1. Về căn cứ ủy thác xử lý tài sản
Khoản 2 Điều 55 quy định: Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản được bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau. Như vậy, căn cứ để ủy thác xử lý tài sản phải đảm bảo đủ 03 điều kiện sau:
Một là tài sản đó phải được xác định trong bản án, quyết định của Tòa.
Hai là bản án, quyết định tuyên một trong 3 trường hợp: Kê biên tài sản; phong tỏa tài sản; xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án.
Như vậy, đối với những tài sản không được bản án, quyết định tuyên mà do cơ quan thi hành án dân sự tự xác minh thì không thuộc trường hợp ủy thác xử lý tài sản.
Bên cạnh đó, trường hợp bản án, quyết định tuyên “kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án” ở đây phải là trường hợp không xác định nghĩa vụ được bảo đảm là bao nhiêu. Vì trường hợp “bảo đảm cho khoản phải thi hành án cụ thể” thì cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện việc ủy thác thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 55 Luật thi hành án dân sự.
Ví dụ 1: Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh B phải thi hành khoản: buộc ông Nguyễn Văn X phải trả cho bà Nguyễn Thị Y 1.000.000.000 đồng, trả cho ông Bùi Văn C 255.000.000 đồng. Nếu ông Nguyễn Văn X không trả nợ thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền xử lý tài sản bảo đảm là nhà và đất nằm tại huyện N, tỉnh H để thi hành nghĩa vụ trả 1.000.000.000 đồng cho bà Nguyễn Thị Y theo Hợp đồng thế chấp đã ký. Trên địa bàn huyện A, ông X vẫn có tài sản là nhà và đất.
Trong trường hợp này, do tài sản là nhà và đất tại huyện N, tỉnh H được Tòa án tuyên bảo đảm cho khoản phải thi hành án cụ thể là “ông Nguyễn Văn X phải trả cho bà Nguyễn Thị Y số tiền 1.000.000.000 đồng”. Do đó, Chi cục thi hành án dân sự huyện A phải ủy thác thi hành án khoản này đến cơ quan thi hành án dân sự huyện N.
Ví dụ 2: Cũng trong ví dụ trên, trường hợp Tòa án không xác định tài sản tại huyện N tỉnh H đảm bảo cho khoản nghĩa vụ 1.000.000.000 đồng mà chỉ ghi chung là “Nếu ông Nguyễn Văn X không trả nợ thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền xử lý tài sản bảo đảm là nhà và đất nằm tại huyện N, tỉnh H để đảm bảo thi hành án”.
Trường hợp này, Chi cục thi hành án dân sự huyện A sẽ không ủy thác thi hành án mà có thể ủy thác xử lý tài sản bảo đảm trên cho Chi cục thi hành án dân sự huyện N.
Ba là tài sản có ở nhiều địa phương khác nhau.
Như vậy, có thể thấy rằng quy định về ủy thác xử lý tài sản đã không còn bị giới hạn "phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, kê biên trên địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác" trước khi thực hiện việc ủy thác. Khi thực hiện ủy thác xử lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục xử lý tài sản trên địa bàn mình.
2. Về thời điểm thực hiện và tính chất bắt buộc của việc ủy thác xử lý tài sản
Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật thi hành án dân sự thì
cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản…Như vậy, ủy thác xử lý tài sản là một quy định tùy nghi, việc ủy thác xử lý tài sản không phải là thủ tục “bắt buộc” mà chỉ là “có thể”. Luật không bắt buộc tất cả các trường hợp "tài sản được bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau" đều phải ủy thác xử lý tài sản.
Việc ủy thác hay không, ủy thác vào thời điểm nào, ủy thác cho một hay toàn bộ các cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản (trong trường hợp có nhiều tài sản ở nhiều nơi đáp ứng điều kiện)…do Chấp hành viên báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự quyết định. Vì về nguyên tắc, tài sản đã được “bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án”, nên việc xử lý các tài sản này là cần thiết và có căn cứ. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế tối đa việc xử lý đồng thời nhiều tài sản làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án (do giá trị tài sản quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành) thì trước khi ủy thác xử lý tài sản, Chấp hành viên cần đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ủy quyền cho các cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, trên cơ sở đó có thể “ước lượng” trước giá trị tài sản. Cần lưu ý: việc ủy quyền xác minh và “ước lượng giá trị tài sản”
không phải là quy định bắt buộc.
