Xác minh điều kiện thi hành án và một số vấn đề cần lưu ý

03/02/2023
Về cơ sở pháp lý, hiện nay, các nội dung liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án được quy định ở Điều 44 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
 


1. Quy định chung về xác minh điều kiện thi hành án
 
1.1. Chủ thể xác minh
 
Khoản 5 Điều 44 Luật THADS quy định người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Như vậy, với quy định của Luật THADS thì trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan thi hành án, mà cụ thể là Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành án.
Người được thi hành án có quyền (mà không phải là trách nhiệm) tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS.
 
1.2. Về thời hạn xác minh
 
- Đối với các trường hợp thông thường: Khoản 1 Điều 44 Luật THADS đã có quy định rõ về thời hạn xác minh, đó là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh.
 
Cần hiểu chính xác về quy định “trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên phải kịp thời tiến hành hoạt động xác minh”. Theo đó, quy định này nhằm xác định thời điểm bắt đầu thực hiện việc xác minh là bất cứ thời điểm nào trong 10 ngày đã nêu trên theo quy định của pháp luật mà không bắt buộc phải kết thúc ngay trong 10 ngày.
 
- Đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Chấp hành viên phải tiến hành xác minh ngay. “Xác minh ngay” được hiểu là phải được Chấp hành viên thực hiện ngay trong ngày được giao tổ chức thi hành vụ việc thông qua các biện pháp như liên hệ với Ủy ban nhân dân, tổ trưởng tổ dân phố, Cơ quan công an hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Việc liên hệ này phải thể hiện trong hồ sơ thi hành án thông qua các biên bản xác minh, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc các công văn đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin…
 
- Đối với trường hợp sau khi ra quyết định chưa có điều kiện thi hành: Nếu kết quả xác minh cho thấy thuộc một trong các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 44a Luật THADS[1] thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Thủ trưởng cơ quan THADS ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án (theo Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Sau khi ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, thời hạn xác minh tiếp theo được thực hiện như sau:
 
(i) Ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án, không phân biệt trường hợp thi hành án chủ động hay theo yêu cầu.
(ii) Đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù mà tại thời điểm xác minh lần đầu cho thấy thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.
 
(iii) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh (khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
 
Trên cơ sở kết quả xác minh, trong trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì Cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành và chuyển sang sổ theo dõi riêng  trong  thời hạn 03 ngày làm việc khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trường hợp có tiếp tục thực hiện xác minh đối với những việc đã chuyển sổ theo dõi riêng (bao gồm cả những việc thi hành án chủ động và theo yêu cầu) hiện nay còn có quan điểm chưa thống nhất. Tuy nhiên, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định rõ: những việc này cơ quan THADS chỉ tiến hành xác minh chỉ khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Thông tin mới này có thể có được từ bất kỳ nguồn nào (do đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp…). Đồng thời, quy định đối với những việc này sẽ được thống kê riêng để theo dõi và về nguyên tắc sẽ không tính vào chỉ tiêu của đơn vị.
 
Khi kiểm tra hồ sơ thi hành án phát hiện có một số Chấp hành viên không tác nghiệp hồ sơ trong thời gian dài, không tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Có những trường hợp dẫn đến hậu quả là đương sự có phát sinh tài sản đột xuất nhưng cơ quan THADS không kịp thời xác minh và xử lý nên đương sự đã tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
 
1.3. Nội dung xác minh
 
Tùy thuộc nghĩa vụ thi hành án là gì thì cơ quan THADS cần phải xác định chính xác và đầy đủ nội dung xác minh, trong đó cần chú ý làm rõ: nhân thân của người phải thi hành án; điều kiện tài sản của người phải thi hành án; làm rõ quan điểm của chính quyền địa phương; Xác minh các điều kiện khác phát sinh trong quá trình xác minh. Cụ thể:
 
a. Một số nội dung cơ bản cần xác minh
 
- Xác định người được thi hành án, người phải thi hành án. Địa chỉ, nơi cư trú (thường trú, tạm trú) của đương sự; địa chỉ nơi làm việc (với cá nhân).
 
Đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức: Chấp hành viên cần trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án[2]; thu thập các thông tin pháp lý thể hiện về loại hình mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động[3]; ngành nghề kinh doanh; nơi đăng ký kinh doanh, nơi thực tế hoạt động, trụ sở; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền (nếu có); thông tin về tài sản (cố định, lưu động); tài khoản; các hợp đồng kinh doanh thương mại đang thực hiện; các khoản nợ, các chủ nợ, các khoản được người khác trả và các thông tin cần thiết khác của doanh nghiệp.
 
- Nội dung vụ việc tranh chấp (theo Bản án, Quyết định của Tòa án); nội dung phải thi hành: nghĩa vụ về tiền, tài sản hay buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định…
 
- Thời điểm phải thi hành nghĩa vụ (cần rất chú ý đến các nghĩa vụ được Tòa án tuyên theo định kỳ, nghĩa vụ cấp dưỡng… để có cách thức xử lý cho phù hợp). Nghĩa vụ thi hành án là liên đới hay độc lập? Có được bảo đảm bằng tài sản hay không?
- Đối với việc thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản nói chung thì phải xác định tài sản của người phải thi hành án ở địa phương (để có cơ sở thực hiện việc ủy quyền xác minh và ủy thác- nếu người phải thi hành án có tài sản ở địa phương khác).
 
Như vậy, trong quá trình xác minhChấp hành viên cần nắm chắc hồ sơ, đặc biệt là nội dung cơ bản cần xác minh như: nhân thân của người phải thi hành án; điều kiện tài sản của người phải thi hành án; làm rõ quan điểm của chính quyền địa phương; Xác minh các điều kiện khác phát sinh để thực hiện những thủ tục tiếp theo trong qúa trình tổ chức thi hành vụ việc.
 
b. Nội dung xác minh trong một số trường hợp cụ thể
 
Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, Chấp hành viên có thể khai thác thêm các thông tin khác có liên quan để phục vụ cho việc xác minh. Ví dụ:
 
* Xác minh đối với tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất, nhà ở: cần xác minh nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai, chung hay riêng? Ai đang quản lý, sử dụng tài sản đó? Trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì phải xác minh thời điểm hình thành tài sản và thời điểm kết hôn của hai vợ chồng? Trường hợp tài sản chung của hộ gia đình thì phải xác định hộ gia đình gồm những ai, bao nhiêu tuổi, thời điểm các thành viên gia nhập hộ, thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất?
 
