Trích một số tài liệu, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

28/05/2020

1. Bản yêu sách của Nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị đại biểu các nước đế quốc ở Versailles năm 1919
“Từ ngày đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hi vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.
Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực, do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông-Pháp, xin trình với các quí vị Chính phủ trong Đồng minh nói chung, và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:
1- Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2- Cải cách nền pháp lý ở Đông dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt luật pháp như người Châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3- Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4- Tự do lập hội và hội họp;
5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6- Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ’;
7- Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8- Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc, và đặc biệt tin tưởng vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hòa, nên được coi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam.
Khi nhân dân An Nam nhắc đến sự “bảo hộ” của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào, mà trái lại, còn lấy làm vinh dự: vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình , là tình bác ái toàn thế giới.
Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với nhân loại.
Thay mặt cho Nhóm những người yêu nước An Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC"
2. Chánh cương vắn tắt của Đảng (tháng 2/1930)
"Kinh tế nước Nam hiện đã phát triển theo kinh tế đế quốc chủ nghĩa (tư bản ngoại quốc đều tập trung vào nhà băng Đông- Pháp, tư bản bản xứ đã phát đạt, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng phát triển nhiều, số thợ thuyền ngày càng tăng, số dân cày và thủ công nghiệp thất nghiệp đói khổ ngày càng nhiều v.v…); nhưng chế độ phong kiến đương còn và kinh tế nông nghiệp choán phần nhiều, nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.
  1. Về phương diện xã hội thì:
  1. Dân chúng được tự do tổ chức, v.v…
  2. Nam nữ bình quyền v.v…
  3. Phổ thông giáo dục theo công nông hóa.
  1. Về chính trị:
  1. Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến.
  2. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lâoj
  3. Dựng ra chính phủ công nông binh
  4. Tổ chức ra quân đội công nông.
  1. Kinh tế:
  1. Thủ tiêu hết các thứ quốc trái
  2. Thu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v…) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh.
  3. Thu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công và chia cho dân cày nghèo.
  4. Miễn thuế cho dân nghèo.
  5. Mở mang công nghiệp và nông nghiệp.
  6. Thi hành luật ngày làm tám giờ
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM"
3. Lời kêu gọi toàn quốc năm 1930
"Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu trang nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để:
  1. Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến Việt Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng.
  2. Làm cho nước Việt Nam được độc lập.
  3. Thành lập Chính phủ công nông binh.
  4. Tịch thu tất cả các nhà băng và cơ sở sản xuất của đế quốc trao cho Chính phủ công nông binh.
  5. Quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng Việt Nam chia cho nông dân nghèo.
  6. Thực hiện ngày làm 8 giờ.
  7. Hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo.
  8. Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân.
  9. Thực hành giáo dục toàn dân.
  10.  Thực hiện nam nữ bình quyền.
Thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC"
4. Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (3/9/1945)
Thưa các cụ và các chú,
Sau tám mươi năm bị áp bức, bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.
Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.
Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công.
Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề.
Một là, nhân dân đang đói. ­Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nộ lệ.
Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống.
Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười mấy ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.
Vấn đề thứ hai, nạn dốt. Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.
Nhưng, chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một cuộc chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Vấn đề thứ ba, Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…
Vấn đề thứ tư, Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấy khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.
Vấn đề thứ năm, Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
Vấn đề thứ sáu, Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương, Giáo đoàn kết.
(Bài viết có sử dụng các tài liệu trích "Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật năm 1984 và một số tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)