3. Về thẩm quyền ủy thác thi hành án
Điều 56 Luật thi hành án dân sự quy định thẩm quyền ủy thác xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện và cấp quân khu tương tự như thẩm quyền ủy thác thi hành án. Cụ thể:
3.1. Cục thi hành án dân sự có thẩm quyền:
- Ủy thác cho Cục thi hành án dân sự ở địa phương khác đối với 04 loại bản án, quyết định:
(i) Bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên;
(ii) Bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ;
(iii) Quyết định của Trọng tài thương mại;
(iv) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu đối với các vụ việc mà đương sự hoặc tài sản có liên quan đến quân đội trên địa bàn;
- Ủy thác tất cả các vụ việc
(trừ những vụ việc thuộc loại uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi khác và cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành) cho Chi cục thi hành án dân sự thuộc địa phương mình hoặc địa phương khác tổ chức thi hành khi thấy có đủ căn cứ uỷ thác.
3.2. Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền:
- Ủy thác cho Cục thi hành án dân sự ở địa phương khác
- Ủy thác cho Chi cục thi hành án dân sự khác (ở địa phương mình hoặc địa phương khác).
- Ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu có điều kiện thi hành.
Ví dụ: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Đ có nội dung: Tổng công ty xây dựng L, địa chỉ quận Đ, thành phố Hà Nội phải trả cho Công ty cổ phần TP số tiền nợ là 7.715.000.000 đồng và nợ lãi là 1.500.000.000 đồng. Đây là vụ việc thuộc thẩm quyền của Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Đ, trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã xác minh theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Tổng công ty xây dựng L là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng. Như vậy, đối với vụ việc này Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Đ phải thực hiện ủy thác đến cơ quan thi hành án Quân khu Thủ đô để tổ chức thi hành theo đúng thẩm quyền.
3.3. Cơ quan thi hành án cấp quân khu có thẩm quyền:
- Ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác;
- Ủy thác cho Cục thi hành án dân sự;
- Ủy thác cho Chi cục thi hành án dân sự.
Trên thực tế, thông thường cơ quan thi hành án cấp quân khu sẽ ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác đối với những vụ việc mà đương sự hoặc tài sản có liên quan đến quân đội; các vụ việc còn lại sẽ ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện.
4. Về trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác và nơi nhận ủy thác:
Khoản 2 Điều 57 đã quy định rõ trình tự, thủ tục ủy thác xử lý tài sản, không để "khoảng trống" giữa cơ quan thi hành án dân sự ủy thác và nhận ủy thác và đảm bảo sự liên thông chặt chẽ về trình tự, thủ tục thực hiện giữa 02 cơ quan trong quá trình tổ chức thi hành án. Trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 57, có thể xác định những trình tự, thủ tục cơ quan thi hành án dân sự ủy thác và nhận ủy thác cần phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án cụ thể như sau:
4.1. Đối với cơ quan thi hành án dân sự ủy thác
Điểm d Khoản 2 Điều 57 quy định: "
Cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác xử lý tài sản chịu trách nhiệm toàn bộ về quá trình tổ chức thi hành vụ việc, trừ việc xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác". Quá trình thực hiện việc ủy thác xử lý tài sản và tổ chức thi hành án liên quan đến việc ủy thác xử lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác phải thực hiện một số nội dung sau:
Một là, thực hiện việc ra quyết định ủy thác theo quy định.
Cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định ủy thác thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự, trong đó sẽ ban hành biểu mẫu Quyết định ủy thác xử lý tài sản và các văn bản khác có liên quan. Trong thời gian Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư, các cơ quan thi hành án dân sự nghiên cứu áp dụng biểu mẫu theo Công văn số 706/TCTHADS-NV1 ngày 10/3/2022 về triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Lưu ý: Khác với ủy thác thi hành án, khi thực hiện ủy thác xử lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự không cần ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án. Vì về nguyên tắc, việc thi hành án vẫn do cơ quan thi hành án dân sự thụ lý ban đầu giải quyết.