+ Nhà đất có vị trí, diện tích như thế nào; diện tích đất được cấp giấy chứng nhận và diện tích đất/nhà thực tế có sự chênh lệch hay không? Có bị thế chấp, bảo lãnh không; thời điểm thực hiện việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh? Có nằm trong quy hoạch hoặc có bị tranh chấp không;
 
+ Tình trạng của nhà, đất như thế nào? Trường hợp người phải thi hành án cung cấp thông tin nhà, đất đã được bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh cho người khác thì Chấp hành viên phải yêu cầu xuất trình các hợp đồng, văn bản chứng minh việc mua bán, tặng cho... và phải xem xét tính hợp pháp của giao dịch đó, đặc biệt chú ý thời điểm diễn ra giao dịch. Việc công chứng hợp đồng và chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đã được thực hiện chưa, thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?
 
+ Nhà, đất thuộc loại nào? Được phép hay không được phép chuyển quyền sử dụng? Có thể phân chia hay không thể phân chia.
 
* Xác minh đối với tài sản động sản: Chấp hành viên phải xác minh tài sản thuộc sở hữu của ai; Ai đang quản lý, sử dụng tài sản đó; Tài sản thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng; Sở hữu chung của vợ chồng hay của hộ gia đình hay sở hữu chung với người khác?...Tình trạng cụ thể của tài sản (số lượng, chất lượng); Có bị cầm cố, thế chấp, bảo lãnh không? Có thuộc diện không được kê biên theo quy định tại Điều 87 Luật THADS không?...
 

* Xác minh tài sản là tiền: Chấp hành viên cần xác định số tiền của người phải thi hành án đang do ngân hàng, tổ chức tín dụng quản lý hay do người thứ ba giữ? Trên cơ sở đó, cần xác minh có hay không có việc mở tài khoản hoặc tiền gửi tiết kiệm của người phải thi hành án tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng và nếu có thì số tiền còn trong tài khoản, trong sổ tiết kiệm là bao nhiêu?

 
Nếu là người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì số tiền đó là bao nhiêu? Căn cứ xác định người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án (theo Bản án, quyết định của Tòa án, hoặc thông qua hợp đồng, giao dịch dân sự ,…?)Tiền đó dùng để thực hiện công việc gì? Các nội dung cần phải chi từ số tiền đó (nếu có) để xác định thứ tự ưu tiên? Thời điểm phát sinh trách nhiệm của các bên (thời điểm các bên phải thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng? Thời điểm nghĩa vụ đến hạn theo bản án, quyết định...).
 
* Xác minh để thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản
 
Đây là trường hợp bản án, quyết định tuyên rõ người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản cho người được thi hành án. Khi tiếp nhận hồ sơ thi hành án có nội dung thi hành nghĩa vụ này, Chấp hành viên cần tập trung xác minh các nội dung: Vật phải giao/trả có còn không; có phải là vật đặc định hay vật cùng loại? Ai là người đang quản lý hoặc sử dụng vật phải giao; Tình trạng của vật phải giao: số lượng, chất lượng, chủng loại; có gì sai khác với bản án, quyết định đã tuyên không? Nếu có khác là do bản án tuyên không chính xác, do thời gian, ngoại cảnh tác động hay do bị phá hoại? Ai là người hủy hoại, phá hỏng, làm giảm giá trị của vật phải giao?
 
* Xác minh để thi hành nghĩa vụ trả nhà, giao nhà
 
Tương tự như trường hợp thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản, trường hợp thi hành nghĩa vụ trả nhà, giao nhà; công trình xây dựng, vật kiến trúc (gọi chung là nghĩa vụ trả nhà, giao nhà) thì bản án cũng tuyên rõ nhà phải giao ở địa điểm nào, diện tích cụ thể, người đang quản lý, sử dụng tài sản... Về nội dung xác minh trong trường hợp thi hành nghĩa vụ giao nhà, Chấp hành viên cần chú ý xác minh:
 
- Nhà phải giao đang do ai quản lý, sử dụng (có phải là người phải thi hành án không…); giấy tờ nhà đang do ai nắm giữ?
 
- Các nhân khẩu hiện đang cư trú trong nhà (có người già, trẻ em, các đối tượng chính sách cần quan tâm không…)? Các tài sản hiện có ở trong nhà bao gồm những tài sản gì?
 
- Tình trạng nhà phải giao: Vị trí cụ thể, số phòng, diện tích sử dụng; có sự thay đổi gì so với nội dung bản án, quyết định không (xây dựng, sửa chữa hay phá dỡ…); nếu có thay đổi thì thời điểm thực hiện sự thay đổi đó là thời điểm nào (trước hay sau khi có bản án, quyết định);
 
- Địa hình, giao thông xung quanh, mốc giới
 
- Xác minh nơi ở khác của người phải thi hành án (để xử lý trong trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án).
 
- Ý thức, thái độ của người phải thi hành án và của chính quyền địa phương đối với bản án (nội dung này không bắt buộc nhưng nên thực hiện để việc tổ chức thi hành án được thuận lợi hơn).
 

* Xác minh để thi hành nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất

 
Khi xác minh trong thi hành nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất, Chấp hành viên cần chú ý về nội dung xác minh:
 
- Diện tích đất phải giao đang do ai quản lý, sử dụng? giấy tờ do ai nắm giữ?
 
- Vị trí, diện tích đất phải giao có đúng với bản án, quyết định không? Nếu có thì ít hơn hay nhiều hơn so với bản án, quyết định? Xác minh lý do có sự chênh lệch về vị trí, diện tích so với bản án, quyết định?
 
