Cần hướng dẫn thêm về trả đơn yêu cầu thi hành án

03/12/2007

Điều 29 Pháp lệnh thi hành án dân sự (số 13/2004 ngày 14/01/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội - sau đây xin gọi tắc là Pháp lệnh) quy định : “Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định của Toà án cho người được thi hành án trong trường hợp có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc có căn cứ xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án.”



Trong áp dụng “căn cứ xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án” tại Điều 29 Pháp lệnh đang có sự khác nhau. Nổi lên là hai cách nhận thức và áp dụng như sau :

Cách thứ nhất khai thác cụm từ : “không có tài sản” trong Điều 29 Pháp lệnh để trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định của Toà án cho người được thi hành án. Với lập luận là khi có căn cứ (qua xác minh) xác định người phải thi hành án không có tài sản thì trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định của Toà án cho người được thi hành án. Cách thứ nhất hạn chế được tình trạng trả đơn trong những trường hợp người phải thi hành án có tài sản. Song chưa xử lý những trường hợp người phải thi hành án có tài sản có giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ chi phí về thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không bán được, tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án.

Cách thứ hai khai thác cụm từ : “không có tài sản để thi hành án” trong Điều 29 Pháp lệnh để trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định của Toà án cho người được thi hành án. Với lập luận là “chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản” tại khoản 2, Điều 8. Xác minh điều kiện thi hành án trong Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính Phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và ... trong thi hành án dân sự có nghĩa gần giống với “không có tài sản để thi hành án” trong Điều 29 Pháp lệnh.

Đó là quy định : “Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản trong những trường hợp sau đây :

a) Không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc tuy có nhưng tài sản có giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ chi phí về thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không bán được,” (theo Điều 48 Pháp lệnh thi hành án dân sự. Xử lý tài sản kê biên không bán được) “tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án.”

“b) Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra.”

Cách thứ hai bộc lộ sự không ổn về mặt từ ngữ, giữa :“chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản” với  “không có tài sản để thi hành án”; về trật tự pháp chế thì Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính Phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và ... trong thi hành án dân sự là văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự (số 13/2004 ngày 14/01/2004 của Uỷ Ban Thường vụ Quốc Hội).

Thực tiễn thi hành án dân sự đòi hỏi sự thống nhất về nhận thức và thi hành nghiêm pháp luật, mới có cơ sở giảm thiểu tình trạng khiếu nại như hiện nay. Các cơ quan thi hành án địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao là có sự hướng dẫn của cấp trên./.

Nguyễn Phước Huy