Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính

04/04/2025


Thi hành án là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế và qua đó bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hiện nay, thi hành án được chia thành thi hành án hình sự, thi hành án dân sự (THADS) và thi hành án hành chính (THAHC). Thời gian qua, công tác THAHC đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có các giải pháp để khắc phục. Bài viết sau đây sẽ đề cập khái quát nhiệm vụ quyền hạn của một số cơ quan trong công tác THAHC, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHC.
I.  KHÁI QUÁT NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS
- Đối với Bộ Tư pháp: Theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác THAHC; phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về THAHC; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác THAHC. Ngoài ra, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc THAHC; báo cáo, đề xuất trong trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Đối với cơ quan THADS: Theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS được giao trách nhiệm theo dõi THAHC (thay cho cơ chế đôn đốc THAHC theo quy định của Luật TTHC năm 2010) khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS.
2. Trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp
Theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến lĩnh vực mình quản lý và nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nghiêm chỉnh THAHC, chỉ đạo việc THAHC đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương.
Như vậy, Bộ Tư pháp, hệ thống các cơ quan THADS không trực tiếp tổ chức THAHC mà chỉ thực hiện chức năng tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về THAHC và chức năng theo dõi THAHC. Việc THAHC được thực hiện theo cơ chế tự thi hành án của người phải thi hành án.
II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH
1. Kết quả thi hành án hành chính
Theo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án từ ngày 01/10/2017 đến hết ngày 30/9/2024 là 4.532 bản án, quyết định. Kết quả, đã thi hành xong 3.438 bản án, quyết định, đang thi hành 1.066 bản án, quyết định, số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành: 28 bản án, quyết định, số liệu theo từng năm cụ thể như sau, năm 2017: phải thi hành 361 bản án, kết quả: đã thi hành xong 276 bản án, năm 2018: phải thi hành 363 bản án, kết quả: đã thi hành xong 139 bản án; năm 2019: phải thi hành 637 bản án, kết quả: đã thi hành xong 298 bản án; năm 2020: phải thi hành 830 bản án, kết quả: đã thi hành xong 363 bản án; năm 2021: phải thi hành 944 bản án, kết quả: đã thi hành xong 455 bản án; năm 2022: phải thi hành 992 bản án, kết quả: đã thi hành xong 429 bản án; năm 2023: phải thi hành 1.375 bản án, kết quả: đã thi hành xong 582 bản án; năm 2024: phải thi hành 1.973 bản án, kết quả: đã thi hành xong 896 bản án.
Từ kết quả trên cho thấy, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án ngày càng tăng qua các năm, cao nhất là năm 2024 với tổng số phải thi hành là 1.973 bản án. Kết quả thi hành xong trên tổng số bản án, quyết định phải thi hành cũng tăng qua các năm, cao nhất cũng là năm 2024 với tổng số 896 bản án được thi hành xong.
2. Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Theo báo cáo của Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện Luật TTHC năm 2015, các cơ quan THADS đã thực hiện cơ bản đầy đủ và kịp thời chức năng theo dõi THAHC đối với các bản án thuộc phạm vi theo dõi, chủ yếu là các bản án, quyết định của Tòa án có nội dung chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của đương sự. Quá trình theo dõi, từ ngày 01/10/2017 đến hết ngày 30/9/2024, các cơ quan THADS đã ban hành 3.616 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 2.213 quyết định buộc THAHC; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 3.432 vụ việc; có văn bản đôn đốc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với 656 trường hợp.
3. Đánh giá chung
a) Kết quả đạt được
Thời gian qua, thực hiện Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, công tác THAHC nói chung, theo dõi THAHC nói riêng ngày càng có sự chuyển biến, thể hiện ở các khía cạnh như: (1) công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về THAHC, theo dõi THAHC tiếp tục được quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện; (2) Công tác chỉ đạo triển khai việc chấp hành pháp luật về THAHC được thực hiện nghiêm túc, kịp thời từ trung ương đến địa phương; (3) Công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về THAHC được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; (4) Các cơ quan THADS đã triển khai thực hiện tương đối đầy đủ và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC và trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong công tác quản lý về THAHC; (5) Công tác thống kê, báo cáo về tình hình và kết quả THAHC ngày càng đi vào nền nếp; (6) Kết quả THAHC ngày càng tăng qua các năm.
Như vậy, có thể nói, thông qua công tác tham mưu của Tổng cục THADS đối với Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về THAHC và thông qua công tác theo dõi THAHC, giúp UBND cùng cấp trong công tác THAHC của các cơ quan THADS đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật THAHC, qua đó nâng cao kết quả THAHC trên phạm vi cả nước.
b) Tồn tại, hạn chế
- Công tác THAHC mặc dù đã được Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định, song việc chấp hành các quy định này vẫn chưa nghiêm, còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong, số bản án chưa thi hành xong chuyển kỳ sau tăng qua các năm, trong đó, có nhiều bản án đã kéo dài nhiều năm, Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS có thẩm quyền đã có các văn bản đôn đốc, kiến nghị về việc THAHC.
- Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án, tuy nhiên, chưa có trường hợp nào người phải thi hành án bị xem xét, xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
- Việc thực hiện trách nhiệm theo dõi THAHC của các cơ quan THADS mặc dù ngày càng được các cơ quan THADS quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp một số cơ quan THADS chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
- Việc theo dõi, nắm bắt nội dung vụ việc, tình hình thi hành đối với từng bản án, quyết định của Tòa án (nội dung phải thi hành án, căn cứ để xác định đã thi hành hay chưa thi hành xong…) có trường hợp chưa được phân tích, làm rõ trong quá trình theo dõi mà chủ yếu dựa vào báo cáo của người phải thi hành án … dẫn đến có trường hợp chưa phản ánh chính xác, đúng thực tế kết quả THAHC tại địa phương.
c) Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
- Nguyên nhân chủ quan
+ Một số địa phương, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ đối với công tác THAHC dẫn đến thiếu chủ động, sâu sát, quyết liệt và kịp thời trong việc chấp hành và chỉ đạo chấp hành việc THAHC.
+ Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành, có địa phương còn lúng túng, chưa có phương án, lộ trình, kế hoạch hay giải pháp, biện pháp để giải quyết dứt điểm; chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tháo gỡ hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền.
+ Một số Thủ trưởng cơ quan THADS chưa dành sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với công tác theo dõi THAHC; việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thực hiện theo dõi THAHC còn khó khăn, chủ yếu là kiêm nhiệm; việc phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ và kịp thời; chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, dẫn đến hiệu quả công tác theo dõi THAHC chưa cao.
- Nguyên nhân khách quan
+ Cơ chế THAHC theo quy định là cơ chế “tự thi hành”. Do đó, kết quả THAHC phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các cơ quan, người có thẩm quyền là bên phải thi hành án. Các cơ chế bảo đảm việc THAHC được giao cho nhiều chủ thể (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án và người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án), tuy nhiên vẫn có trường hợp các chủ thể này chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm được giao dẫn đến hiệu quả của các cơ chế bảo đảm việc THAHC còn hạn chế.
+ Các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa thi hành xong hầu hết liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất đã có nhiều biến động. Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí, mục chi ngân sách để tổ chức thi hành các bản án có nội dung buộc thực hiện lại việc bồi thường, hỗ trợ về đất cho công dân khi nhà nước thu hồi đất trong các dự án đã hoàn thành và quyết toán.
+ Quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về THAHC, theo dõi THAHC phát sinh những vấn đề chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, như quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án, về thi hành án trong trường hợp bản án tuyên hủy quyết định hành chính, về phạm vi trách nhiệm theo dõi THAHC, về xử lý trách nhiệm trong THAHC … dẫn đến phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng trên thực tế.
+ Theo quy định cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi và đề xuất, kiến nghị xử lý trách nhiệm trong THAHC, trong đó có người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND nhưng trong hoạt động THADS, cơ quan THADS ít nhiều chịu sự lãnh đạo về công tác Đảng và các quan hệ phối hợp, phụ thuộc khác với cấp ủy, chính quyền địa phương dẫn đến thực trạng không ít cơ quan THADS, Chấp hành viên chưa quyết liệt kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THAHC trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan cần quán triệt, thực hiện đồng bộ, toàn diện, kịp thời và có hiệu quả các giải pháp cụ thể như sau:
1. Đối với các bộ, ngành và địa phương
- Tiếp tục tập trung quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc chấp hành pháp luật THAHC và tổ chức thi hành các bản án hành chính.
- Kịp thời chỉ đạo, có các biện pháp, kế hoạch tổ chức thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành nghiêm túc, dứt điểm đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, nhất là đối với các vụ việc đã kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, xem xét, báo cáo, đưa các vụ việc THAHC kéo dài, phức tạp tại địa phương vào diện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo.
- Tăng cường việc đôn đốc, chỉ đạo, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải THAHC thuộc thẩm quyền quản lý. Trên cơ sở các bản án, quyết định chưa được thi hành xong, nhất là đối với các bản án, quyết định đã kéo dài nhiều năm, Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS đã có các kiến nghị về việc THAHC và xem xét, xử lý trách nhiệm trong THAHC, cấp có thẩm quyền cần xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức trong trường hợp chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định.
- Bộ Tài chính trên cơ sở văn bản xin ý kiến hướng dẫn của địa phương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác có liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định nguồn kinh phí, mục chi ngân sách để tổ chức thi hành các bản án có nội dung buộc thực hiện lại việc bồi thường, hỗ trợ về đất cho công dân khi nhà nước thu hồi đất trong các dự án đã hoàn thành và quyết toán.
2. Đối với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp
- Tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về THAHC trên phạm vi cả nước và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật THAHC.
- Tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật THAHC, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Đối với các trường hợp chậm hoặc không chấp hành án hành chính sẽ kiến nghị làm rõ nguyên nhân và xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo Hệ thống THADS thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo dõi THAHC; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi THAHC; tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện theo dõi THAHC; xử lý theo quy định các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác THAHC; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, báo cáo, thống kê về THAHC.
- Trên cơ sở tổng hợp kết quả tổng kết tình hình thi hành Luật TTHC năm 2015 và kết quả tổng kết Luật TTHC năm 2015 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về THAHC nhằm khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành.
3. Đối với các cơ quan THADS
- Cục THADS cần tiếp tục tập trung thực hiện, chỉ đạo các Chi cục THADS trực thuộc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo dõi THAHC theo quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và các văn bản về quy chế, quy trình và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS.
- Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra công tác theo dõi THAHC của các Chấp hành viên, Chi cục THADS trực thuộc và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các công chức khác có liên quan đến công tác theo dõi THAHC nhằm kịp thời phát hiện, hướng dẫn, khắc phục và xử lý nghiêm các thiếu sót, vi phạm có liên quan đến công tác theo dõi THAHC.
- Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác THAHC, theo dõi THAHC trên địa bàn.- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng và tiến độ chế độ báo cáo, thống kê về công tác THAHC, theo dõi THAHC theo quy định, đáp ứng yêu cầu giúp Tổng cục THADS tham mưu Bộ Tư pháp, Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THAHC trên phạm vi toàn quốc./.
Nguyễn Thanh Nam - Vụ Nghiệp vụ 3