- Địa hình, giao thông xung quanh, mốc giới
 
- Trên đất phải giao có tài sản hay không? Tài sản gồm những gì (số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản có trên đất)? Tài sản có trước hay sau khi có bản án? Chủ sở hữu tài sản trên đất có phải là người phải thi hành án không hay là người khác?
 
- Ý thức, thái độ của người phải thi hành án và của chính quyền địa phương đối với bản án (nội dung này không bắt buộc nhưng nên thực hiện để việc tổ chức thi hành án được thuận lợi hơn).
 

* Xác minh để thi hành nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc nhất định

 
Đây là loại nghĩa vụ liên quan đến nhân thân của người phải thi hành án. Do đó, nội dung xác minh của Chấp hành viên chính là khả năng, điều kiện thực hiện công việc của đương sự. Tuy nhiên, cần phải phân biệt nghĩa vụ có liên quan đến tài sản (như buộc tháo dỡ nhà trái phép, mở lối đi, bịt cửa sổ…) hoặc nghĩa vụ không liên quan đến tài sản (như giao con; cải chính, chấm dứt hành vi, nhận người lao động trở lại làm việc…) để có cách thức xác minh phù hợp. Nội dung xác minh thường tập trung vào các vấn đề sau:
 
- Điều kiện kinh tế để thực hiện nghĩa vụ;
 
- Thể chất, ý thức, thái độ của người phải thi hành án;
 
- Khả năng tự thực hiện hành vi của người phải thi hành án; trường hợp người phải thi hành án không tự thực hiện, người khác có thể thực hiện công việc theo quy định của pháp luật được không...
 
* Xác minh trong trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp thì cần xác minh các thông tin pháp lý thể hiện về loại hình mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động; ngành nghề kinh doanh; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền, nếu có. Ngoài ra:
 
- Trường hợp doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ về tiền, tài sản: Chấp hành viên cần chú ý làm rõ các nội dung sau: (i) khoản nghĩa vụ phải thi hành là gì? Khoản nghĩa vụ đó có được bảo đảm bằng tài sản hoặc được Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Tài sản bảo đảm hoặc bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án đang thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai và tình trạng  của tài sản đó hiện nay cũng như đang do ai đang quản lý, sử dụng? (ii) Thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp như quy mô hoạt động; số lượng lao động; tài sản cố định, tài sản lưu động; các hợp đồng kinh doanh thương mại đang thực hiện; các khoản nợ, các chủ nợ, các khoản được người khác trả…và các thông tin khác phát hiện được trong quá trình xác minh.
 
- Trường hợp doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc: (i) cần xác định về khoản nghĩa vụ phải thi hành là gì? Thời điểm thực hiện nghĩa vụ và nơi thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh việc nhận người lao động trở lại làm việc thì doanh nghiệp có phải thực hiện các khoản nghĩa vụ khác về tiền đối với người lao động như khoản bồi thường tiền lương, tiền công, các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật hay không. Trường hợp có các khoản nghĩa vụ khác về tiền, tài sản thì Chấp hành viên phải thực hiện xác minh thêm các nội dung như đã nêu tại điểm a của mục này để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định. (ii) Cần xác minh về thái độ, ý kiến của người được thi hành án, người phải thi hành án về việc thi hành án khoản nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc; ý kiến, biện pháp giải quyết trong trường hợp không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định. Trên cơ sở đó, Chấp hành viên định hướng các tác nghiệp giải quyết tiếp theo đối với vụ việc.
 
- Trường hợp doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ buộc thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định: Chấp hành viên cần chú ý xác định về khoản nghĩa vụ phải thi hành là gì? Thời điểm thực hiện nghĩa vụ và nơi thực hiện nghĩa vụ; biện pháp thực hiện; tần suất thực hiện và phương thức thực hiện…khoản nghĩa vụ đó có thể được chuyển giao cho người khác được không?
 
1.4. Đối tượng xác minh
 
1.4.1. Người phải thi hành án
 
Xác minh qua người phải thi hành án là trách nhiệm của Chấp hành viên để nắm được các thông tin về nhân thân, về thái độ, về quan hệ gia đình, xã hội; các thông tin về hoàn cảnh gia đình, thông tin về tài sản, nguồn thu nhập…, tạo điều kiện cho việc xác minh điều kiện thi hành án.
 
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật THADS và Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khi Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án sẽ yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
 
Thông thường, việc yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản được thực hiện khi Chấp hành viên tiến hành xác minh vào thời điểm xác minh lần đầu, Chấp hành viên lập biên bản xác minh và nêu rõ trong biên bản xác minh nội dung về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan THADS. Trong các biên bản tiếp theo, nếu có nội dung kê khai mới thì tiếp tục nêu rõ trong biên bản xác minh, làm cơ sở để xử lý theo quy định.
 
Tuy nhiên, để khai thác được thông tin từ người phải thi hành án là việc làm khó khăn, phức tạp và đòi hỏi khả năng nắm bắt tâm lý đối phương, các kiến thức xã hội và kỹ năng giao tiếp của Chấp hành viên. Trước khi tiếp xúc, Chấp hành viên phải nắm rõ sự việc là căn cứ để Tòa tuyên án. Khi tiếp xúc với đương sự, Chấp hành viên phải có thái độ tôn trọng, chân tình thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, luôn đặt mình vào vị trí của người phải thi hành án để giải thích, hướng dẫn có tình, có lý. Trong quá trình làm việc phải cố gắng trao đổi cũng như lắng nghe lời trình bày của họ, đặt nhiều câu hỏi để thu thập thông tin. 
 
1.4.2. Người được thi hành án  
 
Trong quá trình tổ chức thi hành án, việc khai thác thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án qua người được thi hành án là rất quan trọng. Đặc biệt đối với một số vụ việc như hôn nhân gia đình, chia thừa kế, thanh toán nợ… các đương sự thường có quan hệ nên họ có thể có các các thông tin về tài sản, về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. 
 
