Thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) là hoạt động do Nhà nước tổ chức thực hiện, là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm pháp quyền, thực thi công lý, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ luật, kỷ cương, ổn định; giải phóng tối đa các nguồn lực, thúc đẩy, khơi thông, phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nợ xấu, mở rộng hoạt động tín dụng, ngân hàng; nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, trong đó xác định tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nhìn chung, trong những năm qua, hoạt động THADS, THAHC đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp, ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều bất cập, mâu thuẫn trong tổ chức và hoạt động của hệ thống THADS: Hệ thống THADS được giao thêm nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc tăng đột biến, tính chất ngày càng phức tạp, nhưng biên chế ngày càng bị cắt giảm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Một là, chức năng, nhiệm vụ ngày càng tăng: Kể từ năm 2015, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức THADS tăng lên đáng kể: (i) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 đã bãi bỏ cơ chế “Trả đơn yêu cầu thi hành án” dẫn tới những trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, nhưng cơ quan THADS vẫn phải tiếp tục theo dõi, xác minh định kỳ. Từ đó có rất nhiều vụ việc tồn đọng từ năm này sang năm khác. (ii) bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về THAHC, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; (iii) Bổ sung nhiệm vụ về thi hành các quyết định công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định tại Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
Hai là, khối lượng công việc phát sinh ngày càng lớn với tính chất ngày càng phức tạp. Khối lượng công việc không ngừng tăng nhanh hằng năm (Năm 2023 đã tăng 144.453 việc so với năm 2015, tăng 18,27% tương ứng với số tiền 286.594 tỷ đồng so với năm 2015 (tăng 227,69%)), trung bình 01 Chấp hành viên phải thi hành trong giai đoạn 2015 đến 2023 khoảng 227 việc tương ứng số tiền là gần 60 tỷ đồng, trong khi theo rà soát, đánh giá hiệu quả công việc của Chấp hành viên 03 năm trở lại đây thì trung bình 1 Chấp hành viên có năng lực, kỹ năng làm việc thì thi hành xong 140 việc tương ứng với khoảng 15 tỷ/1 năm (đối với thi hành các vụ việc thuận lợi, không gặp nhiều khó khăn, phức tạp). Trong đó, nhóm việc khó khăn, phức tạp nhất là thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lại tăng đột biến cả về việc và về tiền. Đối với thi hành án tín dụng, ngân hàng năm 2023 đã tăng đến 22.778 việc so với năm 2015, tương ứng số tiền phải thi hành tăng 84.716 tỷ đồng. Đây là nhóm việc chiếm tỷ trọng nhất định, nhưng số lượng tiền rất lớn (chiếm 4,31% về việc và 39,56% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống), tính chất phức tạp, tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác THADS: (i) Các ngân hàng được quyền chủ động xử lý tài sản thế chấp đảm bảo nợ vay theo Nghị quyết 42/2017/QH14 nhưng không thu đủ được nợ gốc, lãi thì số dư nợ còn lại, ngân hàng sẽ làm đơn yêu cầu thi hành án; (ii) đa số tài sản thế chấp không phù hợp do thiếu kiểm tra khi cho vay, có sai lệnh về diện tích, hiện trạng tài sản thế chấp bị thay đổi, cơi nới thêm không giấy phép; (iii) hầu hết vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn trong khi tâm lý của người dân e ngại đối với việc mua tài sản thi hành án, tình trạng thị trường bất động sản đóng băng nên khó bán đấu giá, phải giảm giá nhiều lần; (iv) trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, còn có kẽ hở dẫn tới người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành án; (v) một số trường hợp nội dung bản án tuyên không rõ, không khả thi, khó thi hành, bản án tuyên có sai sót nên mất nhiều thời gian để đợi Tòa án giải thích, sửa chữa, đính chính, bổ sung; (vi) việc phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan ban ngành liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm chưa kịp thời do chưa có thông tin đầy đủ, đồng bộ (xử lý tài sản nằm trong lộ giới, quy hoạch, có tranh chấp ranh giới,...). Đối với thi hành án về thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng có tỷ lệ tăng nhiều nhất. Khối lượng việc tăng đột biến xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh. Đến năm 2023 đã tăng 3.334 việc so với năm 2015 (tăng 215,8%); về tiền đã tăng trên 79.461 tỷ đồng (tăng 446%). Đây là nhóm việc có tính chất đặc biệt phức tạp: (i) Tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường có số lượng rất lớn, nhiều chủng loại, nhiều tài sản nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí ở cả nước ngoài. Trong năm 2024, khối lượng công việc thi hành án tiếp tục tăng đột biến khi một loạt vụ án lớn tiếp tục được đưa ra xét xử và tổ chức thi hành án (vụ: Vạn Thịnh Phát; vụ Tân Hoàng Minh…; (ii) tình trạng pháp lý của tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, nhiều vấn đề pháp lý phát sinh phải xác minh, làm rõ, giải quyết trước khi xử lý; (iii) tình trạng pháp lý của tài sản chưa đảm bảo; các dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định; việc xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện việc xử lý phần vốn góp chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết; lượng tang vật, tài sản tạm giữ ngày càng nhiều (hàng trăm ngàn tang vật trong các vụ án tham nhũng; hàng tấn ma túy,…).
