Một số nội dung cần lưu ý trong quá trình ra quyết định thi hành án

02/02/2023
Quyết định thi hành án là văn bản do Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ban hành. Quyết định thi hành án là căn cứ pháp lý đẩu tiên để Chấp hành viên lập hồ sơ và tổ chức việc thi hành án. Thực tế qua công tác kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề do Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì, thông qua các kết luận, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong quá trình kiểm sát việc thi hành án, thông qua công tác hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại tố cáo cho thấy có một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn có những lúng túng, sai sót trong quá trình ra quyết định thi hành án như:
 


Chậm trong việc ra quyết định thi hành án, nhầm lẫn ra quyết định thi hành án chủ động hay theo yêu cầu thi hành án; bỏ sót khoản phải thi hành án; sai thẩm quyền tổ chức thi hành án…
 
Do đó, để đảm bảo việc Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật ”, cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý khi ra quyết định thi hành án trong một số trường hợp cụ thể sau:
 
1. Trường hợp ra quyết định thi hành án liên quan đến tài sản cầm cố, thế chấp
 
Đây là trường hợp trước đó người được thi hành án và người phải thi hành án ký kết với nhau một hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm cho một nghĩa vụ cụ thể. Tuy nhiên, sau đó do một hoặc hai bên không thực hiện theo đúng thoả thuận dẫn đến tranh chấp xảy ra và được Toà án giải quyết bằng một bản án hoặc một quyết định, trong đó có tuyên về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp.
 
Việc thi hành những bản án, quyết định liên quan đến tài sản cầm cố, thế chấp về nguyên tắc cũng được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giống như những bản án, quyết định khác. Tuy nhiên, việc thi hành đối với những bản án, quyết định này cũng có những đặc thù nhất định mà Chấp hành viên cần hết sức lưu ý để việc thi hành án được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
 
- Tiếp nhận yêu cầu thi hành án
 
Bản án, quyết định tuyên xử lý tài sản cầm cố, thế chấp phần lớn là những bản án, quyết định mà người được thi hành án là Ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Chính vì vậy, khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án của người được thi hành án thì cơ quan thi hành án cần lưu ý kiểm tra tính hợp pháp của văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác tham gia giải quyết việc thi hành án. Ngoài ra, khi kiểm tra văn bản ủy quyền, cơ quan thi hành án cần lưu ý trường hợp có ủy quyền lại, cơ quan thi hành án phải kiểm tra văn bản ủy quyền ban đầu có cho phép ủy quyền lại hay không…
 
Ví dụ: Bản án số 17/2015/DSST ngày 15/6/2015 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh T tuyên Buộc ông Hồ Đắc T và bà Nguyễn Thị H phải trả cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam số tiền 435.691.000 đồng. Nếu ông T, bà H không thanh toán số tiền trên thì xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 696428, thửa đất số 758, tờ bản đồ số 4, diện tích 286.5m2 tọa lạc tại thông Trung Đông, xã P, huyện V, tỉnh T. Ngày 6/9/2015, ông Trần G (Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh T) đến Chi cục Thi hành án dân sự thành phố H nộp đơn yêu cầu thi hành án, kèm theo đơn yêu cầu chỉ có văn bản ủy quyền của ông Vũ K (Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh T).
 
Ở ví dụ nêu trên, do người được thi hành án là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nên văn bản ủy quyền của ông Vũ K cho ông Trần G chưa đủ căn cứ để tiếp nhận yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án phải kiểm tra xem ông Vũ K có được Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (người đại diện theo pháp luật) ủy quyền không? Nếu có ủy quyền, cơ quan thi hành án phải kiểm tra xem văn bản ủy quyền này có điều khoản cho phép ủy quyền lại hay không? Chỉ khi có văn bản ủy quyền của Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho ông Vũ K và văn bản ủy quyền này cho phép ủy quyền lại thì cơ quan thi hành án mới tiếp nhận yêu cầu thi hành án của ông Trần G.
 
- Ra quyết định thi hành án
 
Thông thường, phần quyết định của những bản án, quyết định có liên quan đến tài sản cầm cố, thế chấp sẽ tuyên việc xử lý đối với tài sản cầm cố, thế chấp. Trong trường hợp này, khi ra quyết định thi hành án cơ quan thi hành án cần lưu ý ghi nhận nội dung tuyên về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp vào trong quyết định thi hành án để tiến hành việc xử lý tài sản đó sau này.
 