Hai là, thông báo việc ủy thác xử lý tài sản cho các đương sự và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định ủy thác xử lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo cho các đương sự biết việc ủy thác theo quy định tại Điều 39 Luật Thi hành án dân sự để họ biết và liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định ủy thác xử lý tài sản, cơ quan thi hành án dân sự phải gửi quyết định ủy thác cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện chức năng giám sát hoạt động tổ chức thi hành án theo quy định tại Điều 38 Luật Thi hành án dân sự.
- Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác trong việc tổ chức thi hành án.
+ Theo dõi, đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác trong việc tiếp nhận hồ sơ ủy thác và xử lý tài sản.
+ Xử lý các tình huống phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc xử lý tài sản vượt quá nghĩa vụ của người phải thi hành án.
Trong quá trình phối hợp với cơ quan nhận ủy thác trong việc tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự ủy thác sẽ phải xử lý các tình huống phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc xử lý tài sản vượt quá nghĩa vụ của người phải thi hành án. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác cần chủ động liên hệ với toàn bộ các cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để kịp thời cập nhật kết quả thẩm định giá, thời điểm bán đấu giá, kết quả xử lý tài sản để có phương án xử lý phù hợp; chịu trách nhiệm “điều phối” giữa các cơ quan thi hành án dân sự trong việc xem xét xử lý tài sản nào trước, tài sản nào sau; .
Trên cơ sở kết quả thẩm định giá, bán đấu giá tài sản do các cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác cung cấp, nếu xác định việc xử lý một hoặc một số tài sản đủ để thanh toán nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí liên quan thì cơ quan đã ủy thác sẽ phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để tạm dừng việc xử lý các tài sản còn lại.
+ Trường hợp có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhận ủy thác để tạm dừng việc xử lý các tài sản ủy thác.
+ Trường hợp đã yêu cầu cơ quan nhận ủy thác tạm dừng việc xử lý tài sản, nhưng sau đó thấy cần thiết phải tiếp tục xử lý tài sản (do số tiền thu được không đủ để thi hành án) thì có văn bản thông báo cho cơ quan nhận ủy thác để tiếp tục xử lý tài sản ủy thác.
+ Trường hợp đã thu đủ số tiền thi hành án và các chi phí liên quan hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để chấm dứt việc xử lý các tài sản còn lại, giải tỏa kê biên tài sản theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Ba là, thanh toán tiền thi hành án
Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm đối với toàn bộ việc thi hành án, cơ quan ủy thác sẽ có trách nhiệm tiếp nhận số tiền thi hành án thu được do cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác gửi và thực hiện việc chi trả tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự. Việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ được thực hiện bình thường theo quy định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự, Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
Trường hợp có yêu cầu chấm dứt việc xử lý tài sản thì khi thanh toán tiền thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác phải thanh toán các chi phí thi hành án phát sinh trước thời điểm chấm dứt việc xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 73 của Luật thi hành án dân sự.
Theo quy định tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự thì "người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản thì phải nộp phí thi hành án dân sự". Như vậy, mức phí người được thi hành án phải chịu chỉ được xác định ở thời điểm cơ quan thi hành án dân sự chi trả tiền thi hành án. Do đó, về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác- cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc chi trả tiền thi hành án- là cơ quan thu phí thi hành án.
4.2. Đối với cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác
Một là, ra quyết định xử lý tài sản ủy thác
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác ra quyết định xử lý tài sản ủy thác, phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác. Thời hạn thực hiện nội dung này là trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác xử lý tài sản.