Ba là, khối lượng công việc tăng, tính chất công việc ngày càng phức tạp, với yêu cầu cao về tiến độ, hiệu quả, nhưng biên chế làm công tác THADS, THAHC liên tục cắt giảm theo chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tính từ năm 2015 đến năm 2024, hệ thống tổ chức THADS đã cắt giảm 1.275 biên chế, tương ứng 12,8% (10,01% cắt giảm giai đoạn 2015-2021). Từ năm 2015 tới nay, các cơ quan THADS đều bị cắt giảm, không điều chuyển được biên chế từ nơi này sang nơi khác (vì không còn biên chế để thực hiện việc điều chuyển), thậm chí có những đơn vị từ năm 2015 đến nay đã phải cắt giảm từ 22% đến 30%. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến quá tải công việc, một trong những nguyên nhân dẫn đến xảy ra nhiều sai sót và phát sinh bồi thường nhà nước tăng cũng như số việc, tiền chuyển kỳ sau tăng cao, trong khi thường xuyên đối mặt vi phạm, chống đối, xúc phạm, xâm phạm khi thi hành công vụ, nhiều trường hợp xin nghỉ, chuyển công tác, vi phạm về thời hạn, thủ tục ngày càng tăng,…
Về một số giải pháp thường xuyên để nâng cao chất lượng công tác thi hành án theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và do biên chế bị cắt giảm
- Thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế THADS, nhất là từ khi Quốc hội thông qua Luật THADS năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động THADS.
- Thường xuyên quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, vị trí, chức trách, nhiệm vụ THADS, THAHC, vai trò, trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo cơ quan THADS. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành gắn với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan THADS. Thủ trưởng các cơ quan THADS phát huy vai trò của người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm quản lý “hướng về cơ sở” để thực sự đi sâu, đi sát vào thực tiễn, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
- Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng sâu rộng khoa học, công nghệ, nhất là tăng cường công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tuyển dụng và thu hút nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin để thực hiện công tác tham mưu cho Tổng cục, Cục và các Chi cục; nghiên cứu, xây dựng đầy đủ, đồng bộ các phần mềm quản lý nghiệp vụ, kế toán, tổ chức, hình thành hệ sinh thái hỗ trợ THADS và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về THADS toàn diện, kết nối tích hợp với các cơ sở dữ liệu điện tử khác như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký đất đai, về đăng ký giao dịch bảo đảm..., đảm bảo đồng bộ, giảm thiểu thời gian và tăng cường kiểm soát đối với các mặt công tác của hệ thống THADS.
- Hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các đơn vị trong Tổng cục THADS, Cục THADS, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, đảm bảo nguyên tắc: một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; giảm tỷ lệ người phục vụ trong các cơ quan THADS, nhất là những người làm công tác văn phòng.
- Nâng cao hiệu lực của hệ thống cơ quan THADS, đề cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thi hành án và hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS các cấp, kiên quyết tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; có giải pháp phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp cản trở, chống đối, chây ỳ, không chấp hành bản án. Công khai, minh bạch quy trình THADS, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tham gia giám sát của tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, người dân trong việc chấp hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
- Nâng cao chất lượng các khâu trong công tác cán bộ: (i) Tiếp tục thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Thực hiện miễn nhiệm, cách chức, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; (ii) đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ công chức, người lao động; (iii) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý hệ thống cơ quan THADS, đảm bảo nguồn lực đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi bổ nhiệm. Thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo quản lý; (iv) Tập trung rà soát, sắp xếp gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động trong hệ thống THADS. Tận dụng, sử dụng hiệu quả tối đa số biên chế được giao; tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với VTVL, năng lực sở trường, tăng cường điều động, biệt phái Chấp hành viên từ đơn vị có lượng án ít đến đơn vị có lượng án lớn, án trọng điểm. Rà soát, chuẩn hóa, đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục vị trí việc làm trong lĩnh vực THADS; (v) đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức; (vi) nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng cán bộ. Xây dựng Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho công chức theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ; (vii) tăng cường công tác quản lý cán bộ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ cán bộ, công chức; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; biểu dương khen thưởng, vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động công vụ, thực hiện có hiệu quả về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kịp thời xử lý những tập thể, cá nhân có sai phạm, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Về giải pháp lâu dài: Để nâng cao chất lượng, kết quả THADS, THAHC bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng được theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy thượng tôn pháp luật làm nguyên tắc nền tảng cho các hoạt động tổ chức, quản lý xã hội và yêu cầu tại Điều 106, Hiếp pháp năm 2013 “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung biên chế cho hệ thống cơ quan THADS./.
Nguyễn Thìn Vụ TCCB