1.4.3. Qua các đối tượng khác
 
Căn cứ vào tính chất của mỗi vụ việc Chấp hành viên có thể khai thác nguồn thông tin khác nhau, như qua người thân, bạn bè, đối tác, bạn hàng hoặc tổ trưởng, tổ phó dân phố… của người phải thi hành án, tìm kiếm thông tin qua cơ quan nơi người phải thi hành án đang làm việc; qua các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước có liên quan (tài nguyên và môi trường, lao động thương binh xã hội, kế hoạch đầu tư, thuế…), các tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…).
 
Tại khoản 6 Điều 44 Luật THADS quy định: (i) Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp; (ii) Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay; (iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
 
Một trong những đối tượng xác minh thông tin rất quan trọng là Ủy ban nhân dân và công an xã (phường). Đây là cấp quản lý cơ sở, nắm được những thông tin cơ bản, đặc điểm của người phải thi hành án để cung cấp cho Chấp hành viên một cách đầy đủ, cụ thể. Đa số các thông tin mà Chấp hành viên có được trong hồ sơ thi hành án là do Ủy ban nhân dân, công an xã (phường) cung cấp. Ngoài ra, đối với từng trường hợp cụ thể, Chấp hành viên cần thực hiện việc xác minh đối với các đối tượng khác nhau, như:
 
- Đối với tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án: Xác minh tại Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; Kho bạc Nhà nước; Cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho người phải thi hành án[4].
 
Đối với các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp Chấp hành viên có thể xác minh thông tin qua các cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc các tài khoản của tổ chức lưu ký chứng khoán. Nơi xác minh là Cơ quan thuế nơi doanh nghiệp quyết toán thuế, các đối tác của doanh nghiệp (nếu có) hoặc nơi mở tài khoản Ngân hàng để thụ hưởng thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (thông qua các trang Web, facebook, youtube… hay kênh bán lẻ tập trung).
 
- Đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu: Xác minh ở Tổ dân phố, thôn (tổ trưởng, trưởng thôn); Ủy ban nhân dân xã (chủ tịch ủy ban hoặc cán bộ tư pháp xã hoặc công chức khác có thẩm quyền);…
 
- Đối với tài sản phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 thì việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản.
 
Các quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, do đó để xác định cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch, các cơ quan THADS cần rất chú ý, nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến loại tài sản đó[5]:
 
+ Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai[6] hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, để làm rõ hơn các nội dung cần xác minh có thể tiếp tục thực hiện việc xác minh tại Sở/Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp.
 
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 110 Luật THADS thì “Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”, do đó, trong trường hợp này, Chấp hành viên không thể chỉ tiến hành xác minh qua văn phòng đăng ký đất đai được mà trường hợp này Chấp hành viên phải tiến hành xác minh qua ủy ban nhân dân cấp xã. Vì vậy, ngay từ khi lên kế hoạch xác minh hoặc khi tiếp xúc với đương sự, Chấp hành viên nên nắm bắt được tình trạng đất đai, nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng chưa để có hướng xác minh hợp lý.
 
Một số trường hợp có thể phải thực hiện việc xác minh tại cơ quan xây dựng (đối với một số loại công trình xây dựng phải được cấp phép); cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, công trình xây dựng, nông nghiệp, cơ quan thuế; Chi cục quản lý đường bộ (đối với các tài sản liên quan đến giao thông vận tải đường bộ và hệ thống quốc lộ); xác minh tại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng nếu đất nằm trong quy hoạch, hoặc giải phóng đền bù (nếu có),… hoặc tại các cơ quan, tổ chức khác có liên quan nếu thấy cần thiết.
 
+ Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự; xe máy chuyên dùng của Công an sử dụng vào mục đích an ninh: Tùy từng trường hợp, thực hiện việc xác minh tại Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Phòng Cảnh sát giao thông theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/04/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 64/2017/TT-BCA ngày 28/12/2017) quy định về đăng ký xe[7].
 
+ Phương tiện thủy nội địa: Tùy từng trường hợp, thực hiện việc xác minh tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Chi cục Đường thủy nội địa khu vực; Sở Giao thông vận tải; Cơ quan quản lý giao thông cấp huyện; Cấp xã, phường, thị trấn theo Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa[8].
 
+ Tàu biển và việc thế chấp tàu biển: Tùy từng trường hợp, thực hiện việc xác minh tại Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải theo quy định tại Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển[9].
 
+ Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích: thực hiện việc xác minh tại Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
+ Tàu bay và việc cầm cố, thế chấp tàu bay: thực hiện việc xác minh tại Cục Hàng Không Việt Nam theo Nghị định số 68/2015/NĐ-CP ngày 18/08/2015 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019) quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay.
 
+ Giấy tờ có giá (bao gồm cả cổ phiếu): Thực hiện xác minh tại tổ chức phát hành giấy tờ có giá; qua công ty chứng khoán; qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam....
 
Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định hoặc liệt kê một cách đầy đủ những loại nào được coi là giấy tờ có giá. Bộ luật Dân sự 2015 không định nghĩa cụ thể giấy tờ có giá là gì mà chỉ nêu giấy tờ có giá là một loại tài sản. Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định về việc chiết khấu giấy tờ có giá của ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác".
 
Căn cứ vào nội dung giải đáp về giấy tờ có giá tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/09/2011 về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, có thể liệt kê một số loại giấy tờ có giá như sau: (i) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác[10] ; (ii) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu[11]; (iii) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ[12]; (iv) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định)[13]; (v) Trái phiếu doanh nghiệp[14] … Như vậy, các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Giấy đăng ký xe máy, ô tô, mô tô….không phải là giấy tờ có giá.
 
+ Tài sản bảo đảm: Thực  hiện việc xác minh tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác theo Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm[15]. Ngoài ra, đối với việc xác minh tài sản đã được cầm cố, thế chấp…thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh thông qua người nhận cầm cố, thế chấp để xác minh các thông tin cần thiết có liên quan; có những trường hợp phải xác định xem người nhận cầm cố, thế chấp đã xử lý đối với tài sản đó hay chưa để có cách thức xử lý, phối hợp xử lý cho phù hợp.
 
