Về việc ban hành quyết định thi hành án đối với hình phạt tiền trong thi hành án dân sự

05/09/2008

Việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự được coi là giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những tồn tại của công tác thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Dự thảo 10 Luật Thi hành án dân sự sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội với 09 chương, 207 điều luật đã được chỉnh lý thành 09 chương, 195 điều để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.



Trong các ngày 23, 34/5/2008, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật này. Uỷ ban thường vụ quốc hội báo cáo giải trình, dự định chỉnh lý trình Quốc hội dự thảo Luật này với 9 chương, 182 điều ( Bỏ 27 điều và bổ sung  mới 14 điều). Đề bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thi hành, Cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo thủ tục chung ( chủ động ra quyết định hoặc ra quyết định theo đơn yêu cầu ). Tuy nhiên, đối với quy định về thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đối với hình phạt tiền, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi.

Tại điểm a khoản 1 Điều 38 Dự thảo Luật quy định " 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành phần bản án, quyết định sau đây:

a). Hình phạt tiền, truy thu tài sản, tài sản thu lợi bất chính, án phí Toà án;"

Như vậy, pháp luật về thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền, không phân biệt là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung.

Theo chúng tôi, quy định như vậy sẽ dẫn đến sự trùng lặp về thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền giữa Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự với Chánh án Toà án, đặc biệt là tại các các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện.

Tại các Điều 256, 257 và 267 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định hình phạt tiền ( khi Toà án tuyên  là hình phạt chính )  được đưa ra thi hành theo thủ tục tố tụng hình sự. Cụ thể như sau: " trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự. Quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, Chấp hành viên, người bị kết án và chính quyền cấp xã nơi người bị kết án cư trú"

Như vậy, cùng một khoản phải thi hành là Hình phạt tiền nhưng có 02 văn bản quy  phạm pháp luật điều chỉnh, có 02 quyết định thi hành án do 02 cơ quan khác nhau ban hành dẫn đến tình trạng lúng túng, áp dụng pháp luật không thống nhất. Bởi lẽ: về nguyên tắc áp dụng pháp luật theo quy định tại Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì:

"2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau"

Để giải quyết việc xung đột pháp luật nêu trên, đề nghị xác định rõ thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong việc ra quyết định thi hành án đối với khoản hình phạt tiền. Có thể  quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành chỉ ban hành quyết định thi hành hình phạt tiền ( khi Toà án tuyên là hình phạt bổ sung ) để tránh sự trùng lặp với quyết định thi hành hình phạt tiền ( khi Toà án tuyên là hình phạt chính ) đã được Chánh án Toà án ra quyết định theo các quy định về thi hành án hình sự. Hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự  năm 2003 về thẩm quyền của Chánh án Toà án trong việc ra các quyết định thi hành hình phạt tiền, chỉ quy định thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với khoản hình phạt tiền cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định về thi hành án.

                                                                                                 Hà Tuấn Phương