Thỏa thuận thi hành án – Quyền của đương sự - Vướng mắc trong việc thực hiện quyền thỏa thuận của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án

20/07/2023


Mục đích của thi hành án dân sự (THADS) là đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định trên thực tế, có nghĩa là mọi bản án, quyết định của Toà án, cơ quan có thẩm quyền chỉ thực sự có giá trị khi thực hiện trên thực tế. Toàn bộ quá trình thi hành án bao gồm những hoạt động, biện pháp, cách thức khác nhau đều nhằm thực hiện những nội dung đã được thể hiện trong các bản án, quyết định và theo các quy định cụ thể của pháp luật. Có thể thấy, pháp luật THADS hiện nay đang đặt Chấp hành viên là chủ thể trung tâm của hoạt động, hiệu quả của công tác THADS phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc sử dụng công cụ là những quyền hạn, trách nhiệm được pháp luật quy định. Tuy nhiên, đương sự cũng là một trong những chủ thể có vai trò quan trọng trong hoạt động này bởi họ là đối tượng được hoặc bị ảnh hưởng nhiều nhất tới các lợi ích vật chất, tinh thần, danh dự, uy tín của bản thân và gia đình. Do đó, hoạt động THADS luôn có sự đan xen giữa hai phương pháp điều chỉnh là tôn trọng, ưu tiên trước tiên là quyền tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của đương sự, nếu đương sự không thực hiện thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bởi quyền lực của Nhà nước để buộc thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, để hài hòa quyền, lợi ích các bên thay vì một bên luôn có xu hướng chống đối thi hành án dẫn tới một bên có nhiều khiếu nại khi lợi ích không được đáp ứng như nội dung phán quyết, pháp luật THADS đã quy định về quyền thỏa thuận thi hành án – một biện pháp, công cụ hữu hiệu góp phần đẩy nhanh hiệu quả, tiến độ thi hành án.
Quyền thỏa thuận thi hành án được được quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Theo đó, các bên đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Thực tiễn ghi nhận rất nhiều vụ việc đương sự sử dụng quyền thỏa thuận thi hành án một cách hiệu quả, giảm tải rất lớn khối lượng công việc, thời gian của đội ngũ Chấp hành viên cũng như kinh phí của Nhà nước. Tuy nhiên, thỏa thuận về thi hành án đôi khi phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập như, tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hướng dẫn về việc “trường hợp khi ban hành quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền thỏa thuận thi hành án”. Nội dung này được hiểu, sau khi cơ quan THADS ban hành quyết quyền tự thỏa thuận thi hành án trong cả quá trình định thi hành án thì đương sự vẫn có tổ chức thi hành án mà không giới hạn tại thời điểm ban hành quyết định thi hành án và chưa ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án hay ngay cả khi Chấp hành viên đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án. Quy định này, dẫn đến việc đương sự tùy ý trong việc tự thỏa thuận thi hành án trong các giai đoạn của quá trình tổ chức thi hành án với mục đích nhằm chây ỳ, chậm thi hành án, trốn tránh việc nộp các chi phí phát sinh  với Nhà nước. Có thể hiểu, thỏa thuận thi hành án là thể hiện ý chí tự nguyện, hợp tác, giảm chi phí cho chính bản thân người phải thi hành án, người được thi hành án như: Chi phí cưỡng chế, phí thi hành án… Đồng thời, sau khi ban hành quyết định thi hành án, Luật THADS vẫn có quy định cho các đương sự có quyền tự nguyện thi hành án, sau đó Chấp hành viên mới tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế khi cần thiết. Việc Chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế có ý nghĩa trong việc đảm bảo Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành. Do đó, nếu quy định về thỏa thuận thi hành án ở cả giai đoạn sau khi Chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế thì không phù hợp. Hoặc việc pháp luật quy định Chấp hành viên chỉ có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án khi đương sự có yêu cầu cũng dẫn đến phát sinh vướng mắc trên thực tế. Đôi khi, việc tiếp tục tổ chức thi hành án trong trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận trên thực tế cũng rất khó khăn, phức tạp.