Đây là một loại quyết định mới, lần đầu tiên được quy định trong Luật thi hành án dân sự. Về bản chất, đây là một loại quyết định để xác nhận việc cơ quan nhận ủy thác đã bắt đầu thủ tục xử lý tài sản. Quyết định này có tính chất gần giống quyết định thi hành án vì đây coi như là việc bắt đầu việc thi hành án (xử lý tài sản) tại địa bàn nhận ủy thác. Tuy nhiên, quyết định này có nội dung không giống quyết định thi hành án, vì nội dung quyết định này sẽ không xác định rõ số tiền phải thi hành, người phải thi hành án mà chỉ có nội dung về tài sản phải xử lý. Biểu mẫu Quyết định này sẽ được ban hành theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2016/TT-BTP trong thời gian tới. Trong thời gian Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư, các cơ quan thi hành án dân sự nghiên cứu áp dụng biểu mẫu theo Công văn số 706/TCTHADS-NV1 ngày 10/3/2022 về triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Hai là, Chấp hành viên thực hiện trình tự, thủ tục xử lý tài sản
Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác căn cứ quyết định thi hành án, kết quả tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác và quyết định xử lý tài sản ủy thác để tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục xử lý tài sản theo quy định của Luật này.
Như vậy, căn cứ quy định trên có thể xác định Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác sẽ phải thực hiện toàn bộ các trình tự, thủ tục liên quan đến việc xử lý tài sản, bao gồm cả việc tống đạt, thông báo cho đương sự; đảm bảo các quyền của đương sự liên quan đến việc thỏa thuận về giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức bán đấu giá; quyền ưu tiên mua tài sản của chủ sở hữu chung; thông báo cho đương sự các quyền và nghĩa vụ liên quan đến giải quyết tranh chấp, phân chia tài sản; áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án…Đồng thời, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác phải chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan đến việc xử lý tài sản đó của mình.
Ba là, chuyển số tiền thu được cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá hoặc người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác xử lý tài sản chuyển số tiền thu được cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác, sau khi trừ chi phí thi hành án, đồng thời, thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Bốn là, thông báo ngay bằng văn bản kết quả thẩm định giá, thời điểm bán đấu giá, kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác, kèm theo bản sao các tài liệu có liên quan; thực hiện việc tạm dừng hoặc chấm dứt xử lý tài sản theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Năm là, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được từ chối thực hiện quyết định ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót về nội dung hoặc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác.
5. Vấn đề cần lưu ý khác để đảm bảo thực hiện có hiệu quả cơ chế ủy thác xử lý tài sản
Kết quả tổ chức thi hành án khi áp dụng cơ chế ủy thác xử lý tài sản chỉ có thể đạt hiệu quả tối đa khi các cơ quan thi hành án dân sự ủy thác và nhận ủy thác có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình tổ chức thi hành án. Nội dung này Luật thi hành án dân sự không có quy định, tuy nhiên để đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan được nhịp nhàng, thông suốt và hiệu quả, cần xác định rõ trách nhiệm và cách thức phối hợp giữa cơ quan ủy thác và cơ quan nhận ủy thác.
Để việc phối hợp đạt hiệu quả tối đa, việc thông báo giữa cơ quan THADS ủy thác và nhận ủy thác được thực hiện bằng văn bản sử dụng chữ ký số. Đối với các văn bản theo quy định pháp luật phải là văn bản giấy thì đồng thời gửi bản giấy qua đường bưu điện, các cơ quan THADS có trách nhiệm gửi 01 bản chụp vào địa chỉ thư điện tử của cơ quan THADS phối hợp và địa chỉ email của Chấp hành viên phụ trách hồ sơ; Các Chấp hành viên phải thường xuyên chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho nhau qua điện thoại để kịp thời xử lý khi cần thiết.
III. So sánh cơ chế ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản
Do ủy thác xử lý tài sản là một cơ chế mới nhưng có một số tính chất gần giống với ủy thác thi hành án nên cần có sự so sánh, làm rõ sự giống và khác nhau giữa hai cơ chế này để Chấp hành viên thuận lợi cho việc áp dụng.
1. Giống nhau
- Căn cứ ủy thác: người phải thi hành án có tài sản ở nơi khác nơi tổ chức thi hành án.
- Trường hợp ủy thác thi hành án đối với khoản phải thi hành án cụ thể có tài sản bảo đảm (điểm b khoản 1 Điều 55) và ủy thác xử lý tài sản đều là trường hợp ủy thác đồng thời với việc cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục xử lý tài sản trên địa bàn.