Khi làm việc với các đối tượng xác minh Chấp hành viên cần có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sống một cách phong phú. Đồng thời, Chấp hành viên phải không ngừng rèn luyện khả năng phán đoán - phân tích - tổng hợp, khả năng giao tiếp… một cách chủ động, khéo léo đối với mọi đối tượng, trong mọi hoàn cảnh. Nhiều trường hợp, đối tượng cần khai thác thông tin dù không muốn hợp tác với cơ quan thi hành án, Chấp hành viên vẫn có biện pháp hiệu quả để khai thác thông tin từ phía họ.
 
* Về trách nhiệm và thời hạn cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án
 
Khoản 6, Điều 7 Điều 44 Luật THADS quy định: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án (như: Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng…) có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay.
 
Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
 
Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLSSTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án quy định bên nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm:
 
(i) Các thông tin cung cấp phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và đúng đối tượng. Trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin thì bên nhận yêu cầu phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do cho bên yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu; (ii) Bảo mật việc cung cấp thông tin và nội dung cung cấp thông tin để ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án của người phải thi hành án và các tổ chức, cá nhân có liên quan; (iii) Lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc cung cấp thông tin, bao gồm: văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, văn bản cung cấp thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc cung cấp thông tin.
 
1.5. Xác minh lại
 
* Điều kiện xác minh lại
 
Chấp hành viên tiến hành xác minh lại trong các trường hợp được quy định tại Khoản 5 Điều 44 Luật THADS, bao gồm:
 
 - Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết: Đây là quyền của Chấp hành viên, việc xác minh lại được tiến hành khi Chấp hành viên chưa chắc chắn với kết quả xác minh mà thấy cần thiết thì xác minh lại.
 
 - Kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau: Luật THADS ghi nhận quyền của người được thi hành án trong xác minh điều kiện thi hành án nên có trường hợp kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án là khác nhau. Vì trên thực tế, có những trường hợp người được thi hành án biết được các thông tin về tài sản của người phải thi hành án mà Chấp hành viên không biết (từ các mối quan hệ bạn bè, kinh doanh…). Vì thế, khi kết quả xác minh của hai chủ thể khác nhau thì Chấp hành viên cần thiết phải xác minh lại.
 
Một số trường hợp kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh lại mà chỉ căn cứ vào kết quả xác minh của mình/hoặc của người được thi hành án để ra các quyết định về thi hành án tiếp theo. Trong khi đó, kết quả xác minh là căn cứ đó không chính xác, dẫn đến việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.
 
 - Có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân: theo quy định tại Điều 160 Luật THADS thì Viện kiểm sát nhân dân có kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan THADS, trong đó có kháng nghị đối với việc xác minh điều kiện thi hành án. Do đó, khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân về việc xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên không chính xác, không phù hợp thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh lại để đảm bảo sự chính xác của kết quả xác minh.
* Thời hạn xác minh lại:
 
Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
 
2. Về thủ tục xác minh
 
2.1. Trường hợp xác minh trực tiếp
 
Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật THADS và các quy định có liên quan, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả khi tiến hành xác minh trực tiếp Chấp hành viên chú ý:
 
- Chuẩn bị trang phục ngành theo quy định, mang hồ sơ thi hành án và các giấy tờ cần thiết khác;  Xuất trình thẻ Chấp hành viên và giới thiệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh về bản thân và những người tham gia buổi xác minh; căn cứ, lý do, mục đích và nội dung của buổi xác minh. Biên bản xác minh cần được Chấp hành viên chuẩn bị từ trước theo mẫu D36-THADS. Thông thường, cần thông báo/hẹn trước cho đối tượng được xác minh là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền .
 
- Kiểm tra thành phần tham gia, đối tượng xác minh đầy đủ, đúng với dự liệu trong kế hoạch xác minh. Đồng thời, giải thích cho đối tượng xác minh các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trường hợp đối tượng xác minh không phải là cơ quan nhà nước.
 
- Đặt ra các câu hỏi và ghi chép câu trả lời của đối tượng xác minh. Kết quả xác minh cần đảm bảo thể hiện đầy đủ các yêu cầu của Chấp hành viên và nội dung trả lời của đối tượng xác minh, tài liệu kèm theo làm căn cứ (nếu có). Văn phong rõ ràng, trong sáng; không dùng từ khó hiểu, từ địa phương; câu văn phải ngắn gọn, dễ hiểu và phải sử dụng đúng các thuật ngữ pháp lý.
 
- Lập biên bản xác minh, đọc kết quả xác minh được ghi trong biên bản cho mọi người cùng nghe, thông qua biên bản và ký xác nhận (đóng dấu- nếu có) của những người tham gia.
 
Biên bản xác minh cần được ghi chép các thông tin theo đúng mẫu số D36-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về: thời gian; địa điểm; thành phần; kết quả xác minh; chữ ký của Chấp hành viên, người ghi biên bản và của những người tham gia. Biên bản không được tẩy xóa tùy tiện; nếu có tẩy xóa thì cần có chữ ký xác nhận của các thành phần tham gia ở bên lề của dòng bị tẩy xóa; gạch bỏ những phần còn trống để tránh việc ghi thêm vào biên bản sau khi xác minh.
 
Biên bản xác minh phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. Trường hợp biên bản được lập thành nhiều trang thì mỗi trang phải có chữ ký tắt của các thành phần tham gia và phải đóng dấu giáp lai giữa các trang.
 
Trong thực tế, thường gặp trường hợp thiếu sót, vi phạm trong việc lập biên bản xác minh như: Biên bản xác minh thành phần và chữ ký không đồng nhất; mâu thuẫn về mặt thời gian; một biên bản nhưng viết bằng nhiều loại mực khác nhau; không gạch chéo phần còn trống ở cuối biên bản; không ký xác nhận vào các trang của biên bản... Có trường hợp phát hiện có Chấp hành viên lập khống biên bản xác minh (lập biên bản xác minh, có chữ ký, con dấu của đại diện Ủy ban nhân dân xã nhưng không có nội dung xác minh).
 
- Đặt lịch làm việc trong thời gian tiếp theo (nếu cần thiết).
 
