Ngạch, tiêu chuẩn thi tuyển, bổ nhiệm chấp hành viên: Cần cân đối yêu cầu và khả năng

21/11/2008

Dự án Luật THADS quy định có 3 ngạch CHV: sơ cấp, trung cấp, cao cấp tương đương với tiêu chuẩn điều kiện được quy định tại Điều 20 để khắc phục những tình trạng bất cập của vấn đề phân biệt chế độ, chính sách đối với cán bộ THA ở huyện, ở tỉnh hiện nay. Nhưng tại kỳ họp thứ 4 của QH, vấn đề tiêu chuẩn thi tuyển, bổ nhiệm đối với CHV thì còn khiến các ĐBQH băn khoăn.



CHV sơ cấp: trung cấp Luật là đủ.

Tiêu chuẩn và thi tuyển, bổ nhiệm CHV được qui định tại các Điều 19, 20 dự án Luật. Về tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV ở cả 3 cấp ngoài tiêu chuẩn riêng của từng cấp thì phải đảm bảo tiêu chuẩn chung theo điểm a khoản 1 điều 20 trong đó có yêu cầu "có trình độ cử nhân luật trở lên". Đây là yêu cầu đòi hỏi đối với đội ngũ CB có chức danh tư pháp trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt với yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08. Tuy nhiên, bà Lê Thị Mai (ĐBQH TP.Hải Phòng) nhận định, hiện nay vẫn còn không ít CHV cấp huyện (đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa) chỉ mới đáp ứng được trình độ trung cấp. Tình trạng này chưa thể khắc phục trong một thời gian ngắn trong điều kiện nguồn và chính sách để thu hút cán bộ nói chung, CHV nói riêng ở những vùng này đang còn khó khăn.

Vì vậy, để đảm bảo khi luật ban hành có hiệu lực thi hành, bà Mai cho rằng nên có quy định riêng cho những CHV cấp huyện (có trình độ trung cấp) hiện nay được đào tạo bồi dưỡng trong một thời gian nhất định để đủ tiêu chuẩn về trình độ (cử nhân Luật) trước khi xem xét xếp ngạch CHV. Điều này không chỉ để đảm bảo được tiêu chuẩn theo quy định của luật mà còn đảm bảo ổn định về tổ chức và động viên cán bộ phấn đấu vươn lên. Còn theo ông Nguyễn Văn Ba  (ĐBQH tỉnh Khánh Hoà), trong khi tiêu chuẩn đối với CHV ngạch trung cấp và cao cấp là cần phải có trình độ cử nhân trở lên thì ngạch sơ cấp chỉ cần trình độ trung cấp luật là đủ. Vì theo ông Ba, việc THADS có rất nhiều mức độ khác nhau, có những bản án rất đơn giản, nhưng có những bản rất phức tạp nên cũng đòi hỏi trình độ của CHVcó khác nhau. Thêm nữa, ông Danh Út (ĐBQH tỉnh Kiên Giang), bổ nhiệm người có trình độ trung cấp luật làm CHV sơ cấp mới thu hút cán bộ lên công tác ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi.

Thi tuyển CHV: khó thực hiện

Việc quy định hình thức thi tuyển, bổ nhiệm CHV là yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, song ông Nguyễn Văn Ba nhận thấy “hơi khó thực hiện” việc thi tuyển CHV vì với quy định CHV phải tham gia trong ngành luật một thời gian nhất định nào đó (3 năm, 5 năm hoặc dài hơn đối với ngạch sơ cấp) mới được tham gia thi tuyển sẽ gây ra cản trở rất lớn đối với những người làm công tác THADS. Do vậy, ông Ba cho rằng nên tổ chức xét tuyển để ai đủ điều kiện sẽ được bổ nhiệm CHV, để đơn giản hóa quá trình tuyển chọn, nhằm mang lại hiệu quả cho việc thực thi pháp luật. Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, trước mắt nên thông qua hội đồng tuyển chọn như cách thức của VKSND và TAND, để đảm bảo kết hợp giữa ngành và địa phương trong công tác cán bộ. Đồng thời nên bổ nhiệm CHV không có nhiệm kỳ để tạo được sự yên tâm, tránh tiếp diễn tình trạng thiếu nguồn cán bộ và cán bộ THA không yên tâm với công tác như năm 2008, gây khó khăn trong công tác THADS.

Bà Mai cũng đề nghị bỏ khoản 5 điều 20 quy định về các trường hợp đặc cách bổ nhiệm CHV trung cấp đối với người có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên và CHV cao cấp đối tới người có thời gian công tác pháp luật từ 15 năm trở lên. Theo bà Mai, để qui định như vậy sẽ không thống nhất với các điều kiện tại Khoản 1 và dễ sinh tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm. Mặt khác công tác THA rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi mọi CHV phải có kinh nghiệm thưc tiễn mới có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của công việc. Nếu một người chỉ làm công tác pháp luật 10 năm hoặc 15 năm mà chưa từng làm công tác THADS, làm CHV sơ cấp thì cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, công tác THADS thường được dư luận xã hội quan tâm, chú ý, hiệu quả công tác của CHV đồng thời được đánh giá là hiệu quả của công tác THADS nên không thể bổ nhiệm theo kiểm đặc cách như vậy./.

Trọng Khánh (Hương Giang – Ban Nội chính)

Box:

Điều 20. Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV

1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được bổ nhiệm CHV sơ cấp:

a) Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân Luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

b) Có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên;

c) Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

d) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV sơ cấp.

2. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được bổ nhiệm CHV trung cấp:

a) Có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Có thời gian làm CHV sơ cấp từ năm năm trở lên;

c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV trung cấp.

3. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được bổ nhiệm CHV cao cấp:

a) Có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Có thời gian làm CHV trung cấp từ năm năm trở lên;

c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV cao cấp.

4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm làm CHV trong Quân đội.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp trong Quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này.

5. Trong trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, thì có thể được bổ nhiệm CHV trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười lăm năm trở lên, thì có thể được bổ nhiệm CHV cao cấp.

 Huy Anh