- Cơ quan thi hành án dân sự ra các quyết định liên quan đến việc xử lý tài sản (thông báo, quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế…):
cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác.
2. Khác nhau
Điểm khác nhau cơ bản giữa ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản, đó là:
+ Ủy thác thi hành án là việc cơ quan thi hành án dân sự ủy thác toàn bộ một việc thi hành án hoặc một khoản phải thi hành án. Cơ quan nhận ủy thác phải ra quyết định thi hành án mới. Cơ quan ủy thác và cơ quan nhận ủy thác tổ chức thi hành án một cách độc lập, không có mối liên hệ, ràng buộc nhau đối với nội dung đã ủy thác.
+ Ủy thác xử lý tài sản là việc cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác chỉ ủy thác "việc xử lý tài sản" và vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình tổ chức thi hành bản án. Cơ quan nơi nhận ủy thác không ra quyết định thi hành án mới mà chỉ chịu trách nhiệm xử lý tài sản và phải chuyển toàn bộ số tiền thu được cho cơ quan ủy thác để thanh toán tiền cho những người được thi hành án. Các cơ quan ủy thác và nhận ủy thác phải thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cho nhau để phối hợp trong quá trình tổ chức thi hành án.
Cụ thể điểm khác nhau giữa 2 cơ chế này được thể hiện ở các nội dung sau:
Nội dung |
Ủy thác thi hành án |
Ủy thác xử lý tài sản |
Căn cứ ủy thác |
- Người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nơi khác nơi đang tổ chức thi hành án.
- Tài sản bảo đảm cho khoản phải thi hành án cụ thể theo bản án, quyết định có ở nơi khác. |
Tài sản được bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nơi khác.
|
Điều kiện về xử lý tài sản trước khi ủy thác |
Trường hợp ủy thác theo điểm a khoản 1 Điều 55: phải đảm bảo điều kiện đã xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên trên địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác |
Không có điều kiện (Cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời thực hiện việc ủy thác xử lý tài sản) |
Thời hạn ra quyết định ủy thác |
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định ủy thác.
Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ra quyết định ủy thác trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có căn cứ ủy thác. |
Không quy định thời hạn |
Xử lý đối với các quyết định thi hành án của cơ quan ủy thác |
Trường hợp đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án. |
Không thu hồi quyết định thi hành án |
Hồ sơ ủy thác |
Hồ sơ ủy thác thi hành án bao gồm:
(1) quyết định ủy thác thi hành án;
(2) bản án, quyết định hoặc bản sao bản án, quyết định trong trường hợp ủy thác cho nhiều nơi, ủy thác theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 55 Luật;
(3) bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản
(4) các tài liệu khác có liên quan, nếu có; |
Hồ sơ ủy thác xử lý tài sản bao gồm
(1) quyết định ủy thác xử lý tài sản;
(2) bản sao bản án, quyết định;
(3) quyết định thi hành án
(4) các tài liệu khác có liên quan, nếu có; |
Căn cứ để cơ quan nhận ủy thác thực hiện việc xử lý tài sản trên địa bàn |
Quyết định thi hành án của cơ quan nhận ủy thác.
|
+) Quyết định thi hành án, kết quả tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác
+) Quyết định xử lý tài sản ủy thác của cơ quan nhận ủy thác |
Tạm dừng, chấm dứt xử lý tài sản |
Không có quy định |
Cơ quan đã ủy thác có quyền yêu cầu cơ quan nhận ủy thác tạm dừng, chấm dứt xử lý tài sản khi có căn cứ theo quy định pháp luật |
Cơ quan thực hiện thanh toán tiền thi hành án |
Cơ quan nhận ủy thác |
Cơ quan đã ủy thác |
Cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi hành án |
Cơ quan nhận ủy thác |
Cơ quan ủy thác chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình tổ chức thi hành vụ việc, trừ việc xử lý tài sản của cơ quan nhận ủy thác
Cơ quan nhận ủy thác chịu trách nhiệm thực hiện các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản ủy thác |