Để minh chứng cho một phần khó khăn trong việc thực hiện quyền thỏa thuận thi hành án, tác gia xin đưa ra một ví dụ cụ thể như sau:
Chi cục THADS huyện C, tỉnh Đ đang tổ chức thi hành 06 quyết định thi hành án theo yêu cầu, trong đó: (1) Ông S, bà H có nghĩa vụ phải thi hành 05 quyết định thi hành án cho các cá nhân (1.ông E; 2. ông Đ; 3.ông M; 4. bà N; 5. ông T) với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án. Chấp hành viên A được giao thi hành 05 quyết định này; (2) Công ty X phải trả cho Ngân hàng Viettinbank-chi nhánh Đ số tiền hơn 7,4 tỷ đồng và lãi suất theo hợp đồng tín dụng; xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc thửa số 1037, tờ bản đồ số 10 tại tỉnh Đ được UBND huyện C cấp cho ông S, bà H theo Giấy chứng nhận QSDĐ số CA 889642 ngày 24/5/2016 để đảm bảo thi hành án. Chấp hành viên B được giao thi hành quyết định này; (3) Ngoài ra ông S, bà H còn phải thi hành các khoản án phí tổng số tiền hơn 270 triệu đồng.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên A xác minh điều kiện thi hành án cho thấy ông S, bà H có duy nhất 01 thửa đất số 1037 nêu trên, đang thế chấp tại Ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Công ty X, tài sản có giá trị nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán cho Ngân hàng nên Chấp hành viên xác định ông S, bà H chưa có điều kiện thi hành án.
Ngày 15/4/2022, Chấp hành viên B ban hành Quyết định số 13/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế kê biên, ngày 28/7/2022 tổ chức kê biên thửa đất số 1037 nêu trên của ông S, bà H để đảm bảo nghĩa vụ của Công ty X với Ngân hàng Vietinbank.
Ngày 04/8/2022, tại trụ sở Chi cục THADS huyện C, Chấp hành viên A tổ chức cho những người được thi hành án của 05 quyết định thi hành án thứ (1) và người phải thi hành án là ông S (bà H ủy quyền cho ông S) thỏa thuận việc thi hành án với nội dung: Ông T nhận thửa đất số 1037 và nộp số tiền 7 tỷ đồng tại cơ quan THADS: Số tiền 7 tỷ được xử lý như sau: trả cho Ngân hàng khoảng 6.15 tỷ đồng; nộp án phí gần 270 triệu đồng; nộp thế thu nhập cá nhân 110 triệu đồng, tiền chi phí thuê nhà 24 triệu đồng. Số tiền còn lại thanh toán cho những người được thi hành án có tên trong biên bản thỏa thuận (Tuy nhiên, cùng ngày 04/8/2022, giữa ông S và ông T lại ký kết hợp đồng mua bán thửa đất số 1037 nêu trên với giá 11 tỷ đồng không có sự chứng kiến của cơ quan THADS). Ngày 05/8/2022, Chấp hành viên làm việc với Ngân hàng Vietinbank thì ngân hàng có ý kiến sau khi thu hết nghĩa vụ trả nợ của Công ty X, Ngân hàng sẽ giải chấp tài sản thế chấp và đồng ý theo biên bản thỏa thuận có chứng kiến Chấp hành viên ngày 04/8/2022 nêu trên. Ngày 08/8/2022, ông T đã nộp số tiền hơn 6,1 tỷ đồng cho Ngân hàng và nộp hơn 858 triệu đồng tại Chi cục THADS huyện C. Ngày 08/8/2022. Ngân hàng thông báo số 666/CN-KHDN về việc Công ty X đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Chấp hành viên B đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-CCTHADS về việc giải tỏa kê biên tài sản; Chấp hành viên A ban hành Quyết định số 13/QĐ-CCTHADS ngày 08/8/2022 về việc giao tài sản cho ông T. Ngày 10/8/2022, Chấp hành viên A tổ chức giao tài sản cho ông T nhưng người phải thi hành án là ông S, bà H vắng mặt, cửa, cổng bị khóa do đó không thực hiện được. Ngày 06/9/2022, Chấp hành viên A ban hành Quyết định số 20-/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế giao tài sản nhưng chưa thực hiện cưỡng chế.