- Xử lý các tình huống phát sinh khi tiến hành xác minh:
 
+ Trường hợp đối tượng tham gia không đầy đủ so với kế hoạch, Chấp hành viên cần cân nhắc, có cần phải hoãn việc xác minh sang ngày khác hay không. Nếu cần phải lùi ngày xác minh, Chấp hành viên cũng cần lập biên bản về việc đã thực hiện việc xác minh nhưng không có kết quả, có lý do chính đáng để đảm bảo không vi phạm quy định về thời điểm, thời hạn xác minh và xác định được trách nhiệm trong trường hợp đương sự tẩu tán tài sản (nếu có).
 
Ví dụ: khi xác minh trực tiếp tại tổ chức tín dụng, các nhân viên ở đó thông báo Giám đốc và các Phó Giám đốc đều không có mặt và không ai được ủy quyền để có thể cung cấp thông tin cho Chấp hành viên. Trường hợp này, Chấp hành viên cũng phải lập biên bản, nêu rõ lý do và đề nghị người cung cấp thông tin ký xác nhận vì việc không cung cấp thông tin của tổ chức tín dụng sẽ có thể dẫn đến việc người phải thi hành án tẩu tán tiền trong tài khoản.
 
+ Trường hợp có đối tượng xác minh không chịu ký tên vào biên bản thì phải có người làm chứng ký tên và ghi rõ lý do vào biên bản.
 
2.2. Xác minh bằng văn bản
 
Trong trường hợp yêu cầu xác minh bằng văn bản thì Chấp hành viên lưu ý văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác, hướng tới mục đích cần xác minh, tránh trường hợp văn bản yêu cầu xác minh không rõ ràng, dẫn đến kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền trả lời không đạt được mục đích như Chấp hành viên mong muốn.
 
Theo quy định tại Điều 44, Điều 178 Luật THADS có quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án dân sự. Trong đó quy định việc cung cấp thông tin tài sản là quyền sử dụng đất phục vụ trong việc xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện trong 03 ngày làm việc. Tuy nhiên, qua thực tế tại địa phương cơ quan cung cấp thông tin về tài sản (cụ thể là Văn phòng đăng ký đất đai) chưa kịp thời cung cấp đúng thời hạn, nên dẫn đến tình trạng chậm trễ, kéo dài quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án, có trường hợp cung cấp không đúng thông tin, dẫn đến việc khó khăn cho công tác THA. Mặt khác, trên thực tế khi Chấp hành viên yêu cầu cung cấp thông tin nhiều Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu Chấp hành viên phải cung cấp những thông tin cơ bản về số thửa, tờ bản đồ và diện tích đất, trên cơ sở đó Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận lại thông tin tài sản. Vì vậy, trường hợp Chấp hành viên chỉ cung cấp được tên và địa chỉ của người phải thi hành án, nhiều Văn phòng đăng ký đất đai không thực hiện được việc rà soát kết quả thông tin tài sản của người phải thi hành án một cách đầy đủ, chính xác.
 
2.3. Ủy quyền xác minh
 
Điều kiện để thực hiện việc ủy quyền xác minh khá đơn giản, cụ thể: Khoản 3 Điều 44 Luật THADS quy định trường hợp cần xác minh làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có thông tin. Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho Chấp hành viên trong việc nắm bắt các thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng vẫn tiết kiệm được thời gian cũng như giảm bớt chi phí lấy từ ngân sách nhà nước (phương tiện đi lại, công tác phí cho Chấp hành viên khi phải đi sang địa bàn khác để xác minh).
 
Việc ủy quyền xác minh của cơ quan thi hành án dân sự phải bằng văn bản, nêu rõ nội dung ủy quyền và nội dung cần thiết khác. Khoản 2 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định Cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền trong thời hạn sau đây: a) Đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, thời hạn trả lời kết quả xác minh không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp khó khăn, phức tạp thì thời hạn gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.
 
b) Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn trả lời kết quả xác minh không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.
 
Về thời hạn trả lời về kết quả xác minh theo ủy quyền, Nghị định sửa đổi, bổ sung có bổ sung một số câu chữ về kỹ thuật nhưng không ảnh hưởng đến nội dung của quy định.
 
Tuy nhiên, về trách nhiệm thực hiện việc xác minh theo ủy quyền, trên thực tế có một số trường hợp cơ quan THADS nhận ủy quyền còn có nhận thức “không phải việc của mình” nên có sự đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Dẫn đến việc xác minh không đầy đủ, không chính xác, ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi hành án. Do đó, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định rõ cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh theo ủy quyền. Trong trường hợp cơ quan nhận ủy quyền xác minh thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về xác minh theo ủy quyền (như: không trả lời hoặc trả lời quá thời hạn; không thực hiện việc xác minh hoặc xác minh không đúng quy định của pháp luật...) dẫn đến gây thiệt hại cho đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì sẽ phải bồi thường theo quyết định của người có thẩm quyền.
 
3. Tình huống về một số vấn đề lưu ý
 
3.1. Cơ quan THADS tỉnh A phải thi hành Bản án số 259/2009/DSPT ngày 28/12/2009 của TAND tỉnh B với nội dung: Vợ chồng ông Nguyễn Văn T, bà Võ Thị L phải trả cho bà Lâm Thị N số tiền 154.000.070 đồng và lãi chậm thi hành án.
 
Biên bản xác minh tại UBND xã X có nội dung: “Chủ tịch UBND xã xác nhận ông T, bà L có nhà ở và 05 Quyền sử dụng đất tại xã X và xã P nhưng đều đã thế chấp cho ngân hàng V và ngân hàng V đã xử lý xong các tài sản, xác minh đến nay vợ chồng ông T, bà L không còn tài sản gì khác”.
 
Các biên bản xác minh từ năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 đều có cùng một nội dung như trên. Trên cơ sở đó, ngày 14/8/2015: CHV đề xuất Chi cục trưởng ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành đối với ông T, bà L.  Việc xác minh và tham mưu ra các quyết định về thi hành án của Chấp hành viên đã đảm bảo chưa?
 
