Một số nguyên nhân không khả thi trong thực tiễn thi hành án dân sự

23/10/2008
Tại điều 3 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, quy định:“Bản án, Quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật phải được người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án nghiêm chỉnh thi hành, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội… và cá nhân tôn trọng


Vì thế, Những bản án, quyết định mà Toà án có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay đều đưa ra thi hành nghiêm túc và triệt để, phù hợp quy định pháp luật và đúng theo nội dung án tuyên, đảm bảo hiệu lực của bản án và quyền, lợi ích của các bên. Tuy nhiên, vẫn còn  một số bản án, Quyết định của Toà án tuyên không rõ ràng, có sai sót hoặc nhầm lẫn…không đúng với hiện trạng thực tế…Đặc biệt đối với loại án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tranh chấp ranh giới liền kề…không phù hợp với hiện trạng thực tế là nguyên nhân dẫn đến đơn thư khiếu nại nhiều và không khả thi trong thực tiễn thi hành án.

Thường rơi vào những trường hợp tranh chấp đất đai, nhà ở… có những vụ việc sau khi án tuyên có hiệu lực pháp luật được đưa thi hành, đồng thời tiến hành xác minh thực tế về hiện trạng diện tích đất, ranh giới, tứ cận của diện tích đất phải giao… thì trên diện tích đất đó, có cây ăn trái lâu năm, tài sản, vật dụng…mà bản án, Quyết định của Toà án không hề đề cập hoặc nêu hướng xử lý những vật dụng, cây ăn trái, tài sản trên đất phải giao như thế nào? gây khó khăn vô cùng cho cơ quan thi hành án. Và đó, cũng là những nguyên nhân dẫn đến không khả thi trong thực tế thi hành án, đương sự không thoả mãn được yêu cầu, thế là đơn thư khiếu nại vượt cấp nhiều lần lại xảy ra…Có những vụ việc, cơ quan thi hành án phải vận động, thuyết phục và giải thích cho họ hiểu quy định pháp luật cũng như hoạt động thực tiễn thi hành án…giữa một bên là cơ sở của Quyết định, bản án trên mặt giấy tờ và một bên là thực hiện bằng một hoạt động cụ thể và phải đúng theo quy định pháp luật, phù hợp theo nội dung Quyết định, bản án,  thì mới bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho đương sự, cho nhà nước và cho tổ chức. Cho nên, thực tế thi hành án mà tôi hiểu khái quát là một công việc rất quan trọng - một giai đoạn phải tiến hành xác minh, xem xét lại thực trạng thực tế  tài sản, công việc có phù hợp với bản án, quyết định không? Có khả thi trong thực tiễn không?

Trở lại vấn đề này, trong thực tế vẫn còn tồn tại và vướng mắc chưa thi hành dứt điểm một số vụ việc tranh chấp đất đai, và nhất là tranh chấp ranh giới liền kề…ví dụ như: Việc tranh chấp giữa nguyên đơn bà A và bị đơn là vợ chồng ông B cùng ở Thành Phố H, tỉnh P, Án tuyên: “Buộc vợ chồng ông B phải tháo gỡ bức tường xây dựng tiếp giáp với vách hậu nhà bà A có chiều ngang một bề 3,5m, một bề 5.3m, chiều dài 10,439m, tổng diện tích 44,666m2 theo biên bản định giá và sơ đồ hiện trạng của Hội đồng định giá cấp sơ thẩm lập tháng 6/2006 vì xây dựng trái phép…”. Trong quá trình giải quyết việc thi hành án, bên vợ chồng ông B không tự nguyện tháo gỡ mà nêu lý do có ảnh hưởng đến những  vật kiến trúc…Do đó Cơ quan thi hành án đã tổ chức xác minh (có sự chứng kiến của chính địa phương và sự phối hợp của cơ quan chuyên môn về đất đai, nhà ở)  tiến hành xác minh thực tế về hiện trạng, vị trí, ranh giới  bức tường phải tháo gỡ theo như án tuyên. thì Cơ quan chuyên môn (Phòng quản lý đô thị TP H) xác định về kết cấu của bức tường này có cấu trúc gắn liền với bên  đầu cầu thang tầng lầu. Nếu tháo gỡ đập bỏ theo như bản án tuyên  thì tất yếu ảnh hưởng trực tiếp đến cầu thang và kết cấu ngôi nhà dẫn đến hậu quả có thể xảy ra sập đổ những vật kiến trúc khác ... Vậy mà trong giai đoạn xét xử Toà án không xác minh cụ thể,  không hề đề cập đến phần kết cấu bức tường và cầu thang, nếu tiến hành tháo gỡ liệu có ảnh hưởng không? Có như vậy, mới vừa bảo đảm được tính khả thi trong công tác thi hành án và vừa đảm bảo hiệu lực của bản án. Đến giai đoạn thi hành án, Cơ quan thi hành án gặp nhiều vấn đề vướng mắc, một mặt thì Bà A khiếu nại và cho rằng: Bản án  đã có hiệu lực pháp luật, cớ gì các ông không chịu tổ chức thi hành và liên tiếp những tập đơn thư khiếu nại vượt cấp ngày càng nhiều, mặt khác bên vợ chồng ông B  cũng có đơn khiếu nại, nếu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành theo đúng bản án tuyên mà gây ra hậu quả sập cầu thang, nhà ở thì cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm bồi thường dân sự…Thế là, vụ việc vẫn tồn động không xử lý được gây khó khăn vô cùng cho Cơ quan thi hành án, ảnh hưởng đến tâm lý của Chấp hành viên, cán bộ trực tiếp thụ lý vụ việc đó…Mặc dù, Cơ quan THA giải thích nhiều lần cho bà A hiểu sự trở ngại khách quan ấy, nhưng bà A không hề quan tâm mà cứ tống đơn khiếu nại  khắp nơi. Đứng trước thực tế không khả thi và nỗi bức xúc của các bên, Cơ quan THA kịp thời gửi văn bản  kiến nghị xem xét theo trình tự Giám Đốc thẩm vụ việc tranh chấp trên. Nhưng một thời gian khá dài không thấy cơ quan có thẩm quyền hồi âm. Vụ việc kéo dài hơn một năm vẫn chưa có đường hướng xử lý mà chỉ liên tục trả lời đơn khiếu của bà A mà thôi…

Vì thế, để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn thi hành án dân sự và đạt hiệu quả không chỉ nhờ  sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội và ý thức chấp hành của đương sự mà phải có sự ra đời của một Phán quyết  đúng đắn của cơ quan có thẩm quyền, thì thực tiễn thi hành án mới đạt kết quả cao và hạn chế đơn thư khiếu nại. Bảo đảm hiệu lực bản án, quyết định của Toà án, đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân và tổ chức xã hội../

Lê Lanh - THADS TP Tuy Hoà, Phú Yên