Nhận thấy, việc giao tài sản cho ông T sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 19, 20/8/2022, ông E, ông Đ, ông M, bà N (người được thi hành án khác) gửi đơn khiếu nại với nội dung khiếu nại Biên bản thỏa thuận ngày 04/8/2022 vì không đúng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba. Đơn khiếu nại được Chi cục huyện C thụ lý và ra quyết định không chấp nhận khiếu nại. Không đồng ý, những người được thi hành án trên tiếp tục khiếu nại lần 2 và được Cục THADS Đ thụ lý và ra quyết định chấp nhận toàn bộ nội dung khiếu nại, hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần 1. Bên cạnh đó, bà H (vợ ông S) cũng khiếu nại Quyết định cưỡng chế số 20/QĐ-CCTHADS ngày 06/9/2022 của Chấp hành viên vì cho rằng biên bản thỏa thuận ngày 04/8/2022 không có sự tham gia của bà là sai phạm nghiêm trọng, bà không ủy quyền cho ông S được quyền định đoạt các tài sản thuộc quyền sở hữu của bà. Chi cục THADS huyện C đã ban hành Quyết định không chấp nhận nội dung khiếu nại của bà H. Thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, ngày 12/10/2022, Chấp hành viên A đã ban hành Quyết định thu hồi Quyết định giao tài sản số 13/QĐ-CCTHADS và Quyết định cưỡng chế giao tài sản số 20/QĐ-CCTHADS. Ngày 28/10/2022, Chi cục huyện C ban hành Công văn đề nghị Ngân hàng hoàn trả số tiền hơn 6,1 tỷ đồng mà ông T đã nộp nhưng Ngân hàng có Công văn không thể hoàn trả lại số tiền vì đã thu nợ, đã tất toán và giải chấp theo quy định.
Ngày 30/12/2022, VKSND tỉnh Đ có Kết luận số 364/KL-VKS-P8 kết luận kiểm sát hồ sơ giải quyết khiếu nại lần 2 của Cục Đ, kết luận của VKSND tỉnh thống nhất nội dung giải quyết khiếu nại lần 2 của Cục THADS tỉnh Đ.
Như vậy, theo Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Cục THADS, Kết luận số 364/KL-VKS-P8 của VKSND tỉnh Đ đã thống nhất biên bản thỏa thuận ngày 04/8/2022 của các bên đương sự (có chứng kiến Chấp hành viên) chưa đúng quy định về tư cách đương sự tham gia (ông S đã vượt quá phạm vi ủy quyền của bà H khi tham gia thỏa thuận về quyền định đoạt thửa đất số 1037; biên bản thỏa thuận không có sự tham gia của Ngân hàng Vietinbank là người được thi hành án được ưu tiên khi xử lý thửa đất số 1037); đồng thời, trên thực tế, nội dung biên bản thỏa thuận mới chỉ có một bên thực hiện (Ông T thay ông S, bà H trả tiền cho Ngân hàng; nộp các khoản khác tại Chi cục THADS huyện C nhưng ông S, bà Hchưa giao thửa đất số 1037 cho ông T theo thỏa thuận).
Trong trường hợp nêu trên, việc xử lý, giải quyết hậu quả của việc không thực hiện được nội dung thỏa thuận trên thực tiễn là rất khó, bởi phía Ngân hàng đã thu hồi được nợ, đã giải chấp, việc thi hành án có thể coi đã thực hiện xong hay chưa? Số tiền 7 tỷ đồng ông T đã thi hành thay ông S, bà H giải quyết như thế nào? Trách nhiệm của Chấp hành viên A, B trong vụ việc? Đây là vụ việc hiện đang gặp vướng mắc, cần có sự thống nhất của nhiều ngành để giải quyết. Dưới góc độ là Chấp hành viên, đương sự đã, đang tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án, các Anh/Chị thấy cần giải quyết vụ việc theo hướng như thế nào, mọi ý kiến đề nghị gửi về hòm thư điện tử hienphamhien.hlu92@gmail.com để cùng trao đổi, thảo luận.
Từ ví dụ trên, có thể thấy quy định về thỏa thuận thi hành án cần được nghiên cứu, xem xét sửa đổi một cách toàn diện, kỹ lưỡng, dự báo, khắc phục được các vướng mắc, bất cập có thể phát sinh trên thực tiễn nhằm đảm bảo việc sử dụng quyền này được hiệu quả thiết thực trên thực tiễn./.
Phạm Thị Hiền - Vụ NV1