Một số giải pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong Hệ thống Thi hành án dân sự

22/11/2023


Thời gian qua, Tổng cục (Thi hành án dân sự) THADS cùng các cơ quan THADS địa phương thường xuyên, tích cực, chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác tổ chức cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính thông qua việc ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt theo chuyên đề và lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp giao ban, tổng kết công tác 6 tháng, hàng năm của đơn vị. Qua đó, nhìn chung đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thống nhất hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ trong hệ thống tổ chức THADS.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2023, công tác THADS vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế: Kỷ luật, kỷ cương ở một số đơn vị còn chưa nghiêm, số công chức bị xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự trong toàn hệ thống tiếp tục tăng cao hơn năm trước. Vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ chưa có dấu hiệu giảm, vi phạm liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến tài chính-kế toán, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng chưa được khắc phục triệt để, thậm chí, một số nơi có dấu hiệu gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh của hệ thống THADS.
1. Nguyên nhân vi phạm
 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vi phạm nêu trên, trong đó, có thể chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:
 1.1. Nguyên nhân chủ quan
- Một bộ phận công chức THADS thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về phẩm chất, đạo đức; coi thường kỷ cương, kỷ luật công vụ, coi thường pháp luật.
- Một số công chức chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, năng lực còn hạn chế, chưa tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và học tập nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác nên chưa thực sự nắm vững các nội dung, các quy định pháp luật có liên quan đến công tác THADS dẫn đến việc vận dụng, áp dụng trong thực tiễn còn lúng túng, sai sót.
- Lãnh đạo một số cơ quan THADS có biểu hiện buông lỏng quản lý, không sâu sát, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên, công chức trong đơn vị. Cá biệt, có trường hợp Thủ trưởng đơn vị thiếu gương mẫu, bản thân để xảy ra sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, bị nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến suy thoái phẩm chất, đạo đức, tạo hình ảnh xấu, không có đủ uy tín để lãnh đạo, chỉ đạo công chức trong đơn vị.
- Công tác kiểm tra, tự kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, chất lượng kiểm tra của một số Đoàn kiểm tra chưa đảm bảo, còn có biểu hiện hình thức, nể nang nên chưa kịp thời phát hiện sai phạm, đặc biệt việc kiểm tra công tác tài chính kế toán chưa được chú trọng đúng mức; công tác hậu kiểm chưa đáp ứng yêu cầu, một số vụ việc đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền có sai phạm dẫn đến bồi thường nhà nước nhưng việc xử lý công chức vi phạm chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, chưa đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
- Nhiều cơ quan THADS địa phương chưa kịp thời thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, dẫn đến tình trạng vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý.
1.2. Nguyên nhân khách quan
- Một số quy định của Luật THADS không còn phù hợp; thiếu nhiều quy định để giải quyết các vấn đề còn phát sinh trên thực tiễn; còn quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật THADS và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; trình tự, thủ tục THADS chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả dẫn đến còn nhiều vi phạm trong công tác nghiệp vụ.
- Áp lực công việc của Chấp hành viên trong công tác THADS ngày càng gia tăng; số vụ việc phải thi hành hàng năm lớn, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, trong khi pháp luật quy định rất nhiều trình tự, thủ tục phải thực hiện; nhiều trường hợp người phải thi hành án không tự giác thi hành, thậm chí cản trở, chống đối, việc thi hành án. Kinh tế xã hội của đất nước có giai đoạn gặp khó khăn, thách thức, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản nhiều biến động... đã ảnh hưởng lớn tới các mặt đời sống xã hội nói chung, đến việc thực thi nhiệm vụ của Chấp hành viên.
- Biên chế không được tăng thêm mà còn bị cắt giảm theo lộ trình nên nhiều cơ quan THADS địa phương không đủ số lượng biên chế để bố trí theo vị trí việc làm, công chức tại các cơ quan THADS thường phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai công việc, dẫn đến có vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
- Trách nhiệm và sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác THADS ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả, công tác phối hợp của một số cơ quan THADS với các cơ quan liên quan như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an… có nơi còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, nhất là các vụ án có giá trị lớn, có tính chất phức tạp. Nhiều vấn đền liên quan đến việc chậm tổ chức thi hành án, sai sót trong tổ chức thi hành án hầu như đều được xác định do lỗi của cơ quan THADS.