Ví dụ: Bản án số 06/2020/KDTM-PT ngày 18/4/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh T tuyên nội dung: “Buộc Công ty cổ phần V.M phải trả cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam số tiền gốc là: 43.600.100.000 đồng và số tiền lãi tính đến ngày 21/9/2019 là 35.115.666.410 đồng. Tổng cả gốc và lãi là: 78.715.766.410 đồng. Trong trường hợp Công ty cổ phần V.M không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam có quyền yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố H, tỉnh T và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh T xử lý tài sản bảo lãnh của Công ty CP V.M, tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần B.T.N, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để thu hồi nợ theo trách nhiệm bảo lãnh của người bảo lãnh…”.
 
Trong trường hợp bản án nêu trên, căn cứ đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án trong đó lưu ý việc ghi nhận nội dung Tòa án tuyên xử lý tài sản bảo đảm để làm căn cứ tổ chức thi hành án.
 
2. Trường hợp ra quyết định thi hành án đối với bản án , quyết định có yếu tố nước ngoài
 
Luật Thi hành án dân sự không có quy định riêng việc áp dụng pháp luật trong trường hợp thi hành án đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài. Do đó, về nguyên tắc, việc thi hành án có yếu tố nước ngoài cũng được áp dụng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan như đối với các vụ việc khác.
 
Tuy nhiên, thi hành án có yếu tố nước ngoài cũng có một số điểm đặc thù cần lưu ý so với các việc thi hành án khác, cụ thể như sau:
 
- Tiếp nhận yêu cầu thi hành án
 
Luật Thi hành án dân sự quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong thi hành án dân sự là tiếng Việt. Mặt khác, Luật Thi hành án dân sự cũng quy định đương sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình với điều kiện họ phải có người phiên dịch; người phiên dịch có trách nhiệm phải dịch đúng nghĩa, trung thực, khách quan, nếu cố ý dịch sai thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
 
Như vậy, khi đương sự là người nước ngoài đến làm việc trực tiếp hoặc gửi đơn yêu cầu cho Cơ quan thi hành án thì phải sử dụng tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài dùng tiếng nước ngoài thì phải chủ động bố trí phiên dịch hoặc biên dịch ra tiếng Việt và tự chịu chi phí.
 

- Ra quyết định thi hành án

 
Việc ra quyết định thi hành án đối với những vụ việc có yếu tố nước ngoài cũng giống như các loại việc thi hành án khác. Tuy nhiên, khi ra quyết định thi hành án, trong trường hợp này cần lưu ý về thẩm quyền thi hành án. Cụ thể, việc ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài là thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, bao gồm:
 
- Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
 
Những bản án, quyết định này thuộc thẩm quyền công nhận và cho thi hành của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do đó đương nhiên thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh, nơi Toà án đã ra quyết định có trụ sở.
 
- Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với những vụ việc mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
 
Những bản án, quyết định này thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự trên cơ sở nguyên tắc thẩm quyền xét xử của Toà án và thẩm quyền thi hành án của Cục Thi hành án dân sự.
 
- Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nhưng có đương sự ở nước ngoài; có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án.
 
Lưu ý: Do pháp luật về thi hành án dân sự chưa có chính sách, quy định riêng về thi hành án có yếu tố nước ngoài nên đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
 
- Chưa xác định rõ khái niệm thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài
 
Hiện nay Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đưa ra khái niệm thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài mà cơ bản các cơ quan thi hành án dân sự phải vận dụng quy định của pháp luật hiện hành đó là Khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp thuộc quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp thuộc vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, việc thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam sẽ bao gồm một trong số các trường hợp sau:
 
+ Có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Sẽ xảy ra 02 trường hợp: (i) cá nhân/pháp nhân nước ngoài đó cư trú/có trụ sở tại Việt Nam; (ii) cá nhân/pháp nhân nước ngoài đó cư trú/có trụ sở ở nước ngoài.
 
+ Thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam và cả 02 đương sự đều là cá nhân/pháp nhân Việt Nam.
 
+ Thi hành bản án của Tòa án Việt Nam và cả 02 đương sự đều là cá nhân/pháp nhân Việt Nam nhưng có ít nhất một người đang cư trú/có trụ sở ở nước ngoài.
 