Quan điểm cá nhân tôi thấy rằng: Thứ nhất, việc xác minh của Chấp hành viên chưa đầy đủ và chính xác, thể hiện:
 
- Biên bản xác minh ghi sơ sài, không xác định rõ thông tin về địa chỉ và các thông tin có liên quan đến nhà ở và 05 quyền sử dụng đất của ông T, bà L mà chỉ ghi chung chung, nội dung xác minh chưa đầy đủ:
 
+ Chưa xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai để xác minh chính xác các thông tin về địa chỉ, diện tích, tình trạng pháp lý...của nhà ở và các quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông T, bà L.
 
+ Chấp hành viên chỉ xác minh ở UBND xã đương sự có tài sản thế chấp ngân hàng V và ngân hàng đã xử lý xong tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, Chấp hành viên không tiến hành xác minh tại ngân hàng V để xác định các thông tin do UBND xã cung cấp có chính xác hay không? Người phải thi hành án nợ ngân hàng bao nhiêu tiền? Ngân hàng đã xử lý tài sản bảo đảm hay chưa? Có xử lý tất cả các tài sản bảo đảm không? Nếu có thì số tiền còn lại (nếu có) được xử lý như thế nào rồi?
 
Thứ hai, việc tham mưu ra các quyết định về thi hành án của Chấp hành viên cũng chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể: Năm 2010, Chấp hành viên xác minh thấy đương sự không có tài sản để thi hành án. Giả định việc xác minh của Chấp hành viên là đầy đủ và chính xác thì theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật thi hành án dân sự năm 2008, Chấp hành viên cần tham mưu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, Chấp hành viên lại tiếp tục thực hiện việc xác minh vào các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015  (với các nội dung tương tự biên bản xác minh năm 2010). Sau đó, Chấp hành viên lại tham mưu Thủ trưởng cơ quan ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 là không phù hợp.
 
Ví dụ nêu trên đã xảy ra trong thực tiễn và hậu quả là ngân hàng mới xử lý 3/5 tài sản bảo đảm của ông T, bà L, vẫn còn 02 quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của ông T, bà L từ năm 2010. Đến năm 2018, ông T, bà L đã tặng cho con trai toàn bộ diện tích đất còn lại, đã làm các thủ tục công chứng và chuyển quyền sở hữu tài sản.
 
Do đó, Chấp hành viên cần lưu ý, đảm bảo xác minh đầy đủ, chính xác theo đúng quy định về thời hạn, nội dung, đối tượng và các thủ tục liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như phù hợp với thực tiễn của từng vụ việc. Việc xác minh điều kiện thi hành án không chính xác có thể dẫn đến những hậu quả rất nặng nề, có thể khó khắc phục.
 
3.2. Hồ sơ vụ Trương Thị H phải thi hành án theo 03 QĐTHA với số tiền 268.000.000 đồng. Hồ sơ thể hiện Chấp hành viên đã xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai và xác định bà H sở hữu và đang cư trú trên nhà và đất có diện tích 200 m2 trên địa bàn. Chấp hành viên đã tiến hành kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản với giá 3 tỷ đồng. Việc xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên đã chính xác chưa?
Qua nghiên cứu thấy rằng: Trong vụ việc trên, Chấp hành viên chưa tiến hành xác minh để xác định tài sản trên có chia tách được không để xác định việc kê biên tương ứng với nghĩa vụ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong khi đó, thực tế theo bản vẽ xây dựng và hồ sơ thửa đất thì hoàn toàn có thể chia tách để kê biên tương ứng. Nghĩa vụ phải thi hành án rất nhỏ nhưng giá trị tài sản của bà H mà Chấp hành viên đã kê biên, bán đấu giá là rất lớn, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà H. Vì lý do trên, bà H và gia đình không đồng tình với kết quả tổ chức thi hành án, chống đối, không cho giao tài sản cho người trúng đấu giá. 
 
Như vậy, Chấp hành viên cần lưu ý ngoài xác minh các tài sản và điều kiện thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án còn có ý nghĩa rất quan trọng để phục vụ việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Vì vậy, Chấp hành viên còn cần nghiên cứu trước các quy định về áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để xác định các nội dung cần phải xác minh cho phù hợp. Ví dụ: trường hợp trên, Chấp hành viên thấy nghĩa vụ phải thi hành án là nhỏ so với tài sản thì cần phải xác minh xem người phải thi hành án còn tài sản nào khác để thi hành án hay không? Nếu không còn tài sản khác thì phải phối hợp, xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền để xác định tài sản có thể phân chia được để xử lý từng phần hay không?
 
3.3. Bản án số 44/2013/KDTM-ST ngày 27/9/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh ST đã quyết định buộc bà Lê Ngọc D, ông Võ Hữu T có trách nhiệm trả cho Phòng giao dịch K thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh ST số tiền 485.286.500 đồng và lãi phát sinh tính trên số nợ gốc, theo mức lãi suất quá hạn trong Hợp đồng tín dụng kể từ ngày 28/9/2011 đến khi trả tất số tiền vốn vay. Đồng thời, bản án cũng tuyên việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp bà D, ông T không trả được nợ.
 
Ngày 15/5/2016, Chấp hành viên đã thực hiện kê biên tài sản thế chấp của bà D, ông T là quyền sử dụng 77,1m2  đất và các tài sản gắn liền với đất tại số 131 đường C, thành phố ST, tỉnh ST để đảm bảo cho việc thi hành án. Sau 06 lần giảm giá, bán đấu giá, tài sản kê biên có giá là 307.576.226 đồng nhưng vẫn không có khách hàng đăng ký mua. Chấp hành viên đang thực hiện giảm giá để tiếp tục bán đấu giá theo quy định.
 
Trong trường hợp tài sản tài sản thế chấp bán đấu giá thành nhưng không đủ để thi hành án thì xác định phần nghĩa vụ còn lại của bà  D, ông T để ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại Điều 44a Luật THADS hay tiếp tục thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án khác để tổ chức thi hành án?
 
Nhận thấy, Điều 52 Luật Thi hành án dân sự quy định việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp: “1. Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình. 2. Có quyết định đình chỉ thi hành án”.
 