- Tác động của mặt trái cơ chế thị trường ảnh hưởng tiêu cực về đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của công chức, người lao động, khi mà chế độ tiền lương chưa đảm bảo cho đời sống dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực, tư lợi cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
2. Một số giải pháp nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong hệ thống THADS
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các quy định, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong toàn hệ thống THADS.
- Nêu cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính từ Tổng cục đến các Cục và Chi cục THADS. Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng đơn vị phải sâu sát trong công tác quản lý, quản lý từ khâu đầu vào như tiếp nhận chỉ đạo, nhận đơn, nhận án, ra quyết định THA, số liệu thụ lý mới số viêc thụ lý, ra quyết định THA..., quản lý toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ như triển khai thực hiện chỉ đạo,trình tự, thủ tục thi hành án... cho đến đầu ra như kết quả thực hiện chỉ đạo, số việc, số tiền thi hành xong và kiểm tra kết quả thực hiện, bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, của Tổng cục.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra của Cục đối với các Chi cục; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan THADS; tập trung kiểm tra công tác thi hành án của các Chấp hành viên, công tác quản lý tài chính của cơ quan, đơn vị và công tác thu - chi tiền thi hành án, công tác quản lý tài sản, tang vật trong các vụ việc THADS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả răn đe, giáo dục, phòng ngừa sai phạm xảy ra trong thời gian tiếp theo.
Tổng cục phải thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất không báo trước đối với các cơ quan THADS địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều yếu kém; phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra Bộ, Viện Kiểm sát...) trong việc thanh tra, kiểm sát, giám sát, qua đó phát hiện và chủ động xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác THADS, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật, kỷ cương công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án nói riêng và hệ thống tổ chức THADS nói chung.  Kiên quyết xử lý nghiêm công chức có sai phạm, trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chủ động đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ.
- Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật và chủ trương của Ban cán sự Đảng Lãnh đạo Bộ; Siết chặt các khâu trong công tác quản lý cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ, bảo đảm việc đánh giá công chức được thực hiện khách quan, công bằng, dân chủ; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá chính xác đối với cán bộ lãnh đạo.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động trong THADS, tiếp tục nghiên cứu mở rộng lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức thi hành án để hạn chế đến mức thấp nhất phiền hà cho người dân cũng như hạn chế sự tiếp xúc của người dân với công chức THADS nhằm đảm bảo sự khách quan, vô tư khi tổ chức thi hành án.
- Tăng cường, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự cho các cơ quan THADS địa phương.
 - Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, kiên quyết xử lý nghiêm đối với công chức, kể cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có sai phạm, loại bỏ ra khỏi hệ thống THADS những cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức kém, năng lực yếu, những trường hợp công chức cố tình né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, về phía Tổng cục THADS cần chú trọng thêm một số giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục đối với các cơ quan THADS địa phương. Lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục tiếp tục nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chỉ đạo điều hành theo hướng sâu sát hơn, quyết liệt hơn, khách quan và toàn diện hơn. Tăng cường phối hợp và thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Tổng cục với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân dự cấp tỉnh. Các đơn vị thuộc Tổng cục tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục phụ trách theo dõi, tổng hợp tình hình các cơ quan THADS địa phương thuộc các địa bàn được phân công phụ trách; tăng cường hướng về cơ sở, bám sát và nắm chắc địa bàn, nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan THADS. Thiết lập chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các bộ phận chuyên môn thuộc Cục THADS và Lãnh đạo Cục phụ trách lĩnh vực để thường xuyên trao đổi, hỗ trợ cho các địa phương và kịp thời phản ánh cho Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ những vấn đề mới phát sinh cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Chú trọng ban hành các quy trình nghiệp vụ (từ tổ chức cán bộ đến chuyên môn nghiệp vụ, tài chính kế toán…) để thuận lợi cho các địa phương thực hiện./.
Trần Thị Thùy Linh - Vụ TCCB