Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Việc làm cần thiết và phải thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên

11/08/2008

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, danh nhân văn hóa thế giới đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, kết tinh văn hóa của nhân loại và thời đại. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam suốt đời học tập và noi theo.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng về đạo đức. Người có nhiều bài nói, bài viết chuyên bàn về đạo đức. Bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân. Sở dĩ gọi tấm gương, vì mọi người đều thấy Người không phải chỉ nêu những tư tưởng đạo đức lớn, mà còn gương mẫu thực hiện tư tưởng ấy. Ở Hồ Chí Minh tư tưởng đạo đức luôn gắn với hành vi đạo đức, động cơ luôn gắn với hiệu quả, luôn nói đi đôi với làm, nhiều khi ít nói nhưng làm nhiều hoặc làm nhưng không cần nói. Đây là điều mà không phải bất cứ nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo nào cũng làm được.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đạo đức là cái gốc của người cách mạng, Người viết: “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người chiến sỹ cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Trong các văn bản, Đảng và nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định những phẩm chất tốt đẹp mới xuất hiện trong thời kỳ đổi mới, nhưng đồng thời cũng nghiêm khắc chỉ ra thực trạng và mức độ suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong xã hội, diễn ra rất tinh vi, ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cách mạng nước ta thể hiện dưới các dạng như: chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, vụ lợi … có xu hướng ngày càng phát triển; nạn tham nhũng, đưa và nhận hối lội, bòn rút của công diễn ra nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, những yêu cầu chính đáng của nhân dân, của doanh nghiệp; sống thiếu trung thực, cơ hội, “chạy chọt” vì lợi ích cá nhân, như chạy thành tích, bằng cấp, chức quyền, dự án, đề tài khá phổ biến; lời nói không đi đôi với việc làm, nói và làm trái với Nghị quyết của Đảng; suy thoái về đạo đức trong quan hệ gia đình và cá nhân trong xã hội; đạo đức nghề nghiệp bị sa sút.

Văn hoá đạo đức là một bộ phận trọng yếu của nền tảng tinh thần và động lực phát triển của xã hội. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có nguy cơ làm giảm sự thống nhất trong đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tác động vào sự ổn định và bền vững của xã hội. Sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay đang là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội. Nó làm cho nhân dân lo lắng, bất bình, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo và việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Nghị quyết Đại hội X chỉ rõ: “ Thoái hoá biến chất về chính trị, tư tưởng về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu tham những, lãng phí sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành, phát triển tư tưởng và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra những thuận lợi và thử thách mới đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và coi đó là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt đối với mỗi cán bộ, đảng viên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên, qua đó để giáo dục, rèn luyện mình, xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, “là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”

Hơn nữa, học tập và, tu dưỡng đạo đức thường xuyên là cơ sở để hoàn thiện mỗi cá nhân, vì đạo đức của mỗi người không phải tự nhiên xuất hiện, mà do mỗi người học tập, tu dưỡng  rèn luyện trong hoạt động thực tiễn và tiếp thu sự giáo dục, quản lý của tổ chức, tập thể, cộng đồng, gia đình và xã hội. Vì vậy, đề giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên học tập, tu dưỡng; nếu xa rời sự quản lý, giáo dục của tập thể, cộng đồng và toàn thể gia đình là con đường dẫn tới hư hỏng, đánh mất chính bản thân của mình. Trước thực trạng cũng như yêu cầu thực tế đặt ra. việc giáo dục, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, cần phải đẩy mạnh, thường xuyên trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Cùng với nhân dân cả nước, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, có sự nhận thức đúng đắn về đạo đức cách mạng, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, thực hiện thường xuyên và có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; từng ngành, từng cấp phải thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của Đảng và nhà nước giao, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống. Có vậy, hành vi, phong cách và đạo đức của từng cán bộ, đảng viên ngày càng được hoàn thiện trong mọi lĩnh vực công tác, sinh hoạt của mình.
 

Võ Công Hoàng -  Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định