Như vậy, trong trường hợp này bà D, ông T chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo bản án của Tòa. Do đó, căn cứ quy định nêu trên, sau khi Chấp hành viên xử lý xong tài sản đã thế chấp bảo đảm của bà D, ông T để thi hành án mà chưa thi hành xong thì đối với phần nghĩa vụ thi hành án còn lại, bà D và ông T vẫn có trách nhiệm phải tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các đương sự có thỏa thuận khác hoặc việc thi hành án được đình chỉ thi hành theo quy định. Do đó, đối với trường hợp này, Chấp hành viên cần tiếp tục thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự để tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định.
 
3.4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật THADS thì " Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”.
 
Sau khi việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án và cơ quan THADS đã chuyển sang sổ theo dõi riêng thì Chấp hành viên có cần xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật THADS nữa hay không?
 
Tôi thấy rằng, quy định của khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chưa thực sự rõ ràng nên còn có quan điểm khác nhau trong việc sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành thì Chấp hành viên có cần chủ động xác minh theo định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự hay không? Tại các Hội nghị tập huấn những năm trước, Tổng cục thi hành án dân sự đều hướng dẫn các cơ quan THADS không cần xác minh theo định kỳ đối với những vụ việc trên (bao gồm cả những việc thi hành án chủ động và theo yêu cầu). Nội dung này cũng đã nhận được sự thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Việc thi hành án chưa có điều kiện quy định tại khoản 5 Điều này được thống kê riêng để theo dõi. Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và tổ chức thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều này.
 
Như vậy, sau khi Cơ quan THADS chuyển sang sổ theo dõi riêng, thì việc tổ chức thi hành án tạm thời dừng việc thi hành án. Chỉ khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (do được cung cấp hoặc Cơ quan THADS tự phát hiện) thì Chấp hành viên mới cần tiến hành xác minh và tổ chức thi hành án theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh.
 
3.5. Theo Bản án số 392/2018/DSPT ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh H thì ông Ngô Đức V và bà Nguyễn Thị T phải trả cho ông Vũ Thăng L số tiền 3.100.000.000đ, bồi thường thiệt hại cho ông Long số tiền 434.287.200đ và lãi suất chậm thi hành án. Trong bản án cũng nhận định tranh chấp trên không liên quan đến các con của ông Ngô Đức V, bà Nguyễn Thị T.
 
Tại Bản án số 392/2018/DSPT đã tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thửa số BB 374969 ngày 21/5/2010 cấp cho ông Vũ Thăng L. Ngày 12/6/2019, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố H đã ra thông báo thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Vũ Thăng L nêu trên.
 
Ngày 27/5/2019, ông Ngô Đức V và bà Nguyễn Thị T đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa số BB 374969 nêu trên. Nhưng hiện nay chưa có kết quả. Chấp hành viên cần làm gì trong trường hợp này?
 
Tôi thấy rằng, trong trường hợp này, Cơ quan THADS cần có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh H, đề nghị xác định hồ sơ của ông V, bà T có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Nếu có thì là cấp cho vợ chồng ông V, bà T hay cấp cho hộ gia đình? Trên cơ sở đó, Chấp hành viên có cách thức xử lý đối với tài sản đó cho phù hợp.
 
Bên cạnh đó, mặc dù theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật THADS quy định Chấp hành viên vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất trong trường hợp người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế việc kê biên, bán đấu giá đối với tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, trường hợp ông V, bà T đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận thì đồng thời với việc kê biên, xử lý tài sản Chấp hành viên cần có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cấp giấy chứng nhận trên theo quy định, để thuận lợi cho Chấp hành viên trong quá trình xử lý tài sản.
 

[1] a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án;
b) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác;
c) Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
[2] Khoản 4 Điều 44 Luật THADS.
[3] Để xác định trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn của chủ doanh nghiệp/cổ đông/thành viên góp vốn…của doanh nghiệp đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp đó
[4] Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự.
[5] Các cơ quan đăng ký được nêu ở đây có thể được thay đổi, bổ sung tùy theo việc sửa đổi, bổ sung các văn bản là căn cứ thực hiện
[6] Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/04/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường.
[7] Điều 3. Cơ quan đăng ký xe
1. Cục Cảnh sát giao thông đăng ký, cấp biển số xe của Bộ Công an và xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó; xe ô tô mua sắm từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông) đăng ký, cấp biển số các loại xe sau đây (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này):
a) Xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc; xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên hoặc xe có quyết định tịch thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, kể cả xe quân đội làm kinh tế có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương.
b) Xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe có kết cấu tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện của cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc cư trú tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở.
3. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương mình (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này).
4. Trong trường hợp cần thiết, do yêu cầu thực tế tại các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa phương có khó khăn về cơ sở vật chất, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, có thể quyết định giao Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức đăng ký, cấp biển số xe theo cụm nhằm bảo đảm thuận tiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xe.
[8] Điều 8. Cơ quan đăng ký phương tiện
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Chi cục Đường thủy nội địa khu vực tổ chức, thực hiện đăng ký phương tiện mang cấp VR-SB của tổ chức, cá nhân.
2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký phương tiện mang cấp VR-SB, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.
3. Cơ quan quản lý giao thông cấp huyện thực hiện đăng ký phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 05 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 05 người đến 12 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn quản lý.
4. Cấp xã, phường, thị trấn:
a) Thực hiện đăng ký phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 01 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 05 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 05 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 05 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn quản lý;
b) Tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc sức chở dưới 05 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định.
5. Cơ quan đăng ký quy định tại khoản 2 Điều này được tổ chức, thực hiện đăng ký phương tiện quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này; cơ quan đăng ký quy định tại khoản 3 Điều này được tổ chức, thực hiện đăng ký phương tiện quy định tại khoản 4 Điều này.
[9] Điều 4. Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam
Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam bao gồm:
1. Cơ quan đăng ký tàu biển quốc gia là Cục Hàng hải Việt Nam;
2. Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực là Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định.
[10] Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005
[11] Điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005
[12] Điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009
[13] Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010)
[14] Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”
[15] Điều 9. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm
1. Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay.
2. Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.
3. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký đất đai) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
4. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là Trung tâm Đăng ký) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.


Các tin khác