- Khó khăn trong việc xác định thẩm quyền tổ chức thi hành án
 
Căn cứ địa chỉ, nơi cư trú của đương sự là một trong những cơ sở  xác định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án. Cụ thể, Điều 35 Luật thi hành án dân sự quy định cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nhưng có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
 
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, có thể đưa ra các tình huống khác nhau để xác định thẩm quyền tổ chức thi hành án, chẳng hạn như:
 
STT Quốc tịch của đương sự Nơi cư trú/có trụ sở của một trong các đương sự Bản án, quyết định được thi hành Thẩm quyền tổ chức THA
1 Cả hai đương sự là người Việt Nam Ở Việt Nam tại thời điểm ra quyết định thi hành án, sau đó xuất cảnh ra nước ngoài Tòa án Việt Nam Chi cục thi hành án dân sự
2 Cả hai đương sự là người Việt Nam Một trong hai đương sự ở nước ngoài tại thời điểm ra quyết định thi hành án Tòa án Việt Nam Cục thi hành án dân sự
3 Cả hai người là người Việt Nam Ở Việt Nam hoặc nước ngoài Tòa án nước ngoài Cục thi hành án dân sự
Ví dụ: Bản án số 1713/2018/HNGGĐ-ST ngày 23/11/2018, Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 191/2019/QĐ-SCBA ngày 13/5/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố H, có nội dung:
 
“...Ông Spen Jay Draft có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi chung với số tiền 6.000.0000đ/tháng từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2021. Ông Spen Jay Draft được quyền thăm nom, chăm sóc con chung và không ai được cản trở thực hiện quyền này”. Trong trường hợp này thẩm quyền tổ chức thi hành án thuộc Cục Thi hành án dân sự Thành phố H.
 
3. Trường hợp ra quyết định thi hành án đối với án kinh doanh, thương mại
 
Vụ án kinh doanh thương mại là các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Khi các tranh chấp này phát sinh các bên không thống nhất được việc giải quyết quyền lợi của nhau nên đã thực hiện việc khởi kiện vụ án.
 

- Tiếp nhận yêu cầu thi hành án

 
Việc tiếp nhận yêu cầu thi hành án kinh doanh thương mại cũng giống như việc tiếp nhận yêu cầu thi hành các vụ án khác như dân sự, lao động, hôn nhân gia đình... Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của án kinh doanh thương mại, khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án Chấp hành viên cần có những lưu ý cụ thể như sau:
 
(i) Về chủ thể đứng tên trong văn bản yêu cầu thi hành án: Người phải thi hành án, người được thi hành án trong vụ án kinh doanh thương mại thường là những chủ thể kinh doanh có tư cách pháp nhân. Theo quy định của pháp luật hiện nay tại Việt Nam tồn tại các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty hợp danh,... Đây là những chủ thể tương đối đặc biệt. Chủ thể được hưởng quyền và chủ thể phải gánh chịu nghĩa vụ trong các vụ việc này chính là các doanh nghiệp chứ không phải là cá nhân ông A., hay ông B. (là các thành viên của công ty), vì vậy chủ thể đứng tên trong văn bản yêu cầu thi hành án là các doanh nghiệp này. Và người được quyền ký vào văn bản yêu cầu thi hành án là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Với mỗi loại hình doanh nghiệp và tùy thuộc vào điều lệ của từng công ty thì người đại diện theo pháp luật của các công ty là khác nhau.
 
- Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân thuê người quản lý doanh nghiệp và trong hợp đồng thuê được ký giữa hai bên có ghi nhận quyền đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người được thuê, thì người này sẽ là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân và điều này đồng nghĩa với việc người được thuê quản lý doanh nghiệp sẽ ký tên vào văn bản yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án dân sự khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án cần phải yêu cầu xuất trình hợp đồng ký kết giữa hai bên về việc thuê quản lý doanh nghiệp và phô tô bản hợp đồng lưu vào hồ sơ thi hành án.
 
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì người đại diện theo pháp luật của công ty là Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty. Tuy nhiên, cũng có trường hợp điều lệ công ty quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Vì vậy, Cơ quan thi hành án dân sự cũng cần lưu lại bản phô tô điều lệ của công ty trong trường hợp điều lệ công ty quy định về người đại diện theo pháp luật khác với các trường hợp thông thường để đảm bảo người ký văn bản yêu cầu thi hành án là đúng quy định.
 
