền; xử lý các đơn thư, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
(vi) Báo cáo, thống kê tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và kết quả thi hành án hành chính.
Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện, tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể được giao tại Kế hoạch này, bảo đảm về tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc thực hiện Kế hoạch.
Tổng cục Thi hành án dân sự là đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; kịp thời tổng hợp tình hình thực hiện và đề xuất phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
File đính kèm
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, TCTHADS