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của công ty cũng là Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty. Cũng có trường hợp điều lệ công ty quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty, đối với trường hợp này, Cơ quan thi hành án dân sự cũng nên lưu lại bản điều lệ của công ty kèm theo văn bản yêu cầu thi hành án.
 
- Đối với công ty hợp danh, các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật của công ty, nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty là đại diện cho công ty với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn trước Tòa án. Do đó, người ký văn bản yêu cầu thi hành án cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty hợp danh.
 

- Ra quyết định thi hành án

 
Khi ra quyết định thi hành án, căn cứ bản án, quyết định của Tòa án, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự cũng cần lưu ý ghi ở mục người phải thi hành án là công ty chứ không phải là Giám đốc công ty. Giám đốc công ty chỉ là người đại diện cho công ty chứ không phải là người phải thi hành án.
 
Ví dụ: Bản án số 62/2020/KDTM-PT ngày 10/8/2020 của Tòa án nhân dân thành phố K tuyên “Buộc Công ty TNHH L thanh toán cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam số tiền trong hợp đồng tín dụng số 125/HĐTD với tổng số tiền là: 5.467.222.162 đồng”. Ông Lê Văn X - Trưởng phòng thu hồi nợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Y đã ký và nộp đơn yêu cầu thi hành án cho Cơ quan thi hành án dân sự.
 
Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải xác định người được thi hành án là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nên Chấp hành viên phải yêu cầu ông Lê Văn X xuất trình giấy ủy quyền hợp lệ của Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
 
4. Trường hợp ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định có ấn định thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ thi hành án
 
Khi ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định có ấn định thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý một số nội dung sau:
 
- Đối với bản án, quyết định có ấn định một thời hạn cụ thể để thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi nghĩa vụ đã đến hạn, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với bản án, quyết định ấn định nghĩa vụ được thực hiện theo nhiều thời hạn khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn.
 
- Đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án. Quá trình thi hành án, người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn, trừ trường hợp người có nghĩa vụ tự nguyện thi hành cả nghĩa vụ chưa đến hạn. Khi có bản án, quyết định của Tòa án chấp nhận yêu cầu của đương sự về thay đổi mức cấp dưỡng, người cấp dưỡng mà vụ việc đang được cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án đã ban hành và ra quyết định thi hành án theo bản án, quyết định mới. Việc thay đổi mức cấp dưỡng được thực hiện bắt đầu từ thời điểm được xác định tại bản án, quyết định mới của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
 
Trường hợp các đương sự thỏa thuận về việc thi hành một lần đối với toàn bộ nghĩa vụ theo định kỳ hoặc theo nhiều thời hạn khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án cho toàn bộ nghĩa vụ.
 
Ví dụ: Quyết định của Tòa án có nội dung Anh A có trách nhiệm trả cho anh B số tiền 1.200.000.000 đồng với các thời hạn như sau:
 
Đợt 1: Từ ngày 06/2/2018 đến ngày 30/12/2018: trả 800.000.000 đồng.
 
Đợt 2: Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 30/9/2019: trả 200.000.000 đồng.
 
Đợt 3: Từ ngày 01/10/2019 đến ngày 30/3/2020: trả 200.000.000 đồng.
 
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án chưa trả hết các khoản tiền theo thoả thuận thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Ngày 06/4/2018, anh B đến trụ sở yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cho thi hành khoản anh A phải trả 1.200.000.000 đồng.
 
Trong trường hợp này, việc anh B yêu cầu anh A phải trả toàn bộ số tiền 1.200.000.000 đồng là chưa phù hợp. Đến thời điểm ngày 06/4/2018 anh B nộp đơn yêu cầu thi hành án thì mới chỉ có nghĩa vụ đợt 1 đến hạn. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý.
 
Như vậy, ra quyết định thi hành án là một trong số nhiều thủ tục rất quan trọng mà cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án. Quyết định thi hành án là cơ sở để Chấp hành viên làm căn cứ trong quá trình tổ chức thi hành án. Do đó, khi tham mưu, ban hành Quyết định thi hành án thận trọng, chính xác, đúng quy định để đảm bảo cho việc tổ chức thi hành án đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.


Các tin khác